Âm sắc Huế
Về bài bản nhã nhạc cung đình “Thái Bình Cổ Nhạc”
14:34 | 14/10/2014

Với mục đích bảo tồn những vốn quí mà cha ông để lại và đặc biệt là sau khi Nhã nhạc được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại thì Nhã nhạc đã được chú ý hơn, nhưng cái đáng quan tâm hơn hết là vấn đề đi tìm lại những ‘mảnh vỡ” của một số bài bản Nhã nhạc đang lưu lạc ngoài dân gian nhằm mục đích khôi phục để trả nó về với môi trường diễn xướng nguyên thủy là chốn cung đình xưa. Tác phẩm Nhã nhạc “Thái Bình Cổ Nhạc” cũng là một trong những “mảnh vỡ” vừa được lập hồ sơ khoa học và báo cáo. 

Về bài bản nhã nhạc cung đình “Thái Bình Cổ Nhạc”

“Thái Bình Cổ Nhạc” là một tác phẩm nhạc lễ, nội dung do nhiều phần  ghép lại với nhau, bao gồm: Tam luân cửu chuyển, Giá một, Giá hai, Giá bảy, Giá ký, Quân đại, Quân tiểu và Mở cờ. Mỗi phần là một nội dung hoàn chỉnh và độc lập nên có thể tách rời ra làm thành nhiều bài bản nhỏ riêng biệt. Đây là một tác phẩm Nhã nhạc được các nghệ nhân cung đình sáng tác để phục vụ cho các tế lễ của triều đình. Tuy nhiên, từ sau khi nhà Nguyễn cáo chung, nền nghệ thuật cung đình nói chung và Nhã nhạc nói riêng đã mất đi môi trường diễn xướng, do đó một số bài bản Nhã nhạc đã bị thất truyền và lan tỏa về với dân gian, tác phẩm Nhã nhạc “Thái Bình Cổ Nhạc” cũng nằm trong số đó. Việc sưu tầm, nghiên cứu và lập hồ sơ khoa học về tác phẩm “Thái Bình Cổ Nhạc” sẽ là tiền đề cho việc phục dựng lại tác phẩm này nhằm mục đích bảo tồn và giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.

Theo một số nghệ nhân còn lưu giữ bản tổng phổ “Thái Bình Cổ Nhạc” được viết bằng chữ Hán – Nôm, thì “Thái Bình Cổ Nhạc” là tác phẩm được lưu truyền từ đời này sang đười khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác nên nó được đúc kết, hệ thống hóa gần như là hoàn thiện về cấu trúc cũng như nội dung... Nhạc cụ được sử dụng trong “Thái Bình cổ Nhạc” chủ yếu là trống và kèn. Đây là hai nhạc cụ có nguồn gốc từ lâu đời và nó là hai đại diện chủ yếu của dàn Đại nhạc triều Nguyễn. Tác phẩm “Thái Bình Cổ Nhạc” là một tác phẩm có qui mô về trống cổ điển kết hợp với một nhạc cụ khác là kèn. Nếu phân chia một cách cụ thể theo những bản hòa tấu của phương tây thì “Thái Bình Cổ Nhạc” là một bản hòa tấu hoàn chỉnh gồm năm chương, trong đó Tam Luân Cửu Chuyển và các lớp kết hợp ăn khớp, hài hòa với nhau để tạo nên một khối hoàn chỉnh của âm nhạc mà mở đầu là chương I với Tam Luân Cửu chuyển như một lời chào mời trang nghiêm, thành kính bằng lối diễn tấu song song và độc lập của hai nhạc cụ là trống và kèn; chương II có nội dung phong phú hơn bởi sự có mặt của các giá  (Giá Một, Giá Ba, Giá Bảy và Giá Ký); chương III với lớp Quân Đại trang trọng; chương IV là Giá Hai và Quân Tiểu; chương V được kết thúc bằng lớp Mở Cờ trong tiết tấu vui tươi, rộn rã như một phần hội của buổi lễ. Với sự đa dạng, tinh tế  và hoàn thiện như vậy nên “Thái Bình Cổ Nhạc” chắc chắn không phải của một cá nhân sáng tác mà đây là sự sáng tạo kết hợp của một tập thể có tài năng và cùng chuyên tâm phối hợp làm việc với nhau trong suốt một quá trình để nó đi đến độ hoàn thiện.

Có thể nói rằng, “Thái Bình Cổ Nhạc” là một tác phẩm song tấu trống, kèn ở giai đoạn đầu (Tam luân cửu chuyển), ở các giai đoạn sau kèn giữ vai trò làm nền cho trống phô diễn và đặc biệt giai điệu kèn trong “Thái Bình Cổ Nhạc” là một giai điệu được xây dựng phát triển chủ yếu trên thang âm ngũ cung Bắc  (Họ, Xự, Xàng, Xê, Cống). Đây là thang ngũ cung chính thường gặp trong âm nhạc cổ truyền Huế nói chung và trong Âm Nhạc Cung  Đình triều Nguyễn nói riêng. Hơn nữa, theo một số nhà nghiên cứu âm nhạc thì “Thái Bình Cổ Nhạc” là một tác phẩm Nhã nhạc mang đầy đủ tính Âm - Dương mà ở đó các khuôn nhạc không mang tính cứng nhắc, riêng lẽ tách rời mà linh hoạt, đăng đối nhau và hòa quyện vào nhau để tạo nên một tổng thể thống nhất trong Âm có Dương và trong Dương có Âm.

Nếu xâu chuổi lại tiết tấu trong suốt quá trình từ đầu đến cuối khi trình diễn “Thái Bình Cổ Nhạc” ta sẽ thấy, giai điệu kèn là rất bình ổn, ít có bước nhảy đột ngột, tiết tấu cũng không phứt tạp, toàn bài chỉ có hai nhịp ngoại. Tuy nhiên, bên cạnh đó vai trò của các âm tô điểm là rất quan trọng (đây là những nốt nhấn nhá hoa mỹ mà những nhạc công điêu luyện thường hay sử dụng) đối với giai điệu. Chính các âm tô điểm này đã góp phần làm tăng tính chất mềm mại, nhẹ nhàng, uyển chuyển và linh hoạt, nó như thể hiện rõ sự trau chuốt gọt dũa. Đây là những đặt trưng cũng như những kết quả mà phương pháp truyền khẩu mang lại. Ngoài ra, các âm tô điểm thỉnh thoảng còn tạo nên các bước nhảy giúp làm nổi bật tiết tấu của các nhịp mạnh, yếu và củng cố cho kết bài được rõ ràng, trọn vẹn hơn. Và nếu chúng ta lược bỏ tất cả những âm tô điểm thì giai điệu của tác phẩm “Thái Bình Cổ Nhạc” sẽ trở nên khô cứng và mất đi tính uyển chuyển, mềm mại vốn có của nó.  

Thông thường nhạc công đánh trống đều thuận tay phải, nhưng nếu trình diễn “Thái Bình Cổ Nhạc” thì đòi hỏi phải sử dụng luân phiên hai tay một cách đồng đều và thuần thục. Ngoài ra, “Thái Bình Cổ Nhạc” là một tác phẩm hòa tấu, do đó để thể hiện tác phẩm này cần có ít nhất 2 nhạc công sử dụng trống và 2 nhạc công sử dụng kèn trở lên, khi biểu diễn các động tác đánh trống của nhạc công được phô diễn một cách rõ ràng, dễ nhìn thấy. Do đặc điểm này, nên người chơi trống khi thể hiện đòi hỏi phải có sự đồng bộ, rập ràng ăn khớp giữa tiết tấu cũng như động tác. Để có được sự nhịp nhàng đó đòi hỏi các nhạc công khi biểu diễn thì cần phải tuân thủ một số qui định như: Khi đánh không được nhấc roi trống đưa lên cao quá tầm mắt và phải qui ước với nhau nên đánh tay nào trước... Tất cả nhạc công phải đứng ở tư thế nghiêm trang mỗi lần thể hiện “Thái Bình Cổ Nhạc”.    

Hiện nay, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình triều Nguyễn đang còn là một dấu hỏi lớn, một kho tàng bí ẩn mà các nhà nghiên cứu đang còn quan tâm tìm hiểu. Ngoài là một vốn quí của dân tộc, Nhã nhạc còn là một minh chứng điển hình, đại diện cho cho khu vực Đông Nam Á về loại hình âm nhạc cổ xưa còn xót lại. Việc sưu tầm, nghiên cứu “Thái Bình Cổ nhạc”, một tác phẩm đã “Tàng ẩn” một thời gian khá dài trong dân gian sẽ là điểm nhấn cho việc phục hồi nhiều tác phẩm cung đình mà chúng ta vẫn còn chưa biết đến. 

Theo Trọng Bình

(Nguồn TRT)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng