Âm sắc Huế
Từ ‘Kê khang’ đến ‘Lộng điệp’ - Câu chuyện về một bài bản Ca Huế
15:09 | 11/05/2022

PHAN THUẬN THẢO

Trong nhạc mục của Ca Huế hiện nay có một bài bản chính thống nhưng không mấy phổ biến, đó là bài Lộng điệp.

Từ ‘Kê khang’ đến ‘Lộng điệp’ - Câu chuyện về một bài bản Ca Huế
Tranh minh họa qua Kknews.cc - Ảnh: trithucvn.org

Bài Lộng điệp có nhịp 1[1], thuộc hơi Khách, tính chất tươi vui, trong sáng, giai điệu đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc, nhất là đoạn đầu giống với bài Cổ bản rất phổ biến của Ca Huế. Nếu bài Cổ bản rất được ưa chuộng và thường xuyên vang lên trong các chương trình biểu diễn Ca Huế thì bài Lộng điệp rất ít khi được trình diễn. Mới đây, khi nghiên cứu quyển nhạc phổ “Di tình nhã điệu” có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX ghi chép các bài bản của Ca Huế[2], chúng tôi tìm thấy một bản nhạc có những điểm gần gũi với bài Lộng điệp, đó là bài Kê Khang vốn từ lâu đã không có tên trong nhạc mục của Ca Huế. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ làm rõ mối liên hệ giữa hai bài bản này, qua đó chứng minh rằng bài Lộng điệp hiện nay có nguồn gốc từ bài Kê Khang trong lịch sử.

1. Từ bài Kê Khang trong nhạc phổ “Di tình nhã điệu”…

Kê Khang là một trong 43 bài bản được ghi chép trong nhạc phổ “Di tình nhã điệu” của tác giả khuyết danh, có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX, hiện được lưu trữ tại Viện Hán Nôm ở Hà Nội. Nhạc phổ này sử dụng kiểu ghi chữ nhạc cổ với hệ thống Hò - xự - xang - xê - cống, viết từ trên xuống dưới, từ phải sang trái, một số bài có kèm theo cả phần ca từ bằng chữ Hán (xem bản scan ở Phụ lục 1). Ở bài Kê Khang, mỗi câu lời đi liền với một câu nhạc tương ứng, và mỗi chữ nhạc ứng với một ca từ (trừ câu lời cuối bài bị chép thiếu). Từ đó, chúng tôi có thể chuyển biên bài nhạc này qua hệ thống solfège (xin xem Phụ lục 2, 3).

Trước hết, xin đề cập đến tiêu đề của bài bản. Kê Khang (223 - 262) là tên của một nhân vật có biệt tài cầm, kỳ, thi, họa trong lịch sử Trung Quốc, là một trong Trúc Lâm Thất hiền đời nhà Ngụy (220 - 264). Ông theo đạo Lão với tư tưởng lánh đời, nên đã từ quan, tìm về lối sống ẩn dật, ngao du sơn thủy, vui say với lời ca, điệu đàn, nhưng cuối cùng vẫn bị bức hại. Về âm nhạc, ông nổi tiếng tài chơi đàn, khúc nhạc Quảng lăng do ông sáng tác vẫn được người đời truyền tụng. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng từng mượn tài âm nhạc của Kê Khang để liên tưởng đến tài năng của nàng Kiều:

Kê Khang này khúc Quảng lăng
Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân

Tài năng của Kê Khang đã là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật của hậu thế, trong đó có bản nhạc Kê Khang được ghi trong quyển “Di tình nhã điệu”.

Bài nhạc này có 12 nhịp, sử dụng hệ thống thang âm như sau:

         Hò   xự     xang    xê      cống      liu      ú

 

Nếu giới hạn trong một quãng 8 thì ta có thang 5 âm:

      

        Hò     xự    xang     xê      cống    (liu)

Trong văn bản Hán Nôm có xuất hiện một lần chữ lịu, đây là chữ nhạc của dây buông thứ hai (dây tiếu[3]) của đàn nguyệt, có cao độ như chữ , tương đương với nốt do1.

Giai điệu bài Kê Khang có thể được chia thành 2 đoạn: đoạn 1 từ đầu bài đến đầu nhịp 6, đoạn 2 từ nhịp 6 đến hết bài. Lời ca diễn tả cảnh sắc tươi đẹp của mùa xuân với bướm vờn hoa, chim hót véo von trong gió… Từ nội dung lời ca đó có thể suy đoán bài bản này có tính chất vui tươi, trong sáng, cho nên có thể được diễn tấu ở hơi Khách, điệu Bắc.

2. … đến bài Lộng điệp ngày nay

Trong quá trình học Ca Huế với nghệ nhân Minh Mẫn (1925 - 2018) trong thập niên 1990, bản thân chúng tôi được bà truyền dạy bài Lộng điệp với lời ca bằng chữ Hán và chữ Việt. Nay xin ký âm lại bằng hệ thống solfège (xin xem Phụ lục 4).

Bài Lộng điệp sử dụng thang âm gồm các âm như sau:

      sol    la     sib     do     re      fa    sol     la    sib    do     re      fa

Nếu giới hạn trong một quãng 8 thì có thang 6 âm là:

      Do     re       fa      sol      la     sib    (do)

Trong thang âm này, các bậc xự (re) và cống (la) rung. Theo quy luật, cách rung này thể hiện hơi Khách, điệu Bắc của âm nhạc Huế. Do vậy, bài Lộng điệp có tính chất vui tươi, trong sáng, thể hiện tinh thần sảng khoái, vui vẻ, yêu đời của con người trước cảnh sắc mùa xuân tươi đẹp.

Xem xét phần lời, có thể thấy lời Hán không phải câu nào cũng có nghĩa. Có lẽ lời ca này đã được truyền qua nhiều đời nên bị “tam sao thất bổn”. Dù vậy, vẫn có thể nhận ra nội dung tả cảnh mùa xuân với “Xuân sắc lai thiên địa” (mùa xuân đến với đất trời), “ba khai” (hoa nở)[4], “thiều quang” (ánh mặt trời)… Và nội dung ấy cũng tương tự như lời Việt, chẳng hạn như các câu ở đầu bài:

Lời Hán:

Xuân sắc lai thiên địa, toàn khiến ba khai,
Thiều quang hề, lộng hề thiều quang, điệp mê ba.
Phân thân, phân thân viên thượng,
Mùi tượng hoàn, tượng hoàn…

Lời Việt:

Hoa tốt tươi xinh đẹp hồng tía xuê xoang
Lại thêm càng dịu dàng mùi hương, giọt thu sương.
Ánh dương sáng lung linh dọi
Cỏ cùng hoa, cùng hoa…

Từ sự tương đồng về ngữ nghĩa trong hai phần lời Hán và lời Việt, có thể suy luận rằng phần lời Việt được phỏng dịch từ lời Hán. Lập luận này cũng phù hợp với dòng chảy lịch sử của Ca Huế vốn trước đây dùng lời Hán, về sau mới dần dần chuyển sang lời Việt. Điều đáng lưu ý ở đây là lời Hán được lưu truyền đến ngày nay có nhiều câu không đúng ngữ nghĩa, ngay cả nghệ nhân diễn xướng cũng không hiểu là gì. Chính vì thế mà lời Hán ngày nay ít được hát, dẫn đến việc nó sẽ bị lãng quên trong một tương lai không xa.

3. Mối liên hệ giữa Kê KhangLộng điệp

Xem xét hai bản nhạc Kê KhangLộng điệp, ta thấy chúng có những điểm tương đồng như sau:

- Tương đồng về chủ đề, nội dung, ca từ: Cả hai bài đều có chủ đề, nội dung miêu tả cảnh sắc tươi đẹp của mùa xuân với các hình ảnh hoa nở, chim hót, bướm vờn hoa, gió nhè nhẹ… rất đặc trưng của cảnh sắc mùa xuân. Đặc biệt, có nhiều đoạn ca từ giống nhau hầu như hoàn toàn giữa hai bài:

Ví dụ:

Bài Kê Khang:

Xuân sắc lai thiên địa, cánh hoa khai
Thiều quang, thiều quang hề, Đồng thiều quang, Điệp hoa khai
Tiến thân giang thượng
Mỗi tương hoan

Bài Lộng điệp:

Xuân sắc lai thiên địa, toàn khiến ba khai,
Thiều quang hề, lộng hề thiều quang, điệp mê ba.
Phân thân, phân thân viên thượng,
Mùi tượng hoàn, tượng hoàn…

So sánh đoạn lời trên đây của hai bài, có thể thấy bài Lộng điệp là một phiên bản (sai) của bài Kê Khang. Điều này cũng dễ hiểu bởi hiện tượng “tam sao thất bổn” vẫn thường diễn ra khi bài hát được truyền từ đời này sang đời khác, đặc biệt nếu người hát không rành chữ Hán, không hiểu nghĩa của ca từ thì rất dễ hát sai. Cũng như đoạn lời trên đây, đoạn tiếp theo cũng có hiện tượng tương tự:

Bài Kê Khang:

Xử hoa phong
Phiêu phiêu tranh phi, Xuân sắc thị giai kỳ
Điệp oanh ca, Thường thiện oanh ca…

Bài Lộng điệp:

Xứ ba phòng, xứ xứ ba phòng,
Phiêu phiêu trăng phi, xuân dứt chi giai mỹ
Điệp thanh ca, thượng thì thanh ca…

Sự tương đồng về nội dung chủ đề và ca từ như trên cho thấy rằng giữa hai bài Lộng điệpKê Khang có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau, thậm chí chúng có thể là những phiên bản của nhau.

- Tương đồng về thang âm:

Hai bài bản đều sử dụng thang âm đặc trưng của Huế. Bài Kê Khang dùng thang 5 âm:

       Hò     xự    xang     xê     cống   (liu)

Bài Lộng điệp cũng dùng thang âm như trên, nhưng có thêm nốt sib (phàn):

     Hò     xự     xang    xê    cống  phàn  (liu)

Nếu suy luận bài Kê Khang dùng hơi Khách là chính xác thì giữa hai bài bản này còn có sự tương đồng về điệu thức. Điều đó cho thấy giữa chúng có mối liên hệ gần gũi về tính chất âm nhạc.

- Tương đồng về giai điệu:

Đường nét giai điệu trong bài Kê Khang rất giống với giai điệu bài Lộng điệp. Xin đơn cử các ví dụ sau:

Đoạn đầu bài Kê Khang (từ đầu bài đến nhịp 5)


Đoạn trên giống với đoạn đầu của bài Lộng điệp (từ đầu bài đến nhịp 7):


Hoặc ở đoạn 2:

Bài Kê Khang (từ nhịp 6 đến nhịp 11):



Đoạn nhạc trên giống với một đoạn trong bài Lộng điệp (từ nhịp 9 đến nhịp 16):


Như thế, hầu hết giai điệu của bài Kê Khang là tương đồng với bài Lộng điệp. Tuy trong đó có sự khác nhau về nhịp, nhưng tuyến giai điệu vẫn tương tự như nhau.

So sánh 2 bài nhạc, ta thấy bài Lộng điệp dài hơn: từ nhịp 17 đến cuối bài là đoạn không có trong bài Kê Khang. Điều này có thể do bài Kê Khang chỉ ngắn đến đó mà thôi, hoặc do bị chép thiếu, như kiểu chép thiếu một câu lời ở trong văn bản Hán Nôm này. Trong quá trình nghiên cứu toàn bộ 43 bài trong quyển nhạc phổ “Di tình nhã điệu”, chúng tôi thỉnh thoảng bắt gặp tác giả khuyết danh đã chép sai hoặc chép thiếu như thế.

Như vậy, giữa hai bài Kê KhangLộng điệp có những tương đồng về chủ đề, nội dung, thậm chí lời ca cũng giống nhau ở nhiều câu chữ, và đặc biệt là sự giống nhau ở tuyến giai điệu hầu như từ đầu đến cuối bài Kê Khang. Bên cạnh đó, vẫn có thể ghi nhận sự khác nhau về nhịp trong tuyến giai điệu, và bài Lộng điệp dài hơn một đoạn so với bài Kê Khang. Dù sao, mối liên quan chặt chẽ giữa hai bài bản này vẫn thể hiện rõ qua những gì vừa được phân tích trên đây.

*

Bản nhạc Kê Khang được ghi trong nhạc phổ “Di tình nhã điệu” có niên đại cách đây hơn 1 thế kỷ, và từ đó đến nay, nó không được nhắc đến trong các tài liệu lịch sử chúng tôi sưu tầm được lẫn trong tâm trí của nghệ nhân Ca Huế. Có thể cho rằng bài Kê Khang từng tồn tại trong nghệ thuật Ca Huế trong những thập niên cuối thế kỷ XIX, sau đó, không biết lý do gì mà nó trở thành bài Lộng điệp với lời ca bằng chữ Hán và rồi được phỏng dịch sang chữ Việt mà chúng tôi đã được học từ nghệ nhân Minh Mẫn trong thập niên 1990. Đến nay, lời ca chữ Hán rất ít người biết, còn lời tiếng Việt thì phổ biến hơn, phù hợp với dòng chảy biến đổi từ lời Hán sang lời Việt của nghệ thuật Ca Huế.

Như vậy, chúng ta có thể thấy tiền thân của bài Lộng điệp là bài Kê Khang có từ cuối thế kỷ XIX. Điều này góp thêm một chứng cứ về lịch sử của Ca Huế nói chung vốn lâu nay vẫn còn thiếu các nguồn tư liệu. Đồng thời, lời ca trong bài Kê Khang cũng có thể giúp chỉnh sửa lời Hán của bài Lộng điệp sao cho đúng ngữ nghĩa, giải quyết được vấn đề “tam sao thất bổn” do được truyền thừa qua nhiều thế hệ. Việc này sẽ được thực hiện trong một nghiên cứu tiếp theo.

*

PHỤ LỤC

Phụ lục 1: Bài Kê Khang trong nhạc phổ “Di tình nhã điệu”.

Phụ lục 2: Chuyển biên bài Kê Khang từ nguyên bản Hán Nôm trong nhạc phổ “Di tình nhã điệu” (Người chuyển biên: Phan Thuận Thảo; Phiên âm chữ Hán: Trần Đại Vinh).

Phụ lục 3: Dịch lời bài Kê Khang theo nguyên điệu (Người dịch: Trần Đại Vinh).

Sắc xuân đến đất trời
Hoa lại nở
Ánh xuân, ánh xuân chừ
Cùng ánh xuân
Bướm vờn hoa
Lướt thân trên sông lúc cùng vui
Trong gió hoa
Nhè nhẹ cùng bay
Sắc xuân đem giai kỳ
Bướm oanh ca
Oanh ca véo von
Tuyết hoa có nằm?

Phụ lục 4: Bản ký âm bài Lộng điệp

P.T.T
(TCSH398/04-2022)


-------------------
Tài liệu tham khảo:

1. Tác giả khuyết danh (?), Di tình nhã điệu, sách nhạc phổ lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AB 446.

2. Nguyễn Việt Đức (chủ biên), Lâm Bảo Dần (2015), Giáo trình Đàn Ca Huế, Nxb. Đại học Huế, Huế.

3. Phan Thuận Thảo (2021), Chuyển biên, chú giải sách “Di tình nhã điệu” - Nhạc phổ Hán Nôm về bài bản Ca Huế, Đề tài NCKH cấp cơ sở, Học viện Âm nhạc Huế, Huế.

 

 


[1] Nhịp 1: trong 1 khuôn nhịp (chu kỳ nhịp) có 1 tiếng gõ phách.

[2] Phan Thuận Thảo (2021), Chuyển biên, chú giải sách “Di tình nhã điệu” - Nhạc phổ Hán Nôm về bài bản Ca Huế, Đề tài NCKH cấp cơ sở, Học viện Âm nhạc Huế, Huế.

[3] Dây tiếu: đọc trệch từ chữ tiểu (nhỏ), tức là dây nhỏ hơn trong 2 dây của đàn nguyệt.

[4] Vì kỵ húy tên bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng, nên các chữ hoa đều đọc trại thành ba (như tên chợ Đông Hoa phải đổi thành Đông Ba).

 

Các bài mới
Các bài đã đăng