Một sự ra đi thật thanh thản, nhẹ nhàng, nhưng để lại biết bao tiếc thương cho bạn bè và người mộ điệu. Thế là từ đây, bộ môn Ca Huế mất đi một thành viên ưu tú, một trong những nghệ nhân nắm giữ những tinh tuý của loại hình nghệ thuật bác học này. Nghệ nhân Nguyễn Kế sinh năm 1919 tại làng Kim Đôi, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Từ thời niên thiếu, ông đã học đàn với một số thầy giỏi trong làng và đã sớm nổi danh bởi tiếng đàn chín chắn, giàu tình cảm. Khi chuyển lên sống ở Huế năm 1947, ông lại có điều kiện tiếp xúc với các danh cầm tại đây như các ông Ngũ Đại, Bát Lư, Nghè Toản, Vĩnh Phan, Bửu Lộc... cùng các danh ca của đất Thần kinh như cô Thông Thắng, cô Nhơn, cô Bích Liễu, Tuyết Hương v.v... Ông đã được cụ Ngũ Đại (tức Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh Trân, con vua Thành Thái), một tay đàn cự phách của đất Thần kinh, trực tiếp truyền lại các bài bản Ca Huế cùng những ngón đàn tuyệt kỹ của mình. Ông chuyên chú luyện tập và chơi giỏi nhiều nhạc cụ như Tỳ Bà, Nguyệt, Bầu, Tam, Bồng, nhưng trong đó, đặc biệt nổi tiếng với ngón đàn Tỳ Bà. Bấy giờ tuy triều đình Huế không còn, nhưng giới quý tộc vẫn duy trì được phần nào lối sống, cốt cách xưa với các thú vui cầm kỳ thi họa, và vì thế, bộ môn Ca Huế vẫn đang còn trong thời kỳ hoàng kim. Nghệ nhân Nguyễn Kế luôn được mời tham dự các cuộc "chơi" Ca Huế diễn ra thường xuyên trên các con đò hay tại dinh phủ của các danh sĩ trí thức như các cụ Ưng Bình, Ưng Thuyên, Nguyễn Khoa Vy, Nguyễn Khoa Nghi, cụ Thượng Hy... Thỉnh thoảng, ông còn được mời vào Đại Nội chơi nhạc hầu bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) bấy giờ sống tại cung Diên Thọ. Năm 1961, nghệ nhân Nguyễn Kế cùng một số nghệ sĩ khác đại diện cho cổ nhạc Huế tham gia Hội chợ Thị Nghè tại Sài Gòn. Cũng trong dịp này, ông được mời vào chơi nhạc tại Dinh Độc Lập và hoà đàn cùng Ban Ca Huế Hương Bình (do cụ Ngũ Đại làm trưởng ban) trên đài phát thanh Sài Gòn. Trong thời hưng thịnh của Ca Huế, ông thường hoà đàn cùng các nghệ sĩ nổi tiếng trong Ca Huế như Vĩnh Phan, Bửu Lộc, Trịnh Chức, Trần Kích, cùng các danh ca như cô Nhơn, Bích Liễu, Thu Tâm, Tuyết Hương, Minh Mẫn, Vân Phi, Thanh Hương... Những người bạn tâm giao này thường gọi ông là "quyển tự vị", tức là cuốn tự điển sống về Ca Huế. Suốt một thời gian dài tham gia Cổ nhạc của Đài Phát thanh Huế, tiếng đàn của nghệ nhân Nguyễn Kế đã trở nên thân thuộc với những người mộ điệu chân thành mà khó tính của vùng đất đế đô, cái nôi của nghệ thuật Ca Huế. Tiếng đàn của ông hướng sâu vào nội tâm, mượt mà, tình cảm mà phóng khoáng, thanh cao như chính nền nghệ thuật bác học ấy. Tuy vậy, người nghe vẫn không bao giờ hết ngạc nhiên trước tài biến hoá ngòn đàn của ông. Khách tri âm thường bảo rằng ông chơi đàn rất "ngẳng"". Cái "ngẳng" đó thể hiện ở cách thả những "chữ" đàn lạ, độc đáo, ở cách bỏ những âm hình tiết tấu lơ lửng, chơi vơi bên ngoài khuôn nhịp, tạo nên những hiệu quả đầy bất ngờ, thú vị đối với người nghe. Có thể nói, khả năng ứng tác của ông đã đạt đến độ điêu luyện của một bậc thầy. Bên cạnh Ca Huế, ông còn thâm nhập vào các lĩnh vực khác như nhạc cung đình, nhạc Phật giáo và nắm bắt được hầu như toàn bộ thần thái của chúng. Với một kho kiến thức sâu rộng về âm nhạc truyền thống Huế, nghệ nhân Nguyễn Kế đã có những đóng góp không nhỏ trong việc phục hồi và bảo tồn vốn cổ ở vùng đất cố đô. Ông luôn là một thầy giáo tận tâm, người có công đào tạo, rèn luyện bao thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ cho nền cổ nhạc Huế. Ngay từ những ngày đầu thành lập Trường Quốc gia Âm nhạc Huế năm 1962 cho đến những năm gần đây, ông đã tham gia giảng dạy, đào tạo bao thế hệ học trò. Chính các nghệ nhân lão thành của bộ môn Ca Huế hiện nay như Minh Mẫn, Thanh Hương, Vân Phi, Thanh Tâm, Diệu Liên... đều đã trải qua nhiều giờ học với ông, chịu sự uốn nắn, chỉ bảo của ông và tất cả đều tôn ông làm bậc thầy. Ngón đàn điêu luyện của ông đã được truyền cho thế hệ học trò đầu tiên là nghệ sĩ Tuyết Mại (người Quảng Ngãi), nhưng không may, người học trò nay đã qua đời quá sớm mà chưa kịp truyền nghề lại cho hậu thế. Thế hệ học trò thứ hai của ông là các nghệ sĩ Vĩnh Tuấn, Tôn Nữ Lệ Hoa, Nguyễn Ngọc Hùng. Người học trò xuất sắc, cũng chính là con trai của ông, anh Nguyễn Đình Vân, giờ đây là một nghệ nhân đầy tài năng của làng cổ nhạc Huế. Khi khoá Nhã nhạc khai giảng vào năm 1996, dù tuổi đã cao, ông vẫn tham gia đào tạo các sinh viên Nhã nhạc, những người gánh vác trọng trách bảo tồn nền âm nhạc cung đình Huế. Người viết bài này, một người học Ca Huế "amateur", cũng đã được thầy tận tâm truyền dạy cho một số bí quyết nghề nghiệp. Trong quá trình truyền nghề, nghệ nhân Nguyễn Kế không hề tỏ ra là một người thầy nệ cổ, hay áp đặt đối với môn sinh mà ngược lại, ông khuyên học trò mình phải biết thức thời, phải nắm bắt được các kiến thức mới của thời đại mới, song cũng phải cố gắng gìn giữ những nét tinh tuý của nghệ thuật cổ điển, vốn quý của dân tộc. Ông luôn biểu lộ một tâm hồn lớn, một tình cảm lớn và chân thành đối với nghệ thuật truyền thống dân tộc, với bạn hữu, môn sinh, và người đời... Những ngày cuối đời, trông thầy thật thanh thản. Dường như đã chiêm nghiệm hết mọi lẽ đời, mọi triết lý sống của con người, người nghệ sĩ dân gian ấy vững tâm đi cho trọn kiếp người, làm tròn sứ mệnh của một nghệ sĩ chân chính và tài năng. Thầy ra đi, môn sinh hụt hẫng vì mất đi một trụ cột vững vàng, những người đồng điệu tri âm cảm thấy cô đơn hơn trên con đường nghệ thuật khi vắng bóng bạn vàng. Trong tiếc thương ngậm ngùi, đâu đây văng vẳng lời ca tiễn đưa một tâm hồn lớn, một tài năng lớn của nghệ thuật Ca Huế đi vào cõi bất diệt: Ôi! trong cuộc phù sinh, chi rồi cũng tại trời xanh. Đi tìm mộng xinh xinh, để khuây tâm tình. (Nam Ai, lời Vu Hương) Huế, 2/8/2002 P.T.T
(nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002)
|