Di sản văn hóa âm nhạc Huế bao gồm di sản văn hóa âm nhạc dân gian và văn hóa âm nhạc cung đình. Văn hóa âm nhạc dân gian Huế có gốc rễ từ lâu đời với đặc trưng phong phú, đa dạng, tài hoa, sâu lắng, trữ tình, giàu chất nhân văn, gắn bó với thiên nhiên, thấm đượm hương đồng gió nội. Văn hóa âm nhạc cung đình Huế manh nha từ thời các chúa Nguyễn và phát triển đến đỉnh cao dưới thời các ông vua Nguyễn, đặc biệt là dưới thời ông vua Tự Đức nổi tiếng là ông vua thi sĩ. Hai dòng văn hóa ấy không đối lập, lấn át nhau, mà cùng nhau đan xen, song song tồn tại. Văn hóa dân gian là nguồn, là cơ sở. Văn hóa cung đình Huế là sự chọn lọc tiếp biến, tinh chế và nâng cao từ văn hóa dân gian cho phù hợp với lối sống cung đình. Có thể nói văn hóa cung đình Huế mang âm hưởng văn hóa dân gian Huế cũng như ông vua Nguyễn mang tâm hồn của người dân xứ Huế.
Quốc gia nào cũng có nhạc lễ riêng. Các triều đình Nho giáo phong kiến càng trọng lễ nhạc. Vua Minh Mạng đã viết “Âm nhạc tịnh trần hòa kỳ tâm dĩ dưỡng kỳ chí. Nghiên xuy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi”. Nghĩa là âm nhạc có tác dụng làm hòa dịu tình cảm và di dưỡng ý chí con người, sân khấu để người xem nhận lấy cái phải, cái đúng và cảnh giác với cái sai. Như thế, có thể thấy triều đại phong kiến cuối cùng này đã đánh giá rất cao chức năng giáo dục của nghệ thuật.
Để bảo tồn những giá trị văn hóa Nhã nhạc cung đình Huế, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức thực hiện phục hồi Nhã nhạc và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
1. Những việc đã thực hiện để bảo tồn và phục hồi Nhã nhạc:
- Từ năm 1993-1995, sau khi di sản kiến trúc Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa nhân loại, một dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã được đệ trình Chính phủ Việt Nam.
- Ngày 12/2/1996, Chính phủ Việt Nam đã có Quyết định số 105/TTg phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn và Phát huy giá trị di tích Cố đô Huế 1996-2010, trong đó mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế là Một trong Ba mục tiêu chính của Dự án và được chỉ rõ: Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cung đình bao gồm: Nhạc cung đình, Múa cung đình, Tuồng cung đình, Lễ hội cung đình.
- Ngày 20/1/1998, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ra Nghị quyết số: 06-NQ/TV về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế; trong đó khẳng định bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế là một trong 3 mục tiêu chính của ông cuộc bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế.
- Ngày 18/6/1999, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Quyết định số: 1264/QĐ-UB về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; trong đó khẳng định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống văn hóa cung đình Huế... để không ngừng nâng cao khả năng hưởng thụ văn hóa của nhân dân và phục vụ cho sự nghiệp phát triển du lịch của tỉnh nhà. Đồng thời cho phép thành lập Nhà hát Truyền thống Cung đình Huế để bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế.
- Ngày 30/7/2001, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ra Nghị quyết số: 04-NQ-TU về tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế trong thời kỳ 2001-2005 theo Quyết định 105/TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế cần tiếp tục đẩy mạnh và phát huy giá trị.
- Ngày 9/4/2002, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn số 731 VH-UB về việc lập hồ sơ Âm nhạc Cung đình Việt Nam - Nhã nhạc, đề nghị UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại (đợt 2) để tạo điều kiện phục hồi nền âm nhạc truyền thống Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
- Ngày 24/7/2002, Chính phủ Việt Nam đã có Công văn số: 4089/VPCP-VX về việc lập hồ sơ Âm nhạc Cung đình Việt Nam - Nhã nhạc là loại hình âm nhạc truyền thống tiêu biểu của Việt Nam để đề nghị UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại đợt 2, năm 2003.
- Tháng 3/1994, UNESCO phối hợp với Bộ Văn hóa Thông tin và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Hội nghị quốc tế về Bảo vệ và giữ gìn phục hồi Văn hóa phi vật thể vùng Huế. Sau Hội nghị, Bộ Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có các nội dung cụ thể để bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể cung đình Huế. Hội nghị đã đề xuất mở lớp Nhã nhạc bậc đại học tại trường Đại học Nghệ thuật Huế.
- Dự án đào tạo Nhã nhạc đầu tiên ở Việt Nam đã được xây dựng và được Bộ Giáo dục Đào tạo chấp nhận. Chính phủ Nhật Bản thông qua Japan Foundation Asia Center đã tài trợ cho khóa học này, cùng với kinh phí đào tạo của Việt Nam, lớp chính thức được khai giảng vào tháng 9 năm 1996. Lớp Nhã nhạc này đã có 15 sinh viên (tuổi từ 18-25) theo học các nhạc cụ thuộc dàn Đại nhạc và Tiểu nhạc. Trường đã mời 49 lượt Giảng viên trong và ngoài nước về âm nhạc (Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Việt Nam) đến Huế để giảng dạy về Nhã nhạc. Các sinh viên được công nhận tốt nghiệp đã về công tác tại Nhà hát Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
- Tiếp theo, Dự án đào tạo diễn viên ca múa cung đình Huế bậc Cao đẳng với 28 diễn viên đã được Bộ Giáo dục Đào tạo chấp nhận. Sau khi tốt nghiệp, đội ngũ diễn viên này cũng đã về công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Cung đình thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
- Song song với những vấn đề nêu trên, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế đã được thành lập, bước đầu đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát tài liệu lịch sử và đã bảo tồn được một số bản nhạc cung đình Huế như: Mười bản Ngự (Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã), Ngũ Đối thượng, Ngũ Đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc...; các bản nhạc thường dùng trong dàn Đại nhạc (Tam luân Cửu chuyển, Thái bình Cổ nhạc, Đăng đàn cung, Xàng xê, Kèn chiến, Phú lục, Tẩu mã, Bông, Mã vũ, Man, Đăng đàn đơn, Đăng đàn kép, Nam bằng, Du xuân, Cung ai) và một số bài bản khác.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã có quyết định cho phép tiến hành tu bổ thích nghi, tái sử dụng nhà hát Duyệt Thị Đường và Minh Khiêm Đường để làm môi trường diễn xướng cho Nhã nhạc cung đình Huế.
Do bộ môn nghệ thuật này đã qua một thời gian dài chưa được bảo tồn, một số nghệ nhân lớn tuổi đã ra đi. Vì vậy, việc giữ gìn các giá trị văn hóa này là hết sức bức thiết.
Những cố gắng này đã đạt được những kết quả nhưng cũng còn rất khiêm tốn. Trước mắt còn nhiều việc cần phải làm: tiếp tục công tác sưu tầm, thống kê, nghiên cứu... tiến đến phục hồi rất nhiều phần còn lại của Nhã nhạc nhằm nêu bật giá trị của di sản này, tôn vinh các nghệ nhân cuối cùng đang nắm giữ những kiến thức quý giá về nó, nâng cao ý thức cộng đồng... để có thể lưu truyền di sản này mãi mãi cho các thế hệ mai sau.
2. Phương hướng hành động 5 năm (2002-2006):
Giai đoạn 2002-2004:
- Đẩy mạnh công tác khảo sát, tìm kiếm tài liệu liên quan đến Nhã nhạc. Thực tế cho thấy, các nguồn tài liệu này hiện nay phân tán ở nhiều nơi: ở các kho lưu trữ, các thư viện, các tủ sách tư nhân trong và ngoài nước. Do vậy, phải có kế hoạch hợp tác nhằm tìm kiếm để bổ sung.
- Tiến hành công tác điền dã, gặp gỡ trao đổi với những người hiểu biết, những nhân chứng lịch sử nhằm thiết lập cơ sở cụ thể, xác thực, vững chắc về những vấn đề liên quan đến Nhã nhạc.
- Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm nhằm lấy ý kiến của các nhà chuyên môn và các nghệ nhân để xây dựng các cơ sở dữ liệu khoa học đối với Nhã nhạc.
- Từng bước xây dựng phòng lưu trữ đặc thù về Nhã nhạc. Phòng lưu trữ này sẽ cất giữ toàn bộ các tài liệu cổ, tài liệu viết tay, băng ghi âm, băng ghi hình, ảnh tài liệu, ảnh hiện trạng... liên quan đến Nhã nhạc.
- Lập kế hoạch và chính sách trình lên các cấp có thẩm quyền thông qua các chế độ đãi ngộ và tôn vinh các nghệ nhân lớn tuổi để tranh thủ sự truyền nghề của các thế hệ già cho các thế hệ kế tiếp cả về kinh nghiệm, kiến thức, tư liệu. Động viên, khích lệ họ chuyển giao tích cực hơn nhằm góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
- Tổ chức đội ngũ nghiên cứu có chuyên môn về âm nhạc truyền thống, về văn hóa lịch sử nhằm thực hiện các đề tài nghiên cứu cho một chiến lược dài hạn về khôi phục Nhã nhạc.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo về Nhã nhạc. Phối hợp tổ chức đào tạo và tái đào tạo bổ sung cho đội Nhã nhạc ở các đơn vị nghệ thuật truyền thống.
- Quảng bá và tuyên truyền về Nhã nhạc cho khách tham quan du lịch tại nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội) và Minh Khiêm Đường (lăng Tự Đức).
Giai đoạn 2005-2006:
- Phục hồi các lễ hội để tái tạo môi trường diễn xướng cho Nhã nhạc.
- Thành lập phòng trưng bày về Nhã nhạc. Tiến hành phục chế một số nhạc cụ được sử dụng trong Nhã nhạc.
- Tập trung các đề tài nghiên cứu để làm rõ giá trị của Nhã nhạc. Xây dựng biện pháp, giải pháp để thực thi có hiệu quả chương trình bảo tồn Nhã nhạc.
- Dàn dựng, phục hồi các tiết mục Nhã nhạc đã đầy đủ cứ liệu lịch sử.
- Tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa và quảng bá Nhã nhạc trong phạm vi quốc gia và quốc tế.
- Biên soạn và xuất bản các văn hóa phẩm về Nhã nhạc (tập gấp, sách nghiên cứu, dĩa CD, VCD...) để tuyên truyền về giá trị văn hóa truyền thống. Triển khai các địa điểm biểu diễn phục vụ công chúng và khách đến tham quan di tích tại những nơi là môi trường diễn xướng nguyên thủy của Nhã nhạc.
- Tranh thủ các nguồn kinh phí để đầu tư cho công tác đào tạo, sưu tầm...
Đặc biệt là tổ chức thực hiện tốt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa Thông tin và UBND Tỉnh hoàn chỉnh Hồ sơ ứng cử quốc gia về Âm nhạc Cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (triều Nguyễn) đệ trình UNESCO xin công nhận là Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại.
Trên đây chỉ là những phác thảo bước đầu cho một chương trình dài hạn về phục hồi Nhã nhạc, công việc này sẽ được triển khai bằng nhiều phương án cụ thể chi tiết và đòi hỏi tính khoa học cao.
T.C.N (178/12-03) |