Âm sắc Huế
Âm nhạc dân gian xứ Huế trong đời sống hiện nay
14:59 | 14/06/2023

DƯƠNG BÍCH HÀ

Âm nhạc dân gian (ÂNDG) xứ Huế (chúng tôi muốn mở rộng không gian địa lý của nó bao gồm một số huyện từ phía Nam Quảng Trị trở vào) là một thành phần của văn hóa dân gian Huế, nhưng cũng là một bộ phận của âm nhạc truyền thống dân tộc.

Âm nhạc dân gian xứ Huế trong đời sống hiện nay
Ảnh: tư liệu

Vì vậy, ÂNDG xứ Huế - dân ca Huế không những trực tiếp chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh địa lý, lịch sử của riêng Huế, mà còn bị chi phối bởi điều kiện lịch sử của dân tộc Việt, cho nên, nguồn gốc, sự hình thành và phát triển của ÂNDG xứ Huế cũng nằm trong quy luật ấy.

Huế, trên một thế kỷ là kinh đô, là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước (1788 - 1945), từng là thủ phủ của chúa Nguyễn từ năm 1636, nơi hội tụ nhân tài khắp mọi miền đất nước, và cũng là nơi giao thoa của các nền văn hóa khác nhau trải qua các thời kỳ phát triển của lịch sử xứ Thuận Hóa. ÂNDG xứ Huế khá đa dạng, trong đó dân ca lại càng phong phú về thể loại như Hò, Vè, Đồng dao, Hát ru, Lý… mà thể loại nào cũng ít nhiều chiếm vị trí hàng đầu, và không chỉ bao gồm những nội dung phản ánh sinh hoạt của nhân dân lao động, mà cả của giới Nho sĩ nữa.

Thật ra, trong một ý nghĩa nào đó, lịch sử phát triển của ÂNDG xứ Huế không thật trùng hợp hoàn toàn với sự hình thành của mảnh đất Thừa Thiên Huế; nghĩa là không chỉ hình thành khi vùng Thuận Hóa sáp nhập vào Đại Việt, tính từ thế kỷ XIV (1306), khi quốc vương Chăm là Chế Mân dâng hai châu Ô - Lý làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân, mà đã bắt nguồn từ trong quá trình mở rộng bờ cõi của các triều đại Đinh, Lê, Lý… nếu không muốn đẩy lùi lại sớm hơn nữa, đến thời mà Đại Nam Nhất Thống Chí ghi Thừa Thiên “Xưa là đất Việt Thường thị”.

Chúng tôi muốn đưa ra giả thuyết: Có thể đã có sự giao lưu, tiếp nhận và tự dung hợp của người Việt trên mảnh đất này từ xa hơn, và những điệu hát dân gian cũng được biến thái đi từ xa hơn, trước khi có Thuận Hóa này. Nhưng dù sớm hay muộn thì nguồn gốc xa xôi nhất của nó cũng là sự tiếp tục phát triển truyền thống âm nhạc của dân tộc theo chiều dài lịch sử đất nước từ Bắc vào Nam, từ xa xưa tới nay - tuy có sự khu biệt về tính địa phương nhưng vẫn không xa với nguồn gốc của nó.

Lịch sử Huế thuộc Đại Việt cách đây chưa đầy 700 năm, nhưng không có nghĩa lịch sử phát triển của ÂNDG đồng nhất với mốc 1306. Bởi thế, Huế mới tạo dựng được một bản sắc văn hóa đậm sâu là thế.

Theo quan điểm trên thì ÂNDG xứ Huế là hệ quả của sự đan kết của hai nhân tố chủ yếu là Việt - Chăm. Nhân tố Việt là nhân tố Đông Sơn buổi đầu gắn liền với ÂNDG cội nguồn của dân tộc, biểu hiện bằng sự “có mặt” của các thể loại dân ca, mà trong đó, yếu tố “giao duyên” được “chuyển tiếp và phát triển” một cách mạnh mẽ hơn hết, kể cả đối với thể hát lao động như Hò cũng biến thái thành Hò giao duyên đối đáp, tâm tình, đặc biệt là sự biến thái phát triển mang tính chất lượng: Sự ra đời của một thể loại mới đặc trưng, đó là thể Lý.

Âm nhạc Chăm cũng được biểu hiện trong ÂNDG xứ Huế, với đặc tính truyền miệng, qua thời gian, các điệu hát dân gian của Chăm cổ đã bị mai một. ÂNDG, nhất là dân ca, sự hình thành, phát triển của nó bao giờ cũng bị chi phối bởi ngữ âm và tiếng nói. Hệ tiếng Huế với từ tố Chăm đã được các nhà ngôn ngữ học xác định, thì ÂNDG, dân ca Huế mang dấu vết rất rõ đặc tính của giọng nói Huế, không thể không nhiễm sâu yếu tố Chăm. Yếu tố Chăm thâm nhập trong dân ca xứ Huế không phải bằng tính chất giao lưu bình thường, mà là sự dung hợp, hòa trộn; nói một cách khác, đây cũng là ngọn nguồn, cội rễ thứ hai hình thành nên đặc trưng trong dòng ÂNDG xa xưa và lan tỏa trở lại với ngọn nguồn thứ nhất. Yếu tố văn hóa Việt của Thuận Hóa xưa đã hòa vào văn hóa Chăm, đến khi văn hóa Việt bổ sung thêm những nét mới thì đã hình thành nơi đây một sắc thái mới, hệ quả của sự giao hòa Chăm - Việt, và trên cơ sở một hệ tiếng nói mới - hệ tiếng Huế. Âm nhạc đã đồng hành biến thái - hình thành, tạo nên một màu sắc đặc trưng, khu biệt. Sự giao thoa của hai nhân tố văn hóa chủ yếu đó đã đọng lại những dấu vết đậm nhạt khác nhau, mà chừng mực nào đó đã bảo tồn trong ÂNDG, trong dân ca xứ Huế.

Ca hát, nhất là ca hát dân gian thuộc vùng nào đều được hình thành trên cơ sở phong tục tập quán sinh hoạt và đặc trưng ngôn ngữ của địa phương ấy. Bởi vì ca hát dân gian là hình thức bộc bạch tình cảm, nỗi niềm của con người, cho nên, chỉ bằng ngôn ngữ, giọng điệu của chính mình mới thể hiện được chân thực những tâm tư ấy. Dân ca Huế rõ ràng có quan hệ khăng khít với giọng nói “cạn” và “hẹp” của Huế. So với dân ca các vùng xuôi khác của người Việt, đặc trưng giọng nói Huế đã để lại dấu vết rất rõ ràng trong dân ca, và chính điều đó mới tạo ra bản sắc riêng cho ÂNDG, dân ca Huế, cũng như âm nhạc xứ Huế nói chung.

Được sản sinh ra trên vùng đất thiên nhiên có nhiều nét đặc thù, vì vậy dân ca xứ Huế đem đến cho bức tranh toàn cảnh của dân ca Việt Nam những nét riêng biệt. Các thể loại của dân ca Huế mang sắc thái địa phương rõ nét, không chỉ bao gồm những nội dung phản ánh sinh hoạt của nhân dân lao động mà cả giới Nho sĩ, quan lại; vì vậy có đặc điểm riêng là không chỉ mang tính chất dân gian mà còn gần với tính chất “văn nghệ chính thống”.

ÂNDG - dân ca Huế là phiên bản chân thực của tâm hồn, tư tưởng, con người xứ Huế được vận động qua không gian và thời gian, được sinh ra, được nuôi dưỡng trên một vùng đất giàu chất thơ, giàu truyền thống văn hóa, lại được tiếp nhận ảnh hưởng trực tiếp của nền văn chương nghệ thuật bác học kinh đô Phú Xuân. Có thể vì vậy mà trong âm nhạc cổ truyền Huế, cái ranh giới giữa dân gian và bác học thật lờ mờ, khó phân định. Ở dân gian thì đã bao hàm cái tao nhã của bác học, ở chuyên nghiệp thì vẫn thắm đậm cái bình dị của dân gian. PGS Vũ Ngọc Khánh đã từng nhận xét: “Có một cái gì đó ở xứ Huế mà hòa hợp được cả không khí cung đình, dân dã, cả bác học lẫn bình dân, thật tinh vi và độc đáo. Khía cạnh đặc biệt này không phải chỉ thấy trong âm nhạc, trong diễn xướng mà ở nhiều thể folklore nữa”.

Ngoài những sắc thái riêng có tính địa phương, dân ca Huế vẫn mang những đặc tính chung của dân ca Việt Nam: Vẫn là tiếng nói của tình cảm, yêu thương, nghĩa tình. Nó đề cập nhiều đến tình duyên đôi lứa, tình yêu quê hương, tinh thần đấu tranh ngoan cường với giặc ngoại xâm, với cái xấu; Là sự căm phẫn trước mọi điều bất công, ngang trái… những đau khổ ở đời… và còn là kho tàng kinh nghiệm, tri thức về cuộc sống xã hội; Là tâm tư, tình cảm, quan điểm đạo đức, là bức tranh sinh động phản ánh trung thực đời sống vật chất và tinh thần của người dân xứ Huế.

ÂNDG - dân ca Huế đã góp phần làm phong phú thêm nền ÂNDG Việt Nam bởi màu sắc, tính chất đặc trưng cũng như sự hoàn chỉnh của từng thể loại. Dân ca Huế chiếm một vị trí xứng đáng về mặt giá trị nội dung nghệ thuật, đồng thời có một vai trò đặc biệt trong mối giao thoa giữa dòng dân gian và chính thống Huế cũng như với các vùng dân ca khác.

Với những giá trị đặc sắc như vậy, trong cuộc sống hiện nay, với nhiều luồng âm nhạc thế giới vào Việt Nam, liệu ÂNDG xứ Huế vẫn đứng vững, hay mai một theo thời gian?

Đây là một vấn đề “đau đầu”, nhức nhối không chỉ của riêng xứ Huế, mà là của cả dân tộc. Hiện tượng vốn cổ mất dần theo thời gian, theo các nghệ nhân về với tổ tiên trở nên phổ biến, trong khi các cơ quan, ban ngành chức năng vẫn còn xem nhẹ vấn đề này - cho dù chủ trương, nghị quyết của Nhà nước đưa ra là “giữ gìn và phát huy vốn cổ...”, nhưng giữ và phát huy như thế nào thì vẫn còn bỏ ngỏ. Chỉ còn các nghệ nhân yêu nghề cố chống chọi, giữ gìn, nhưng liệu họ có đủ sức, đủ thời gian để chống chọi, giữ gìn mãi được không khi mà tuổi đã cao, khi mà không mấy ai quan tâm đến họ - chủ thể sáng tạo, khi mà họ không có chế độ gì để tồn tại, để giữ nghề? Khi mà giới trẻ hiện nay vẫn mải miết lao theo luồng âm nhạc thời thượng mà quên đi giá trị cốt lõi của cha ông mình?

Cũng như các nhà nghiên cứu ÂNDG có tâm với nghề, tôi cũng đam mê, lăn lộn với nghề không ít, lặn lội đi tìm vốn cổ, giờ tuổi đã cao, tuy đam mê vẫn còn, nhưng thực sự ít nhiều bất lực, bởi trong cuộc sống bề bộn nhiều nỗi lo, với đồng lương ít ỏi, làm sao đủ sức khi vẫn kiểu “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” mãi được - trong khi không hề có một sự hỗ trợ nào về kinh tế, về tinh thần? Thậm chí khi cố gắng giữ gìn, bảo vệ vốn cổ, còn bị nhiều người cười chê là hâm, là bảo thủ?

Phải thẳng thắn nói rõ vấn đề này: Nếu không “hâm”, không “bảo thủ”, không cương quyết thì vốn cổ sẽ không còn là nó nữa, mà là biến dạng theo số đông muốn “cách tân”, muốn phá vỡ truyền thống theo cách nhìn của họ! Quan điểm của tôi: Muốn giữ gìn, phát huy được vốn cổ đúng nghĩa, thì đầu tiên, chúng ta phải biết tôn trọng, quan tâm đến các nghệ nhân - tức là chúng ta biết tôn trọng cha ông, tôn trọng nền văn hóa truyền thống đã tồn tại hàng ngàn năm theo lịch sử dựng nước và giữ nước. Tiếp theo, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận chuẩn về vốn cổ, không để vốn cổ bị nhào nặn, bị lai căng theo sở thích của trào lưu (than ôi, những người không thực sự quan tâm đến vốn cổ, thích phá vỡ truyền thống lại là những người không có nghề, hoặc có nghề nửa vời). Cần có kế hoạch cụ thể để huy động các nhà nghiên cứu tổng điền dã, gặp gỡ các nghệ nhân để thu thập lại các tư liệu giấy và tư liệu sống qua các hình thức: thu âm, thu hình, chụp ảnh... sau đó, tập trung xử lý tư liệu như nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nguồn gốc, nội dung, môi trường, phương thức diễn xướng... đồng thời ký âm các bài bản đã thu được, bắt tay vào nghiên cứu chuyên sâu, rồi bảo quản nó cả trong máy móc cũng như truyền bá khắp nơi theo hình thức mời các nghệ nhân truyền nghề, truyền khẩu cho lớp trẻ để thế hệ tiếp theo nắm, hiểu và tiếp tục giữ gìn, phát huy. Tổ chức các câu lạc bộ, đưa ÂNDG vào giới thiệu trong trường học qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi đàn hát dân ca định kỳ...

Điều làm nhức nhối, đau lòng đối với những nhà nghiên cứu thực sự có nghề, thực sự tâm huyết, đó là hiện tượng nhiều “nhà nghiên cứu” xuất hiện, già có, trẻ có... lẽ ra là đáng mừng cho công việc bảo tồn vốn cổ, nhưng nhìn kỹ lại, chúng ta có được những gì? Thực tế đã cho chúng ta thấy những công trình chắp vá, sao chép (gọi là đạo văn), ôm đồm, luôn luôn có những câu quen thuộc, kiểu: “Theo giáo sư A, B, C... đã nói, đã kết luận...” mà không hề xem lại, không hề hồ nghi là những đánh giá, nhận xét đó liệu đã xác đáng chưa, đã chính xác chưa? Tôi không thể chủ quan mà nói rằng điều đó đúng hay sai, nhưng qua thực tế, tôi thấy rằng đa số các nhà nghiên cứu, các giáo sư, tiến sĩ khi nghiên cứu về ÂNDG hầu như đều ngồi trong phòng lạnh, giở tư liệu để xem, để đánh giá, kết luận, chứ không đi thực tế điền dã để nắm bắt đúng vấn đề. Nếu có ai đó có đi điền dã, cũng chỉ trên cơ sở cưỡi ngựa xem hoa, nhưng nhờ những chức danh, hoặc có quyền lực, mà những nhìn nhận phiến diện của họ đều được đánh giá là đúng, là chuẩn... Qua đa số công trình nghiên cứu ÂNDG từ những năm 2000 đến nay đã nói lên điều gì đối với những nhà nghiên cứu đó: Nó nói lên rằng họ phần nhiều lao theo hư danh, theo thời thượng, theo giá trị đồng tiền, nhận làm những công trình chủ yếu vì kinh tế, chứ thực ra họ rất mơ hồ về điều họ đang nghiên cứu, và cũng chưa đưa ra được các biện pháp có tính khả thi! Trong chuyên môn, bằng cấp không nói lên được điều gì, mặc dù tôi vẫn nhất trí là có ăn có học cũng tốt hơn, nhưng phải có tri thức, tâm huyết, đam mê, có nghề thực sự, còn nếu không dù có ra nhiều công trình nghiên cứu, có nhiều nhà nghiên cứu xuất hiện... tất cả vẫn sẽ khó tạo được đột phá, mới mẻ.

Có thể còn nhiều cách thức khác nữa để bảo tồn, nhưng với những phương hướng như vậy cũng đủ làm chúng ta yên tâm và hy vọng vào sự sống còn của vốn cổ!

D.B.H
(TCSH411/05-2023)

____________________

Tài liệu tham khảo:

1. Dương Viết Á (1996). Theo dòng âm thanh cái đẹp sải cánh. Xí nghiệp in Thủy Lợi, Hà Nội.
2. Dương Văn An (1961). Ô Châu Cận Lục. Bùi Lương dịch. Nxb. Văn hóa Á Châu, Sài Gòn.
3. Đào Duy Anh (8/1938). Việt Nam văn hóa sử cương. Nxb. Bốn phương, Viện Khoa giáo. Hiên tân biên tái bản.
4. Tôn Thất Bình (1997). Dân ca Bình Trị Thiên. Nxb. Thuận Hóa.
5. Lê Văn Chưởng (2004). Dân ca Việt Nam - những thành tố của chỉnh thể nguyên hợp. Nxb. Khoa học xã hội.
6. Lê Quý Đôn (1982). Phủ biên tạp lục. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Dương Bích Hà (1997). Lý Huế. Viện Âm nhạc, Nxb. Âm nhạc, Hà Nội.
8. Lê Văn Hảo (1984). Huế giữa chúng ta. Nxb. Thuận Hóa, Huế.
9. Nguyễn Đăng Hòe - Huy Trân (1974). Bản in Ronéo. Bước đầu tìm hiểu âm nhạc dân gian Việt Nam. Hội VNDG Việt Nam, Hà Nội.
10. Trần Trọng Kim (1971). Việt Nam sử lược. Tập I, II. Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục, Sài Gòn.
11. Thái Văn Kiểm (1960). Cố đô Huế. Nhà in Bình Minh, Sài Gòn (theo bản in lại của Nxb. Đà Nẵng, 1994).
12. Trần Văn Khê (2004). Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nxb. Trẻ.
13. Trần Văn Khê (2000). Âm nhạc dân tộc. Nxb. Trẻ.
14. Thụy Loan (1993). Lược sử âm nhạc Việt Nam (giáo trình). Nhạc viện Hà Nội - Nxb. Âm nhạc, Hà Nội.
15. Thụy Loan (2007). Âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Nxb. Đại học Sư phạm.
16. Phạm Phúc Minh (1994). Tìm hiểu dân ca Việt Nam. Nxb. Âm nhạc, Hà Nội.
17. Tú Ngọc (1994). Dân ca Người Việt. Nxb. Âm nhạc, Hà Nội.
18. Trần Việt Ngữ - Thành Duy (1967). Dân ca Bình Trị Thiên. Nxb. Văn học, Hà Nội.
19. Tô Vũ (1996). Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nxb. Âm nhạc, Hà Nội.
20. Nguyễn Viêm (1996). Lịch sử âm nhạc dân gian cổ truyền. Viện Âm nhạc, Hà Nội.
21. Nguyễn Viêm (1995). Truyền thống âm nhạc Việt Nam. Viện Âm nhạc, Hà Nội.
22. Hoàng Yến (1998). Những người bạn cố đô Huế. B.A.V.H. Tập V, VI. Nxb. Thuận Hóa, Huế.
23. Sách Tiếng Huế - Người Huế và văn hóa Huế (2005). Nxb. Văn học.
24. Địa chí Thừa Thiên Huế (2020), Phần Nghệ thuật diễn xướng, Chương XI. Nxb. Thuận Hóa.
- Một số Tạp chí trung ương và địa phương như: Tạp chí Âm nhạc, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, Tạp chí Văn hóa dân gian, Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Huế Xưa và Nay.

 

 

Các bài đã đăng