Nhịp sống âm thanh
Băn khoăn dị bản
14:08 | 10/04/2017

Gần 1 tháng, sau khi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) có công văn yêu cầu tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, công chúng yêu nhạc vẫn chưa hết băn khoăn. Mới đây, việc tìm thấy bản gốc ca khúc “Con đường xưa em đi” lại càng khiến dư luận băn khoăn hơn: Mất bao lâu để nhà quản lý hoàn tất việc đối chiếu giữa bản gốc và dị bản của ca khúc? Sau sự việc này, việc xác minh dị bản ca khúc nói chung sẽ được thực hiện ra sao?

Băn khoăn dị bản
Ảnh bìa đĩa nhạc Con đường xưa em đi

1. Trước khi có công văn tạm dừng, 5 ca khúc trước 1975 là: “Cánh thiệp đầu xuân”, “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân”, “Con đường xưa em đi”; “Đừng gọi anh bằng chú” đã được cấp phép lưu hành. Cục NTBD cho biết qua xem xét nội dung ca từ một số bài hát do Sở VHTT TP HCM cung cấp, hội đồng nghệ thuật thuộc Cục NTBD đã tổ chức thẩm định lại và thống nhất tạm thời dừng việc lưu hành một số bài hát đã cấp phép phổ biến để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu với bản nhạc gốc; Tạm thời dừng việc lưu hành 5 ca khúc đã cấp phép phổ biến trước đây do vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan. Ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú” bị sai tên tác giả còn 4 ca khúc kia bị thay đổi ca từ.

Mới đây Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho hay bản gốc ca khúc “Con đường xưa em đi” do nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác (thơ Hồ Đình Phương) hiện đang được VCPMC lưu giữ. Cụ thể, ca khúc này được cấp phép phổ biến từ ngày 1-9-1969 theo giấy phép số 3577 BTT/NBC/PHNT. Điều đáng nói là theo bản gốc ca khúc “Con đường xưa em đi” đã được cơ quan quản lý văn hóa cấp phép lưu hành trong nước vào năm 1969 mà hiện VCPMC đang lưu giữ, lời ca khúc chưa hề bị chỉnh sửa lại như “dị bản” bị Cục NTBD cấm lưu hành vô thời hạn trong thời gian gần đây. Trong đó có lời: “Chiến trường anh bước đi…” chưa bị đổi thành “Lối mòn anh bước đi…”, và lời  “Nơi đây phiên gác canh dài…” chưa bị đổi thành “Nơi đây thao thức canh dài…” như dị bản. 

Sau khi công văn cấm dị bản của Cục NTBD có hiệu lực, công chúng đã không thể nghe 5 ca khúc nói trên ở một số website nghe nhạc trực tuyến, nhất là ca khúc “Con đường xưa em đi”.  Loại trừ những bài hát dị bản thuộc đối tượng tạm cấm phổ biến/lưu hành, thiết nghĩ những bài hát nguyên gốc sẽ không bị ảnh hưởng gì. Nhưng trên thực tế, cả nguyên gốc và dị bản đều nằm trong diện cấm - có lẽ để nhà quản lý đối chiếu.  

Chia sẻ với báo giới, bà Kha Thị Đàng – vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ cũng xác nhận mặc dù chồng bà khi còn sống từng có ý định chỉnh sửa lại lời ca khúc này, tuy nhiên sau đó vợ chồng ông bà chưa hề đề xuất việc chỉnh sửa với cơ quan có thẩm quyền. Điều này cũng có nghĩa, bản gốc của ca khúc “Con đường xưa em đi” vẫn còn giá trị về mặt pháp lý.

Có ý kiến cho rằng việc xuất hiện dị bản ca khúc “Con đường xưa em đi” có thể do đơn vị tổ chức chương trình tự chỉnh sửa lại để thuận tiện hơn cho việc xin cấp phép biểu diễn chương trình, hoặc nghệ sĩ tự điều chỉnh lại khi hát trên sân khấu cho phù hợp với hoàn cảnh. Nếu như vậy thì rõ ràng lỗi để xuất hiện và lưu hành “dị bản” nhạc phẩm trên không thể thuộc về nhạc sĩ Châu Kỳ hay những người đại diện cho ông về quyền sở hữu tác phẩm.

2. Xung quanh 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 bị Cục NTBD tạm dừng lưu hành vô thời hạn, nhạc sĩ Diên An đã lên tiếng, ông không phải là tác giả của ca khúc “Đừng gọi anh là chú”. Ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục NTBD, cũng cho biết, lý do tạm dừng phổ biến/lưu hành là để xác minh tác quyền. Còn đại diện VPCMC cũng xác nhận rằng nhạc sĩ Diên An có ủy quyền cho VCPMC bảo vệ tác quyền cho các sáng tác của ông, và trong số những bài hát ấy không có ca khúc “Đừng gọi anh là chú”. Hiện việc xác minh tác giả ca khúc này vẫn đang được cơ quan quản lý tiến hành.

Trước băn khoăn từ dư luận về số phận của 5 bài hát sáng tác trước 1975  nói trên, ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục NTBD khẳng định: Cục chỉ quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc này để thẩm định lại về ca từ và tên tác giả. Còn việc cấm vĩnh viễn thực chất là cấm đối với những ca khúc có tên như 5 bài hát trên nhưng phần lời bị sai lệch, bị sửa lại không đúng với bản gốc và vi phạm quyền tác giả. 

Đại diện Cục NTBD cũng một lần nữa khẳng định 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 đang bị tạm dừng lưu hành không gặp vấn đề vướng mắc gì về mặt tư tưởng nội dung. Đến thời điểm này chưa có đơn vị nào nộp đơn xin cấp phép lưu hành trở lại 5 ca khúc này nên Cục chưa xem xét. Bởi theo qui định của pháp luật, khi có đơn vị xin cấp phép thì cơ quan quản lý văn hóa mới xem xét việc có cấp phép với các sáng tác mới, hoặc cấp trở lại đối với các sáng tác đang tạm dừng lưu hành.   

Dẫu thế, một câu hỏi cũng đang được đặt ra: Với những ca khúc đã chứng minh được còn nguyên bản gốc và đã được cơ quan quản lý cấp phép như với trường hợp bài “Con đường xưa em đi” thì thời gian xác minh sẽ kéo dài trong bao lâu? Chủ sở hữu có phải xin cấp phép thêm lần nữa hay không? Trên thực tế tình trạng di bản ca khúc Việt không phải chuyện hiếm, vậy cơ chế rà soát, đối chiếu với ca khúc sau đây sẽ được nhà quản lý tiến hành ra sao?

Theo công chúng yêu nhạc, giờ đây trong thế giới phẳng, có nhiều kênh và nhiều cách để họ khai thác các ca khúc mình yêu thích. Tuy nhiên nhà quản lý cần thận trọng trước mỗi quyết định liên quan tới các ca khúc đã để lại dấu ấn, đi vào lòng người nghe.

Theo Hạ Huyền - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng