Nhịp sống âm thanh
Sơ khảo lịch sử tân nhạc ở Thừa Thiên Huế
09:49 | 31/08/2017


VĨNH PHÚC

Sơ khảo lịch sử tân nhạc ở Thừa Thiên Huế
Các nhạc công trong trang phục lễ binh dàn nhạc kèn do Pháp đào tạo tại Huế những năm trước 1945 (*Ảnh 1)

Giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX

Mặc dù văn hóa nghệ thuật phương Tây đã thâm nhập vào Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX, nhưng đến nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, với chiến dịch “bình định về tinh thần” của Pháp thì văn hóa Pháp và phương Tây mới thực sự ồ ạt tràn vào Việt Nam một cách mạnh mẽ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Sài Gòn… Rất nhiều loại nhạc của phương Tây đã du nhập vào Việt Nam bằng nhiều nguồn, thông qua nhiều phương tiện truyền bá khác nhau như nhạc của Thiên chúa giáo, của các đội nhạc kèn hơi và kèn đồng của quân đội Pháp và các đội lính khố xanh, khố đỏ; của tổ chức Hướng đạo, cũng như các đoàn ca nhạc tạp kỹ nước ngoài, qua sách báo, phim ảnh, máy hát, radio v.v.

Cố đô Huế, nơi Pháp đặt Tòa khâm sứ Trung kỳ, đại diện cho bộ máy cai trị của chế độ thực dân tại Trung kỳ, vì thế Huế là nơi luôn có đông quan chức và binh lính Pháp, với hệ thống nhà thờ Công giáo, dòng tu, chủng viện… nên các luồng âm nhạc phương Tây du nhập vào Việt Nam đều có qua Huế và đã đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là tầng lớp giáo dân, thanh niên… manh nha từ khoảng năm 1912. Học sinh Công giáo ngoài việc học giáo lý còn được các thầy Dòng người Pháp dạy thêm các kiến thức âm nhạc cơ bản của phương Tây để hát Thánh ca và đệm đàn cho các buổi lễ nhà thờ. Theo Dương Quang Thiện trong Sử liệu lịch sử âm nhạc Việt Nam cho biết những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã có dạy một số lớp âm nhạc phương Tây tại Huế. “Các sách hát bằng tiếng Pháp và tiếng La Tinh cũng đề có phần dạy ký âm”.1 Các nhạc cụ phương Tây cũng đã xuất hiện tại Huế như: Mandolin, Violon, Harmonica, Flute…

Cũng vào những năm đầu thế kỷ XX, để củng cố bộ máy cai trị của người Pháp, trong chiến dịch “bình định về tinh thần”, người Pháp đã ồ ạt truyền bá rộng rãi các loại hình văn hóa phương Tây với đủ mọi lĩnh vực vào các đô thị của Việt Nam, trong đó có Huế.

Về âm nhạc, tại Huế ngày 11/11/1918, dàn nhạc Kèn hơi nhà binh Pháp được thành lập, trực thuộc Tòa Khâm sứ Trung kỳ ở Huế (Musique Indigène de la Résidence Supérieure de l’Annam à Hue). Người được giao trọng trách tổ chức sáng lập là ông Bùi Thanh Vân, người nhạc trưởng, chỉ huy dàn nhạc, người Pháp là Traineau. Dàn nhạc được tổ chức thành ba bộ: bộ Gỗ, bộ Đồng và bộ Gõ với biên chế khoảng 64 nhạc công. Đây là dàn nhạc kèn hơi đầu tiên tại Việt Nam. Một năm sau, năm 1919 vua Khải Định cũng cho thành lập riêng một dàn nhạc Kèn hơi theo kiểu Pháp với mục đích đối ngoại, phục vụ cho các nghi lễ do triều đình tổ chức như các buổi đón khách, tiếp sứ… Dàn nhạc được giao cho Trần Văn Liêu tổ chức và đào tạo, thường hòa tấu các bài: Quốc ca Pháp; Quốc ca Nam triều, do Trần Như Tú chuyển soạn, phối khí; một số bản nhạc Việt Nam và Quốc tế. Năm 1920 đội kèn đồng của lính Khố Xanh Huế ra đời. Chỉ huy do người Pháp - ban đầu là Tourneau, rồi sau là Colombo. Đây là những dàn nhạc, đội nhạc chính, chưa kể các đội kèn đồng do các linh mục, các thầy trò trường dòng thực hiện trong các buổi chầu, buổi lễ…

Những dàn nhạc Kèn hơi ở Huế được đào luyện có trình độ chuyên môn khá, nên thường được chọn đi biểu diễn trong các sự kiện lớn trên toàn quốc cũng như nước ngoài, như:

Năm 1922: Biểu diễn tại Hội chợ Đấu xảo ở Hà Nội (tại cung Văn hóa Hữu nghị hiện nay).

Năm 1930: Biểu diễn ở Sài Gòn nhân dịp khánh thành đường sắt.
 

Áp phích tại hội chợ quốc tế Paris năm 1931

Năm 1931: Biểu diễn tại Hội chợ Quốc tế tại Paris, bao gồm các nước thuộc địa của Pháp do Pháp tổ chức. Dàn nhạc kèn hơi ở Huế đã đại diện cho Việt Nam tham dự, và đây là lần đầu tiên Việt Nam có dàn nhạc kèn hơi đi biểu diễn quốc tế. Trong dịp này, dàn nhạc Kèn hơi của Việt Nam, của chính phủ thuộc địa Nam triều đã được trao tặng Huy chương vàng.

Cũng trong năm này, dàn nhạc Kèn hơi được đổi tên thành dàn nhạc Kèn hơi Nam triều (Musique de la Garde Impérial) do nhạc trưởng Fournter chỉ huy. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), dàn nhạc kèn hơi đổi thành dàn nhạc Kèn hơi chính phủ Trần Trọng Kim, do Phạm Văn Minh chỉ huy… Dàn nhạc Kèn hơi ngoài phục vụ nghi lễ do Pháp tổ chức, đặc biệt dàn nhạc đã thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc vào  chiều chủ nhật tại “Nhà Kèn” trong vườn hoa  trước Tòa Khâm sứ Huế, thu hút rất đông công chúng đến thưởng thức. Chương trình biểu diễn tại “Nhà Kèn” thường là những tác phẩm với nhiều thể loại: cổ điển và lãng mạn của của các nhà soạn nhạc châu Âu như: Mozart, Beethoven, Schubert, Schumann, Bizet, Weber, Tchaikovsky, Chopin, J.Strauss v.v. Các bài hát phổ thông nước ngoài bằng tiếng Pháp như J’ai deux amours, La Madelon,… cũng thường xuyên biểu diễn tại nhà Kèn. Vì vậy, bên cạnh dòng nhạc cổ truyền, Huế lại tồn tại thêm một dòng nhạc Tây, công chúng được tiếp nhận thêm một màu sắc âm nhạc mới, lạ qua sự thể hiện, diễn tấu của những nhạc khí với kỹ thuật chế tác tinh vi, hiện đại như các nhạc khí thuộc bộ Gỗ:     Flute, Hautbois, Cor Anglais, Clarinette, Basson; Bộ Đồng: Cor, Trompette, Trombone, Tuba, Cornet và bộ Gõ: Grosse caisse, Tambour militaire...

Dàn nhạc kèn An Nam. Nguồn: Bibliothèque national de France (Thư viện Quốc gia Pháp)


Năm 1945, dàn nhạc kèn hơi đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, chiều ngày 30/08/1945, dàn nhạc với trên 100 nhạc công đã tham gia phục vụ lễ thoái vị của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam tại kinh thành Huế:  “Ðứng phía trước là 18 hàng nữ  sinh mặc quần trắng, áo dài trắng. Tiếp theo là các đoàn phụ nữ mặc áo dài tím. Đoàn quân nhạc gồm 130 người đứng bên phải. Lực lượng vũ trang súng trường cắm lê sáng loáng đứng bên trái... Đúng 13 giờ, Bảo Đại đọc thoái vị và trao lại cho đại diện chính phủ Quốc ấn bằng vàng và một thanh gươm bằng vàng nạm ngọc tượng trưng cho quyền lực của chế độ phong kiến. Trên kỳ đài Huế, cùng với bản nhạc hùng tráng “Tiến quân ca” lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên phần phật bay giữa trời Huế tự do độc lập”.2

Những năm cuối thập niên 30, phong trào cổ súy cho nhạc “cải cách” (thay thế cho phong trào “hát bài ta theo điệu Tây”) diễn ra sôi nổi trên toàn quốc, đó là phong trào “sáng tác theo phương pháp Âu tây” - tự sáng tác cả lời và nhạc theo lý thuyết âm nhạc phương Tây - nhen nhúm trong một số nhóm nhạc công, nhạc sĩ tại Hà Nội. Đến năm 1937, nhóm các nhạc công, nhạc sĩ trẻ như Văn Chung, Doãn Mẫn, Lê Yên, Vũ Khánh, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Thiện Tơ,… đã công bố các sáng tác mới của mình trong phạm vi nội bộ giữa các nhóm nhạc. Đến đầu năm 1938, phong trào sáng tác mới, gọi là “âm nhạc cải cách” được chính thức ra công khai với công chúng do một người Huế có giọng hát tốt, nhưng nổi tiếng ở Nam kỳ là Nguyễn Văn Tuyên. Ông được một thống đốc Pháp tài trợ để thực hiện một chuyến lưu diễn, diễn thuyết tuyên truyền cho âm nhạc Pháp khắp ba kỳ. Trong chuyến đi này, ông đã lồng ghép việc giới thiệu các bài hát tự sáng tác của mình theo phương pháp Âu tây với công chúng trẻ Hà Nội, Hải Phòng… Việc làm này đã trở thành một mồi lửa châm ngòi cho phong trào sáng tác mới - âm nhạc cải cách thực sự bùng phát và nở rộ trên khắp các thành phố lớn của nước ta, đặt nền móng cho nền âm nhạc mới - Tân nhạc Việt Nam.

Ở miền Trung, Huế, “âm nhạc cải cách” được cho là xuất hiện chậm hơn so với Hà Nội và Nam kỳ.3 Xét về phong trào, Huế chưa được rầm rộ, tập hợp thành các nhóm này nhóm nọ như các thành phố khác, nhưng sự tiếp cận với âm nhạc phương Tây và bài hát mới được sáng tác theo trào lưu “âm nhạc cải cách”, sau này là Tân nhạc, thì không phải là chậm. Từ 1918 công chúng Thừa Thiên Huế đã tiếp xúc với dàn nhạc Kèn hơi, là dàn nhạc kèn hơi đầu tiên của Việt Nam; những năm cuối thập kỷ 20 các nhà truyền giáo đã đặt lời Việt cho các bài thánh ca thay cho lời La-tinh và lời Pháp để truyền bá đạo Thiên Chúa trong con chiên… vì thế mà các nhà Dòng đã tổ chức các lớp dạy nhạc, dạy hát để phổ biến Thánh ca… Đặc biệt, từ năm 1936, một bài hát mới đã ra đời ở Huế, bài Trên sông Hương của Nguyễn Văn Thương - một thanh niên học sinh 17 tuổi (sinh năm 1919), vừa tốt nghiệp Quốc học Huế, là người tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam ở Huế. Ba năm sau Nguyễn Văn Thương cho ra đời các bài Đêm đông, Bướm hoa… nổi tiếng. Ba bài trên đã là ba bài hát mới trong số các tác phẩm Tân nhạc đầu tiên của Việt Nam.
 

Như vậy, để đánh dấu của giai đoạn Tân nhạc Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, đầu tiên phải là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với các bài Trên sông Hương, (1936), Đêm đông (1939), Bướm hoa (1942),… Sau đó là Nguyễn Hữu Ba với các bài: Quảng đường mai (1940); Xuân xuân, Lửa rừng đêm (1947); Thu Hồ với Quê mẹ (1943); Lê Mộng Bảo với Không làm nô lệ (1945); Ưng Lang với Mưa rơi (1945); Trần Hoàn với Học sinh vui tươi (1945); Văn Giảng (tức Thông Đạt) với Ai về sông Tương (1949)…; Lê Mộng Nguyên với Vó ngựa giang hồ, Mừng Khánh Đản, Mùa lúa mới (1948), Trăng mờ bên suối, Một chiều thương nhớ, Trọng Thủy Mỵ Châu, Chiều thu Mưa Huế (1949); Hoàng Nguyên với Anh đi mai về, Lời người ở lại (1952) và các sáng tác khác của các tác giả tân nhạc: Ngô Ganh, Nguyễn Đình Thị, Lê Quang Nhạc…

Để truyền bá, phổ biến các tác phẩm tân nhạc của các nhạc sĩ trong toàn quốc, lần đầu tiên một nhà xuất bản âm nhạc đã ra đời tại Huế năm 1944, nhà xuất bản Tinh Hoa. Vấn đề truyền bá cho nhạc cải cách, trước đó, năm 1939, ở Hà Nội, Ban “Tricéa” của nhạc sĩ Doãn Mẫn, Văn Chung, Lê Yên, Phạm Ngữ đã tổ chức một cơ sở in Li-tô in các bản nhạc mới để cổ động, truyền bá cho nền ca nhạc cải cách, cũng mang tên là Tricéa. Cơ sở in ấn này chỉ tồn tại được hai năm thì bị phá sản, tan rã. Năm 1944, nhà xuất bản Tinh Hoa, là một nhà xuất bản âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên ra đời ở Huế. Giám đốc là ông Tăng Duyệt, trụ sở đặt tại 121 Trần Hưng Đạo, Huế. Nhà xuất bản Tinh Hoa chuyên in ấn và phát hành các bài hát mới của các nhạc sĩ Việt Nam như Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Phạm Duy, Lê Thương, Hoàng Trọng, Dương Minh Ninh, Phan Huỳnh Điểu, Dương Thiệu Tước, La Hối, Hoàng Giác… Trên bìa bốn của một số bản nhạc đầu tiên có ghi rõ mục đích của nhà xuất bản: “Để biểu dương một nguồn âm nhạc Việt Nam mới - trên nền tảng văn hóa và nghệ thuật - Nhà xuất bản Tinh Hoa đã và sẽ lần lượt trình bày những nhạc phẩm chọn lọc giá trị nhất của các nhạc sĩ chân chính với một công trình ấn loát mỹ thuật để biếu các bạn yêu âm nhạc góp thành một tập nhạc quý”. Các bản nhạc của nhà xuất bản Tinh Hoa Huế thời đó được phát hành trên toàn cõi Đông Dương… Năm 1948 ông Tăng Duyệt   mời thêm nhạc sĩ Lê Mộng Bảo cộng tác chọn bài và biên tập để in ấn, xuất bản. Năm 1952, ông Tăng Duyệt cử nhạc sĩ Lê Mộng Bảo vào Sài Gòn để thành lập chi nhánh nhà xuất bản Tinh Hoa Huế tại miền Nam. Năm 1956 Tinh Hoa Huế ngưng hoạt động vì tình hình chiến tranh. Ở Sài Gòn, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo khôi phục và duy trì dưới tên nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam và làm giám đốc đến năm 1975.

Bản nhạc do Nxb. Tinh Hoa - Huế in những năm 1944 - 1950


Ở Thừa Thiên Huế, ngày 18/9/1945 Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên được thành lập bao gồm 4 ban: Văn học, Hội họa - Điêu khắc, Âm nhạc và Ca kịch… Tháng 11/1945 Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung bộ cũng được thành lập tại Huế. Cuối năm 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Đoàn Tuyên truyền Kháng chiến hoạt động tuyên truyền tại mặt trận Huế có nhạc sĩ Trần Hoàn và Hoàng Thi Thơ… Tháng 2/1947, mặt trận Huế bị vỡ, phần lớn văn nghệ sĩ Huế đã rời thành phố tham gia kháng chiến ở khắp các chiến trường Bình Trị Thiên, Liên khu 4… Trong giai đoạn này một số bài hát mới như Bình Trị Thiên khói lửa (1948) của Nguyễn Văn Thương, Sơn Nữ Ca (1948), Lời người ra đi (1950) của Trần Hoàn,… Những nhạc sĩ ở lại thành phố cũng có tác phẩm sáng tác về đề tài kháng chiến chống Pháp như Lê Mộng Bảo (Không làm nô lệ), Hoàng Nguyên (Anh đi mai về); Văn Giảng (Đêm Mê Linh) v.v.

Giai đoạn từ nửa sau thế kỷ XX đến nay

Những năm 50 của thế kỷ XX, âm nhạc mới ở Thừa Thiên Huế ngoài các nhạc sĩ và tác phẩm đã nêu còn có các nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (Đêm tàn Bến Ngự, Tiếng xưa); Lê Trọng Nguyễn (Nắng chiều)4; Lê Cao Phan (Phật giáo Việt Nam, Hai chú gà con)… Sau 1954, ở chiến khu Thừa Thừa Thiên Huế (sau đó sáp nhập thành Trị - Thiên Huế) qua các giai đoạn, có các nhạc sĩ: Trần Hoàn (Hồ Thuận An), Văn Dung, Thuận Yến, Nguyễn Hữu Vấn… Ngoài những ca khúc các nhạc sĩ sáng tác về đề tài kháng chiến chống Pháp và Mỹ… ngày càng nhiều các ca khúc được viết về Thừa Thiên Huế, về sông Hương núi Ngự của các nhạc sĩ trong cả nước. Đặc biệt là các ca khúc đã sử dụng âm điệu cổ truyền Huế nhưng bằng những cảm xúc và những phương tiện biểu hiện mới hơn của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Văn Cao, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Phạm Mạnh Cương, Châu Kỳ, Minh Kỳ, Trịnh Công Sơn, Trần Đại Mỹ, Lê Hữu Mục, Hoàng Thi Thơ, Duy Khánh…

Trong phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên, học sinh Huế, với những đêm “Hát cho dân tôi nghe”, đã trở thành phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” lan tỏa rộng khắp trên các đô thị miền Nam. Ở Huế, phát sinh dạng ca khúc tranh đấu, tiêu biểu là của các nhạc sĩ: Tôn Thất Lập, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Phước Quỳnh Đệ, Nguyễn Phú Yên, Trương Thìn… Từ 1975 trở về trước, Thừa Thiên Huế đã có hàng trăm ca khúc sáng tác về Huế, mang âm hưởng Huế với nhiều thể loại: nhạc kháng chiến chống Pháp, Mỹ; nhạc tranh đấu, phản chiến; nhạc Thiếu nhi; nhạc Phật giáo… Nhiều nhất, vẫn là các khúc tình ca về non nước Hương Bình của xứ Huế mộng mơ, đã tạo ra một hiện tượng hiếm thấy trong kho tàng ca khúc Việt Nam.
 

Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế trước 1975

Ngoài nhà xuất bản Tinh Hoa, các cơ sở hoạt động âm nhạc góp phần cho sự phát triển âm nhạc Huế phải kể đến là sự ra đời Tỳ Bà Trang của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba năm 1949 với mục đích “góp sức xây dựng một nền nhạc Việt bằng cách tô bồi nhạc mới, chấn hưng và cải tổ âm nhạc cổ truyền”. Trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ Huế thành lập năm 1962 với các chuyên khoa Nhạc Pháp, Hòa Thanh và Nhạc Đàn thuộc hai ngành Quốc nhạc (các nhạc cụ dân tộc: đàn Tranh, đàn Tỳ bà, đàn Nhị, đàn Nguyệt… và Nhạc cụ Phương Tây (Piano, Clarinette, Hautbois, Violon, Cello, Contrebasse, guitare, mandolin…). Sau 1975, trường mang tên là Trường Âm nhạc Huế rồi Cao đẳng Nghệ thuật Huế, Đại học Nghệ thuật Huế, và từ 2007 trở thành Học viện Âm nhạc Huế; là cơ sở đào tạo một cách chính quy về biểu diễn, sáng tác, chỉ huy, phê bình âm nhạc cổ điển châu Âu cũng như âm nhạc truyền thống Huế, Việt Nam. Bên cạnh còn có trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh cũng có đào tạo lĩnh vực âm nhạc mới.

Thể loại tiêu biểu

Ở đây không phân loại theo tiêu chí âm nhạc học,  mà chỉ sắp xếp âm nhạc mới  Thừa Thiên Huế vào hai thể loại chính là ca khúc và khí nhạc. Ca khúc là bài hát còn khí nhạc đề chỉ các khúc nhạc viết cho nhạc cụ diễn tấu.

* Thể loại Ca khúc

Trong âm nhạc mới Thừa Thiên Huế, ca khúc bao gồm các tiểu thể loại như các bài hát tình ca, quê hương, bài hát Thiếu nhi, bài hát về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm và bài hát về tôn giáo… Nhiều nhất, và tiêu biểu nhất là những khúc tình ca, những bài hát về cảnh sắc quê hương xứ Huế. Theo tập “Tình khúc Huế Thế kỷ 20” (Nxb. Phương Nam, 2002), chúng ta có thể tuyển chọn được danh sách 100 ca khúc tính đến năm 2002. Từ 2002 đến 2015 đã có thêm rất nhiều ca khúc hay về Thừa Thiên Huế ra đời và đã in ấn phát hành tại các tuyển tập: “Huế mùa thu”, “Huế - Thành phố tôi yêu”, “Mùa xuân với Huế và em” v.v.

* Thể loại Khí nhạc

Các nhạc sĩ giai đoạn sau 1975 phần lớn các nhạc sĩ được đào tạo chuyên sâu thuộc các chuyên ngành như Sáng tác, Lý luận, Chỉ huy, Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây và nhạc cụ truyền thống, Sư phạm âm nhạc… Đối với nhạc sĩ sáng tác giai đoạn này, ca khúc, do đặc tính thể loại, là loại nhạc có lời ca, thể hiện nội dung đề tài phong phú, rõ ràng, dễ hiểu, dễ phổ cập trong công chúng, nên được chú trọng nhiều.

Trong lĩnh vực khí nhạc, là loại nhạc không lời, nhất là các thể thức lớn như giao hưởng, các hợp tấu thính phòng, thậm chí là các bản sonate viết cho chỉ 1 hoặc 2 nhạc cụ, cũng đòi hỏi người nghe phải được trang bị một số kiến thức cơ bản, sơ đẳng về thể tài này… nên ít được phổ biến trong đại đa số công chúng bằng thể loại ca khúc phổ thông. Hơn nữa, tác phẩm hoàn thành lại phải được thể hiện, diễn tấu bằng dàn nhạc với rất nhiều nhạc công có tay nghề cao… Do đó, các nhạc sĩ ngại đầu tư nhiều vào thể loại này. Tuy vậy, một số nhạc sĩ, ngoài những tác phẩm nằm trong chương trình đào tạo bắt buộc phải hoàn thành để báo cáo tốt nghiệp khóa học nào đó, đồng thời lại do đam mê với thể loại khí nhạc, nên đã có những tác phẩm về Thừa Thiên Huế được thể hiện, công bố, đoạt giải cao trong các cuộc thi quốc gia và địa phương…

Một số tác phẩm được dàn dựng, thể hiện và công bố:

- “Ai Đưa Con Sáo Sang Sông” - Hòa tấu dàn nhạc cổ truyền… của nhạc sĩ Văn Giảng (nhạc sĩ giai đoạn trước 1975).

- “Trở về đất mẹ” - Tiểu phẩm cho Violocelle và Piano… của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (nhạc sĩ giai đoạn trước 1975).

- “Hương giang ngày về” - Tổ khúc cho đàn Tranh và dàn nhạc dây (quintette des corder); “Ngẫu hứng ngựa ô” - Hòa tấu dàn nhạc dân tộc và hợp xướng; “Khát vọng” - Rondo sonate cho dàn nhạc giao hưởng… của nhạc sĩ Việt Đức.

- “Tiếng sáo ly quê” - Sáo và dàn nhạc dân tộc; “Vui xuân chiến thắng” - Tứ tấu dây (quatuor à cordes); “Nhớ về cố quốc” - Hòa tấu dàn nhạc dân tộc,… của nhạc sĩ Hà Sâm.

- “Huế ngày xuân” - Dàn nhạc dân tộc tổng hợp; “Chân Mây bình minh” - Hợp xướng và dàn nhạc,… của cố nhạc sĩ Khắc Yên.

- “Ký ức Cố đô” - Giao hưởng Thơ (poèmes symphoniques); “Azakon” - Giao hưởng (symphonie); “Hiến sinh” - Rhapsodie cho dàn nhạc giao hưởng; “Nét Huế” - Hợp tấu 9 đàn tranh,… của nhạc sĩ Vĩnh Phúc.

- “Nước non ngàn dặm” - Giao hưởng (symphonie)…của nhạc sĩ Tôn Thất Việt Hùng…

*

Âm nhạc truyền thống Thừa Thiên Huế, bên cạnh dòng nhạc cổ truyền như Âm nhạc cung đình, Ca Huế, Hò Huế, Lý Huế,… thì dòng ca nhạc mới, với khối lượng tác phẩm viết về quê hương đã góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo, bản sắc cho nền âm nhạc Thừa Thiên Huế.

Những tác phẩm ca nhạc mới trên vùng đất này là sự tái tạo, tiếp nối những mạch nguồn, âm hưởng của di sản âm nhạc cổ truyền Huế bằng những cảm xúc và những phương tiện biểu hiện mới hơn. Ca nhạc mới cùng với những làn điệu, bài bản dân ca, nhạc cổ đã góp phần tạo nên sự đậm đà bản sắc đặc thù, riêng có của văn hóa Huế. Ca nhạc mới cùng với các loại hình nghệ thuật khác, đã là phương tiện hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá mảnh đất và con người Thừa Thiên Huế trong quá khứ, hiện tại, tương lai qua truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm cũng như trong công cuộc xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế.

V.P  
(TCSH342/08-2017)

---------------------
1. Nxb. Viện Âm nhạc và Múa, Hà Nội, 1995. Tác giả cũng là một trong những thành viên dàn  nhạc kèn của Pháp trước 1945.
2. “Hào hùng khí thế Cách mạng tháng Tám ở Huế”, nguồn: Tin Tức, baotintuc.vn và “Tổng khởi  nghĩa trên đất cố đô”, nguồn: Báo chí và Công luận, congluan.vn
3. Thụy Loan (1993), Lược sử âm nhạc Việt Nam, Giáo trình, Nhạc viện Hà Nội, Nxb. Âm Nhạc,  Hà Nội, tr. 72.
4. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Lê Trọng Nguyễn không thuộc đội ngũ nhạc sĩ gắn bó với Huế lâu  dài, nhưng có thời gian sinh hoạt âm nhạc tại Huế và các tác phẩm trên được sáng tác tại Huế.

------------------------
* (Ảnh 1) Khánh Trang (2007), Từ một bức ảnh xưa, tìm hiểu về dàn nhạc kèn hơi thuộc Tòa Khâm  sứ Trung kỳ ở Huế trước năm 1945, Tập san Âm nhạc Huế - Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế, số 4, tr. 44-45. Trong ảnh có cụ Ngô Văn Lệ (người ngồi bên phải), người làng Lai An, Hương Phong, Hương Trà, Thừa Thiên Huế, thổi kèn Trompette và là một Đội trưởng đội kèn thời Pháp thuộc. Ngày nay các cụ ở làng An Lai vẫn còn nhắc đến cụ Ngô Văn Lệ với cái tên Ông Đội. Ảnh do ông Ngô Viết Hùng (con của cụ Ngô Văn Lệ), Phó Giám đốc Nhà máy giấy Bãi Bằng cung cấp.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng