Nhịp sống âm thanh
Đôi dòng tản mạn về con-người-thơ Trịnh Công Sơn
15:26 | 01/04/2016

KỶ NIỆM 15 NĂM NGÀY MẤT NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN     

LÝ TOÀN THẮNG
(Viết tặng VH và BH)

Đôi dòng tản mạn về con-người-thơ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nét vẽ của Đinh Cường

Tôi không có cái may mắn, như nhiều người, được là bạn của ông, hoặc ít nhất cũng được ông nhớ tên nhớ mặt. Tuy rằng, tôi cũng có diện kiến ông hai lần, đều ở Sài Gòn, có lẽ phải từ những năm 80 gì đó, và đều là do đi uống bia với thầy Cao Xuân Hạo, vô tình chạm mặt ông, bắt tay nói dăm câu ba điều. Lúc ấy bia đang còn rất hiếm, hình như chỉ bán ở một vài nơi, trong đó có Nhà khách Thành ủy Bến Nghé - nơi tôi được gặp ông.

Thời đó tôi cũng chưa thích ‘nhạc Trịnh’, tôi đang còn mải mê với những bản nhạc không lời của những Paul Mauria, Francis Goya, James Last. Phải sau này, khi không còn trẻ, đã qua những trải nghiệm thăng trầm, tôi mới dần dà thích nghe ông, hay nói đúng hơn - nghe những tình khúc của ông, vì trong đó phần ca từ của ông thực sự làm tôi kinh ngạc: có những câu, những đoạn tài hoa như thơ - thơ hay, của những nhà thơ tài danh hiếm hoi!

Tuy thế, vì nhiều lí do, cũng chưa bao giờ tôi viết về ca từ trong những tình khúc hay nhất của Trịnh Công Sơn. Phải mãi gần đây, một chiều buồn, ngồi nghe mấy người bạn cùng nghề ngôn ngữ học hát ‘nhạc Trịnh’, chơi ghi ta mộc, bỗng tự dưng thấy nhớ ông và muốn viết về ca từ, về con-người- thơ trong những tình khúc rất đẹp và buồn của ông… Thế rồi mấy người bạn giục, khuyên nên viết về ca từ của tình khúc Đêm thấy ta là thác đổ, vì đó là thơ - hơn thế, hình như thầy Hoàng Ngọc Hiến có đề nghị xếp vào danh sách những bài thơ tình hay nhất thế kỉ XX. Bây giờ… trước mắt tôi là bản ca từ ấy (cũng do mấy người chép hộ). Và tôi bắt đầu đọc, bắt đầu nghĩ.

*

Thơ ‘Tây’ (như thơ Nga, thơ Anh, thơ Pháp) cũng như thơ ‘Ta’/thơ Việt đều có câu chuyện vần điệu, nhịp điệu. Nhưng thơ Tây khác hẳn thơ Ta ở một điểm căn bản: tổ chức ngữ âm của nó, âm luật của nó là do sự bố trí các âm tiết có Trọng âm và Khinh âm (không có trọng âm) trong dòng thơ, câu thơ mà có; còn thơ Ta thì khác - ấy là câu chuyện sắp xếp, hòa phối các thanh Bằng thanh Trắc (trong số 6 thanh: Ngang, Huyền, Sắc, Nặng, Hỏi, Ngã) của một ngôn ngữ có thanh điệu. Rồi trong nội bộ thanh Bằng thanh Trắc lại còn chia ra: Bằng Cao (thanh Ngang, không ghi dấu), Bằng Thấp (thanh Huyền), Trắc Cao (thanh Sắc, thanh Ngã), Trắc Thấp (thanh Nặng, thanh Hỏi). Câu thơ Việt nhờ những Bằng - Trắc, Cao - Thấp đó mà khi trầm khi bổng, khi lên khi xuống, với những ấn tượng thanh âm mà trong truyền thống từ chương và thi pháp xưa, cổ nhân đã từng chỉ giáo: thanh Bằng thì uyển chuyển du dương, như con đường bằng phẳng, (nghe) buồn nhưng êm ả; thanh Trắc thì không du dương uyển chuyển, như con đường mấp mô lên xuống, trong đó: hai thanh Sắc, Nặng thì nghe buồn nhưng trong mà xa (khi ở trong các tiếng có âm cuối là các phụ âm -p,- t,- c,- ch thì nghe ngắn, thẳng mà gấp gáp, thúc giục); hai thanh Hỏi, Ngã thì nghe mạnh, đẹp và cao. Cho nên, nếu xét ca từ trong tình khúc Đêm thấy ta là thác đổ từ góc độ thi ca, như một thi phẩm, thì cũng phải bắt đầu trước hết, và quan trọng nhất, từ âm luật Bằng - Trắc và Cao - Thấp của nó.

*

Ca từ của tình khúc Đêm thấy ta là thác đổ là một thi phẩm lạ, độc đáo - ấy là vì nó không tuân theo những khuôn phép thông thường, vốn có cuả các ‘thể loại thơ’. Thi phẩm, như một thứ cây lai ghép: nó vừa ‘thất ngôn’ (7 chữ) lại vừa ‘lục ngôn’ (6 chữ). Truyền thống thơ Việt cũng có một trường hợp như thế; đó là thơ ‘song thất lục bát’: hai câu 7 chữ lai ghép với hai câu 6 - 8 chữ (lục bát). Toàn ca từ/bài thơ có 28 câu, 2 lời, mỗi lời 7 câu thơ 7 chữ và 7 câu thơ 6 chữ; dựa theo cả phần nhạc và phần lời có thể chia làm 3 trường đoạn nhạc và 3 khổ thơ như sau.

I
Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa tường vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa


II
Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa
Đời ta có khi là lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do


III
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố kia tôi về
Ngày xuân bước chân người rất nhẹ
Mùa xuân đã qua bao giờ
Nhiều đêm thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe


Tất cả các khổ thơ đều được tổ chức theo lối - bắt đầu là một câu bảy chữ, rồi tiếp theo là một câu sáu chữ, và cứ thế lặp lại cho đến hết bài.

Một người từng làm thơ (hay rất yêu thơ) hẳn biết rằng: thơ 7 chữ âm luật khác với thơ 6 chữ; cho nên phải xem xét riêng từng loại một. Hãy thử phân tích kỹ khổ mở đầu tình khúc ở Lời I làm ví dụ minh họa. Khổ này có hai câu thơ 7 chữ:

Một đêm bước chân về gác nhỏ
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ


Cuối dòng là vần Trắc (nhỏ, nọ), với một cách bố trí thanh điệu ở ba vị trí bắt buộc ‘phân minh’ 2, 4, 6 (các chữ được in đậm) theo mô hình: Bằng (2) - Bằng (4) - Trắc (6). Chúng làm ta nhớ đến những câu thơ ‘thất ngôn’ kinh điển của Bà Huyện Thanh Quan: “Lom khom dưới núi tiều vài chú”, cũng với vần Trắc cuối dòng như thế, nhưng với một mô hình âm luật Bằng- Trắc khác hẳn: Bằng - Trắc - Bằng. Hay câu thơ mở đầu của Huy Cận trong thi phẩm Tràng giang bất hủ: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”, cũng với vần Trắc cuối dòng như thế, nhưng cũng với một mô hình âm luật Bằng - Trắc khác hẳn :Trắc - Bằng - Trắc. Như ta có thể dễ dàng nhận thấy qua trường hợp Bà Huyện Thanh Quan và Huy Cận, thơ ‘thất ngôn’(7 chữ) thường mô hình âm luật phải là: Bằng - Trắc - Bằng hay Trắc - Bằng - Trắc. Điều này ta không thấy ở ba dòng thơ 7 chữ trên của Trịnh Công Sơn, bởi Trịnh Công Sơn đã ‘phá cách’ vượt ra ngoài những khuôn vàng thước ngọc của thơ ‘thất ngôn’ - ông đã chọn một mô hình âm luật bất thường’: Bằng (2) - Bằng (4) - Trắc (6). Hơi thơ của ông vì thế nghe lạ lẫm, nhưng hay (và nó phù hợp với phần nhạc trong tình khúc của ông, như ta sẽ thấy ở phần dưới). Hãy nhớ lại tài hoa Hàn Mạc Tử, ông cũng từng ‘phá cách’ như vậy, khi mở đầu tuyệt tác Đây thôn Vĩ Dạ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” cũng là với vần Trắc cuối dòng, nhưng mà với một mô hình âm luật Bằng - Trắc bất thường: Bằng - Bằng - Bằng.

Bây giờ ta hãy xem tiếp sang hai câu thơ 6 chữ ở khổ đầu ca từ:

Chợt nhớ đóa hoa tường vi
Giờ đây đã quên vườn xưa


Lại cũng là những dòng thơ lạ, bất ngờ một cách tài hoa về phương diện âm luật. Một mặt, thơ 6 chữ nếu theo mô hình thơ lục bát thì phải là vần Bằng ở cuối dòng, và Trịnh Công Sơn đã theo như vậy. Nhưng mặt khác, về Bằng Trắc thì ông lại ‘phá cách’ một cách mạnh mẽ, trong ba câu thơ 6 chữ trên ông không hề theo cái mô hình âm luật của thơ lục bát là: Bằng - Trắc - Bằng (B - T - B) thường thấy ở dòng lục: “Yêu nhau cởi áo cho nhau” (Ca dao); “Ngày xuân con én đưa thoi” (Truyện Kiều), mà ông biến hóa:

Chợt nhớ đóa hoa tường vi: T - B - B
Giờ đây đã quên vườn xưa: B - B - B

Nghĩa là xét từ góc độ lí luận thi ca, phần lời/ca từ trong Đêm thấy ta là thác đổ là thơ làm theo lối ‘thơ tự do’ đương thời, chứ không phải theo lối ‘thơ cách luật’ truyền thống. Nếu bây giờ ghép trở lại ba câu thơ 7 chữ với ba câu thơ 6 chữ, như trong khổ mở đầu tình khúc, ta sẽ có mô hình âm luật của chúng như sau:

Bằng (2) - Bằng (4) - Trắc (6)
Trắc (2) - Bằng (4) - Bằng (6)
Bằng (2) - Bằng (4) - Trắc (6)
Trắc (2) - Bằng (4) - Bằng (6)

Thử đọc lên, nghe đã thấy nhạc, đã thấy một âm điệu trong sự hòa phối các thanh Bằng - Trắc, Cao - Thấp ở sáu dòng thơ. Có thể nghĩ đến một câu hỏi thú vị ở đây: cái con-người-thơ trong Trịnh Công Sơn là ‘phá cách’, tự do - nhưng là ông ‘muốn’ vậy hay ông ‘phải’ vậy? Câu trả lời có lẽ là cả hai, bởi ông không có tự do tuyệt đối ở đây. Trịnh Công Sơn là người-nhạc- làm-thơ (hơn là người-thơ-viết-nhạc) nghĩa là ông luôn luôn phải nương theo Nhạc khi làm thơ (trừ khi ông viết lời trước nhạc, hoặc phổ thơ người khác).

Hãy thử nhìn lại phần nhạc và phần lời mở đầu tình khúc, ta sẽ thấy ngay cái không-tự-do tuyệt đối ấy của ông - cái bó buộc không sao tránh khỏi của mối quan hệ qua lại giữa 6 thanh tiếng Việt (Ngang, Huyền, Sắc, Nặng, Hỏi, Ngã) với 7 nốt nhạc cơ bản (Đồ, Rê, Mi, Pha, Son, La, Si, Đô). Ứng với câu hát-dòng thơ 7 chữ đầu tiên là 7 nốt nhạc; ứng với 7 nốt nhạc ấy là những chữ/âm tiết mang thanh Bằng - Cao (B - C), Bằng - Thấp (B - Th) hay Trắc - Cao (T - C), Trắc - Thấp (T - Th) khác nhau được bố trí khéo léo trong ca từ:

La Đố Si La Si Mì

Một đêm bước chân về gác nhỏ

t-th B-C t-c B-C b-th T-C t-th

Ứng với câu hát - dòng thơ 6 chữ thứ hai là 6 nốt nhạc; ứng với 6 nốt nhạc ấy là những chữ/âm tiết mang thanh Bằng - Cao (B - C), Bằng - Thấp (B - Th) hay Trắc - Cao (T - C), Trắc - Thấp (T - Th) khác nhau của ca từ:

Sol Fa Mi Rê Mì

Chợt nhớ đóa hoa tường vi

t-th T-C t-c B-C b-th B-C

Tiếp theo, câu hát-dòng thơ (7 chữ) thứ 3 khá đặc biệt, phần nhạc thì giống như ở câu (thơ 7 chữ) thứ 1 nhưng phần lời thì khác - Trịnh Công Sơn thay đổi âm điệu và âm vực ở chữ thứ 1 của câu hát:

Mi La Đố Si La Si Mì

Bàn
tay ngắt hoa từ phố nọ

b-th B-C t-c B-C b-th B-C t-th

Đến câu hát - dòng thơ (6 chữ) thứ 4, câu cuối cùng của khổ thơ mở đầu, Trịnh Công Sơn tiến xa hơn, ông đổi mới cả phần nhạc lẫn phần lời:

Mi Si Rế Đố Si Đố

Giờ đây đã quên vườn xưa

b-th B-C t-c B-C b-th B-C

Cả bốn câu hát - dòng thơ ở trường đoạn I mở đầu tình khúc này, Trịnh Công Sơn đều bắt đầu bằng một nốt vừa phải, nốt Mi - mà ứng với nó ông chọn các từ có thanh Thấp (Huyền, Nặng): Một, Chợt, Bàn, Giờ. Thế nhưng sang hai câu hát - dòng thơ mới của trường đoạn II, theo dòng cảm xúc, Trịnh Công Sơn lại khác - ông mở đầu câu hát với một nốt cao hơn, nốt La, rồi nương theo đó dâng lên, cao nữa với những nốt Đố, Rế, Mí, Fá tiếp theo:

La Mí Fá Mí Rế Mí La

Một hôm bước qua thành phố lạ (7 chữ)

La Rế Mí Rế La Đố

Thành phố đã đi ngủ trưa (6 chữ)

Có điều phần nhạc thì được Trịnh Công Sơn biến hóa đi như vậy, nhưng phần lời thì ông lại không thay đổi, vẫn giữ nguyên sự phân bố, hòa phối các thanh Bằng - Trắc và Cao - Thấp như ở trường đoạn/khổ thơ I, cụ thể là:

t-th B-C t-c B-C b-th T-C t-th (7 chữ)

b-th T-C t-c B-C t-th B-C (6 chữ)

Có điều hơi lạ nữa là ở đây mặc dù nốt La cao hơn nốt Mi, nhưng Trịnh Công Sơn vẫn dùng thanh Thấp giống như ở nốt Mi: Một, Thành (chứ không dùng thanh Cao). Có lẽ là lí do ngữ nghĩa buộc ông phải vậy, ông không thể tự do khi cần diễn đạt những tình ý bằng lời: Một hôm, Thành phố.

Ở hai câu hát tiếp theo, cảm xúc sau khi dâng lên bây giờ dường như đã lắng xuống, dường như Trịnh Công Sơn đã bình tâm hơn nên ông quay trở lại với giai điệu đã sử dụng ở trường đoạn I, thấp và đều hơn - với những thanh Bằng - Trắc, Cao - Thấp tương ứng:

La Đố Si La Si Mì

Đời ta khi cỏ

b-th B-C t-c B-C b-th T-C t-th

Sol Fa Mi Rê Mì

Ngồi hát ca rất tự do

b-th T-C b-c T-C t-th B-C

Nhìn một cách tổng quan, trong cả tình khúc Đêm thấy ta là thác đổ, ở Lời I, Trịnh Công Sơn đã sử dụng tất cả là:

+ Phần nhạc: 4 kiểu giai điệu ở 7 câu thơ 7 chữ và 6 kiểu giai điệu ở 7 câu thơ 6 chữ; tổng cộng là 10 kiểu;

+ Phần lời: 4 loại âm luật Bằng - Trắc và Cao - Thấp ở 7 câu thơ 7 chữ, và 7 loại âm luật ở 7 câu thơ 6 chữ; tổng cộng là 11 loại.

Có một điều về nguyên tắc ta nên chú ý ở đây: ca từ ở một bài hát dù ‘thơ’ đến đâu nó cũng được tổ chức, về thanh âm, có chỗ khác với một bài thơ thông thường vì hai lẽ. Thứ nhất, trong một ca khúc sự khu biệt chỉ có hai bậc ‘Cao - Thấp’ của thanh điệu không đủ khả năng thể hiện hết những phân cách tinh tế ở bảy nốt nhạc (chưa kể tới sự Thăng - Giáng). Thứ hai, viết lời cho một ca khúc người nhạc sĩ chú tâm trước hết đến sự đối lập Cao - Thấp (tức là âm vực - pitch của thanh điệu) ở các từ ngữ hơn là sự đối lập Bằng - Trắc của chúng; điều này không giống như khi làm thơ người thi sĩ trước hết và chủ yếu phải quan tâm đến âm luật Bằng - Trắc vốn là cái hồn cốt làm nên các thể loại thơ. Cho nên, xét một ca từ như trong tình khúc Đêm thấy ta là thác đổ, ta có thể bỏ qua âm điệu Bằng - Trắc, chỉ xét âm vực Cao - Thấp của những thanh mà Trịnh Công Sơn đã lựa chọn cho các nốt nhạc tương ứng ở mỗi câu hát, và ta sẽ thấy sự lựa chọn này ở Trịnh Công Sơn rất khéo léo và tinh tế - đặc biệt là ở 5 vị trí đầu.

Quý bạn đọc có thể tự hỏi: vì sao Trịnh Công Sơn không chọn một giai điệu khác cho phần nhạc, và từ đó là một âm điệu Bằng - Trắc, một âm vực Cao - Thấp khác cho phần ca từ, phần thơ của tình khúc? Chẳng hạn, ông có thể thay đổi phần nhạc, để có một phần lời mới mở đầu cho tình khúc, bắt đầu bằng một vần Bằng ở câu thơ 7 chữ, và sau đó là một vần Trắc ở câu thơ 6 chữ. Giá sử (vâng, giá sử thôi!) ông hạ bút:

Về gác nhỏ một đêm bước chân (7 chữ)
Đóa hoa tường vi chợt nhớ (6 chữ)
Từ phố nọ bàn tay ngắt hoa (7 chữ)
Giờ đây đã quên vườn (6 chữ)

Nghĩa là mọi sự ngược hẳn lại với phần ca từ đã có trong tình khúc, ở mỗi dòng thơ cũng như trong cả khổ thơ. Quý bạn đọc sẽ tìm ra câu trả lời (thậm chí không cần phải phân tích gì nhiều lắm); nếu nhớ lại thi sĩ Hàn Mạc Tử, người cũng mở đầu thi phẩm Đây thôn Vĩ Dạ với một kiểu âm luật Bằng - Trắc ‘phá cách’ như thế (y như ở tình khúc của thi nhân họ Trịnh):

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mát quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền


Nếu Hàn Mạc Tử (giả sử…) cũng chọn một nhạc điệu khác, một âm hưởng khác, chẳng hạn bắt đầu khổ thơ bằng một vần Bằng,và sau đó là một vần Trắc (như ta vừa mới giả tưởng ra ở Trịnh Công Sơn); lệ như:

Thôn Vỹ sao anh không về chơi
Hàng cau nắng mới lên nhìn nắng
Như ngọc mát quá xanh vườn ai
Che ngang mặt chữ điền lá trúc


Khi ấy mặc dù về phương diện âm luật Bằng - Trắc ở đây không có gì sai, nhưng chắc là quý bạn đọc cũng sẽ như tôi, sẽ buồn lắm lắm!...

L.T.T  
(TCSH326/04-2016)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cười cùng Haydn (11/08/2015)