Trong thời kỳ Baroque, nước Ý đóng vai trò trung tâm với những phát kiến mới về cả nội dung lẫn hình thức thể hiện của âm nhạc.
Claudio Monteverdi (1567-1643)
Claudio Giovanni Antonio Monteverdi (1567-1643) là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ viola, ca sĩ, nhạc trưởng Ý đã có vai trò quan trọng trong sự chuyển giao âm nhạc giữa thời kỳ Phục hưng và Baroque. Sinh ra khi thời kỳ Phục hưng đang phát triển, Monteverdi học nhạc với thầy Marc’Antonio Ingegneri. Năm 1590, ông nhận danh hiệu viện sĩ hàn lâm Santa Cecilia tại Roma, và từ đó, ông phục vụ quận công Mantua. Năm 1599, ông kết hôn với ca sĩ cung đình Claudia Cattaneo (mất tháng 8/1607). Họ có hai con trai và một con gái mất khi mới sinh.
Từ năm 1601 Monteverdi chỉ huy dàn nhạc nhà nguyện, phụ trách phần nhạc thính phòng tại nhà quận công Mantua. Năm 1607, Monteverdi viết vở opera La favola d’Orfeo đầu tiên. Đây là dấu ấn quan trọng trong lịch sử opera, vì nó là vở opera đầu tiên có nhạc đệm. Năm 1612, sau khi quận công mất, Monteverdi đến Venice, dẫn dắt dàn nhạc Nhà thờ lớn Saint Mark, một trong những cương vị danh giá nhất thời đó. Năm 1613, ông chuyển đến San Marco ở Venice làm nhạc trưởng. Năm 1632, ông trở thành linh mục. Monteverdi mất năm 1643 tại Venice.
Ở thời Phục hưng, trong âm nhạc, Monteverdi có vị trí sánh ngang với William Shakespeare trong văn học. Ông là nhà kinh điển đầu tiên của opera Ý, sáng tạo ra phần overture để mở màn cho vở diễn. Monteverdi để lại khoảng 20 tác phẩm âm nhạc sân khấu, trong đó có 8 opera La favola d’Orfeo (1607), Ulissey trở về quê hương (1640), Lễ tấn phong hoàng hậu Poppea (1642)… được xem là đỉnh cao bi kịch và lãng mạn; các ballet, hợp xướng, messa, motet, canzonette và khoảng 150 madrigal thế tục tình yêu và tôn giáo.
Arcangelo Corelli (1653-1713)
Arcangelo Corelli sinh ngày 17/2/1653 tại Fusignano, Ravenna và mất ngày 8/1/1713 tại Roma, ông là nghệ sĩ violin và nhà soạn nhạc Ý quan trọng hàng đầu thời kỳ Baroque. Tuy nhiên, nửa đầu cuộc đời Corelli ít được người ta biết đến. Sau này người ta chỉ biết rằng ông là đệ tử của một ca sĩ trong ca đoàn của Giáo hoàng Chapel ở Roma là M. Simonelli; học sinh của các nghệ sĩ vĩ cầm Benvenuti, Brunoli, và có khả năng còn là học sinh của Laurenti và Bassani. Từ năm 1681 đến khi qua đời, Corelli sống tại Rome với người bảo trợ là Đức Hồng y Ottoboni.
Các tác phẩm của Corelli từ lâu đã có một giá trị to lớn. Ông đã viết bản sonata cho violin (chơi trong nhà thờ tại thời điểm đó, và điều này giải thích tại sao Corelli gọi nó là “Sonate di chiesa” (sonata nhà thờ). Không chỉ có vậy, Corelli đóng góp quan trọng vào sự phát triển hình thức violin concerto với các concerti grossi.
Ảnh hưởng của Corelli lên phong cách sáng tác âm nhạc của những nhạc sỹ đương thời và nhạc sỹ các thế hệ tiếp theo rất lớn, như Tartini và Vivaldi ở Ý, Couperin và Leclair ở Pháp, Handel, Bach và Telemann ở Đức, Eccles ở Anh và Benda tại Séc… Bach đã nghiên cứu tác phẩm của Corelli và sáng tác bản Fugue cho organ, BWV 579 trên chủ đề bản Opus 3 của Corelli viết năm 1689. Concerti grossi Opus 6 của Handel là phỏng theo mô hình concerti grossi của Corelli. Các concerti grossi của Corelli luôn rất phổ biến trong văn hóa phương Tây.
Ngoài ra, Corelli còn là một nghệ sĩ biểu diễn với lối diễn đạt đầy tính trữ tình, nhiều cảm xúc và khả năng thu hút khán giả một cách lạ lùng.
Alessandro Scarlatti (1660-1725)
A. Scarlatti sinh ngày 2/5/1660 tại Sicily, Palermo, mất ngày 24/10/1725 tại Napoli. Với hơn 60 opera, ông được coi là người sáng lập trường phái opera Napoli.
Vở opera Gli Equivoci nell’amore của ông công diễn thành công tại Rome năm 1679 đã giúp ông nhận được sự bảo trợ của Nữ hoàng Thụy Điển, Christina, một trong những khán giả có mặt tại buổi diễn ở Rome. Tháng 2/1684, với sự giúp đỡ của em gái, ca sĩ opera, tình nhân của một nhà quý tộc có ảnh hưởng ở Napoli, ông trở thành Giám đốc âm nhạc của phó vương Napoli. Tại Napoli, ông sáng tác lượng lớn opera đáng chú ý bởi sự năng động và biểu cảm cùng các tác phẩm âm nhạc cho những dịp đặc biệt.
Năm 1702, A. Scarlatti rời Napoli. Ban đầu ông ở Florence, sống dưới sự bảo trợ của Cosimo III de ‘Medici. Ông đã viết nhiều opera cho nhà hát cung đình. Ông cũng đã viết một vở opera cho Đức Hồng y Ottoboni, làm giám đốc nghệ thuật cho ông ta và đóng vai trò tương tự cho ông ta tại nhà thờ Santa Maria Maggiore ở Rome năm 1703.
Tại Rome, ông đã sáng tác các vở opera xuất sắc nhất của mình (Telemaco, 1718; Marco Attilio Regolò, 1719; La Griselda, 1721) cũng như các tác phẩm tuyệt đẹp của âm nhạc nhà thờ, trong đó có một Thánh lễ cho dàn hợp xướng và dàn nhạc, dâng tặng Thánh Cecilia (Saint Cecilia) vào năm 1721. Tác phẩm chính cuối cùng của ông bị bỏ dở. Đó là một serenade cho đám cưới của Hoàng tử Stigliano năm 1723. Ngày nay, để tưởng nhớ ông, người ta đã đặt tên A. Scarlatti cho một miệng núi lửa trên sao Thủy.
Antonio Vivaldi (1678-1741)
Vivaldi sinh ngày 4/3/1678 tại Venice, mất ngày 28/7/1741 tại Vienna là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ vĩ cầm điêu luyện, giảng viên âm nhạc đồng thời là một linh mục, được đánh giá là một trong những nhà soạn nhạc lớn nhất thời kỳ Baroque, có sức ảnh hưởng lan rộng khắp châu Âu.
Le quattro stagioni được sáng tác năm 1723 là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Là một phần của Il cimento dell’armonia e dell’inventione (Vấn đề giữa sự hài hòa và sáng tạo), nó tái hiện các trạng thái và khung cảnh của mỗi mùa trong năm. Tác phẩm này vẫn được các nhà phê bình âm nhạc nhắc đến như một ví dụ tiêu biểu về âm nhạc trước thế kỷ 19. Ngoài bộ concerto nổi tiếng này, Vivaldi còn viết hơn 500 concerto khác, trong số này có 230 bản concerto cho violin, các tác phẩm còn lại là cho bassoon, cello, oboe, flute, viola d’amore, recorder, lute, hoặc mandolin. Bên cạnh đó ông còn sáng tác 46 vở opera, nhiều tác phẩm âm nhạc nhà thờ, các sinfonia, khoảng 90 sonata và tác phẩm thính phòng. Nhiều tác phẩm của Vivaldi được viết cho hợp xướng nữ tại Ospedale della Pietà, một nhà tình thương nơi Vivaldi ở trong khoảng thời gian các năm 1703 - 1715 và 1723 - 1740 khi ông được thụ phong là linh mục Công giáo. Ông cũng có một số thành tựu khi dựng các vở opera lớn ở Venice, Mantua và Vienna.
Sau cuộc gặp Hoàng đế Charles VI, Vivaldi đến Vienna với hy vọng thăng tiến. Tuy nhiên, vị hoàng đế này mất sau khi Vivaldi đến Vienna một thời gian ngắn. Chưa đầy một năm sau, Vivaldi cũng mất trong cảnh bần cùng. Sau cái chết của Vivaldi, âm nhạc của ông đã đi vào quên lãng cho đến khi hồi sinh mạnh mẽ vào thế kỷ 20.
Domenico Scarlatti (1685-1757)
Giuseppe Domenico Scarlatti sinh ngày 26/10/1685 tại Napoli, mất ngày 23/7/1757 tại Madrid là nhà soạn nhạc và nghệ sĩ đàn phím người Ý thời Baroque đã dành phần lớn cuộc đời ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Phong cách sáng tác của ông ảnh hưởng lớn đến âm nhạc thời kỳ cổ điển sau này.
D. Scarlatti trở thành nhà soạn nhạc và chơi organ cho phó vương Napoli năm 1701. Năm 1704, ông được sửa opera Irene của Carlo Francesco Pollarolo cho buổi diễn tại Napoli. Sau đó, cha ông gửi ông đến Venice. Năm 1709, ông đến Rome phục vụ Maria Kasimira, Nữ hoàng Ba Lan lưu vong. Ở đây, ông gặp Thomas Rozengreyva, nghệ sĩ organ người Anh, người sau này đã đón nhận nhiệt tình các bản sonata London của D. Scarlatti. Là nghệ sĩ đàn phím cự phách, D. Scarlatti đã tham gia cuộc thi tổ chức tại cung điện của Đức Hồng y Ottoboni ở Rome và được công nhận chơi tốt hơn Handel trên đàn phím nhưng thua Handel khi chơi organ.
Ở Rome, D.Scarlatti viết nhiều opera cho nhà hát của Nữ hoàng Kasimira. Từ 1715 - 1719, D. Scarlatti làm giám đốc âm nhạc tại Nhà thờ Thánh Peter và một năm sau, ông đi London dàn dựng vở opera Narcisco tại Nhà hát Hoàng gia. Khoảng năm 1720, D. Scarlatti đến Lisbon dạy nhạc cho công chúa Maria Magdalena Barbara. Ông trở lại Napoli năm 1725. Trong chuyến đi của ông đến Rome năm 1728, ông kết hôn với Maria Caterina Gentili. Năm 1729, Scarlatti đến Seville, nơi ông đã làm quen với nhạc flamenco. Năm 1733, ông đến Madrid dạy nhạc cho công nương Maria Barbara, người kết hôn với thành viên hoàng gia Tây Ban Nha. Tại Madrid, Scarlatti đã viết hơn 500 sonata cho đàn phím. Các tác phẩm được sáng tác trong thời kỳ Tây Ban Nha của D.Scarlatti được biết đến nhiều nhất hiện nay.
Các nhà soạn nhạc Ý đã đóng góp nhiều công lao vào việc hình thành và phát triển một khuôn mẫu và phong cách, sonata. Vào thế kỉ 16 và 17, sonata đã phát triển ở Ý bao gồm một số phần được phác họa rõ ràng theo các tốc độ và bố cục tương phản, như một phần kiểu vũ khúc được tiếp tục bằng một giai điệu chậm với bè đệm rồi được tiếp tục bằng một phần nhanh theo hình thức fugue. Các phong cách sonata chính thời Baroque: 1. Sonata da chiesa (sonata nhà thờ): có 4 chương theo khuôn chậm-nhanh-chậm- nhanh và phản ánh tính phức tạp về âm nhạc của ricercare và canzone, các hình thức cũ hơn; 2. Sonata da camera (sonata thính phòng): một chuỗi các chương nhạc ngắn có nguồn gốc vũ khúc, là tiền thân của tổ khúc; 3. Trio sonata (sonata viết cho 3 nhạc cụ); 4. Solo sonata: thường viết cho các nhạc cụ violin, flute hay viola da gamba cùng bè continuo. |
Nguồn: Thế An - Tia Sáng