Văn Cao bước vào Đội Cảm tử của Việt Minh cũng tự nhiên như khi tự nhiên tham gia cách mạng. Ngày ấy, sau khi viết ra những hành khúc lịch sử như Bạch Đằng, Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca... Văn Cao gặp Vũ Quý – một cán bộ Việt Minh ở ga Hàng Cỏ. Qua trao đổi với Vũ Quý, Văn Cao quyết định thoát ly hoạt động. Trong khi chờ nhận súng để tham gia đội Cảm tử vũ trang, Văn Cao đã được giao trọng trách viết một hành khúc ra trận cho Đội quân của Việt Minh. Và Tiến Quân Ca (bây giờ đã là Quốc ca Việt ) đã ra đời cuối đông 1944. Cuối xuân 1945, Văn Cao được Nguyễn Đình Thi giao cho khẩu colt to. Một nhà tư sản có cảm tình với cách mạng giao thêm cho Văn Cao khẩu browning để dự trữ phòng bất trắc. Từ Hà Nội, Văn Cao xuống Hải Phòng để trừ khử tên Việt gian thân Nhật Đỗ Đức Phin. Khi bắn Phin, khẩu colt không nổ. Văn Cao nhanh tay rút tiếp khẩu browning nhả đạn. Vụ trừ gian ở Hải Phòng thành công. Văn Cao cải trang thoát lên Hà Nội. Và liên tiếp sau đó là những ngày hoạt động trừ gian. Mùa hè 1945, Thành ủy Hà Nội giao cho Văn Cao danh sách những tên Việt gian cần trừ khử. Văn Cao đã cải trang thành người ăn mày xuống Lủ rình bắn Cung Đình Vận. Nhưng hình như linh tính báo cho Vận biết, hắn lủi đi. Vụ Văn Cao cùng Mẫn tổ chức bắn Võ Văn Cầm và tên Ba Mai tay sai cũng làm chấn động Hà Nội tuy chỉ có Ba Mai phải đền mạng. Ngày ấy, hoạt động của các đội danh dự Việt Minh càng gần đến tháng 8.1945 càng ráo riết, càng hiệu quả. Ngày 18.6, diệt Hoàng Sỹ Nhu, cán bộ cấp cao của Quốc Dân Đảng làm tay sai cho Nhật. Ngày 20.6, bắn chết Cai Long, mật thám đắc lực của hiến binh Nhật. Ngày 7.7 trừ khử Phán Sinh phó thanh tra mật thám Pháp, chuyển sang làm mật vụ cho Nhật. Phán Sinh khét tiếng hiểm độc, nhiều thủ đoạn. Rồi đến Trương Anh Tự, một con bài của Nhật. Rồi đến Thị Nga chủ quán giải khát Thiên Hương, một cơ sở đắc lực của hiến binh Nhật. Và còn khá nhiều nữa... Văn Cao mải mê hoạt động trừ gian đến phát ốm, phải giao lại súng cho đồng chí khác. Sau Cách mạng tháng Tám, Văn Cao làm báo Lao Động và nhận luôn cả chân bảo vệ cơ quan, ở ngay tại cơ quan. Văn Cao vẫn mang bên mình một khẩu súng. Vì khẩu súng đó mà Văn Cao bị rầy rà khi gặp bọn lính Tàu Tưởng ở phố Phùng Hưng. Văn Cao bị chúng bắt, tuy có thẻ dùng súng nhưng không có chữ ký của Tàu Tưởng nên khi đi qua khu vực của chúng mà mang vũ khí thì coi như là "bất hợp". Bị tống giam, Văn Cao còn bị chúng đánh cho ra trò. Văn Cao bị tạm giam mất một tháng ròng, cho đến khi Chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng trực tiếp can thiệp, bọn Tàu Tưởng mới chịu thả ra. Thoát khỏi giam cầm, Văn Cao lại phăm phăm mang súng đi cùng Hà Đăng Ấn trên tàu lửa xuyên Việt mang tiền và vũ khí vào Quảng Ngãi, tiếp ứng cho mặt trận Nam Bộ. Đến khi trở ra, qua ga Vinh, thấy Văn Cao mặc quần đùi đeo súng, lính Tàu Tưởng lại định bắt giữ. May có sự can thiệp của chính quyền địa phương nên Văn Cao được giải thoát. Sau toàn quốc kháng chiến, Văn Cao và vợ chưa cưới (nay là bà quả phụ Văn Cao) tên là Nghiêm Thúy Băng về Ba Thá – Chương Mỹ – Hà Đông. Sau đám cưới và trọn vẹn một tuần trăng mật, theo yêu cầu của đồng chí Lê Giản, Giám đốc Công an Bắc Bộ, Văn Cao đã móc nối với đồng chí Minh già – Công an khu X, lên Lào Cai tổ chức phòng mật, lập ra một mạng lưới tìm những tên gián điệp Tàu Tưởng thâm nhập vào Tây Bắc. Văn Cao lập ra một bar rượu làm điểm theo dõi. Để có thể lập bar rượu, Văn Cao đã gặp ba thổ ty vùng Lào Cai là Nông Vĩnh Xương ở Mường Khương, Lò Văn Phú ở Bát Sát và Voòng A Tưởng ở Bắc Hà. Cuộc tiệc rượu bằng óc khỉ thật ngoạn mục. Người vợ xinh đẹp của Nông Vĩnh Xương cực kỳ phục tài uống rượu của Văn Cao. Văn Cao và một số người bạn cùng bỏ tiền với ba thổ ty góp vốn, lập bar rượu. Theo yêu cầu, Văn Cao còn làm lễ kết nghĩa anh em với Voòng A Tưởng trước sự chứng kiến của đồng chí Trần Huy Liệu – nhân danh Trung ương. Trong lễ, một cây kiếm và một khẩu súng được để bắt chéo trên bàn thờ Tổ quốc. Kẻ nào thay lòng đổi dạ phản bội Tổ quốc thì sẽ chết hoặc vì kiếm, hoặc vì súng. Ngày ấy, vừa hoạt động cùng công an, Văn Cao vẫn tiếp tục sáng tác ra những hành khúc hào hùng như Chiến sĩ Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Bắc Sơn, Công nhân Việt Nam và những bài thơ cách tân như Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc (đã in tạp chí Tiên Phong 1946) Ngoại ô mùa đông 1946 (đã in tạp chí Văn nghệ 1948) Sau nhiệm vụ ở Lào Cai, Văn Cao về xuôi, để lại vùng núi Tây Bắc một bóng hình hiệp sĩ. Về tới sông Lô thì chiến dịch vừa kết thúc, Văn Cao đi cùng Doãn Thế – ông "Voi gầm" của pháo binh Việt Nam – và binh chủng trẻ tuổi này đã bước vào âm nhạc Văn Cao trong "Trường ca sông Lô" bất hủ. Sau giải phóng thủ đô, những năm khắc nghiệt cuối thập kỷ 50 và 60 ở miền Bắc, người sĩ quan công an duy nhất thường bên cạnh chia sẻ cùng Văn Cao là đồng chí Bảo Hùng – em ruột ca sĩ Kim Tiêu nổi tiếng là giọng ca vàng với những nhạc phẩm Văn Cao. Có lẽ chính nhờ mối quan hệ này và những gì tốt đẹp Văn Cao đã nhận biết về công an qua những năm tháng cùng hoạt động, Văn Cao đã viết một hành khúc công an mang tên Người công an thân yêu vào thập kỷ 80. Hành khúc sử dụng cung đô trưởng không có hóa biểu như muốn nó trở thành một bài hát phổ biến tập thể, ai cũng có thể hát được một cách thoải mái, dễ dàng: Chân ta qua từng phố từng nhà yêu dấu Vì cuộc đời dưới mái nhà kia Yêu thành phố này yêu cuộc sống ấy Không ngừng bước đêm ngày Đoạn điệp khúc như hát lên những lời thề thiêng liêng của người chiến sĩ công an: Người công an nhân dân công tác quang vinh Thấm nhuần một truyền thống vì dân Lớp lớp người người tiến lên bảo vệ chắc chính quyền Vì Đảng chúng ta, trên đường dài ta đi Bước đường ta đi quét hết quân thù Không thành trận tuyến mà đầy hy sinh Và dường như Văn Cao đã thốt lên tự đáy lòng mình tình cảm của một người đã từng đứng trong đội ngũ: Gian lao hàng ngày cùng với nhân dân Lo sao từng ngày Tổ quốc an ninh Một ngày yêu Tổ quốc lớn không ngừng Hàng ngũ công an ta đi Hàng ngũ thân yêu ơi! Càng những năm tháng cuối đời, tình cảm của Văn Cao với những người bạn vong niên là công an càng gắn bó hơn. Giám đốc Sở Công an Hà Nội Phạm Chuyên thường xuyên cùng vợ tới thăm Văn Cao tại tư gia và có những chia sẻ rất thiết thực, rất cụ thể. Ngay cả sau khi Văn Cao đã đi vào cõi vĩnh hằng, thì những đêm nhạc nhớ Văn Cao vẫn đông đủ những gương mặt thân thuộc của những người bạn – những chiến sĩ công an từng lặng lẽ bên ông những năm tháng dài đầy nỗi niềm, tâm sự. Chắc trong đó cũng có niềm mong muốn rằng hành khúc công an của mình rồi ngày nào đó sẽ có nhiều chiến sĩ công an hát lên. N.T.K
(nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002)
|