Nhịp sống âm thanh
Đêm đăng quang của kèn bassoon
15:40 | 09/09/2009
NGUYỄN THỤY KHATrong hai đêm 2 và 3.06.2004 tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội đã diễn ra chương trình hoà nhạc của Dàn Nhạc Giao Hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của Giáo sư - Nhạc trưởng người Anh Colin Metters - Cố vấn âm nhạc và nhạc trưởng hợp tác chính của Dàn Nhạc Giao Hưởng Việt Nam trong dự án 5 năm nhằm củng cố và phát triển dàn nhạc lên ngang tầm quốc tế.
Đêm đăng quang của kèn bassoon
Ảnh: yeuamnhac.com

Sau khúc khởi nhạc mở đầu của “Người điên khổng lồ” LaV. Beethoven, chương trình hoà nhạc đúng là đêm đăng quang của kèn Bassoon tại Việt Nam.

Kèn Bassoon là một nhạc khí trong bộ gỗ, là một thành viên cố định của dàn nhạc giao hưởng dù ở bất cứ biên chế lớn hay nhỏ. Kèn Bassoon có kích thước như một đoạn cây giang (chẻ lạt gói bánh chưng) và có một cần thổi hơi gắn vào như cần uống rượu cần của đồng bào thiểu số. Kèn Bassoon tiếng Pháp là Basson, tiếng Đức là Fagott, tiếng Ý là Faggotto và tiếng Nga là Phagốt. Thật bất ngờ nhạc khí kèn Bassoon trông tương tự như vũ khí B40, B41 khiến nhà thơ Anh Ngọc đã từng thốt lên câu thơ: “Và khẩu B40 như chiếc kèn Phagốt - Tấu lên giai điệu tấn công”. Bassoon là một loại kèn gỗ khó học. Bởi vậy, để nghệ sĩ Bassoon có thể “tấu lên” như câu thơ trên, đó là một cuộc khổ luyện của tài năng.

Ngay từ khi Dàn Nhạc Giao Hưởng Việt Nam ra đời (6/8/1959), số các nghệ sĩ kèn Basoon được mời về từ các dàn nhạc Đoàn Văn công cũng rất hiếm. Đó là nghệ sĩ Phạm Huyến (Đoàn ca múa nhân dân Trung ương), Vũ Thuỷ (Dàn nhạc xưởng phim Việt Nam), Trịnh Quang Thư, Bùi Đăng Tiến, Nguyễn Đức Hồng và Nguyễn Công Minh (Contre bassoon) vừa tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam. Đến khi nghệ sĩ Nguyễn Phúc Linh đang tu nghiệp kèn Basoon tại nhạc viện F.Liszt - tại Budapest - Hongrie đoạt giải nhì trong Concert Quốc gia Hongrie nhân 100 năm thành lập nhạc viện F.Liszt (1975), kèn Bassoon mới được biết đến như một nhạc khí độc tấu tại Việt Nam. Nguyễn Phúc Linh về nước 1977 và đến 1980 về giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội. Anh vừa tu nghiệp để nâng cao trình độ của mình vừa đào tạo ra các nghệ sĩ Bassoon trẻ, trong đó, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Trí Dũng - nghệ sĩ độc tấu kèn Bassoon thuộc Dàn Nhạc Giao Hưởng Việt Nam. Ở chương trình hoà nhạc này, Nguyễn Trí Dũng đã làm đăng quang cây kèn Bassoon ở Việt Nam khi cùng dàn nhạc thể hiện Concerto cung Pha trưởng viết cho Bassoon và dàn nhạc của C.M.Weber - nhà soạn nhạc người Đức (1786 - 1826) thuộc trường phái lãng mạn. Vừa là nhà soạn nhạc, nhà chỉ huy, nghệ sĩ độc tấu piano nổi tiếng, C.M.Weber còn là nhà văn và họa sĩ xuất sắc. Những thành tố tài năng tập trung nơi ông đã hướng ông tới một tri kỷ là giáo chủ Phogle với một tư tưởng thẩm mỹ hoà hợp văn minh đông - tây và đề cao nghệ thuật dân gian. Chính ảnh hưởng này đã khiến cho C.M.Weber viết Concert cho Bassoon và dàn nhạc độc đáo này. Sử dụng âm thanh kịch tính, châm biếm, hài hước và chất du mục của tiếng kèn này, nhà soạn nhạc lãng mạn C.M.Weber len lỏi giữa những âm sắc của dàn nhạc trong ba chương nhạc với những nhịp độ và cấu trúc khác nhau.

Nguyễn Trí Dũng đang chín. Nhiều người đã nghe “Dũng bột” (tên gọi đùa của Dũng ở Dàn nhạc GHVN) trình tấu không ít lần, nhưng cuộc đăng quang này tại Nhà hát lớn Hà Nội phải thừa nhận là ngoạn mục. Dưới đũa chỉ huy biểu cảm của Colin Metter, Nguyễn Trí Dũng đã làm chủ được tốc độ cũng như hơi kèn chuyển dịch giữa những âm vực răng cưa mà C.M.Weber đã tạo ra cho giai điệu độc tấu. Sau phần mở đầu nhanh, phần chậm nối tiếp đã được Dũng thể hiện đến “mọng lên” trong cảm xúc. Thật hiếm khi nghe tiếng Bassoon quyến rũ đến nao lòng trong một không gian âm thanh tráng lệ. Concerto bừng thức trong nhịp rondo nhanh như vượt thoát ra khỏi lý trí.

Nếu ngày 29.5.1993, mở đầu tác phẩm “Mùa xuân thần thánh” của I.Stravinsky là quãng âm lạ tai của kèn bassoon gây tranh cãi và mở ra chủ nghĩa hiện đại trong âm nhạc, thì trước đấy một thế kỷ, Concerto cho Bassoon và dàn nhạc của C.M.Wber đã đưa chủ nghĩa lãng mạn tới cực điểm ở âm nhạc Đức. Nguyễn Trí Dũng đã phục sinh tinh thần C.M.Weber - tác giả nhạc kịch “Mũi tên thần” bất hủ - trong tiếng kèn Bassoon đăng quang cùng dàn nhạc và tác phẩm. Sau tiếng vỗ tay vang động nhà hát, Nguyễn Trí Dũng đã nhận một cái bắt tay thật chặt của thầy Phúc Linh.

N.T.K
(187/09-04)



Các bài mới
Các bài đã đăng