Thật ra, trước đây, trong một kế hoạch gọi là Giao lưu Nghệ thuật Truyền thống Á Châu (ATPA) do Quỹ Giao lưu Quốc tế tổ chức, cả hai chúng tôi đều đã nếm một kinh nghiệm đắng cay, đó là vì mặc dù đã nỗ lực để mời ngành nhã nhạc và những nhà âm nhạc, học giả âm nhạc về âm nhạc truyền thống của Việt Nam tham dự kế hoạch này, nhưng giấc mộng đã không thành. Đó cũng là mong ước của ông Koizumi Fumio quá cố (lúc đó là giáo sư Đại học Nghệ thuật Tokyo), một thành viên trong Ban tổ chức ATPA, vì ông muốn biết lịch sử và tình trạng hiện nay của nhã nhạc Việt Nam, một loại hình mà nếu so với nhã nhạc của Nhật Bản và Hàn Quốc, thì hầu như không được biết đến. Chúng tôi cũng lo là trong khoảng nửa sau thập kỷ 1970, lúc mà hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam thảm thương vẫn còn nặng nề, thì nhã nhạc có vượt qua được những khó khăn ấy để tiếp tục phát triển hay không?
Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội vào tháng Ba. Ở Hà Nội, chúng tôi đã bàn thảo về những hợp tác nào là nên thực hiện ngay để duy trì nền văn hoá truyền thống gồm của nhiều dân tộc: người Kinh và 53 dân tộc thiểu số khác. Tôi cũng như ông Tokumaru đều đề nghị “Chương trình Đào tạo kỹ thuật ghi lại bằng phương tiện nghe nhìn (AV) các loại nghệ thuật biểu diễn”. Vì công việc của một khoa trưởng, nên ông Tokumaru buộc phải về sớm và vào đêm trước khi về nước, ông ta đã uỷ thác lại cho tôi những điều nên đề nghị ở hội nghị. Mang bản đề nghị viết tay mà chúng tôi cùng thảo với nhau, tôi đi tham gia hội nghị ở Huế. Đó là “Kế hoạch Phục hưng Nhã nhạc Việt Nam”, nhằm mục đích tạo ra sự năng động cho truyền thống của các loại hình múa hát nhạc cung đình như là Nhã nhạc, Đại nhạc, Tiểu nhạc đang may mắn còn tồn tại ở cố đô Huế. Cả hai ông Trần Văn Khê (giáo sư danh dự của Đại học Paris) và ông José Maceda (giáo sư danh dự Đại học Philippines) cũng đều đưa tay tán thành đề nghị này và hứa sẽ hợp tác với chúng tôi. Cả hai đề án đều được UNESCO chấp nhận, nhưng phương án để tiến hành cụ thể và việc huy động tiền bạc thì giao cho phía Nhật Bản. Bởi vì, cùng một lúc không thể bắt đầu cho hai đề án được, nên trước mắt, chúng tôi quyết định đặt tay vào công việc có liên quan với Huế. Cũng may, trong năm đó, cơ quan âm nhạc Arion đã mời Đoàn Ca Múa do bà La Cẩm Vân dẫn đầu đến tham dự “Đại nhạc hội Mùa hè Tokyo lần thứ 10”, nhờ đó trong thời gian lưu lại Huế, ông Trần Văn Khê đã sắp đặt thời giờ để có thể góp ý cho Đoàn Ca Múa. Sở dĩ làm như thế là vì Đoàn Ca Múa này có khuynh hướng muốn dựng một chương trình đa dạng, được nhiều người hưởng ứng, bao gồm không chỉ ca múa nhạc cung đình, mà còn có cả dân ca và một phần của hát tuồng, nên họ sử dụng một số nhạc cụ như cả đàn bầu vốn không phải là nhạc khí của nhã nhạc vào nhã nhạc, mà như vậy thì về mặt tính chính thống của nhã nhạc chắc chắn nó không thể được chấp nhận. Lẽ dĩ nhiên, việc thay đổi nhạc cổ thành nhạc mới không phải lúc nào cũng nên phê phán, nhưng nếu nhìn vào hiện trạng của Nhã nhạc Việt Nam, thì ông Trần Văn Khê và tôi đều nhất trí cho rằng ít nhất là hiện nay, chúng ta cần phải thận trọng. Ông Khê đã lưu lại dài hơn dự định, để góp ý và hướng dẫn cho Đoàn Ca Múa. Việc Đoàn Ca Múa được sang Nhật đối với các nhà âm nhạc và nghệ sĩ múa có lẽ là một khích lệ lớn. Trong đó, việc người nước ngoài quan tâm nhiều đến nhạc cung đình vốn đã có trước đây, chẳng hạn như nhã nhạc ... sẽ giúp họ nâng cao ý thức bảo tồn nhã nhạc.
Thật ra, khi ở Huế, ngoài Đoàn Ca Múa đã đến Nhật, tôi còn biết một số cựu nhạc sư cung đình có thể trình diễn một cách chính thống hơn thế nữa. Bốn trưởng lão trong họ đã dẫn những người thân như là con cháu của mình đến trình diễn từng phần theo kiểu mở đầu buổi tiệc như trong Lễ khai mạc Hội nghị UNESCO. Hơi một chút tẻ nhạt, nhưng cuộc trình diễn đã cho tôi cảm nhận được sức mạnh truyền thống mãnh liệt ấy, và dường như nó đã thôi thúc tôi hiểu rằng nếu có cơ hội thì họ sẽ trau dồi nhiều hơn để có thể khôi phục lại hình tượng âm nhạc vốn đã có từ lâu đời.
Tôi đã đưa ra một kế hoạch. Đó là lấy trường hợp Hàn Quốc làm điển hình. Không phải trước đây, một thời nhã nhạc Triều Tiên đã mất dần cùng với sự diệt vong của Triều Lý (Triều Tiên), bây giờ lại được bảo tồn như loại quốc nhạc ở Quốc Nhạc Viện Trung ương đó hay sao? Việc kết hợp trình diễn giữa các nhà nhã nhạc Tokyo với Kinh thành (bây giờ gọi là Seoul) và sự đóng góp công lao của nhóm ông Tanabe Hisao, một học giả âm nhạc đã làm cho nhã nhạc Triều Tiên tiếp tục tồn tại và phát triển. Hiện tại, ngay cả ở mặt trình diễn và nghiên cứu, họ cũng đang giữ vai trò quan trọng trong việc giao lưu quốc tế. Tôi có cảm tưởng rằng nhã nhạc Việt Nam cũng có chung một số phận là mai kia sẽ tiến lên trên cùng một con đường như vậy.
Sau khi về nước, tôi đã nói lại ý nghĩ của tôi cho ông Tokumaru, và cố gắng bắt tay thực hiện ngay “Kế hoạch Khôi phục Nhã nhạc Việt Nam”. Cũng may đúng lúc đó, tôi nhận được số tiền tài trợ nghiên cứu của quỹ Toyota, một tổ chức đang bắt đầu chú trọng đến Việt Nam, nên tôi quyết định lập “Hội nghiên cứu Nhã nhạc Việt Nam” (đại diện là ông Tokumaru Yosihiko). Công việc đầu tiên là thu thập những tư liệu có tính học thuật đang còn lại hiện nay và rồi là các sử liệu đang bị phân tán, cuối cùng là quyết định bắt tay vào việc nghiên cứu cơ sở gọi là thử khảo chứng về mặt lịch sử. Chúng tôi cũng đã uỷ thác ông Trần Văn Khê, một nhà nghiên cứu đàn anh làm thành viên, và Hội bắt đầu có những hoạt động như đọc luận văn tốt nghiệp của ông ta...
Tháng 4 năm 1995, Hội nghiên cứu đã tổ chức đi điều tra thực địa. Một đội ngũ gồm những học giả chuyên môn về Việt Nam và một số sinh viên cao học trẻ đã mang lại một thành quả lớn. Đó là ông Shiraishi Masaya (giáo sư Đại học Thành phố Yokohama, chuyên về Lý thuyết quan hệ quốc tế), người hiểu sâu về cơ cấu văn hoá Việt Nam giữ vai trò thông tin liên lạc, ông Tomita Kenji (giáo sư Đại học Ngoại ngữ Osaka, chuyên về Tiếng Việt), người cũng nổi tiếng là am hiểu món ăn Việt Nam, góp ý trong cương vị của người điều đình, ông Momoki Shiro (phó giáo sư Đại học Osaka, chuyên về Lịch sử Việt Nam) đóng vai thông dịch cho Đoàn, một người luôn luôn làm việc miệt mài, anh Zhao Wei Ping (người Trung Quốc, đang học khoá trình tiến sĩ ở Đại học Osaka về Âm nhạc học), người đã có những đóng góp để làm cho người Việt Nam xác nhận lại rằng Nhã nhạc là tài sản chung của các nước Đông Nam Á, chị Kim Young Bong (người Hàn Quốc, cũng đang học khoá trình tiến sĩ ở Đại học Osaka về Âm nhạc học) giúp chúng tôi mở rộng tầm nhìn, cô Nakamura Minako (đang học khoá trình tiến sĩ của Đại học Nữ Ochanomizu về Vũ học) thường mặc áo dài và hoạt động không quản khó nhọc, ông Takahashi Mitsunori (Cty Mitsu Production), con người năng nổ đã chịu nhận lời nhờ vả đặc biệt của tôi một cách dễ dàng để đảm nhận việc ghi hình bằng kỹ thuật nhà nghề, ông Yamakawa Izumi (Cty Soju) như một nhà đào tạo nghệ sĩ đã đặc biệt tham gia để quan sát, bà Trần Thị Thực (điều phối viên ngoại ngạch của Bộ Văn hoá Thông tin), người đã sắp đặt kỹ lưỡng chương trình làm việc cho Đoàn mà ban đầu chỉ là người thông dịch ở nội địa, nhưng cuối cùng được chính thức mời làm thành viên của Dự án và bà đã hứa từ đây về sau cũng sẽ hợp tác với chúng tôi. Sau hết là ông Trần Văn Khê, người mà sau khi đến nhận giải thưởng Âm nhạc Izumi Fumio đã bằng đôi chân đó đi về Việt Nam để gặp chúng tôi và ông Tokumaru, người tổng chỉ huy nhưng cũng là một người sành ăn uống..., và người nào cũng để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên.
Ở Huế, chúng tôi thật sung sướng vì đã xác nhận được rằng bằng hình thức này hay hình thức nọ, cũng còn một số người chơi nhã nhạc. Tuy nhiên, nếu trừ bốn trưởng lão, thì tôi có cảm tưởng rằng mức độ tài nghệ và tầm vóc của những nhạc công còn lại không làm cho người nghe thoả mãn trọn vẹn được. Trong thời gian ở Huế, chúng tôi nhận được một thông tin không hề chờ đợi, đó là Trung tâm Văn hoá ASEAN của Quỹ Giao lưu Quốc tế sẽ bị ngưng hoạt động để Trung tâm Á Châu bắt đầu hoạt động vào mùa thu. Chúng tôi đã liên lạc chặt chẽ với Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội (Đại sứ lúc ấy là ông Ogura Kazuo và ông Tham tán Anabuki, người mà đến nay vẫn giữ vai trò đại diện thường trú cho chúng tôi) để bắt đầu hoạch định cách triển khai cho một dự án mới. Đó là vận động để thành lập Khoa Nhã nhạc ở Đại học Nghệ thuật Huế. Với tâm niệm muốn tạo ra một môi trường giáo dục gần với môi trường hiện nay của Seoul, chúng tôi nghĩ trước hết nên thúc đẩy nhanh việc đào tạo những nhà nhã nhạc trẻ ở bậc đại học. Và suy nghĩ này đã trở thành vấn đề cấp bách vì chúng tôi đã nhận thấy sự hoạt động còn mạnh mẽ của bốn trưởng lão.
Tức khắc sau khi trở lại Nhật Bản, chúng tôi đã yêu cầu Trung tâm Á Châu giúp ý kiến, và bắt đầu vận động để cho Đại học Nghệ thuật Huế được phép nộp đơn ở quỹ hỗ trợ vừa mới mở để xin tài trợ cho Dự án. Mặc dù phải qua nhiều chặng đường cam go, nhưng cuối cùng vào tháng 11 chúng tôi cũng đã nhận được giấy phép tài trợ. Tuy nhiên, về phía Việt Nam để nhận được giấy phép mở học khoa mới này của Bộ Giáo dục thì cần phải chờ đến tháng 1 năm nay. Ngày 14 tháng 3 năm nay, chúng tôi nghe tin là để mở được học khoa mới thì phải chờ đến tháng 9 khi niên học mới bắt đầu. Và để đừng phí số tiền tài trợ cho năm đầu tiên vừa khổ công nhận được, tôi đã đề nghị là trước khi Học khoa được chính thức khai giảng, từ tháng 4 chúng tôi nên bắt đầu hoạt động để chuẩn bị. Sự điều tra hiện địa của tài khoá năm thứ hai do Quỹ Toyota tài trợ vào tháng 4 đã có nhiều đóng góp để sáng kiến của tôi biến thành hiện thực. Ngoài các thành viên năm ngoái, chúng tôi còn có thêm sự trợ lực của các thành viên mới như bà Oshio Satomi (Trợ lý Đại học Nữ Ochanomizu, chuyên về Âm nhạc học) và ông Yamashita (Cty Mitsu Production), vì vậy, chúng tôi đã có thể thực hiện Lễ khai giảng tạm thời và Hội thảo học thuật như là bước đầu trước khi khai giảng học khoá mới. Trong Lễ khai giảng này, các sinh viên chắc chắn sẽ theo học chuyên ngành nhã nhạc từ mùa thu năm nay và nhóm trưởng lão đã trình diễn âm nhạc cho chúng tôi nghe.
Như thế đó, chúng ta đã nhìn thấy đang có biến chuyển lớn trong nhã nhạc Việt Nam.
Nhưng tôi thì không thoả mãn với chỉ kết quả như thế. Bởi vì, thực tế ở bậc thấp hơn một chút so với bậc đại học, thì giáo dục nhã nhạc mới được thực hiện ở một chừng mực nào đó thôi. Nếu nói theo trình độ Nhật Bản, thì ở Trường Nghệ thuật Văn hoá Huế tương đương với bậc cấp 3 của Nhật, việc dạy dỗ nhã nhạc và đại nhạc cũng chỉ mới được thực hiện trong khuôn khổ của việc giáo dục âm nhạc truyền thống. Vào tháng Tư năm ngoái, chúng tôi đã có dịp thưởng thức buổi trình diễn trẻ trung của những học sinh sắp trở thành sinh viên của Khoa Nhã nhạc sẽ mở trong tương lai. Và vào tháng Ba năm nay, chúng tôi lại có cơ hội tham quan quang cảnh đang học tập âm nhạc truyền thống dạy theo kiểu từng người và từng loại nhạc khí kia. Nhìn dáng bộ nhiệt tình khi sử dụng các loại nhạc khí của họ hoà hợp với nhịp đập của trái tim dân tộc đang tiềm ẩn trong bàn tay điêu luyện và lời xướng ca của các thầy chỉ đạo, thì chúng tôi có ngay một ấn tượng là nơi đây vẫn còn những người trẻ sẵn sàng đứng ra gánh vác tương lai của ngành nhạc cung đình.
Một số thầy, những nhà âm nhạc tương lai đang học cấp 3 và ông Nguyễn Xuân Hoa (Phó giám đốc Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế), người luôn luôn góp ý và chăm lo cho hoạt động đào tạo được mời để tham dự Diễn đàn Nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 4 ở Hyogo, trong đề tài “Những người trẻ chung vai gánh vác Truyền thống Âm nhạc Á Châu --- Việt Nam và Nhật Bản ---” do Nhà Nghệ thuật Hiện đại Hyogo tổ chức. Và nhờ có sự nỗ lực của ông Shiraishi mà có thêm hai người Việt Nam nữa tham gia diễn đàn lần này. Việc ông Hà Sâm (nhạc sĩ và là Hiệu phó Đại học Nghệ thuật Huế) và ông Tô Ngọc Thanh (Giám đốc Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia) sang Nhật để “so sánh nhã nhạc giữa Việt Nam và Nhật Bản”, một đề tài nghiên cứu do Quỹ Sumitomo tài trợ cũng là một sự hợp tác đối với diễn đàn này. Chúng ta chắc chắn sẽ có những buổi trình diễn thú vị ở Diễn đàn tại địa điểm của Rạp Piccolo vào ngày 2 tháng 11 hay ở Kyoto, Osaka và Nishi - Suma. Trong diễn đàn lần này, cũng còn có sự hợp tác của những tổ chức như Hội nghiên cứu Nhã nhạc Việt Nam, Viện nghiên cứu Cao đẳng Quốc tế... Tôi tin tưởng qua việc giao lưu với thanh thiếu niên Nhật Bản này, chúng ta có thể cùng nhau tìm hiểu phần nào những “mẹo nghề” của âm nhạc truyền thống được truyền đạt giữa các thế hệ và cũng để chia nhau niềm hy vọng về một tương lai sáng lạn.
Y.O (182/04-04) |