Âm sắc Huế
Tình khúc Huế thế kỷ hai mươi
15:38 | 19/08/2008
NGUYỄN XUÂN HOATrong bối cảnh tiến tới Festival Huế 2002, Hội Âm nhạc Thừa Thiên- Huế đã tập hợp 100 tình khúc Huế để giới thiệu với các bạn yêu thích âm nhạc và những người yêu Huế như một món quà trong những ngày hội. Sông Hương xin giới thiệu bài viết nhìn lại những tình khúc Huế trong thế kỷ vừa qua như một lời giới thiệu về tuyển tập này.
Tình khúc Huế thế kỷ hai mươi

Là một vùng văn hoá mang đậm sắc thái truyền thống của Việt Nam, Huế đã từng là xứ sở của tiếng hát, là chiếc nôi sản sinh ra ca Huế, ca nhạc Huế và lễ nhạc cung đình Huế; gắn với một vùng dân ca, dân nhạc, với một hệ thống ngũ cung độc đáo: ngũ cung Huế sâu lắng mượt mà.
Âm nhạc truyền thống Huế đã thấm sâu trong các xóm làng và ruộng đồng xứ Huế, từng réo rắt ở chốn đền đài, cung điện và dinh phủ của triều đình, vang vọng trong nhiều khoang thuyền và bến nước của sông Hương, hoà quyện với trầm hương của đình chùa, miếu điện... Đã một thời Huế được biết đến như một xứ nhạc, xứ thơ.
Đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh của một kinh thành bị lệ thuộc thực dân Pháp, một hình thức âm nhạc mới- phường nhạc Tây- đã bắt đầu manh nha ở Huế. Khởi đi từ các nhà thờ Thiên chúa giáo, các đồn binh của Pháp, âm nhạc phương Tây đã vào tận chốn cung đình: năm 1918 dàn nhạc kèn hơi (orchestre d’hormonie) đầu tiên ở Việt Nam do Bùi Thanh Vân tổ chức, sáng lập đã ra đời ở Toà Khâm sứ Huế. Một năm sau (1919) tại triều đình nhà Nguyễn, vua Khải Định cũng cho thành lập dàn nhạc kèn hơi theo phong cách phương Tây do Trần Văn Liêu tổ chức và đào tạo. Năm 1920, dàn kèn hơi của đội lính khố xanh do Tourneau chỉ huy lại tiếp tục ra đời ở Huế, đánh dấu những đội hình âm nhạc mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt .
Trong hoạt động của các dàn nhạc kèn hơi, cùng với những bài quân nhạc Pháp được trình tấu theo nghi thức binh nhạc phương Tây. Trong các buổi trình diễn, các dàn nhạc kèn còn giới thiệu những tác phẩm âm nhạc cổ điển và lãng mạn của châu Âu trong các dinh thự, cung điện và cả ở "nhà kèn" trong vườn hoa công cộng trước Toà Khâm sứ Huế.
Những dàn nhạc kèn hơi ra đời sớm ở Huế được đào luyện có bài bản, có trình độ nghệ thuật khá nên thường được chọn đi biểu diễn ở các nơi xa: Năm 1922 ra biểu diễn tại Hội chợ Đấu xảo Hà Nội. Năm 1930 vào biểu diễn khánh thành đường sắt ở Sài Gòn. Năm 1931 đi biểu diễn ở Hội chợ Quốc tế Paris .
Vào những năm 30 của thế kỷ XX, những bài hát "lời ta điệu Tây" của Nguyễn Văn Tuyên bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn, Huế và Hà Nội. Từ tờ báo Tiếng Dân ở Huế, tên tuổi người nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên được giới thiệu rộng rãi với công chúng.
Sau thắng thế của phong trào thơ mới năm 1935, những bài “tân nhạc" lãng mạn của Việt cũng ra đời và không ngừng phát triển. Trong bối cảnh sơ khai của những tình khúc lãng mạn nầy, năm 1939 bài hát Trên sông Hương của Nguyễn Văn Thương đã ra đời ghi một dấu mốc quan trọng, mở đầu cho những tình khúc Huế thế kỷ XX.
Bắt đầu từ những tình khúc lãng mạn "dương thế bao la sầu", chuyển biến thành những tình khúc đầy mộng mơ, những tình khúc trẻ trung, thôn dã, làm rung động tình cảm yêu quê hương đất nước, phát triển thành những ca khúc yêu nước, khơi dậy những chiến tích và truyền thống hào hùng Bạch Đằng Giang, Nước Non Lam Sơn, Bóng Cờ Lau, Gò Đống Đa... trong thời kỳ trước năm 1945. Âm nhạc mới Việt Nam còn được tiếp sức và lớn lên cùng với tiến trình của cuộc cách mạng khởi đi từ Tháng Tám 1945, với sự xuất hiện của những ca khúc cách mạng, ca khúc cộng đồng, ca khúc thiếu nhi và từng bước phát triển thêm các thể loại nhạc kịch, vũ kịch, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, ca nhạc nhẹ, nhạc trẻ,v.v... tiến một bước rất dài: chuyển từ sự chập chững trong thời kỳ mới tiếp cận với âm nhạc phương Tây để dần dần trở thành âm nhạc mới của Việt , dung nạp cả yếu tố Tây phương và Á Đông mà vẫn mang đậm bản sắc Việt .
Trong dòng chảy của sự tiếp biến văn hoá nầy, trên đất Huế đã xuất hiện cơ sở Tỳ Bà Trang của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba từ năm 1949 nhằm "góp sức xây dựng một nền nhạc Việt bằng cách tô bồi nhạc mới, chấn hưng và cải tổ âm nhạc cổ truyền" khá độc đáo. Một Nhà xuất bản âm nhạc chuyên nghiệp - Nhà xuất bản Tinh Hoa của Tăng Duyệt ra đời tại Huế, hoạt động liên tục trong những năm 40- 50 của thế kỷ nầy đã hội tụ đông đảo các khuôn mặt nhạc sĩ của đất nước. Trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ Huế được thành lập từ năm 1962 và đến nay hợp nhất với trường Mỹ thuật Huế thành Đại học Nghệ thuật Huế đã góp phần đào tạo, hình thành một đội ngũ những người hoạt động âm nhạc, những tài năng âm nhạc tiêu biểu của miền Trung và Tây Nguyên.
Qua gần một thế kỷ phát triển, trong gia tài âm nhạc hiện đại của Việt Nam, những tình khúc Huế lại chiếm một chỗ đứng khá đặc biệt với hàng ngàn ca khúc viết về Huế, từ tình yêu đôi lứa đến tình yêu đất nước quê hương, mang tính đa dạng cả về phong cách, thể loại, hợp thành một dòng nhạc trữ tình về Huế.
Có thể nói Huế là nguồn cảm hứng đầy chất trữ tình, khơi dậy sức sáng tạo của rất nhiều nhạc sĩ ở khắp mọi miền của đất nước và cả với những người Việt ở nước ngoài. Những khúc tình ca xứ Huế không những đã lay động tâm hồn của những người con xứ Huế mà còn thu hút sự chú ý của những người yêu thích âm nhạc Việt .
Từ Trên sông Hương của Nguyễn Văn Thương năm 1939 đến Tiếng xưa, Đêm tàn Bến Ngự Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước, Thiên Thai của Văn Cao, Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương, Gợi giấc mơ xưa của Lê Hoàng Long, Hẹn một ngày về của Lê Hữu Mục, Trở về cố đô của Văn Phụng, Giã từ cố đô của Phạm Mạnh Cương, Mưa rơi của Ưng Lang và Châu Kỳ, Tà áo tím của Hoàng Nguyên, Khúc tình ca xứ Huế của Trần Đại Mỹ, Mưa trên phố Huế của Minh Kỳ, Trở về thôn cũ của Nhị Hà, Ngàn thu áo tím của Hoàng Trọng- Vĩnh Phúc, Từ Đàm quê hương tôi của Văn Giảng... đến Diễm xưa, Chiều trên quê hương tôi, Biết đâu nguồn cội của Trịnh Công Sơn, Một mùa xuân nho nhỏ, Nắng tháng ba của Trần Hoàn, Huế - tình yêu của tôi của Trương Tuyết Mai- Đỗ Thị Thanh Bình, Huế thương của An Thuyên, Dòng sông ai đã đặt tên của Trần Hữu Pháp, Rất Huê của Võ Tá Hân v.v... tình khúc Huế đã băng qua nhiều chặng đường, với sự góp mặt của nhiều thế hệ nhạc sĩ, từ Thế Bảo (Chiều thu bên sông Hương), Hoàng Hiệp (Một lần đến, Một đời yêu), Phan Huỳnh Điểu (Đây thôn Vĩ Dạ), Tân Huyền (Thành phố bên bờ sông Hương), Phạm Trọng Cầu (Cho dù năm Tháng), Hoàng Vân (Màu áo tím và màu áo trắng), Lê Mộng Bảo (Bài thơ Huế), Thuận Yến (Ern là Huế và thơ), Xuân Hồng (Huế và ước mơ), Chu Minh (Nghe câu hò Huế gợi xuân sang), Nguyễn Đức Toàn (Tình ca Huế), Xuân Cửu (Sông Hương), Hồng Đăng (Người sông Hương), Hoàng Sông Hương (Thành phố chúng mình thương), Thái Quý (Huế mãi trong tôi), Hà Sâm (Tạm biệt Huế), Nguyễn Trọng Tạo (Dòng sông bến đậu), Trần Long Ân (Nhớ Huế), Trần Quang Lộc (Em còn nhớ Huế không) đến Tôn Thất Lập (Tiếng hát về khuya), Nguyễn Phước Quỳnh Đệ (Đường về Thành Nội), Nguyễn Phú Yên (Ngàn năm vẫn lạ), Trương Thìn (Tìm nhau), Nguyễn Xuân An (Một thời Tôn Nữ), Lê Anh (Ánh mắt thành Huế), Mai Xuân Hoà (Một chiều Thiên An), Việt Đức (Huế nhịp phách tiền), Dương Bích Hà (Câu hò quê hương), Nguyễn Việt (Chiều Huế), Vĩnh Phúc (Huế gọi tôi về), Lê Phùng (Thương mãi câu hò), Khắc Yên (Tìm em trong nét Huế), Trần Hữu Dàng (Có một dòng sông), Quốc Dũng (Huế đêm trăng), Bửu Dũng (Huế), Dương Đức (Huế ước mơ), Trần Đức (Em là mùa xuân thành phố), Lê Việt Hà (Bỗng dưng nhớ Huế), Tố Hải (Huế thương- quê nội của tôi), Hà Chí Hiếu (Mơ sông Hương), Dương Viết Hoà (Ông già Bến Ngự), Hoàng Minh Hoan (Tím Huế), Châu Đức Khánh (Huế ngàn thương), Phạm Ngọc Khôi (Dòng sông mang tên em), Tôn Thất Lan (Làm sao không nhớ không thương), Nguyễn Văn Mỹ (Mưa Huế), Nguyễn Đình San (Với Huế), Hồng Sơn (Huế - đêm xuân về), Thế Tuyên (Sen trăng), Đức Trịnh (Ngược Dòng Hương Giang), Thuỷ Trúc (Về Huế chiều xuân), Đặng Quang Vinh (Câu hò xứ Huế), Nguyễn Viêm (Huế- tên của nỗi nhớ), v.v...
Có thể nói cả một đội ngũ điệp trùng với những bài hát về Huế đã từng xuất hiện trong dòng chảy miên man của những khúc tình ca xứ Huế mà đến nay vẫn chưa có một công trình thống kê, hệ thống hóa một cách đầy đủ.
Mong rằng Huế sẽ sớm có một công trình nghiên cứu, tập hợp để khơi nguồn cho dòng mạch những tình khúc Huế tiếp tục luân lưu và phát triển.
N.X.H

(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hồn nhạc Huế (14/05/2008)