Nhã nhạc Việt Nam có nguồn gốc lâu đời trong nền văn hóa, lịch sử của dân tộc. Sau thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm, vào đầu thế kỷ X, Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập với sự thiết lập nhà nước quân chủ, sự hình thành giai cấp quý tộc, từ đó dẫn đến sự hình thành và phát triển một hình thức sinh hoạt âm nhạc riêng phục vụ cho lễ nghi của triều đình và nhu cầu sinh hoạt của tầng lớp quý tộc. Từ thời nhà Lý (1010 - 1225), triều đình đã cho thành lập một tổ chức ca múa nhạc cung đình với quy mô lên đến 100 người(1). Ngay từ thời kỳ này, âm nhạc cung đình Việt Nam đã chịu một số ảnh hưởng nhất định của âm nhạc hai nước láng giềng là Trung Hoa và Chiêm Thành.
Đến thời nhà Trần (1225-1400), sinh hoạt ca múa nhạc cung đình đã trở nên khá phong phú về lọai hình và bài bản. Bên cạnh loại nhạc giải trí, còn có hai bộ phận nhạc lễ chính thống là Đại nhạc và Tiểu nhạc. Bấy giờ, triều đình quy định rõ rằng Đại nhạc (gồm trống cơm, kèn tất lật, tiểu quản, tiểu bạt, trống lớn) chỉ dành riêng cho vua, còn hoàng tộc và các quan khi nào có tế lễ lớn mới được dùng; và Tiểu nhạc (gồm đàn cầm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn thất huyền, đàn song huyền, sanh, địch, tiêu, quản) thì mọi gia đình đều dùng được.
Về các nhạc khúc, thời ấy đã có rất nhiều bản, chẳng hạn như Nam Thiên Nhạc, Ngọc Lâu Xuân, Đạp Thanh Du, Mộng Du Tiên, Canh Lậu Trường. Người ta dùng thơ phú chữ Nôm phổ vào các nhạc khúc ấy để dễ nhớ khi hát. Các khúc ca đều gợi được những tâm tình vui tươi hoặc ai oán(2).
Bước sang thế kỷ XV, âm nhạc cung đình Việt Nam có những bước chuyển biến đáng kể. Thời đại nhà Hồ (1400 - 1407) dù tồn tại trong thời gian rất ngắn nhưng cũng đã tiến hành nhiều cuộc cải cách về văn hóa, kinh tế, xã hội. Đối với âm nhạc cung đình, nhà Hồ đã chính thức cho du nhập Nhã nhạc cùng một số nguyên tắc của nó từ Trung Hoa. Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng, vào năm 1402, triều đình nhà Hồ đã “Đặt Nhã nhạc, lấy con các quan văn làm Kinh vi lang, con các quan võ làm Chỉnh đốn lang, tập múa các điệu vũ văn, võ”(3).
Tuy vậy, Nhã nhạc với tư cách là một điển chế thì phải đợi đến thời nhà Lê (1427 - 1788) mới hoàn thiện. Nhã nhạc bấy giờ được phát triển như là loại nhạc chính thống, một thứ tài sản riêng của triều đình, đối lập với nó là Tục nhạc, tức là dòng âm nhạc dân gian. Bên cạnh nghĩa rộng đó, Nhã nhạc còn là tên gọi của một tổ chức âm nhạc cung đình chuyên về ca hát được mệnh danh là bộ Nhã nhạc. Nó hoạt động song song với bộ Đồng văn chuyên về khí nhạc. Cả hai tổ chức này đều được đặt dưới quyền trông coi của các quan ở Thái thường tự (4)
Như vậy, vào thời kỳ này, âm nhạc cung đình Việt Nam đã tách khỏi dòng âm nhạc dân gian, tồn tại độc lập với một diện mạo và phong cách riêng.
Xét về quy mô tổ chức, âm nhạc cung đình Việt Nam dưới thời nhà Lê đã trở nên hoàn thiện và chặt chẽ. Các tổ chức âm nhạc được thành lập, đặt dưới sự cai quản của các nhạc quan. Bấy giờ, triều đình định ra các loại nhạc: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Cứu nhật nguyệt giao trùng nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Đại Yến nhạc, Cung trung nhạc. Phỏng theo nguyên tắc Nhã nhạc nhà Minh của Trung Hoa, triều đình nhà Lê cho thành lập 2 tổ chức dàn nhạc là Đường thượng chi nhạc và Đường hạ chi nhạc. Cũng trong thời kỳ này, có hai vũ khúc mang tính lịch sử được trình diễn trong một số cuộc lễ. Sử ghi rằng vào năm 1456, dưới thời vua Lê Nhân Tông (1443-1459), khi nhà vua đến bái yết lăng tẩm tổ tiên ở Lam Kinh (Thanh Hóa), nhà vua đã cho tấu Đại nhạc để múa võ với điệu múa Bình Ngô phá trận, và múa văn với điệu múa Chư hầu lai triều (5).
Tuy nhiên, những quy định chặt chẽ của triều đình đã bị thay đổi sau một thời gian không lâu. Sang thế kỷ XVI, XVII, và nhất là vào giai đoạn cuối của triều Lê, âm nhạc cung đình dần dần đi vào suy thoái. Biên chế các dàn nhạc bị thu hẹp, Nhã nhạc và Tục nhạc không còn phân biệt rõ rệt như trước nữa, thậm chí một số dàn nhạc dân gian còn được đưa vào chơi trong cung đình (6).
Tình hình trên được cải thiện khi một triều đại khác - triều đại nhà Nguyễn (1802 - 1945) - lên kế vị. Vào nửa đầu thế kỷ XIX, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ổn định đã tạo điều kiện cho văn hóa nghệ thuật phát triển. Âm nhạc cung đình được triều đình hết sức quan tâm. Bấy giờ, triều đình đặt ra các loại nhạc như nhạc tế giao, nhạc tế miếu, nhạc tiếp đón sứ thần ngoại quốc, nhạc trong lễ Đại triều, Thường triều, trong các lễ mừng thọ,... Sử dụng trong các loại nhạc này là hàng trăm nhạc chương có lời ca bằng chữ Hán. Phần lớn các nhạc chương đều do các quan trong Lễ Bộ hoặc Hàn Lâm Viện biên soạn, mang nội dung phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình(7). Chẳng hạn, trong lễ Tế Giao, có 10 nhạc chương mang chữ THÀNH:
- An Thành chi chương: diễn tấu trong lễ rước thần về - Triệu Thành chi chương: diễn tấu trong lễ dâng ngọc lụa - Đăng Thành chi chương: lễ dâng vật tế (mâm thịt tế) - Mỹ thành chi chương: Sơ hiến lễ (tuần rượu đầu) - Thụy Thành chi chương: Á hiến lễ (tuần rượu thứ hai) - Vĩnh Thành chi chương: Chung hiến lễ (tuần rượu thứ ba) - Doãn Thành chi chương: tấu khi hạ cỗ - Hy Thành chi chương: tấu khi tiễn thần đi - Hựu Thành chi chương: tấu khi đốt đồ cúng - Khánh Thành chi chương: tấu khi vua về cung(8).
Các nhạc chương được hát lên với sự phụ họa của các dàn nhạc, cùng sự tham gia của múa Bát dật (gồm 64 văn sinh và 64 võ sinh), tạo nên một khung cảnh hoành tráng, trang trọng.
Tương tự, trong lễ tế Xã Tắc có 7 nhạc chương mang chữ PHONG, lễ Tế Miếu có 9 nhạc chương mang chữ HÒA, tế Lịch đại đế vương có 6 nhạc chương mang chữ HUY, tế Văn miếu có 6 nhạc chương mang chữ VĂN, lễ Đại triều dùng 5 bài mang chữ BÌNH, lễ Vạn thọ dùng 7 bài mang chữ THỌ, lễ Đại Yến dùng 5 bài mang chữ PHÚC v.v...
Bên cạnh số lượng phong phú các nhạc chương, có thể nói đây còn là thời điểm nở rộ của các dàn nhạc cung đình. So với các thời đại trước, triều đình Nguyễn đã cho bổ sung thêm nhiều loại dàn nhạc như Nhã nhạc, Huyền nhạc, Ti trúc Tế nhạc, Ty Chung, Ty Khánh, Ty Cổ. Biên chế các dàn nhạc cũng được mở rộng hơn trước, một số có quy mô rất lớn như Huyền nhạc có 24 nhạc công, Đại nhạc có trên 40 nhạc công.
Tuy nhiên, kể từ khi triều đình Nguyễn Lâm vào tình trạng suy thoái trước nạn ngoại xâm cuối thế kỷ XIX, âm nhạc cung đình cùng các lễ nghi và sinh hoạt văn hóa truyền thống khác của triều đình cũng dần dần phôi pha. Nhiều bài bản bị rơi vào quên lãng, biên chế các dàn nhạc bị thu hẹp, biến dạng, nhiều dàn nhạc và nhạc cụ bị biến mất hoàn toàn khỏi dàn nhạc cung đình. Một bộ phận âm nhạc cung đình lan tỏa ra dân gian. Cuối thời Nguyễn, triều đình chỉ còn duy trì 2 loại dàn nhạc là Đại nhạc và Tiểu nhạc bên cạnh dàn Quân nhạc ảnh hưởng từ văn hoá phương Tây.
Đến khi chế độ quân chủ Việt Nam chấm dứt vào năm 1945, âm nhạc cung đình Huế mất đi vị trí chức năng xã hội, môi trường diễn xướng nguyên thủy, đi vào suy thoái và có nguy cơ thất truyền. Mãi cho đến những năm cuối thế kỷ XX, Nhã nhạc dần dần được phục hồi, và rồi đạt được một vị thế mới trên trường quốc tế khi trở thành Kiệt tác Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại vào tháng 11 - 2003..
Công cuộc bảo tồn và pháy huy di sản Nhã nhạc còn không ít khó khăn đặt ra trước mắt. Việc nghiên cứu, tìm hiểu về cội nguồn lịch sử của nó là một trong những tiền đề quan trọng để di sản văn hoá thế giới ấy được bảo vệ một cách tốt nhất./.
P.T.T (188/10-04)
----------------------- (1) Trần Kim Trọng, Việt Nam sử lược, Nhà Xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, in lần thứ 7, trang 101 - 102. (2) Lê Trắc, An Nam Chí Lược, bản dịch của Uỷ ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam (thuộc Viện Đại học Huế), Huế, 1961, trang 47 - 48. (3) Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên..., Đại Việt Sử ký Toàn thư, bản dịch của Ngô Đức Thọ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, tập II, trang 203. Phiên âm chữ Hán: “Tao nhã nhạc, dĩ văn quang tử vi kinh vĩ lang, võ quan tử vi chỉnh đốn lang, tập văn võ vũ”. (QuyểnVIII, tờ 41ab). (4) Phạm Đình Hổ, Vũ Trung tuỳ bút, bản dịch của Đông châu Nguyễn Hữu Tiến, nhà xuất bản Tre, Thành phố Hồ Chí Minh, 1989, trang 42 (5) Lê văn Hưu, Ngô Si Liên..., sách đã dẫn, tập II, trang 381. Phiên âm chữ Hán: Võ tấu Bình Ngô phá trận chi vũ, văn tấu Chư hầu lai triều chi vũ. (Quyển XI, tờ 91b). Tham khảo thêm: Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, bản dịch của Viện Sử học, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1998, tập I, trang 971. (6) Phạm Đình Hổ, sách đã dẫn, trang 42 - 48. (7) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lực, bản dịch của Viện Sử học Việt Nam, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, tập III, trang 220 (8) Nội Các Triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ, quyển 99, bản dịch của Viện Sử học Việt nam, Nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế, 1993, tập VII, trang 73 - 76.
|