Âm sắc Huế
Người sót lại của làn ca cổ Huế
16:14 | 31/10/2008
TRẦN NGỌC LINHBạn còn thương bạn biết gửi sầu về nơi mô?Trước khi tôi vào Huế, chị tôi dặn: “Vào muốn gặp bà Minh Mẫn cứ đến đường Nhật Lệ mà hỏi”. Theo cách nhớ đường của một người viễn khách từ xa đến thì đến phố đó cứ thấy đầu ngõ nào có một giàn hoa tử đằng với những dây hoa buông thõng chấm xuống nền đất vỉa hè thì đó chính là lối rẽ vào ngõ nhà danh ca Minh Mẫn.
Người sót lại của làn ca cổ Huế

Anh và chị bạn tôi là học trò của NSƯT Ca trù Kim Đức có kể lại kỷ niệm lần gặp gỡ nghệ sĩ Minh Mẫn tại Festival Huế năm 2002, khi đó hai người bạn của tôi có đưa nghệ sĩ Kim Đức vào Huế để diễn cùng đoàn của nghệ sĩ múa đương đại El Sola Thủy trong vở Cánh đồng âm nhạc. Sau khi diễn xong xuôi mọi người mới tỏ ý muốn nghe một đêm Ca Huế, không nhớ ai mách mà mọi người ở Huế cứ bảo nhau: Đến Huế muốn nghe ca thì phải nghe Minh Mẫn, nghe Thanh Tâm. Không hiểu sao mà buổi xuống thuyền lần đó không có nghệ sĩ Thanh Tâm nhưng anh chị bạn tôi mời được danh ca Minh Mẫn đến. Cũng không hiểu sao, sắp xếp như thế nào mà buổi ca hôm đó lại có mấy cô đào Huế trẻ cùng xuống thuyền, các cô ca trước mấy bản Lý ngựa ô, Lý tình tang, trên thuyền lúc đó có hai nghệ sĩ được coi là trưởng tràng trong làng Ca Huế là bà Minh Mẫn và bà Hồng Lê, bà Hồng Lê cùng ở trong đoàn nghệ thuật múa đương đại của chị El Sola diễn trong dịp Festival năm đó. Nghe mấy cô đào ca, hai nghệ sĩ mới gọi đến bảo: Con ca hay chi rứa! Mệ nghe như ca Cải Lương. Sau đó hai lão nghệ sĩ mới ca một vài câu Cổ Bản, Nam Ai, Nam Bình… hôm đó hai cụ không ca được nhiều lắm. Mới chỉ ca một vài câu Cổ Bản, Tứ đại nhưng nghệ sĩ Minh Mẫn đã để lại một ấn tượng đặc biệt với anh chị bạn tôi, đến nỗi ngay sau đó khi ra đến Hà Nội hai người đã mời nghệ sĩ Minh Mẫn ra Hà Nội chơi và thu một cuốn băng kỷ niệm, tôi có may mắn được gặp bà Minh Mẫn trong dịp đó.

Nhưng có một điều đáng tiếc là đợt bà Minh Mẫn ra chơi Hà Nội đã không thu được một cuộn băng làm kỷ niệm như ý, vì không có người đàn Ca Huế, những bản khó như Nam Ai, Nam Bình bà phải ca vo. Hôm tôi được nghe ở nhà anh chị bạn trong buổi tiệc trà chia tay nghệ sĩ về Huế thì ca đến nửa bản Nam Ai thì nghệ sĩ không ca được, vì chị nhạc công chơi đàn tranh hôm đó không đàn được Nam Ai ca theo lối cổ điển ở Huế. Nhưng chỉ cần nghe mấy câu Hò mái nhì chuyển vào đoạn đầu của bài ai thôi mà đã toát lên cả một sự cổ kính: Chiều chiều trước bến Vân Lâu/ Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm… Sau này có lần trò chuyện, bà kể cho tôi: Ngày xưa phải học đến 4 tháng ròng rã mới ra được một câu Hò mái nhì.
Vào một buổi sáng tháng 6, bốn năm sau đó lần đầu tiên tôi vào Huế, theo chân anh chị bạn đến thăm bà Minh Mẫn tại một căn nhà mà bà chỉ: “Cứ hỏi mấy quán bánh chưng Nhật Lệ, ai cũng biết”. Quả ai cũng biết thật, chúng tôi tìm không quá khó tìm, mà chúng tôi cũng không ngờ căn nhà một nghệ sĩ lão thành của Ca Huế lại đơn sơ đến vậy. Thực ra nếu dùng từ “căn lều” sẽ chính xác hơn là “căn nhà”, vẫn bốn bức tường gạch lợp tấm xi măng, gian bếp lợp giấy dầu, gian sinh hoạt chưa được 16m2; bà phải cất một căn gác xép để cất đồ mỗi khi mùa lũ đến. Bà kể cứ đến mùa lũ là bà phải tránh sang nhà anh con trai, còn nhà thì bao giờ cũng ngập gần đến nóc. Nhà ngăn làm ba gian, gian giữa thờ Phật, gian bên trái để một chiếc giường của bà, trên tường treo những tấm ảnh, tấm bằng khen trong đời hoạt động nghệ thuật của bà, gian bên phải để một chiếc giường của cô con gái đang ở cùng bà.

…Đến Huế ai cũng bảo muốn nghe Ca cổ điển phải gặp bà Minh Mẫn.
Dẫu vậy căn nhà lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp, trước cửa nhà là cả một khoảng vườn trơ trụi một cây vú sữa, hàng ngày bà vẫn ra vườn quét sân rồi tụng kinh niệm Phật cầu an. Cái nắng oi ả của miền Trung đầu hè như nung thêm tấm lợp xi măng làm cho căn nhà trở nên nóng hơn. Bà kéo hai chiếc quạt con cóc cho chúng tôi rồi mang cho mỗi người một ly nước lọc uống cho hạ cái oi bức. Bà bảo đợt này bà đang dạy một lớp Ca Huế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Trường hướng nghiệp trẻ em mồ côi ở huyện Phú Vang; dự án này do cô Lợi là vợ của thầy Bửu Ý xin tài trợ. Chính hai vợ chồng thầy và cô trước đó đã gây dựng nên một địa chỉ văn hoá ở số 6 đường Phạm Ngũ Lão giới thiệu về nghệ thuật Ca Huế vào mỗi buổi chiều ngày thứ 7 hàng tuần. Rồi bà lại thông báo cô Lợi cũng vừa mất do bệnh hiểm nghèo cách đấy không lâu, mấy ai biết dự án đưa nghệ thuật Ca Huế đến với trẻ em mồ côi chính là món quà cuối cùng của một người muốn níu giữ một chút hương thừa vẻ đẹp sắp tàn để lại cho trần gian.

Chiều hôm đó chúng tôi có xin được đến nhà thầy Bửu Ý thắp hương cho cô Lợi và nghe bà ca một câu Cổ Bản dựng, một câu Nam Ai, Nam Bình tưởng nhớ đến người quá cố.
Bên cồn khuyến dục
Ngư mục canh tiều
Hẹn chiều hôm sau một lòng tin nhau
Nghĩ tình sâu tâm đầu ý hiệp chớ đeo sầu

Mới chỉ cách đây hai năm thôi mà lúc đó giọng của bà vẫn trong sáng vào khoẻ lắm, bà Minh Mẫn có sở trường ca khách, những lối ca cổ điển không lạ gì với bà. Ở Huế giờ hiếm ai có thể ca cùng một điệu Cổ Bản mà có thể ca sắp và ca dựng, lối ca dựng đòi hỏi chắc nhịp lắm, phải cả nhanh câu hát, thường người ta chỉ ca Cổ bản sắp mà thôi.
…Đến Huế, ai cũng bảo muốn nghe Ca cổ điển phải gặp bà Minh Mẫn
Bà Minh Mẫn năm nay đã 84 tuổi, tên trong gia đình của bà là Nguyễn Thị Mẫn, bà lấy chữ Minh đệm với tên thật để làm nghệ danh là nhắc đến một kỷ niệm không thể nào quên trong đời làm nghệ thuật của bà.
Thông thường một nghệ sĩ khi vào nghề sẽ lấy cho mình một nghệ danh như một lần nữa làm khai sinh đánh dấu sự có mặt trong cuộc đời nghệ thuật. Nhưng riêng với cô bé Nguyễn Thị Mẫn để có được thêm một tên Minh Mẫn cho mình bà đã phải vượt qua những quan niệm thế tục thông thường để có thể dấn thân vào con đường nghệ thuật, nhiều lúc tưởng chừng như là không thể…

Bà Minh Mẫn không phải con nhà nghề. Bà sinh ra trong một gia đình tiểu thương buôn hàng xén ở làng Tráng Lực nay là thị trấn Sịa huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên; quê gốc của bà ở làng Chánh Lộc nay thuộc xã Phong Chương huyện Phong Điền. Thuở bé vốn tính nhanh nhẹn nên gia đình hướng bà vào công việc kinh doanh nhưng đến năm 11 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Mẫn trong một lần xem hát Tuồng của đoàn Kim Sanh (gánh hát ông Hường Khanh cậu của vua Bảo Đại). Sở hữu trong mình một chất giọng thiên phú và khả năng cộng cảm với nghệ thuật Huế cô bé Mẫn xin gia đình cho đi học hát nhưng do quan niệm “xướng ca vô loại” mà gia đình, nhất là người cha của bà khuyên can, thậm chí dùng đòn vọt mà bà vẫn trốn gia đình lén học nghề ca. Kể cả có lần thầy giáo Ưng Thiều lúc đó là hiệu trưởng của trường đến xin cha cho bà đi học hát mà thân phụ của bà vẫn nhất quyết từ chối và càng xiết chặt sự quản thúc hơn nữa. Vậy mà bà vẫn nhất tâm đi theo nghề.

Chiều em gái, chính chị của bà là người đã giấu giếm chuyện lén học ca của bà với người cha đang tìm mọi cách để gò bà vào trong khuôn khổ của nghề buôn bán. Người thầy đầu tiên của cô bé Mẫn là cụ Võ Thuyền dạy cô ca Cổ Bản, Lưu Thuỷ, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ…, tiếp đó cô bé Mẫn lại tìm đến một người thầy khác để dạy những bài bản phức tạp hơn của Ca Huế như Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh… bà vẫn còn nhớ cảnh cứ sáng sáng hầu nước buổi sớm cho cha xong, bà lại đi bộ sang nhà cụ Cửu Song ở làng An Gia để học. Sang đến nhà thầy, bà lại làm tất cả các công việc dọn dẹp nhà cửa xong xuôi như người con trong nhà (cụ Cửu Song là một nghệ nhân ca trong cung đình được phong hàm quan cửu phẩm, nhưng về già lại sống đơn độc), sau khi cụ dùng nước buổi sớm xong thì cả hai người mới hoà đàn vào phách để tập hát. Cụ tận tình bắt tay chỉ ngón, dạy từng cách nhả chữ sao cho tròn, rõ tiếng, luyến láy sao cho sang trọng câu hát, thường một buổi học như thế chỉ kéo dài được trong vài giờ buổi sáng rồi cô bé Mẫn lại phải trở về nhà để tránh sự phát hiện của cha. Người thầy thứ ba của cô bé Minh Mẫn là cụ Thông Đinh là một nghệ nhân đàn nhị, vì mê ca quá đến bỏ cả học ở trường, thậm chí bỏ cả kỳ thi đệ nhất đến năm hai mươi tuổi một sự kiện đầu tiên trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của cô bé Mẫn, bà được giới thiệu và chính thức được ra nhập gánh hát Hường Khanh, niềm mơ ước của một cô bé ngày nào lúc mười tuổi.

Kỷ niệm đầu tiên trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của bà là khi hát trong gánh của ông Hường Khanh lần đầu tiên được các mệ thưởng cho tờ 5 đồng bạc con công (dân gian hồi đó có câu là: Một con công mua một đôi bông), số tiền lớn và cũng để khẳng định tài năng nghệ thuật của cô bé Mẫn lúc bấy giờ vẫn lấy tên Nguyễn Thị Mẫn.
Trong thời gian làm ca trong gánh hát của ông Hường Khanh, bà đã từng được ra vào ca cho rất nhiều “sân chơi” của các tao nhân mặc khách nổi tiếng lúc bấy giờ như phủ của cụ Ưng Bình Thúc Giạ, cháu nội của Tuy Lý Vương.
Hồi đó bạn diễn cùng với ca nương Nguyễn Thị Mẫn chính là danh cầm Nguyễn Kế với nhiều ngón đàn tài hoa trên nhiều nhạc cụ khác nhau: đàn Tỳ, đàn Bầu, đàn Nguyệt nhiều buổi diễn tiếng hát tiếng đàn đưa đẩy nâng nhau lên đã làm đắm lòng biết bao tao nhân mặc khách ở đất đế kinh.
Năm 28 tuổi, bà giảng dạy Ca Huế trong trường Âm nhạc.
Năm 30 tuổi bà cộng tác, rồi làm trong Đài phát thanh Huế, sợ lộ chuyện đi ca với cha bà chính thức chọn nghệ danh là Minh Mẫn, bắt đầu từ đó giọng hát của danh ca Minh Mẫn theo làn sóng của phát thanh Huế vang xa khắp miền Nam Việt Nam.

Nhưng cái tên Minh Mẫn vẫn chỉ là một bí danh để cho bà có thể giấu mối tình cảm của mình với nghệ thuật khi lúc đó người cha của bà vẫn đinh ninh bà vẫn chăm chỉ với những chuyến hàng buôn ở chợ Đông Ba; nhưng chính tiếng hát của bà đã không giấu được ông, và ông vẫn âm thầm nghe, âm thầm theo dõi những bước đường thành công nghệ thuật của cô con gái bướng bỉnh. Rồi trong những ngày nằm trên giường bệnh, chứng kiến cảnh suốt 7 năm bà Mẫn chăm sóc cha, trong đó có một phần tiền từ chính việc lao động nghệ thuật, ông đã phải nói với cô con gái của mình rằng: Giọng ca của mi nghe cũng hay đấy chứ; và cũng từ đó một cái tên Minh Mẫn mới chính thức vào trong làng nghệ thuật xứ Huế với niềm hạnh phúc và kiêu hãnh
…Đến Huế, ai cũng bảo muốn nghe Ca cổ điển thì phải gặp bà Minh Mẫn.
Bà Minh Mẫn học Ca Huế không chỉ  từ ba người thầy.
Rời từ quê Phong Điền đến kinh thành Huế, bà Minh Mẫn dọn nhà về ở đường Lục Bộ (nay là đường Nguyễn Chí Diểu), bà được nghệ sĩ Tuyết Hương chuốt thêm cho một số kỹ thuật trong khi ca Nam Ai, Nam Bình, Tứ Đại… bà Tuyết Hương lúc bấy giờ là ca sĩ nổi tiếng nhất ở Huế. Rồi bà lại học thêm thầy Ngũ Chuột ở cống Ngự Viên, rồi cô Nhơn (tên thật là Nguyễn Thị Mùi người từng giành giải nhất cuộc thi ca Huế tại hội chợ Huế năm 1937), vả cả cô Thu Nương cũng đứng thuộc hàng danh ca ở đất kinh kỳ lúc bấy giờ. Kinh qua việc cọ xát nghề nghiệp với hầu hết các nghệ sĩ trong làng Ca Huế lúc bấy giờ, nghề nghiệp của bà càng ngày càng chín và cái tên Minh Mẫn không còn là một nghệ danh đơn thuần khi bước vào nghề mà cái tên đó đã định danh cho mỗi câu mỗi chữ luyến láy được nhả ra từ lời ca khi cất lên trong tiếng đưa đẩy của chiếc đàn nhị, âm réo rắt của cây đàn tranh, não nuột cây đàn bầu, dập dìu của cây đàn tỳ, thánh thót của cây nguyệt cầm bàng bạc lan tỏa trên mặt nước Hương Giang lúc sao lặn, đêm tàn.

Bà Minh Mẫn đã từng tham gia cách mạng và từng bị bắt giam.
Trong thời gian đầu hoạt động nghệ thuật ở Huế, để giấu không cho gia đình biết mình đi ca, bà Minh Mẫn vẫn đều đều theo những chuyến hàng buôn dưới sự chỉ đạo kinh doanh của gia đình. Bà Minh Mẫn đã tham gia cách mạng, bà cung cấp thuốc ký ninh cho bộ đội, do một lần có kẻ chỉ điểm bà bị bắt giam ở đồn Mang Cá, sau một thời gian bị giam dưới sự bảo lãnh của một đại úy bà được thả. Nhưng không may là đứa con của bà mới bốn tháng tuổi do phải cách ly với mẹ thiếu sữa nên bị lên sởi và qua đời sau đó.
Bà Minh Mẫn có 6 người con nhưng chưa khi nào bà được hưởng một cuộc sống hạnh phúc vợ chồng thật sự.
Năm 25 tuổi, bà Minh Mẫn gặp ông Nguyễn Ba một sĩ quan quân đội Pháp, người Bình Định, ca Cải Lương rất hay do mến mộ tài năng của bà nên tìm đến gặp. Tri âm trước tình cảm và sự tài hoa của ông, bà quyết định về sống với ông mặc dù biết ông đã có gia đình. Hai ông bà có với nhau một mặt con trai, nhưng sau đó đứa con đầu lòng của hai ông bà đã chết chưa tròn một năm tuổi.

Năm 34 tuổi, một lần nữa do mến phục tài năng, thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của một người đồng nghiệp trong Đài phát thanh Huế là ông Cao Hữu On, bà quyết định về sống cùng ông mặc dù ông cũng đã có vợ ở quê. Trong một thời gian dài hai ông bà nương tựa vào nhau trên mỗi bước đường nghệ thuật, ông bà có với nhau năm người con, ba trai và hai gái.
Năm ngoái, bà Minh Mẫn báo tin ra cho chúng tôi là anh con trai của bà vừa mới mất vì bệnh hiểm nghèo.
Bây giờ bà sống cùng một cô con gái cũng đang mắc bệnh. Nguồn thu chính trong gia đình phụ thuộc vào khoản tiền cát-sê mỗi lần đi ca của bà và tiền lương từ dự án giảng dạy ca Huế cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Phong Điền. Nhưng đó là chuyện của ngày trước.
…Đến Huế, ai cũng bảo muốn nghe Ca cổ điển thì phải gặp bà Minh Mẫn.

Tôi không nói ngoa điều đó, mới chỉ cách đây vài tháng thôi, trong một cuộc trà dư tửu hậu với anh Nguyễn Đình Vân - một tay trống cự phách của CLB Nhã nhạc Phú Xuân, anh Vân bảo tôi: “Em muốn nghe Ca Huế, khi nào vô anh sẽ giới thiệu cho em thêm một giọng ca bậc nhất ở Huế”. Tôi bảo anh: “Có phải bà Minh Mẫn”; anh đột nhiên nhoài người ra ôm tôi vỗ vào vai bảo: “Thế thôi! hiểu nhau rồi”.
Năm ngoái có dịp vào Huế, tôi ngỏ ý với anh Trần Thảo xin được nghe một đêm ca Huế có bà Minh Mẫn, cô Thanh Tâm, anh Thảo cười bảo tôi thế thì nên mời thêm nghệ sĩ Thanh Hương và Vân Phi để nghe đầy đủ các giọng của Ca Huế. Hôm đó tôi mời mọi người lên Biệt phủ Thảo Nhi dưới chân đồi Thiên An. Đến nơi anh Thảo ghé vào tai tôi bảo: “Hôm nay cô Minh Mẫn sẽ ca hai điệu Long Ngâm lời rất cổ, giờ không ai còn ca được và Tứ đại lời nhà Phật”.

Đã từ lâu bà Minh Mẫn vẫn có thói quen dậy sớm ra vườn quét sân rồi tụng kinh cầu an. Trong ngôi nhà nhỏ bé của bà, riêng bàn thờ Phật ngăn cách bởi những tấm vải vàng làm rèm luôn luôn sạch sẽ với một đĩa hoa tươi và bát nước trắng trong. Nhớ đợt ra Hà Nội ở nhà anh chị của tôi, bà vẫn không bỏ thói quen đó; có hôm anh tôi đi làm về đã thấy bà lụi hụi thay nước, thay đèn thắp hương. Bà làm việc đó không chỉ như một thói quen công việc vẫn làm ở nhà mà như một điều tự nhiên không thuộc về một lẽ nào đó. Có lẽ chính vì thế những câu chuyện sau này tôi gặp bà, bà đều kể về lớp học Ca Huế mà bà đã theo suốt hai năm nay chỉ để dạy cho gần 20 trẻ em mồ côi ở huyện Phú Vang, mỗi tuần một buổi. Và mỗi dịp tôi vào Huế công tác ghé thăm bà, bà lại kể cho tôi là tụi trẻ đang học ca bản nào: Bữa ni, hắn ca Lưu Thuỷ, Kim Tiền; bữa ni hắn Ca Cổ Bản, bữa ni hắn ca Tứ Đại… đã hai năm tôi vào trong Huế thường xuyên, mỗi lần một bữa ni… công việc truyền dạy cứ chầm chậm mà chắc chắn.

Sau canh hát ở Biệt phủ Thảo nhi lúc đó, bà Minh Mẫn lại bảo tôi: Bữa ni…, Nhưng lần này là khác, bà bảo: “Bữa ni bà nhờ con một việc, khi con ra Hà Nội con nhớ lên Bộ hỏi hộ bà bao giờ người ta phong cho bà nghệ nhân dân gian, vừa rồi có nơi bảo bà nộp hồ sơ để được xét tặng nghệ nhân dân gian, sau đó không thấy nói chi cả…”, một lát bà lại bảo: “Nghe nói mỗi tháng được trợ cấp 500 trăm nghìn”.
Có một cô bé trong đoàn lúc về hỏi tôi: “Bà ấy là ai mà giầu thế, em thấy tay đeo toàn hạt xoàn”. Tôi bảo: “Đấy là đồ nghề của những người đi hát ca Huế đấy”, bà Minh Mẫn có một cái bóp con con, một cái bóp ở bên trong chỉ có cặp phách bịt ngà và đôi nhẫn mặt ngọc là giá trị nhất. Mỗi khi đi diễn bà lại mở ra để trang sức. Định bụng bao giờ có dịp tôi sẽ đưa cô bé đó đến thăm bà.
Nhưng câu nói của bà vẫn cứ ám ảnh tôi đến tận bây giờ, một năm rồi bà vẫn chưa nhận được sự phong tặng nào cả. Gần bẩy mươi năm qua bà hoạt động nghệ thuật mà đâu có sự phong tặng nào.
…Đến Huế, ai cũng bảo muốn nghe Ca cổ điển phải gặp bà Minh Mẫn.

Kỷ niệm đêm diễn lúc đó trong tôi chỉ còn là những tiếng hát cổ kính của bà khi cất lên, tự nhiên tôi lại nhớ đến chuyện thi sĩ Tản Đà mấy tháng trước khi mất có ngồi với Nguyễn Tuân khoe sắp nhận một khoản trợ cấp nghệ sĩ từ Cung đình Huế. Một tháng trước cô Thanh Tâm báo cho tôi: bà Minh Mẫn ra vườn quét sân bị té gãy xương tay, gãy xương chậu, và xương hông giờ phải nằm bó bột nằm ở nhà. Cô Thanh Tâm bảo: “Nhưng bà vẫn hồn nhiên lắm, có người cháu đến thăm bà nằm trên giường ca còn cô đánh phách”.
            T.N.L

(nguồn: TCSH số 236 - 10 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hồn nhạc Huế (14/05/2008)