Nhịp sống âm thanh
Cái tôi của người nghệ sĩ - nhìn từ một số biểu thức so sánh trong ca từ Trịnh Công Sơn
09:06 | 01/04/2010
NGUYỄN THỊ HỒNG SANHNgười ta gọi Trịnh Công Sơn là “sứ giả tình yêu”, “người tình của mọi thế hệ”, nhưng có lẽ chức danh “con người thi ca” mà nhạc sĩ Văn Cao yêu mến dành tặng cho ông là phù hợp hơn cả.
Cái tôi của người nghệ sĩ - nhìn từ một số biểu thức so sánh trong ca từ Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn và Văn Cao - Ảnh: forum.ctu.edu.vn

Trịnh là một nhạc sĩ, và cũng là một thi sĩ tự trong bản chất. Mỗi nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn có thể đồng thời được xem là một thi phẩm với đầy ắp những hình tượng ngôn từ, trong đó nổi bật là những biểu thức so sánh tu từ - một thủ pháp nghệ thuật góp phần làm nên nét duyên trong lối diễn đạt của ngôn ngữ Trịnh. Khảo sát cấu trúc, đặc điểm các yếu tố trong cấu trúc so sánh từ góc nhìn của Ngôn ngữ - Phong cách học, chúng ta cũng có thể tiếp cận giá trị của so sánh tu từ trong biểu đạt nội dung tác phẩm nghệ thuật nói chung và ca từ Trịnh Công Sơn nói riêng.

Có tất cả 338 biểu thức so sánh (BTSS) xuất hiện trong 122 ca khúc của tuyển tập Trịnh Công Sơn - những bài ca không năm tháng (1995). Trong đó, yếu tố được so sánh có thể là những từ, ngữ nằm trong trường: con người, không gian, thực vật, trạng thái, âm thanh…, nhưng với mục đích đi sâu vào khám phá cái tôi nghệ sĩ, chúng tôi chỉ khảo sát những BTSS mà yếu tố được so sánh là những từ, ngữ, cụm chủ vị có chứa những đại từ xưng hô ở ngôi thứ nhất là “tôi”, “ta”, “mình” và cả khi ẩn ngôi xưng hô.

Trong 338 BTSS thì có 56 biểu thức mà yếu tố được so sánh là cái tôi của người nghệ sĩ. Với duy nhất yếu tố bất biến - Tôi, có đến 56 biểu thức ngữ nghĩa để biểu đạt nó. Chỉ điều này đã thể hiện sự nghiêm túc của người nghệ sĩ trong hành trình tìm kiếm Cái Tôi cá nhân. Kiến tạo nên các biểu thức so sánh này, Trịnh thể hiện mong muốn được “đối thoại” với bản thân và nhân loại, qua đó bộc lộ cái Tôi của mình với cuộc đời. 

Nổi bật lên trước hết là Cái Tôi mong muốn khẳng định mình. Trong các BTSS, từ xưng hô “Tôi” xuất hiện với tần số khá lớn (36/56 lần). Tôi là gì? Tôi là ai? Đó là ám ảnh lớn nhất và sâu thẳm nhất trong lòng Trịnh. Hầu như suốt cuộc đời, Trịnh chỉ loay hoay đi tìm bản lai diện mục của cái Tôi đơn giản mà huyền hoặc đó. Trong ca từ Trịnh Công Sơn, Tôi được phô bày trong sự đối sánh với mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan: Tôi - con người (trẻ nhỏ, đứa bé, em...); Tôi - không, thời gian (phố kia không người, sông lênh đênh...); Tôi - cỏ cây (đóa hoa vô thường, chiếc lá thu phai...); Tôi - loài vật (chim ưu phiền, chim vô vọng, chim thanh bình...); Tôi - vật thể (đá ngây ngô, cánh diều vui, chút vết mực nhòe...); Tôi - trạng thái tinh thần (hạnh phúc ngu ngơ, nụ cười...). Cũng là lẽ dĩ nhiên vì tác giả muốn tìm đến tận cùng cái tôi cá nhân, muốn khám phá cạn kiệt giá trị bản thân cũng như muốn đi tận sâu vào nỗi lòng, tâm trạng của chính mình. Trong sự đối sánh đó, cái Tôi đa dạng: Tôi yêu - Tôi tra vấn - Tôi bâng khuâng - Tôi yên lặng - Tôi biến dịch - Tôi là Em - Tôi là Ta - Tôi cô đơn - Tôi suy tư - Tôi hồn nhiên - Tôi vô thường... Có thể thấy, Cái Tôi hiện lên trọn vẹn, xuyên suốt mọi chủ đề và hình ảnh trong ca khúc của Trịnh.

Bên cạnh mong muốn khẳng định bản thân, có đôi lúc chủ thể lại muốn giấu mình. Cái Tôi im lặng, thu vào bên trong, biến mình nhỏ lại và tan giữa thinh không. Điều này thể hiện qua việc xuất hiện 14/56 biểu thức khuyết chủ thể. Có lẽ trong những lúc khắc khoải trước nỗi nhớ “nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà” (Đêm thấy ta là thác đổ) hay thảng thốt khi bắt gặp những thanh âm thân thương “về bên phố xưa tôi nằm, có lần nghe tiếng ru bên vườn, chợt như xác thân không còn” (Lời thiên thu gọi), chủ thể như đánh rơi cái Tôi cá nhân để nắm bắt thật chặt và đầy đủ luồng cảm giác thân quen nhưng lạ lùng ấy.

Bên cạnh cái Tôi muốn khẳng định mình là Cái tôi thắc thỏm, nghi hoặc, mệt nhoài trong hành trình đi tìm chính mình. Trịnh luôn mong mỏi tìm đến cái Tôi đích thực. Chủ thể dường như luôn nghi hoặc cuộc hành trình này, cho nên thường xuyên xuất hiện sự liệt kê hàng loạt các BTSS trong một ca khúc. Chẳng hạn, trong “Như chim ưu phiền”, tác giả lần lượt ví mình với hàng loạt hình ảnh: “con chim chiều mang đầy nắng quạnh hiu”, “chim ưu phiền bay về cuối dòng sông”, “con chim bệnh thiếu hạnh phúc trần gian”, “con chim buồn bay về lúc chiều hôm”, “con chim vô vọng linh hồn rất mong manh”, “chim thanh bình mơ được sống hồn nhiên”. Bên cạnh đó, để tìm đến cái Tôi đích thực, chủ thể còn bộc lộ bản ngã qua cái nhìn đối sánh với con người, không gian, động vật, thực vật, vật thể... Trong đó, khi lấy không gian làm thước đo tâm trạng, Tôi luôn biến dịch: Tôi cô đơn, trống vắng như “con đường dài vắng người; Tôi vô thường như “cơn gió”, “mây trời”; Tôi nhỏ bé như “giọt nắng”; Tôi chông chênh, vô định như “thác đổ”, “sông lênh đênh”. Tôi rõ ràng là một thân phận, một số kiếp, một dấu hỏi bất tận, một hành trình tìm kiếm khôn nguôi.

Trịnh Công Sơn đã từng bộc bạch: “Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng (…). Và như thế, tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng” (Trịnh Công Sơn - những bài ca không năm tháng, tr.272). Trịnh vào đời với vóc dáng độc đáo, với những đắm đuối đến tận cùng của đam mê, hoà trộn cùng niềm đau thương rã cánh của một tâm hồn ngu ngơ, nhìn cuộc đời với nỗi lo sợ và chán chường “Tôi như nụ hồng nhiều khi ưu phiền chờ tôi rã cánh một lần” (Tư tình khúc). Chính vì những mâu thuẫn nội tâm phát triển quá mạnh mẽ trong mỗi suy nghĩ, nên tiếng nhạc của Trịnh lúc nào cũng choáng váng, ngây ngất trong từng vũng âm thanh run rẩy, nghẹn ngào để chạy trốn vào tiềm thức của người thưởng ngoạn.

Cái Tôi của Trịnh rất lạ lùng: chưa vui đã thấy buồn, chưa gần đã thấy xa, chưa đi đã thấy về, chưa yêu đã thấy mất. Tôi loanh quanh, thắc thỏm, nghi hoặc vì “lòng tôi có đôi khi mơ hồ tưởng mình đang là cơn gió” (Lời thiên thu gọi) và “tôi thấy tôi là chiếc bóng phai mờ” (Những ngày không còn buồn). Trong nhạc Trịnh, chúng ta thấy cái chia lìa nằm trong gặp gỡ, cái đớn đau nằm trong hạnh phúc, cái khởi đầu nằm trong cái kết thúc. Nó đẩy ta đến bến bờ của những suy ngẫm nhân sinh, những khắc khoải nhân thế.

(Ảnh: imuzik.com.vn)

Không chỉ vậy, tan trong cõi nhạc Trịnh còn là Cái tôi nhạy cảm với cuộc đời. Trịnh luôn nhạy cảm với mọi sự: một chút gió, một chút nắng, một chiếc lá rơi, một tiếng cười, một cảm xúc lạ lẫm... đều khiến tác giả bồi hồi, xao xuyến. Trịnh yêu từng ngọn cỏ, lá cây, nghe được “lời tự tình của gió”, “tiếng trở mình của đất” và cả “tiếng khóc cười của những bào thai”... Trịnh không chỉ lắng nghe Tôi, nghe buồn vui trong mình, mà còn lặng nghe đất trời trở mình hú than, nghe tiếng muôn trùng, nghe im lặng của đêm, nghe đời nhấp nhô, nghe đời xa vắng. Chính tâm hồn nhạy cảm, luôn “cúi xuống lắng nghe” đã giúp người nghệ sĩ nhận ra những khoảnh khắc đặc biệt trong dòng cảm xúc của mình “Về bên phố xưa tôi nằm, có lần nghe tiếng ru bên vườn, chợt như xác thân không còn” (Lời thiên thu gọi) hay “Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà, từ những phố xưa tôi về” (Đêm thấy ta là thác đổ). Những từ so sánh “chợt như”, “bỗng như” thể hiện sự cảm nhận sâu sắc, nhạy bén, tinh tế của người nghệ sĩ khi nắm bắt những thanh âm cuộc sống.

Sự nhạy cảm của cái Tôi còn thể hiện qua việc lựa chọn yếu tố chuẩn. Sự mới lạ và bất ngờ của yếu tố chuẩn như: “trẻ nhớ nhà”, “nụ cười nở trên môi người”, “đường phố nhiều tên”…, đã góp phần tô thêm nét màu lên bức tranh ca từ Trịnh Công Sơn. Không chỉ ví mình với những sự vật hiện hữu như nụ hồng, đá, hoa trên đồng xanh,... người nghệ sĩ còn thổi luồng cảm xúc vào những vật vô tri để chúng cũng mang linh hồn, cảm xúc; cũng biết trăn trở, suy tư như con người (đá nặng nề, đá ngây ngô, cánh diều vui...). Mặc dù vậy, chủ thể vẫn chưa thật sự thỏa mãn trong hành trình kiếm tìm cái Tôi. Vì lẽ đó, những trạng thái, xúc cảm dường như không thể cầm nắm (hạnh phúc ngu ngơ, nụ cười nở trên môi người) cũng trở thành đối tượng để tác giả đối sánh với bản thân. Chỉ có một cái Tôi nhạy cảm, hòa mình vào thiên nhiên, yêu mến vạn vật một cách sâu sắc mới có thể phát hiện, cảm nhận, nắm bắt trọn vẹn những hình ảnh đáng giá trên.

Chính vì mang một tâm hồn nhạy cảm nên chìm đắm trong Trịnh còn là Cái tôi cô đơn, lạc loài, buồn bã. Thu gọn trong thân phận riêng của Trịnh là nỗi ám ảnh về sự cô đơn của kiếp người. Chính những băn khoăn, tiếc nuối, những đam mê cũng như chán chường trước mỗi số phận trong cuộc đời, trong chiến tranh đã đẩy Trịnh vào cô đơn. Tôi của Trịnh là một thực thể “mỏi ngóng tin vui” trong cõi nhân gian hết sức tạm bợ. Giữa chốn đó “Tôi như là người lạc trong đô thị một hôm đi về biển khơi”, “Tôi như là người một hôm quay lại vì sao vẫn cứ lạc loài” (Tự tình khúc). Tôi sống giữa cuộc đời, giữa mọi người nhưng tuyệt đối cô đơn, lạc loài bởi “Trời cao đất rộng, một mình tôi đi, một mình tôi đi. Đời như vô tận, một mình tôi về, một mình tôi về với tôi” (Lặng lẽ nơi này).

Tôi là một hiện hữu hoàn toàn bế tắc trong nỗi buồn đầy dâng “Tôi như con chim buồn bay về lúc chiều hôm” (Như chim ưu phiền). Bởi thế, hết âm thầm gõ buồn gót hành hương bóng đổ một mình, lòng tôi lại khép cửa “rồi bên vết thương tôi quỳ”, nhốt mình trong “căn gác đìu hiu”, bỗng một hôm chợt thấy hoang vu quanh mình mà thốt lên “Ô hay mình vẫn cô liêu!”. Nỗi cô đơn cứ chồng chéo, vây bủa lấy thân phận Tôi, đan kết thành một tấm lưới vô hình khổng lồ phủ kín thân phận Trịnh.

Chính từ cảm thức cô đơn ghê gớm đó mà Tôi khi thì “như chim xa lạ, đứng nhìn những ngày qua” (Như chim ưu phiền), khi thì “là chút vết mực nhòe” (Những ngày không còn buồn) và nhiều lúc “mơ hồ tưởng mình là cơn gió” (Lời thiên thu gọi). Bởi thế Tôi luôn bất an khi dường như đã trải nghiệm cái chết: “Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ, tôi nghĩ quanh đây hồ như” (Đêm thấy ta là thác đổ). Nỗi cô đơn luôn bủa vây Trịnh Công Sơn. Dù có lúc gặp gỡ bạn bè, nói cười xôn xao, nhưng khi trở lại với riêng mình, những niềm vui giữa phố chợ kia cũng tan nhanh “như gió vội”. Một hôm nào đó, khi thức giấc không nhìn thấy mặt trời, không nhìn thấy loài người, con người cảm thấy mình lạc loài, bơ vơ, hoang hoải “Hôm nay thức dậy, không còn thấy mặt trời như vừa mới chào đời, hôm nay thức dậy, tôi ngẩn ngơ tôi, hôm nay thức dậy, mê mỏi thân tôi” (Xa dấu mặt trời). Tiếng nhạc Trịnh Công Sơn như lả vào khung trời bi thảm của cô đơn.

Tuy nhiên, bên cạnh cái Tôi cô đơn còn có sự hiện hữu của Cái tôi hồn nhiên, luôn hoài niệm tuổi thơ và da diết nhớ quê nhà. Vẫn có sự tồn tại của cái Tôi tươi tắn trong tâm hồn Trịnh khi bất chợt “Hôm nay tôi nghe tôi cười như đứa bé mới lớn lên giữa đời sống kia” (Hôm nay tôi nghe). Vì hồn nhiên như vậy nên “một hôm bước chân về giữa chợ” người khách bộ hành “chợt thấy vui như trẻ thơ” (Đêm thấy ta là thác đổ). Đặc biệt, khi đối sánh Tôi với con người, Trịnh đã 7/15 lần dùng hình ảnh đứa bé như: “Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà chờ xem thế kỷ tàn phai” (Tự tình khúc); “Hôm nay tôi nghe tôi cười như đứa bé lớn lên giữa đời sống kia” (Hôm nay tôi nghe); “Tôi đã yêu em như trẻ thơ” (Trong nỗi đau tình cờ)... Có lẽ, nếu thấu hiểu sự nuối tiếc, day dứt của Trịnh khi mà “Ngày nay không còn bé, tôi quên sống thật thà” (Những ngày không còn buồn), thì lòng sẽ cảm nhận sâu sắc hơn cái mong ước khắc khoải được quay về tuổi thơ, được hồn nhiên, vô tư như đứa bé đẫm sâu, nhức nhối như thế nào trong Trịnh. Trịnh Công Sơn đã từng thổ lộ: “Trên cánh đồng ca khúc, tôi như đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi”. Cánh diều là biểu tượng của tuổi thơ hồn nhiên vui sống. Và có lúc, lại tìm thấy nụ cười sau bao mệt nhòa, Trịnh ví mình như “cánh diều vui”, “bông hoa vừa mọc hân hoan rơi xuống thế” (Nguyệt ca). Chính những niềm vui nhỏ bé, giản dị đó đã thổi lên niềm lạc quan, vui sống trong tâm hồn người nghệ sĩ.

Trịnh luôn hoài vọng về tuổi thơ một phần cũng vì Trịnh yêu da diết quê nhà. Nhiều lúc, lạc loài giữa dòng đời vô định, tác giả lại cảm thấy “Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà, từ những phố kia tôi về” (Đêm thấy ta là thác đổ). Từ trong nguồn cội, Trịnh Công Sơn đã yêu quê hương bằng cả trái tim. Tác giả đã từng tâm sự: “Buổi chiều Orléans, bỗng nhiên tôi thương nhớ quê nhà quá... Than ôi, quê nhà chính là tôi rồi, tôi biết làm sao được...”

Có lẽ, điều đặc biệt làm nên tâm hồn Trịnh là Cái tôi khao khát yêu thương và dâng hiến. Tác giả đã từng thổ lộ: Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống. Trịnh luôn ao ước được nhập thể vào thiên nhiên, vào muôn loài, để cảm nhận, để yêu thương, để đau và để vui niềm vui cuộc sống. Với Trịnh, cuộc đời là những vòng xoay số phận, hơn bao giờ hết, từng cá nhân phải nỗ lực để sống, để yêu thương - yêu những điều giản dị, gần gũi. Ẩn giấu tận sâu tâm hồn Trịnh vẫn là một tinh thần lạc quan khi đối diện với cõi đời. Có thể thấy, trong ca khúc “Như chim ưu phiền”, mặc dù đặt Tôi bên cạnh hàng loạt những hình ảnh “chim xa lạ”, “con chim buồn”, “chim ưu phiền”, “chim vô vọng”… nhưng để kết tác phẩm người nghệ sĩ hào sảng khẳng định: “tôi con chim thanh bình mơ được sống hồn nhiên như hoa trên đồng xanh một sớm kia rất hồng”. Dường như đã diễn ra một cuộc đấu tranh gay gắt trong nội tâm của một tinh thần luôn hướng về ánh sáng. Và kết quả của nó thể hiện một ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi đã khẳng định một cái nhìn lạc quan về sự tồn tại của con người trong cõi nhân sinh tạm bợ này.

Vì yêu da diết muôn loài và cuộc đời “Tôi như là người một hôm quay lại vì sao yêu hết cuộc đời” (Tự tình khúc) nên cái Tôi của tác giả còn là một cái Tôi dâng hiến đến tận cùng. Trịnh đã từng hát giữa cuộc đời: “Tôi như nụ cười nở trên môi người phòng khi nhân loại biếng lười” và “Tôi như đường về mở ra đô thị chờ chân thiên hạ về vui” (Tự tình khúc). Và có lẽ trong câu ca: “Từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường” (Đóa hoa vô thường) thì chủ thể đã dâng hiến tận cùng cho cuộc sống. Để kết tinh nên một đoá mong manh, thơm tho, người đi hành hương nhập thể vào bóng đêm vô tận, nở ra đóa hoa tinh khiết dâng cho cuộc đời. Từ đó, đoá hoa - tôi - là biểu hiện rõ nhất về sự vô thường.

Có thể khẳng định, những cái Tôi cô đơn, hoài nghi, hồn nhiên, khao khát và yêu thương cuộc sống đến tận cùng đã thôi thúc Trịnh Công Sơn viết lên những ca khúc tuyệt vời dâng tặng cho cuộc sống trần gian.

Như vậy, khai thác các biểu thức so sánh tu từ dưới góc nhìn của lý thuyết Ngôn ngữ - Phong cách học, chúng ta cũng có thể nắm bắt những giá trị nhân văn - văn học trong ca từ Trịnh Công Sơn. Bản vị con người - Cái Tôi dưới góc nhìn của Trịnh luôn nóng hổi một nhiệt huyết sống và dâng hiến cho cuộc đời, cho nhân loại.

Trịnh Công Sơn đã sáng tác trên 600 ca khúc. Tác giả từng lý giải cho cái sự sáng tác của mình: Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo... Người nghệ sĩ nhìn nhận cuộc đời và giành tình cảm cho đời một cách rất giản đơn, không hề tham vọng. Trịnh quan niệm rằng “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” dù chỉ “để gió cuốn đi”. Đã dành trọn suốt một đời miệt mài sáng tác và ca hát cho loài người, Trịnh Công Sơn đã thắp lửa và truyền lửa yêu thương trong trái tim nhân loại. Trịnh luôn sống mãi trong lòng người yêu nhạc vì ông chính là “người du ca qua mọi thời đại” của âm nhạc Việt Nam.

N.T.H.S
(254/04-10)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng