Sự nhạy cảm đã giúp người nghệ sĩ bắt gặp được hồn nhạc Huế. Vâng, đúng là trong các ngành nghệ thuật, âm nhạc là bộ môn có hiệu quả rung cảm mãnh liệt và sống động nhất. Một khúc nhạc, một bản tình ca đi vào hồn người một cách thầm lặng, vô thức và vô ngôn... Khám phá vùng sâu thẳm, kín nhiệm của âm nhạc là thâm nhập vào cõi huyền mộng của nghệ thuật. Thế mà cõi huyền hư ấy lại rất gần gũi với con người, tính bí ẩn của âm nhạc lại rất đơn sơ: nhạc đi vào và dễ dàng xuyên thấu tâm tư, vì nhạc là ngôn ngữ ưu đãi của cảm xúc... Cứu cánh của âm nhạc là diễn đạt tình tự, biểu lộ những rung động của con tim nói lên những tâm tình sâu kín âm ỉ và nóng bỏng, những đam mê vĩ đại từng lay động tâm hồn nhân loại qua các thời đại, vượt mọi không gian. Trong viễn tượng đó các nhạc sĩ đã gửi về, đã trao lại cho Huế những nỗi niềm tha thiết, những nhớ nhung sâu lắng, âm ỉ, những ước mơ bay bổng cùng những hẹn ước đơn phương nhưng thắm đượm... Bởi thiệt khó mà hiểu hết “Sông Hương lững lờ chi rứa?” hay vì răng mà chỉ có mấy nhịp cầu chưa đầy 500m mà đến nỗi “Thương nhau rồi không kịp về mô!”, cái chi đã gây ra tâm sự không nguôi nầy: “Một lần với Huế ân tình sông Hương gây nhớ, Ngự Bình gợi thương”. Cái nón Huế ư? Nơi nào mà chẳng có nón? Tà áo dài tha thướt ư? Hà Nội, Sài Gòn cũng có, còn diễm lệ xa hoa hơn! Một nơi là “ngàn năm văn vật”, một chốn là “hòn ngọc Viễn Đông!” Chao ôi! Huế làm răng mà bì kịp? Thế mà cái quê hương “tứ thời giai hạ nhất vũ thành đông” nhỏ bé này lại có một sức lôi cuốn tâm tư da diết... “Người đi xa Huế còn vương Nhớ màu trắng tím bên đường thướt tha Nhớ ai chung thuỷ mặn mà...” Chắc có lẽ trên những dấu xưa của thành quách, cung điện một thuở vàng son ấy, chiếc nón bài thơ, tà áo dài tha thướt, mớ tóc thề xoã kín bờ vai e ấp, qua những nhịp cầu mây trắng nối đôi bờ ôm lõng dòng sông trong xanh, lơ lửng, nên thơ... Huế đã đáp lại ước mơ của người viễn xứ tha phương về một không gian hồn nhiên, đôn hậu, gần gũi, đơn sơ mà thân tình, dịu dàng e lệ mà không khép kín tâm tư... Ai đã một lần qua Huế, ai đã từ Huế ra đi, đố mà quên được những buỏi chiều qua cầu Trường Tiền, nhìn ngược dòng Hương lên hướng Bạch Hổ, Linh Mụ ngắm cảnh hoàng hôn có con đò khoan thai, có những mái tóc tung bay với gió chiều... như một lời mời gọi kín đáo, tinh khiết và diệu vợi... Đố mà quên được những đêm trăng sáng, đứng ở bờ Nam nhìn sang nhà Thuỷ Tạ in bóng lung linh đáy nước, nghe trong sâu thẳm hồn mình đồng vọng câu hò mái đẩy “Chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi, ai câu ai sầu ai thảm...” để rồi rưng rưng cảm xúc niềm đau của dân tộc một thuở nào đây! Ôi! “Biết ai tâm sự như mình?” Cuộc sống thực tế càng máy móc, cầu kỳ, nhịp đời càng rộn rịp, xô lệch, hối hả thì khi có dịp dừng nghỉ, bỗng thấy thèm cái giản dị hồn nhiên, trầm lắng. Cho nên thích nón bài thơ, yêu mái tóc dài buông thả, thương tà áo thướt tha, tưởng mơ về xứ Huế... chỉ là một khát vọng bù trừ những mất mát đã phải chấp nhận trong nhịp sống hằng ngày muôn mặt. Qua bao nhiêu cuộc chuyển vần, Huế đã từng tiếp xúc với các làn sóng mới nhưng Huế đã dè dặt, giữ gìn bản sắc, nhờ vậy Huế có thể trở thành một tiêu bản mang nhiều nét của truyền thống dân tộc hơn hết. Thế nên trong mức độ đáp ứng lại khát vọng một niềm vui giản dị, một hạnh phúc đơn sơ, một không gian thơ mộng trữ tình thì Huế là nơi được nhiều người thi vị hoá, được quyến luyến âm thầm và được ngợi ca qua văn, thơ, nhất là nhạc.
LÊ GIA PHÀM (nguồn: TCSH số 146 - 04 - 2001) |