Nhịp sống âm thanh
Chung quanh khái niệm nhã nhạc
16:54 | 08/09/2008
VĨNH PHÚCNhạc lễ (cung đình) là một thể loại của âm nhạc cung đình, bao gồm toàn bộ loại nhạc nghi thức và tế lễ của triều đình. Trong quá khứ, theo một số tư liệu rất ít ỏi còn lại, có lúc, đã được các sử gia phong kiến gọi chung là Nhã nhạc.

Tuy vậy, sử liệu âm nhạc Việt cũng không nhất quán. Nhã nhạc, có thời là toàn bộ âm nhạc cung đình chính thống; để phân biệt với tục nhạc; bao gồm cả múa văn – võ; có thời, chỉ là nhân thanh. có khi đồng nhất với Nhạc lễ, lại có khi chỉ là một bộ phận của Nhạc lễ; là tổ chức, biên chế của một dàn nhạc, mà biên chế đó cũng không hề nhất quán. Dưới triều Nguyễn, có lúc, Nhã nhạc như tương đồng, hoặc thay thế vai trò của dàn Tiểu nhạc, phân biệt rạch ròi với các loại dàn nhạc khác như Đại nhạc, Nhạc huyền... Gần đây và cả hiện nay, theo giáo sư Trần Văn Khê, cũng như một số nhà nghiên cứu, nghệ nhân khác, Nhã nhạc còn tồn tại ở cả hai loại: Tiểu nhạc và Đại nhạc.
Quá trình phát triển của âm nhạc cung đình nói chung, Nhã nhạc Việt nói riêng khá phức tạp. Khó khăn lớn nhất, như ý kiến của giáo sư Tô Ngọc Thanh: "Do thiếu tư liệu nên không thể nhìn sâu vào quá khứ hơn những gì đã tồn tại trong hơn một trăm năm của triều Nguyễn, đặc biệt là về âm nhạc"... Nhưng sau khi so sánh, đối chiếu giữa các nước có Nhã nhạc như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam, giáo sư đã có nhận xét: "Nhã nhạc được hiểu như toàn bộ âm nhạc cung đình chính thống của các triều đại phong kiến của cả bốn nước... Chức năng chung của Nhã nhạc là loại nhạc lễ và nghi thức (ritual and ceremonial music) của cung đình. (1)
Chúng tôi cũng gặp trong Tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải thích Nhã nhạc là âm nhạc chính đáng; Khâm Định Đại Nam Hội điển Sử lệ gọi Nhã nhạc là chính nhạc, người xưa dùng để tế Giao; Lê Qúy Đôn chú thích chữ Nhã có nghĩa là chính đính, những bài hát ở chốn triều đình. (2)
Nhạc lễ cung đình của Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên đều bắt nguồn từ Trung Hoa, mà trong tên gọi cũng còn có sự liên quan ít nhiều: Ya Yueh (Trung Hoa), Nhã nhạc (Việt Nam) Aak (Triều Tiên), Gagaku (Nhật Bản). Tuy vậy, mỗi nước đã tiếp thu ở Trung Hoa vào những thời kỳ khác nhau.
Nhật Bản tiếp thu từ Nhã nhạc nhà Đường ở Trung Hoa vào thế kỷ thứ VII, có sự kết hợp với âm nhạc của ba nước Triều Tiên cổ (Tam Hàn) cùng với âm nhạc Phật giáo Ấn Độ, đã dần dần Nhật Bản hóa và trở thành Nhã nhạc Nhật bản. (3)
Đối với Triều Tiên, khoảng thế kỷ thứ V đã có sự tiếp xúc, tiếp thu âm nhạc Trung Hoa.. nhưng đến thế kỷ thứ X trở đi, Nhã nhạc mới chính thức có mặt trong ba hệ thống âm nhạc chính thống của Triều Tiên.(4)
Ở Việt Nam, tên gọi Nhã nhạc được du nhập vào dưới thời nhà Hồ, năm Thiệu Thành thứ 2 (1402) với sự kiện Hồ Hán Thương tổ chức lễ Tế giao không thành. Nhà vua đã "Đặt Nhã nhạc, lấy con quan văn làm kinh vĩ lang, lấy con quan võ làm chỉnh đốn lang, tập điệu múa văn, võ " (5). Sử gia Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) đã bàn: "Từ thời Trần trở về trước, lễ giao tế trời không thể cử hành được, có lẽ là lễ nhạc chế độ còn thiếu thốn nhiều đấy" (6)... Tuy nhiên, sách An chí lược của Lê Tắc, có cho chúng ta biết trong cung đình nhà Trần (1225-1400) đã có hai dàn nhạc: Đại nhạc và Tiểu nhạc. Đại nhạc gồm 5 nhạc cụ, trong đó có 2 nhạc cụ hơi thổi, 2 nhạc cụ gõ và một nhạc cụ không rõ là gì; Tiểu nhạc gồm 5 nhạc cụ dây và 1 nhạc cụ hơi thổi. Đại nhạc chỉ sử dụng trong cung đình, chỉ có vua, những người trong hoàng tộc và các quan đại thần mới được dùng trong các đại lễ của triều đình; Tiểu nhạc thì người giàu kẻ nghèo đều có quyền dùng.(7)
Như vậy, âm nhạc trong cung thời Trần đã có thể chế, cơ cấu nhất định của nhạc lễ cung đình. Hai dàn Đại nhạc, Tiểu nhạc chắc hẳn là bóng dáng của hình thức Tọa tấu (ngồi đánh nhạc trên đường) và Lập tấu (đứng tế nhạc dưới đường) của thể chế Nhã nhạc Trung hoa mà về sau, dưới thời Lê Thái Tông (1434-1442) Lương Đăng đã phỏng theo nhạc lễ nhà Minh ở Trung Hoa mà đặt ra hai dàn nhạc là Đường thượng chi nhạc và Đường hạ chi nhạc?
Sinh hoạt âm nhạc thời nhà Trần, tuy còn mang nhiều yếu tố chất phác của dân gian, như đội mo nang cầm dùi tửu lệnh; vua cũng nhảy múa kiểu người Hồ... song không hẳn là không mang những nghi thức, nghi lễ cung đình, dáng dấp của thể chế nhạc trên đường và nhạc dưới đường: "khi yến hội ở điện Tập Hiền, trai tài gái sắc mỗi bên mười người đều ngồi dưới đất... mỗi lần có tiệc lớn, trên điện có nhạc nổi lên, nhạc khí và người ở dưới giải vũ, đều không thể thấy. Mỗi lần chuốc rượu thì lại hô lớn, nhạc cử lên, ở dưới lại giơ theo"(8)... Có một loại nhạc lễ trong cung đình gọi là nhạc thái thường. Tên gọi này chỉ thấy tác giả Vũ Trung tùy bút đề cập đến mãi dưới thời nhà Lê, nhưng là để gọi một chức quan trông coi về Nhã nhạc: quan Thái thường, còn ở thời Trần là một thể loại nhạc lễ. Sử chép đoạn Đỗ Thiên Hư đang ốm nặng nhưng vẫn cố xin theo hầu vua đi đánh giặc và vào đến đất của giặc thì mất. "Thượng hoàng than thở thương tiếc ban sắc cho dùng nhạc thái thường để cúng tế (khi đó dùng nhạc thái thường) trong việc cúng tế chỉ có quan hành khiển được dùng, còn quan thẩm hình chỉ dùng lễ tế chay nội. Thiên Hư được dùng nhạc thái thường có lẽ là ân đặc biệt đấy. Sau Nguyễn Dũ mất cũng cho như vậy" (9)...
Mặc dù không có tư liệu vang, hoặc các ký hiệu về âm thanh, cũng như lời của các bài hát, nhưng ít ra cũng cho ta thấy một cách khái quát về âm nhạc trong cung đình thời Trần. Đó là có sự định đặt về thể chế, tổ chức dàn nhạc và sự phân định rõ ràng hai thể loại Ca (nhạc có lời) và Nhạc (nhạc không lời).
Xa hơn nữa, thời kỳ nhà Lý, sử sách đã cho biết sự am hiểu và yêu thích âm nhạc của các ông vua, thể hiện trong việc định đặt số hậu phi và cung nữ dưới triều Lý Thái Tông (1028-1054): "hậu và phi 13 người, ngự nữ 18 người, nhạc kỹ 100 người"(10). Đời vua Lý Thần Tông có đội ca múa Thượng lâm đệ tử. (11) Đặc biệt là sự say mê nhạc Champa của các vua Lý, như việc đặt ra khúc nhạc gọi là Chiêm Thành âm; việc bắt kỹ nữ Chiêm về ca múa khúc Tây Thiên v.v....
Giáo sư Trần Văn Khê từ năm 1940 đã phát hiện một dàn nhạc có 10 nhạc công với 9 nhạc cụ được chạm khắc trên bệ đá của chân cột chùa Vạn Phúc tỉnh Bắc Ninh, mà về sau ông xác định "có thể là dàn nhạc cung đình triều đại Lý"... Vấn đề này, sách Lịch sử Âm nhạc Việt Nam của Lê Mạnh Thát (12) căn cứ vào các sử liệu Trung Hoa và sử liệu Phật giáo cho rằng 9 nhạc cụ trên có thể xuất hiện trước thế kỷ thứ V. Tác giả còn đưa ra lý do rất thuyết phục về sự có mặt của chỉ 9 nhạc cụ ở chùa Vạn Phúc, trong khi vào thế kỷ thứ V ở Việt Nam đã có nhạc cụ đồ kimđồ đá, mà tiêu biểu là trống đồng được ghi lại trong Hậu Hán thưkhánh đá ghi ở Ngô chí cũng như Giao Châu ký. Có thể nói thêm, bằng những nguồn sử liệu quý báu, tác giả đã nhận định khác giáo sư Trần Văn Khê về lịch sử Âm nhạc Việt Nam từ giai đoạn khởi nguyên đến thế kỷ thứ IX: "...giai đoạn từ khởi nguyên đến thế kỷ thứ IX, ông (TVK) cho rằng không có một tư liệu nào. Bây giờ cứ những trình bày trên của chúng tôi, ta không thể lặp lại kết luận ấy, bởi vì ta có khá nhiều "mẩu tin về âm nhạc" không những trên bệ đá chùa Vạn Phúc, mà còn trong những lá thư của Đạo Cao và những ghi chú của những người khác. Chúng ta biết sự có mặt của ca hát, ngâm vịnh, đọc tụng và tấu nhạc (nhạc bối) cũng như của những nhạc cụ đồ ống, đồ dây, đồ kim và đồ đá vào thế kỷ thứ 5 tại nước ta". (13)
Tuy nhiên, trên phương diện thể chế của Lễ nhạc, giáo sư Tô Ngọc Thanh nhận xét: "Nhã nhạc với tư cách một điển chế thì phải đợi đến thời đại nhà Lê (1427-1788) mới hoàn thiện." (14) Đó là sự kiện vua Lê Thái Tông, vào năm 1437 giao cho Nguyễn Trãi và Lương Đăng định nhạc lễ, nhưng do quan điểm về Nhã nhạc bất đồng nên Nguyễn Trãi dâng sơ thoái thác. Vì thế, Nhã nhạc nhà Lê đều do một tay hoạn quan Lương Đăng phỏng theo quy chế nhạc triều nhà Minh để định đặt, mà hai dàn nhạc tiêu biểu là Đường thượng chi nhạc và Đường hạ chi nhạc, 8 loại nhạc và 8 loại thanh âm...(15) Sự kiện thứ hai dưới thời Lê, theo Phạm Đình Hổ thì khoảng năm Hồng Đức (1470) có các quan đại thần như ông Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh là bậc học vấn bác hợp... mới kê cứu âm nhạc nước Tàu, hiệp vào quốc âm ta, đặt ra hai bộ: Đồng văn và Nhã nhạc. Theo Phạm Đình Hổ thì bộ Đồng văn thời chuyên tập âm luật; bộ Nhã nhạc thời chuyên chuộng nhân thanh... nhã nhạc với tục nhạc không có hỗn tạp với nhau...(16) Tác giả không bàn gì thêm về âm luật và nhân thanh của hai bộ này. Chỉ biết rằng, trên 100 năm sau, năm Quang Hưng (1578), nhạc lễ thời Hồng Đức đã thất truyền đi nhiều, đến nỗi mà tấu nhạc ở chốn triều miếu, thời chỉ là om xòm loạn bậy, không còn thành ra xoang điệu gì.(17) Đồng văn Nhã nhạc đi đến chỗ suy đồi, dàn nhạc Giáo phường (tục nhạc, đã phục hưng sau hơn 100 năm bị bài xích) thay thế cho Đồng văn và Nhã nhạc, trong cả những tế lễ trọng đại của triều đình như lễ Tế giao, Tế miếu và lễ triều hạ.
Từ thời các chúa Nguyễn, âm nhạc trong dinh, phủ đã được quan tâm, nhưng cố nhiên không phải là Nhạc lễ. Có thể, ngoài chức năng giải trí còn được sử dụng trong một số nghi thức, nghi lễ ngoại giao đơn thuần. Nhưng chí ít, cũng phải đến thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nghe theo kế của Đào Duy Từ trả lại sắc phong của vua Lê để chính thức lập ra nhà Chúa Nguyễn năm 1630, bắt đầu sự nghiệp bá vương cho dòng họ này.
Đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, Huế trở thành kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, các triều vua Nguyễn mới đầy đủ tư cách để đặt nhạc lễ chính thức của triều đình. Dưới thời Gia Long (1802-1820) sử liệu không cho biết gì nhiều ngoài 2 đội Tiểu nam, Tiểu hầu chuyên trông coi về nhạcluyện tập múa hát, sau đó hợp nhất lại thành Việt tương đội vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Còn Nhạc lễ thì mới thấy dưới thời Minh Mạng (1820 – 1840) khi giang sơn xã tắc đã tương đối ổn định thì việc lễ nghi trong triều đình mới được định đặt lại theo thể thức, quy chế chính thống của một nhà nước phong kiến.
Trong suốt thời kỳ triều Nguyễn trị vì (1802-1945), có thể nói, nhạc lễ cung đình đã được phục hưng và phát triển rực rỡ chưa từng thấy trong lịch sử âm nhạc cung đình của các triều đại phong kiến Việt . Mặc dù chỉ là sự tiếp nối, kế thừa âm nhạc cung đình triều Lê, nhưng triều Nguyễn đã hoàn thiện và phát triển thêm nhiều thể loại mới, thể hiện ở sự phong phú của các loại dàn nhạc và bài bản.
Một nhà nghiên cứu âm nhạc cung đình người Triều Tiên (Kim Young-Bong) có nêu ra ý kiến tại một cuộc hội thảo về Nhã nhạc ở Huế hồi tháng 4 năm 1997. Chị cho rằng, nghĩa rộng của Nhã nhạc, Ga Gaku, A Ak (tên gọi thể loại này của 3 nước Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên) là bao hàm tất cả âm nhạc trong cung đình; còn nghĩa hẹp hơn, Nhã nhạc bao gồm chỉ một số loại nhạc chính thức, gắn với nghi lễ, mà chúng được quyết định bởi cơ cấu, tính chất của dàn nhạc và nhạc cụ.
Chẳng hạn trong Ga Gaku (Nhã nhạc Nhật Bản), chủ yếu là nhạc do 2 dàn nhạc trong cung đình là Kangen (gồm 8 loại nhạc cụ với 16 nhạc công diễn tấu) và Bugaku với 18 nhạc công với cơ cấu tổ chức thành 2 loại: Tou gaku (Đường nhạc), Koma gaku (Cao ly nhạc) cùng với múa...
Trong A Ak (Nhã nhạc Triều Tiên) và Nhã nhạc Việt Nam, Kim Young Bong chỉ nêu ra những loại thể chủ yếu mang tính tương đồng cao trong Nhã nhạc của hai nước như: Triều Tiên, có Bát âm, múa có Bát dật và 2 dàn Tung ga, Hon ga; Việt Nam cũng có Bát âm, Bát dật, và 2 dàn Đại nhạc, Tiểu nhạc...
Vấn đề này, khi đề cập đến tính tương đồng và dị biệt trong Nhã nhạc Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản và Triều Tiên, giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng: "để phục vụ cho đời sống trong cung đình, còn có một số loại nhạc như Yến nhạc, Nữ nhạc ở Việt Nam; nhạc giải trí như Togaku, Komaguku, các bài hát Imayo ở Nhật Bản, v.v... Những loại nhạc này cũng là nhạc cung đình, nhưng không được gọi là Nhã Nhạc... (21) Đặc biệt, Giáo sư đã nêu lên những quy định có tính điển chế, chuẩn mực mà Nhã nhạc được thể chế hóa để thực hiện chức năng cơ bản là lễ nhạc và nghi thức.
Một trong những chuẩn mực điển hình là "việc trình diễn Nhã nhạc được giao cho hai loại dàn nhạc có biên chế và cơ cấu nhạc cụ khác nhau như Đường thượng chi nhạcĐường hạ chi nhạc ở Trung Hoa và Việt ; Tungga và Honga ở Triều Tiên". Dàn nhạc với biên chế nhỏ, nhạc cụ chủ yếu là dây, hơi ngồi tấu ở trên thềm của cung điện; dàn nhạc biên chế lớn gồm đủ các chủng loại nhạc cụ có âm lượng lớn như tất lật, biên chung, biên khánh và đại cổ thì đứng tấu ở dưới thềm. (Ở Việt Nam, chúng tôi nghĩ có thể là cả Đại nhạc – Tiểu nhạc đời Trần; Nhã nhạc – Đại nhạc – Nhạc huyền đời Nguyễn, và kể cả Đại nhạc – Tiểu nhạc cuối thời Nguyễn).
Một chuẩn mực khác, "trong các nghi lễ và lễ thức cung đình đều có múa theo những quy định nghiêm ngặt, được gọi là múa văn, múa võ ở Trung Hoa, múa Kinh vĩ lang và Chỉnh đốn lang ở Việt Nam, Munmu và Mumu ở Triều Tiên, và có lẽ hai loại múa "Bên Phải" và "Bên Trái" của Nhật Bản cũng có ý nghĩa tương tự... (22)
Theo giáo sư Trần Văn Khê, "trong nhạc cung đình ở Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên ngày xưa đều có hai điệu múa: văn vũ (wen ou) gồm 64 vũ sinh đứng làm 8 hàng 8 người, tay mặt cầm lông trĩ, tay trái cầm ống thược, loại sáo 3 lỗ, và võ vũ (wu ou) gồm có 64 vũ sinh, tay mặt cầm búa, tay trái đeo khiên. Trong điệu múa Bugaku (vũ nhạc) có điệu văn trong đó vũ sinh mặc áo tay rộng, và điệu võ trong đó vũ sinh mặc áo tay hẹp". (23) Dưới triều Nguyễn, điệu múa này được gọi Bát dật (8 hàng), được chỉnh đốn lại năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) để múa trong các cuộc tế lễ lớn như Tế giao, Tế miếu.v.v...
Ở Nhật Bản, điệu múa Bên Phải – Bên Trái chúng tôi chưa có tài liệu để tham khảo, chỉ được biết Nhã nhạc được chia làm 2 bộ phận, nhưng không sử dụng cặp từ ngữ Văn-Võ, Thượng-Hạ, mà là Tả (Saho) và Hữu (Uho) như: Tả phương Đường nhạc và Hữu phương Cao Ly nhạc.(24) Nhạc bên trái là những bản nhạc có gốc Trung Quốc hay là Ấn Độ và gọi chúng là Togaku (Đường nhạc hay nhạc đời Đường); nhạc bên mặt là nhạc gốc Triều Tiên và cũng gọi là Komagaku (Cao Ly nhạc). (25)
Ở Việt , triều Nguyễn đã ra sức củng cố địa vị của Nho giáo trong đời sống tư tưởng văn hóa. Vì thế, hệ tư tưởng của nó là nền tảng cho mọi thiết chế nhà nước phong kiến, và đó cũng chính là môi trường kích hoạt sự phát triển của Nhạc lễ (Nhã nhạc), cũng như âm nhạc cung đình nói chung.
Nhạc lễ cung đình thời kỳ này đã phát triển rất đa dạng với các hệ thống dàn nhạc, loại nhạc nhằm đáp ứng việc phục vụ cho các nghi thức, tế lễ phong phú nhưng cũng rất mực cầu kỳ của triều đình. Có thể, vì thế mà tên gọi Nhã nhạc không còn dùng để chỉ chung cho các loại nhạc lễ cung đình như các triều đại trước. Khái niệm Nhã nhạc đã trở nên quá chật hẹp để có thể chứa đựng tất cả các loại hình nghệ thuật trong cung đình thời kỳ này, nhất là dưới thời Minh Mạng, Tự Đức?
Chúng ta biết, nhạc lễ triều Nguyễn không chỉ là Đại nhạc – Tiểu nhạc như thời đại nhà Trần, cũng không chỉ như Đường thượng chi nhạc – Đường hạ chi nhạcĐồng văn – nhã nhạc các triều đại nhà Lê... mà là cả một hệ thống dàn nhạc, loại nhạc nghi lễ trong cấu trúc tổng thể Âm nhạc cung đình. Vì vậy, Nhã nhạc thường chỉ để gọi một bộ phận của hệ thống các loại dàn nhạc lễ có mặt trong cung đình thời kỳ này, như: Đại nhạc, Tiểu nhạc, Nhã nhạc, Nhạc huyền, Tế nhạc, Ty chung, Ty khánh v.v...Cho dù nhạc lễ cung đình triều Nguyễn phát triển phong phú và đa dạng, hoàn chỉnh và quy mô hơn với các hình thức tổ chức dàn nhạc, bài bản v.v... Nhưng nhìn chung, cốt lõi của chúng – toàn bộ phần nhạc Lễ: dàn nhạc – ca chương – múa văn – võ – vẫn là thể chế của Nhã nhạc (tiếp thu từ Trung Hoa) đã có tự thời Trần, Lê. Thể chế đó, như đã trình bày ở trên, được biểu hiện bằng những chuẩn mực chung, mà giữa các nước có Nhã nhạc đều có sự tương đồng...
Từ đầu triều Nguyễn, Khổng giáo là nguồn nuôi dưỡng trí tuệ và quy phạm đạo đức cho xã hội..."Nhưng từ nửa sau thế kỷ XIX, trước cuộc đụng độ đột ngột giữa Việt và Pháp, Khổng giáo đã không còn giữ được chức năng tinh thần trước kia của nó. Sự giảm thiểu hiệu năng tinh thần của Khổng giáo là nguyên nhân trực tiếp đưa đến sự khủng hoảng tư tưởng ở VIệt ." (26) Vì vậy, văn hoá cung đình, trong đó có Âm nhạc cung đình lâm vào tình trạng suy thoái. Các nghi thức tế lễ được giản lược, Nhạc lễ cùng chung số phận, mà đến giai đoạn cuối triều Nguyễn thì các dàn nhạc và bài bản còn lại rất ít. Việc sử dụng âm nhạc trong các dịp lễ cũng rất tuỳ tiện, không phân định rạch ròi như xưa. Nhạc cung đình lan toả vào dân gian qua các nhạc công cung đình, nhưng dân gian cũng chỉ tiếp nhận và lưu giữ một số ít những bài bản, nhạc cụ phù hợp với cơ chế sinh hoạt dân gian mà thôi.
V.P

(nguồn: TCSH số 165 - 11 - 2002)

 

-----------------------
(1)Tô Ngọc Thanh: Tư liệu âm nhạc cung đình Việt . Nxb Âm nhạc - Viện Âm nhạc 1999. tr. 36,37.
(2) Lê Quý Đôn:
Vân Đài loại ngữ. Nxb Văn hoá Thông tin, 1995, tập II, quyển 6, tr.139.
(3) Bình Định: Đề cương giáo trình
Lịch sử Âm nhạc Phương Đông. Nhạc viện Hà Nội, 1997.
(4) Bình Định: Tài liệu đã dẫn. Phần Âm nhạc bán đảo Triều Tiên.
(5)
Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội 2000, tập 2, quyển 5, tr.316.
(6)
Đại Việt sử ký tiền biên. Bản dịch của Viên nghiên cứu Hán nôm, Nxb KHXH, 1997, tr.513.
(7) Theo Trần Văn Khê:
Sơ lược âm nhạc truyền thống Việt . Bản in nội bộ, trường ĐHNT Huế.
(8)
ĐVSKTB. Sđd, tr.453.
(9)
Đại Việt sử ký tiền biên. Sđd, tr.435.
(10) Trân Trọng Kim: Việt sử lược. Nxb Văn hoá Thông tin Hà Nội 1999, tr.106.
(11)
ĐVSK tiền biên. tr.283.
(12)
Lịch sử Âm nhạc Việt , Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001 (tái bản in năm 1969).
(13) Lê Mạnh Thát, sđd, tr.296.
(14)
Tư liệu Âm nhạc cung đình Việt , sđd, tr.28.
(15) Đại Vviệt sử ký toàn thư, sđd, tập 2, quyển 5, các trang 530,531, 540 và 541.
(16) Bản dịch của Đông Châu trong bải
Tồn cổ lục đăng trên tạp chí Phong số 30/1919, tr.519.
(17) Bản dịch của Đông Châu, tài liệu đã dẫn, tr.519.
(18) Quốc sử quán triều Nguyễn:
Đại thực lục, tập 9, tr.183, 184.
(19) Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề
Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt , Nxb Hoa Lư Sài Gon 1968, tr.415.
(20) Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, sđd tr.442.
(21) Tô Ngọc Thanh:
Tư liệu âm nhhạc cung đình Việt , sđd, tr.36.
(22) Tô Ngọc Thanh, sđd tr.37.
(23) Trần Văn Khê:
Thử tìm vài nguyên tắc trong cách tạo từ ngữ về âm nhạc trong các nước Á châu, tập san Khoa học xã hội (của Việt kiều ở Pháp) số 4, tháng 4/1978, tr.78.
(24) Bình Định, tài liệu đã dẫn.
(25) Trần Văn Khê,, tài liệu đã dẫn, tr.79.
(26) Hồ Song:
Sự khủng hoảng tư tưởng ở Việt nửa sau thế kỷ XIX, thông báo Khoa học (sđd)

Các bài mới
Các bài đã đăng