TRỌNG BÌNH - QUÝ CÁT
Nền âm nhạc cổ truyền nói chung và Âm nhạc cung đình Việt Nam nói riêng từ xa xưa đã có một kiểu chữ nhạc riêng dùng để ký âm, ghi chép thành văn bản tất cả các bài bản để lưu truyền qua nhiều thế hệ...
Ban đầu người Việt tiếp thu và sử dụng chủ yếu phương pháp ký âm của Trung Hoa. Phương pháp này ra đời khoảng thế kỷ XIV vào thời nhà Minh, thường gọi là Công Xê phổ; trong đó sử dụng các chữ Hán theo kiểu tiếng Việt là họ, xừ, xàng, xê, cống… Qua quá trình vận dụng hệ thống này cùng với việc hiểu rõ và nhận ra những khác biệt sâu sắc giữa hai nền âm nhạc Trung Hoa và Việt Nam, người Việt đã dần dần Việt hóa lối ký âm của Trung hoa, biến nó thành một phương pháp ký âm thể hiện rõ và đầy đủ các tính chất đặc biệt của từng âm thanh trong âm nhạc của dân tộc mình.
Trải qua nhiều thế kỷ, các thế hệ nghệ nhân đã kế tiếp nhau liên tục tìm tòi, cải tiến bổ sung và sáng tạo thêm nhiều kiểu ký âm mới phù hợp hơn với bản sắc của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Sau một thời gian tiếp xúc với các văn bản âm nhạc, đặc biệt là Âm nhạc cung đình Huế, dựa trên tìm tòi nghiên cứu, chúng tôi tìm hiểu khá đầy đủ các phương pháp ký âm cổ của Việt Nam mà các nghệ nhân, nghệ sĩ xưa đã sáng tạo và lưu lại một cách tâm huyết trong tác phẩm Thái Bình cổ nhạc.
Thái Bình cổ nhạc (TBCN) là một tác phẩm cổ điển, thuộc hệ thống nhạc lễ cung đình Huế, dạng hòa tấu Đại nhạc đã được người xưa sáng tạo, bảo tồn và lưu truyền đến ngày nay dưới nhiều tên gọi dân gian như Trống Quân, Trống Thập Điều. Theo lời kể của các nghệ nhân, trước đây nó thường được trình tấu dưới dạng trích đoạn hoặc đầy đủ toàn bộ trong các lễ lớn hàng năm như lễ Ban Sóc (ban lịch mới hàng năm), lễ Đảo Vũ (cầu mưa, chống nắng hạn hoặc cầu tạnh nắng khi gặp mưa nhiều ngày)…
Do liên tục được các đời nghệ nhân tìm cách giữ gìn và lưu truyền lại dưới dạng truyền nghề kết hợp với tính truyền khẩu đặc trưng nên TBCN hầu như đã được đúc kết, hệ thống hóa một cách hoàn thiện và đầy đủ về hình thức cấu trúc cũng như nội dung, tư tưởng. Trong quá trình điền dã, thu thập tư liệu, chúng tôi đã sưu tầm được sáu dị bản TBCN từ các nghệ nhân Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình. Nội dung của chúng thể hiện khá rõ nét tính “tam sao thất bổn, tính bảo thủ, tính che giấu bí mật nghề nghiệp nhằm tạo ưu thế nghề nghiệp cũng như để giữ bản quyền về bài bản”… Qua phân tích kỹ lưỡng cả sáu dị bản, chúng tôi nhận thấy chỉ có thể dựa vào sự hiện diện của Giá Hai cũng như Nghi Trống (trình tự diễn tấu các bài bản trong TBCN) để phân biệt bản gốc hay dị bản. Từ đó, từng bước xác định nội dung toàn bộ của tác phẩm.
Nội dung của TBCN rất phong phú và có quy mô hoành tráng, có thể chia thành 5 chương, diễn tấu theo trình tự như sau:
I/ Tam luân cửu chuyển (TLCC).
II/ Giá Ba - Giá Ký - Giá Một - Giá Ký - Giá Bảy - Giá Ký.
III/ Giá Ba - Quân Đại.
IV/ Giá Hai - Quân Tiểu.
V/ Giá Một - Giá Bảy - Mở Cờ.
Tất cả các bài bản trong 5 chương kể trên đều là bài bản trống. Cả sáu dị bản chỉ nhắc đến cái tên Tam Luân Cửu Chuyển và ghi lại nội dung của các bài bản trống ở trên. Hầu như từ trước đến nay TLCC chỉ được lưu truyền dưới dạng truyền khẩu, truyền roi truyền nghề mà không được ghi thành bài bản (Truyền thư bất như truyền khẩu). Các nghệ nhân lưu giữ nó bằng trí nhớ và củng cố dần qua những lần trình tấu. Tính chất phi văn bản này của TLCC kết hợp với tính đa văn bản của từng bài bản trống trong TBCN đã buộc các nghệ nhân mỗi khi muốn trình tấu TBCN phải ngồi lại với nhau để tập luyện bằng cách ráp miệng; qua đó tìm cách thống nhất nội dung bài bản trước khi biểu diễn.
Ngoài các bài bản trống ở trên, một số dị bản còn cung cấp thêm phần Nghi Trống và nội dung của duy nhất 1 bài bản dành cho Kèn lỡ (hiện nay gọi là kèn Sona). Bài bản Kèn này thường được các nghệ nhân gọi là bài kèn Thái Bình. Giai điệu của nó thường được diễn tấu lặp đi lặp lại tựa như phần nền nhằm làm nổi bật màu âm của từng roi trống trong mỗi bài bản trống khi dàn nhạc hòa tấu bốn chương cuối của TBCN.
Việc nghiên cứu chuyên sâu các bài bản (trống cũng như kèn) của tác phẩm TBCN có thể cho phép chúng ta nhận dạng rõ các phương pháp mà các nghệ nhân, nghệ sĩ xưa đã sử dụng để ghi chép một cách tổng quát toàn bộ nội dung của tác phẩm. Qua đó chúng tôi đúc kết được một số hệ thống dung để ký âm bài bản như hệ thống Xàng - Xê, Ha - He và Giá - Chình - Tang.
* Để ký âm bài Kèn Thái Bình, lúc ban đầu theo thói quen, các nghệ nhân sử dụng hệ thống Họ - Xừ - Xàng (tức là Công - Xê phổ của Trung Hoa đã được các cụ Việt hóa trước đây). Sau quá trình sử dụng, nhận thấy vai trò quan trọng của hai âm Xàng - Xê trong âm nhạc truyền thống nên các cụ đã dùng tên của chúng để đặt tên cho hệ thống này. Về sau, các cụ đã sử dụng một loạt các chữ Hán - Nôm bắt đầu bằng phụ âm H để diễn tả một cách tương đối cao độ và màu sắc đặc trưng các âm thanh của Kèn lỡ. Tất cả các chữ nhạc đó được nghệ nhân gọi là hệ thống Ha - He.
- Sau đây là các chữ nhạc thuộc hệ thống Xàng Xê, theo trình tự từ thấp lên cao trong bài kèn Thái Bình: Họ (tương đương nốt Sol 1), Xừ (La 1), Xư (Si 1), Xàng (Đô 2), Xê (Rê 2), Cống (Mi 2), Lưu (Sol 2), U (La 2) và Xáng (Đô 3).
Việc sử dụng các chữ nhạc thuộc hệ thống Xàng - Xê cho phép chúng ta dễ dàng tái hiện đúng nguyên xi cao độ vốn có của giai điệu bài bản nếu trước đó nội dung bài bản được ghi chép bằng hệ thống này.
Theo bản gốc về TBCN của các phái thuộc dòng họ Nguyễn Ngọc (thôn Uất Mậu huyện Quảng Điền) thì các chữ nhạc thuộc hệ thống Ha - He đặc tả các âm Kèn theo trình tự từ thấp lên cao trong bài kèn Thái Bình như sau:
Khi giai điệu Kèn ở bậc hò 1 (hò chính): Họ (tương đương nốt Sol 1), Hò (La 1), Hà (Đô 2), He (Rê 2), Hi (Mi 2), Hô (Sol 2), Hi (La 2) và Há (Đô 3).
Khi giai điệu Kèn ở bậc hò 4 (hò phụ): Hò (La 1), Hõ (Si 1), Ha (Rê 2), He (Mi 2), Hi, Ha (Sol 2).
Việc sử dụng các chữ nhạc thuộc hệ thống Ha - He để ghi chép nội dung bài kèn có giai điệu nằm trong một bậc hò thì rất đơn giản nhưng vì Thái Bình là bài kèn mà trong giai điệu có sự chuyển bậc hò (từ hò 1 qua hò 4 rồi về lại hò 1) nên mọi chuyện lại khó giải quyết hơn. Để đơn giản và hợp lý, các nghệ nhân xưa đã lấy các chữ nhạc dùng ở hò 1 đem dùng lại ở hò 4 để đặc tả các âm có cao độ cao hơn các âm cũ một bậc. Về lâu dài mà nói thì việc tái sử dụng như vậy sẽ gây nhiều khó khăn và nhầm lẫn cho những người muốn tái tạo nguyên xi giai điệu của bài kèn Thái Bình đã được ghi bằng chữ nhạc Ha - He. So với hệ thống Xàng - Xê thì rõ ràng đây là một nhược điểm lớn của hệ thống Ha - He mà chúng ta cần phải tìm cách khắc phục.
Trống và kèn - hai nhạc cụ chính thường được sử dụng trong “Thái Bình cổ nhạc” |
* Dựa trên âm vang thực tế của các roi trống, tập thể nghệ nhân nghệ sĩ xưa trong nhiều thế hệ đã chọn dùng một số chữ Hán - Nôm thích hợp để ghi lại các bài bản trống trong TBCN theo cách đặc biệt của mình và gọi đó là hệ thống Giá - Chình - Tang.
Tuy các nghệ nhân sử dụng nhiều từ Hán - Nôm khác nhau trong cả sáu dị bản, song dựa vào âm vang thực tế chúng tôi phân biệt được 12 chữ nhạc chính (Các chữ nhạc tương đương còn lại nằm trong ngoặc) trong bảng kê sau:
STT |
Chữ nhạc |
Âm vang thực tế |
Ký hiệu |
Cách thực hiện trên trống |
1. 1 |
GIÁ |
CẮC |
C2 |
2 tay gõ vào dăm trống cùng một lúc |
|
CÁ (TRÓC) |
CẮC |
C |
Dùng tay thuận gõ vào dăm trống |
|
KÝ |
CẮC |
C |
Dùng tay không thuận gõ vào dăm trống |
|
RÍ (CÀ GIÁ) |
CÀ RẮC |
cr |
Dùng tay gõ nhanh liên tục vào dăm trống, có kết hợp với việc vận dụng gân tay |
|
CHÌNH (KÌNH LẠNH) |
TOÒNG |
T2 T |
Dùng 2 tay gõ vào giữa vào mặt da cùng một lúc Dùng tay thuận gõ vào giữa mặt da |
|
CÒNG (TÙNG TÒNG) |
TOÒNG |
T |
Dùng tay không thuận gõ vào giữa mặt da |
|
RÒNG (CÀ RÒNG, CÀ CÒNG, CÁ SÔNG |
CÀ ROÒNG |
cR |
Dùng cả 2 tay gõ nhanh liên tục giữa mặt da, hoặc dùng tay thuận kết hợp với vận dụng gân tay gõ liên tục vào mặt da. |
|
TANG |
TANG |
T2 T |
Dùng cả 2 tay gõ vào 2 bên của mặt da Dùng tay gõ vào 1 bên của mặt da |
|
RANG (CÁ SOI, TRANG) |
CÀ RANG |
cR |
Dùng 2 tay gõ nhanh liên tục vào 2 bên của mặt da hoặc dùng tay thuận có kết hợp với vận dụng gân tay gõ nhanh vào 1 bên của mặt da. |
|
TỊCH |
TỊCH |
t |
Dùng tay gõ xuống giữa mặt da và để yên (không giở tay lên. |
|
RỊCH (CÀ RỤP, CÀ KHẮP) |
CÀ RỤP |
Crp |
Dùng 2 tay gõ xuống giữa mặt da cùng 1 lúc và để yên (không giở tay lên) |
|
KÍCH (GÕ) |
KÍCH (CẮC) |
K |
Gõ 2 thân roi trống vào nhau ngay trên mặt trống. |
Từ bảng thống kê các chữ nhạc ở trên chúng ta thấy các nghệ nhân đã đặc tả các roi trống một cách khá chi tiết từ cách gõ bằng một tay (tay thuận - thường là tay phải hoặc tay không thuận - thường là tay trái) đến cách gõ bằng hai tay tại nhiều vị trí khác nhau trên trống để tạo nhiều âm vang trống có âm sắc phong phú với nhiều sắc thái cường độ khác nhau. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý đến thuật ngự Cà (Cá) ở mục 4, 7, và 11 nhằm chỉ kỹ thuật vê roi trống (có kết hợp gân tay) trên dăm trống (mục 4) hoặc giữa mặt trống (mục 7) trên một bên của mặt trống (mục11). Rõ ràng “Giá Chình Tang” là một hệ thống các thuật ngữ âm vang dành cho trống tương đối đơn giản nhất, có hiệu quả tốt và tính khoa học cao.
Tóm lại sự hiện diện của TBCN ngày hôm nay đã minh chứng cho chúng ta thấy rõ sự say mê nghệ thuật âm nhạc dân tộc cùng sức lao động bền bỉ đầy tâm huyết của các thế hệ nghệ nhân đời trước: Từ các bậc tiền bối sáng tạo ra tác phẩm cho đến các bậc nghệ nhân bảo tồn và tìm cách lưu truyền nó đến ngày nay. Thật rất đáng cho chúng ta trân trọng và tri ân thay cho hậu thế bằng cách cố gìn giữ nguyên xi nội dung, sử dụng và phát huy vai trò của tác phẩm trong cuộc sống. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm những phương pháp ký âm đơn giản, rõ ràng và hiệu quả hơn dành cho âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
T.B - Q.C
(SH286/12-12)