Năm 1947, hoạt động bí mật ở nội thành Huế bị lộ, để tránh giặc truy lùng, tôi nhảy lên chiến khu Thừa Thiên, một thời gian sau ra Ba Lòng, trèo đèo lội suối, vượt dốc Liên U Bò Ba Rền ra Hương Khê, học năm đệ tứ rồi về Huỳnh Thúc Kháng (từ Bộng dời về Châu Phong) để vào chuyên khoa văn. Học sinh trường hồi đó phần đông là cán bộ, bộ đội, đảng viên tạm ngừng hoạt động, chiến đấu để bổ túc văn hóa. Có anh chị lớn hơn tôi 5, 3 tuổi. Tổ nữ sinh Bình Trị Thiên sống nhờ nhà dân trong cùng một xóm. Với tuổi 17, 18 mọi sự dường như đơn giản và tốt đẹp: cơm “phạn điếm” miếng cháy cũng quý, khoai sắn dân cho cũng ngon, các chú bác ra vào khu Bốn thỉnh thoảng cho tiền, cho quần áo, rồi ra thỉnh thoảng cũng rủ nhau ghé vào quán làm dĩa bánh cuốn hoặc bát sốt vang nóng rẫy chua cay. Tối tối bài vở xong xuôi, các bạn nhắc: Tân Nhân hát đi! Con thuyền không bến - Đêm đông - Bà mẹ Gio Linh... Mọi người thổi đèn, có vị lên giường... còn tôi thích nhất là ra vườn, không gian thoáng đãng, mùi cây cỏ mát thơm, ra sức hát thật vang, tiếng hát càng cao càng xa càng thỏa chí. Thích thì hát chứ thuở đó cả gia đình, bạn bè và cả tôi không bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành ca sĩ - nghề đó còn xa lạ với tầng lớp chúng tôi thời bấy giờ. Sinh trong một gia đình nhà nho hay chữ, nhưng ba tôi ham kinh doanh, từ bé tôi đã theo ông sang
Vientiane
(Lào) học trường Tây, lên tám ông cho tôi vào kinh đô học và sau đó vào ký túc xá trường Đồng Khánh. Ông thường gọi đùa tôi là Doctoresse TN hay
Avocate TN
, đốc tờ TN hay luật sư TN. Mẹ tôi hò hát hay nổi tiếng vùng quê. Cứ hò đối đáp bên nào có bà là chắc phần thắng. Tiếng ru ấm ngọt của bà đã để lại trong tâm hồn chúng tôi những dư âm mãi không phai nhạt với âm điệu tiếng Quảng Trị cứ ngân cao mãi ở cuối đuôi nghe sao tha thiết. Dân làng tôi vốn có truyền thống hiếu học và ham văn nghệ. Các gia đình đều cố đùm bới cho con lên tỉnh hay vào Huế học; vào các dịp nghỉ, các anh về làng tụ tập viết báo, bình thơ, diễn kịch. Một lần anh T.K, anh họ tôi đạo diễn vở Sát Thát, tôi mới 13 tuổi, các anh cho vận đồ tang ra sân khấu, vừa ca lên mấy câu theo điệu bài chòi: “Cảnh Hoàn ơi! bôn ba chi cho dạ mãi tơi bời, cho nặng nợ lửa hương cho lỡ lời non nước!...”. Bà con ở dưới sụt sịt khóc cả lượt, mẹ tôi nổi giận la: “Em con nhỏ dại mà cho hát chi thảm rứa!”. Vừa may chị họ tôi từ trong cánh gà bước tiếp ra, đầu chít khăn đóng, giả nam, miệng cười ruồi, mọi người ồ lên cười “Coi kìa! cái ông Phiên con!” (chị giống cha như lột). Tôi rất hay hát. Ở Đồng Khánh bắt chước các chị hát bài Tây (Santa Lucia - Sérénade - Tant qu’il y aura des étoiles) rất mê Tino Rossi - được bà Hiệu trưởng Martin chọn múa đôi với Aliettes bạn học người Pháp, được sung vào đồng ca với các chị, giọng hát rất trầm và vang to. Tới thời học ở Huỳnh Thúc Kháng, năng khiếu văn nghệ của tôi được bồi bổ dần thêm qua thực tế. Bài thơ ruột của tôi hồi đó là bài thơ anh Huy Phương viết tặng cho em gái Thanh Hương ở Việt Bắc. Vở kịch “Những người ở lại” của Nguyễn Huy Tưởng đã gây nhiều ấn tượng tốt đẹp: Ngọc Dung thủ vai vợ bác sĩ, đóng khá già giặn. Tôi được phân vai Lan - với bộ áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, vừa ló ra khỏi cánh gà, chưa kịp diễn xuất, cả hội trường rào rào tiếng vỗ tay, tiếng la hò cổ vũ... quả thật không hiểu nổi vì sao lại được mến mộ như thế - phải chăng mình có duyên nợ với cái nghiệp văn công. Cuối năm đệ nhất văn Huỳnh Thúc Kháng, cùng với đợt ào ạt vào lục quân khu IV, ra Việt Bắc nhận công tác của các anh chị, tôi gia nhập đoàn văn công Mặt trận bộ Bình Trị Thiên và Trung Lào do hai anh Bửu Tiến, Đình Quang lãnh đạo vào chiến trường phục vụ bộ đội. Đó là thời kỳ gian khổ nhất của chiến trường Bình Trị Thiên: cơm gạo thối chỉ hơn lưng bát mỗi bữa, thức ăn là nước “ruốc” thằn lằn chạy qua thấy rõ (theo cách nói của cánh bộ đội), rau tàu bay độn thêm cho đỡ rỗng bụng. Có lần tôi sốt rét gầy yếu quá, anh Bửu Tiến đưa cho một miếng đường đen và giễu: “Hỡi nàng công chúa vô sản (princesse prolétarienne), ưu tiên nàng!”. Tôi mừng quá vì đau đầu, nhạt miệng... Nhạc sĩ chỉ huy Cao Xuân Hạo ra hiệu ngầm xin một nửa. Hiệu quả hoạt động của đoàn bấy giờ hạn chế - địch luôn rập rình càn lên chiến khu. Một lần, chúng tôi bị bao vây mọi phía: trên trời máy bay, dưới sông ca nô, trên bộ vây quanh... Bị bất ngờ, chúng tôi từng tốp theo hướng núi xanh mà chạy, nhóm tôi có 6 người, 4 đứa là con gái chui vào rừng sâu, đứt liên lạc với chỉ huy mất mấy ngày. Tiếng đồn ra trường Huỳnh Thúc Kháng là Tân Nhân bị chết trong trận càn, một anh bạn học cùng quê truy điệu tôi bằng một bài hát “Xuân chết trong lòng tôi”. Cả trường đã hát, đã khóc, đã xót thương tôi ra đi quá trẻ. Xuân ơi xuân, chim xa đàn Xuân ơi xuân... Ngờ đâu xuân chết trong lòng tôi, trong tiếng đàn... Nhưng tôi đâu đã chết! Một thời gian sau Bộ chỉ huy cho một số ít cùng lứa tuổi tôi trở ra học tiếp. Trên chuyến đò dọc Châu Phong - Bạch Ngọc, K.Đ, một bạn gái lớp dưới đã hát bài ấy cho tôi nghe với lời bình: “Phải có một tình yêu sâu sắc lắm anh ấy mới điên dại khi hay tin chị chết, đã cầm roi quất ngang dọc trên các nẻo đường Bạch Ngọc mà khóc và viết lên bài ấy.” Ôi! chim xa cành Trùng phùng xa lắm... Chiều vàng nhạt nắng đưa hồn về nơi đâu?! Với nỗi xúc động thơ trẻ chứa chan, tôi thầm nghĩ: - Biết là chết rồi mà vẫn yêu thương, tiếc nuối... Phải chăng đó là tình yêu chung thủy?... Xót xa thay, đó lại là mối tình bất thành: trong chuyến về thăm nhà vùng tạm chiếm, anh bị kẹt và từ đó chúng tôi mãi mãi cách chia. Thân em như giọt mưa sa... Tôi đã trải qua những tháng ngày sóng gió, đầy thử thách nặng nề trong thân phận người con gái, không gia đình, không nhà cửa, không tiền, không nghề nghiệp... Cuộc đời sẽ ra sao nếu bên tôi không có Đất mẹ với Nhân dân, không có mái trường thân yêu Huỳnh Thúc Kháng đã nâng bước tôi đi. Quên sao được các thầy cô xiết bao hiền từ, nhân hậu. Bố một anh bạn cũng là một người thầy đỡ đầu và chăm sóc tôi như con đẻ. Nhân dân địa phương nhận tôi vào trường dạy học. Tôi đã chằm nón, kéo sợi, dệt vải để kiếm thêm, các bạn học an ủi động viên tôi, có bạn hẹn khi ra trường sẽ làm việc nuôi nấng mẹ con tôi, các bạn tặng thơ, làm bài hát cho tôi biểu diễn. Chồng yêu quí của tôi quê ở Hương Sơn cũng là một học sinh Huỳnh Thúc Kháng, chính anh đã bao bọc tôi trọn đời trong tình yêu thủy chung và cao thượng. Số phận đưa đẩy tôi vào trường nghệ thuật. Tôi đã biểu diễn nhiều năm trong và ngoài nước, tiếng hát tôi luôn luôn đầy đặn tình người, tình xứ sở. Rất nhiều học sinh Huỳnh Thúc Kháng về sau trở thành danh tiếng: Anh hùng, Bộ trưởng, Giáo sư, Bác sĩ, những nhà nghiên cứu khoa học, những văn nghệ sĩ tài năng... Riêng tôi cũng được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Cảm ơn đất mẹ, cảm ơn mái trường Huỳnh Thúc Kháng, cảm ơn tấm lòng con người thuở ấy - một thuở khó, nghèo mà tình nghĩa rất đỗi bao dung, nồng hậu. Hà Nội, ngày 01-01-1995
TÂN NHÂN (nguồn: TCSH số 153 - 11 - 2001)
|