Tạp chí Sông Hương - Số 246 (tháng 8)
Kẻ hèn nhát
10:50 | 04/09/2009
VIỆT HÙNGGa H. một đêm mưa phùn ảm đạm.Khách chờ tàu nằm la liệt dọc các hành lang.Tôi bước vào phòng đợi, trong tâm trạng không vui mà cũng chẳng buồn. Tìm một chỗ ngồi bất kỳ…
Kẻ hèn nhát
Nhà văn Việt Hùng

Tiếng người xướng ngôn viên báo đoàn tàu đã xin đường. Tôi đứng dậy xách hành lý theo dòng người tuôn chảy vào ga. Mùi hôi hám, ẩm thấp bốc lên. Cái mùi thường phải ngửi ở bất kỳ nhà ga nào. Một kẻ ngái ngủ đến hỏi tôi xin lửa hút thuốc lá…

Đoàn tàu tiến vào đường sắt số 1. Rồi nó dừng hẳn. Tôi mở tấm vé xem lại, luống cuống chạy ngược, chạy xuôi, tìm toa của mình. Càng lúng túng hơn khi biết tàu chỉ dừng 5 phút.

- Phải toa số 5 đây không anh? - Tôi hỏi người đàn ông thò đầu ra cửa sổ.

- Phải đấy, lên mau đi!

Tôi chạy về đầu toa bên phải. Lạ quá, cửa đóng! Không thể tả hết nỗi bối rối khi đó. Cứ như gà mắc tóc. Chạy ngược lại bên trái. Người đàn ông khi nãy giơ tay vẫy tôi, ra hiệu nên leo qua cửa sổ. Đoàn tàu có dấu hiệu chuyển bánh. Tôi ném bừa túi du lịch qua cửa, bám vào tay người đàn ông tốt bụng, gắng sức đu mình trườn qua. Anh ta cũng cố để kéo cái thân hình to béo của tôi… Thế là thoát nạn, tôi thở phào nhẹ nhõm tìm số ghế. Chính tại khoang đó. Người đàn ông thu xếp một chỗ trên giá đựng đồ, đặt túi du lịch của tôi lên, lặng lẽ không nói gì. Tôi loay hoay buộc lại hành lý. Nhìn ngó ngược xuôi… sực nhớ, rút bao thuốc lá, quay lại, tôi muốn mời người đàn ông một điếu trước khi tỏ lời cảm ơn. Nhưng anh ta đã ngả lưng, kéo sụp chiếc mũ lưỡi trai che nửa mặt. Có lẽ đã ngủ, hoặc anh không thích nói chuyện vào lúc này. Tôi ngồi xuống, theo tiếng xình xịch của đoàn tàu, cố ru mình chợp mắt.


Điểm tâm xong, tôi lại rút bao thuốc lá ra mời người đàn ông tốt bụng khi đêm.

- Cảm ơn anh, nhưng… tôi hút thuốc nặng lắm. - Vừa nói anh vừa rút bao Đà Lạt ra khỏi túi áo.

Ngồi đối diện nhau, giữa ánh sáng ban ngày, tôi mới có dịp ngắm kỹ anh ta… Da ngăm đen, vóc người nhỏ thó, khuôn mặt thanh tú nhưng buồn, hàng ria mép khá rậm, trên mình mặc bộ áo quần xoàng xĩnh. Ở anh toát ra sự trầm tư khó hiểu. Ngoài ra còn có cái vẻ, mà dẫu không rành tướng số, cũng có thể đoán được, con người này rất chật vật với cuộc đời. Chợt, anh chăm chú nhìn tôi. Tôi hơi sững người bởi trong cái nhìn như muốn đọc điều gì. Thời gian im lặng hơi lâu. Tôi rất muốn bắt chuyện, song chưa biết nên nói thế nào. Chợt nhìn xuống, thấy anh ta mang một chân gỗ, tôi buột miệng:

- Trước đây chắc anh cũng từng ở quân ngũ?

- Vâng, đúng thế!

Câu trả lời hoàn toàn điềm tĩnh, phớt đời, làm tôi bối rối.

Lại im lặng.

- Anh bị thương ở mặt trận nào? - Tôi nhìn xuống một lần nữa để hỏi.

- Chẳng ở mặt trận nào. Hết chiến tranh tôi trở về nguyên vẹn. Còn đây - anh giơ chân lên - là hậu quả đi sau.

Tôi lại lúng túng bởi thái độ hờ hững, thản nhiên như không của anh. Anh hơi khó chịu - tôi suy nghĩ. Như đoán được điều đó, anh lên tiếng:

- Chắc anh cũng thế, cũng từng ở lính?

- Vâng, cũng từng.

Anh ngắm nghía sự lành lặn của tôi từ đầu đến chân. Tôi hơi xấu hổ với thân hình to béo của mình.

Lại một hồi im lặng.

Để rồi tôi cố phá tan bầu không khí lặng ngắt đang bao trùm:

- Thời chiến tranh anh từng ở đâu?

- Ngay cái chỗ kéo anh lên tàu ấy. - Câu trả lời như được chuẩn bị sẵn. Anh nhìn tôi vẻ dò xét. Cái nhìn khó hiểu gây cho tôi cảm giác gai gai. Tôi đưa mắt lảng đi.

- Có lẽ anh là người của thành phố H.? - Anh ta lại hỏi.

- Phải!

- Tôi thuộc thành phố ấy như lòng bàn tay. Nhưng… nơi đó là nỗi ám ảnh trong đời, khiến hơn 20 năm tôi không dám trở lại, thậm chí còn rùng mình khi đi ngang đó.

Sửng sốt trước lời nói, sự tò mò thúc giục tôi cố bám theo tìm hiểu. Một thanh niên ngồi gần, kể một câu chuyện hài hước, cắt ngang chúng tôi. Khi câu chuyện kết thúc, tôi nôn nóng tìm cách gợi lại.

- Trước, tôi từng là lính biệt động nội thành. - Anh nói chắc nịch, sau khi tôi cố lái câu chuyện.

Dừng lại trầm ngâm. Rồi anh kể một thôi, một hồi, cảnh sinh hoạt của thành phố thời chiến tranh. Tôi chẳng quan tâm vì cái đó tôi cũng biết. Điều cần tìm hiểu là nỗi ám ảnh anh nói khi nãy.

Lan man trở về quá khứ. Chính tôi đã từng ở cái đội biệt động ấy nhiều năm mà sao không biết con người này nhỉ? Tôi nhẩm tính: đúng, hơn 20 năm rồi còn gì. Mà cũng phải thôi! Vì bí mật của công tác nội thành thời đó, có khi chiến đấu gần nhau vài ba năm mà chỉ biết tên chứ không hề biết mặt. Tôi nhìn lại anh ta rất lâu - cũng quen quen.

Tôi im lặng. Anh cũng im lặng. Có lẽ anh nghĩ ngợi. Và hình như cả một sự đấu tranh nội tâm rất dữ, thể hiện trên khuôn mặt. Tôi cũng ở tâm trạng ấy. Nhưng, cả hai đều muốn tỏ ra mình đang lóng tai nghe những câu chuyện tào lao bên cạnh. Tưởng tượng sự lặng lẽ, nặng nề, dài ngang cả thế kỷ… Tôi quyết định phá tan sự tĩnh lặng sau khi đã đặt trước tình huống bất ngờ nào đó:

- Tôi cũng từng ở cái đội biệt động của anh!

- Thật sao…? - Anh ta giật mình, trố mắt.

Phút ngỡ ngàng qua đi. Rồi anh hỏi tôi, vẻ cứng rắn:

- Anh ở đó từ năm nào?

- À, từ… 1973.

- Có nghĩa là…

Lại im lặng. Khuôn mặt anh trở lại vẻ căng thẳng, trán giật giật liên hồi…

- Ngày ấy tôi đã đi rồi. Tôi rời đội biệt động từ năm 1971 cơ. - Anh nói buồn bã.

Thực chất, tôi có mặt ở đội biệt động thành phố từ trước đó nhiều. Không hiểu sao lúc bấy giờ tôi lại phải nói dối. Vì lẽ gì cơ chứ?...

Nhiều phút nữa trôi qua, chẳng ai nói. Rồi anh ta bặm môi hỏi, khi trán đã lấm tấm mồ hôi:

- Từ khi anh về đội, cho đến sau này, có bao giờ anh nghe nhắc đến Sơn Hải?

Tôi giật mình, bởi, câu chuyện về Sơn Hải đã bị chôn vùi trong quá khứ từ lâu lắm. Cái tên Sơn Hải ngày ấy đi vào lịch sử Đội biệt động. Cái tên mà bọn cảnh sát ngụy rất chờn khi nhắc đến, bởi tài xuất quỷ nhập thần của anh ta.

Những chiến công của Sơn Hải, mọi chiến sĩ trong đội còn nhắc mãi đến sau này. Bọn mật vụ tung ra một lực lượng đông đảo, rải khắp nơi, lần theo dấu vết Đội biệt động, nhưng, anh cùng những đồng đội vẫn liên tục gây xôn xao dư luận.

- Sơn Hải thì ai mà chẳng biết. - Tôi trả lời anh ta.

- Hắn là một tên phản bội!

- Nhưng… Không… - Tôi ớ người ra, trong tâm trạng không hiểu được mình định nói gì.


Không thể phủ nhận những chiến công của Sơn Hải!

Lần ấy, tên Giôn, một tên CIA dưới lốt cố vấn Mỹ, đang bí mật đi thu thập tin tức tình báo ở thành phố. Lệnh trên đưa về: khử gấp tên Giôn, thu toàn bộ tài liệu hắn đang giữ. Phải tiến hành ngay vì Giôn ở lại thành phố không lâu. Nhiệm vụ được giao cho Sơn Hải và hai chiến sĩ cùng phân đội. Bỏ ra một ngày nghiên cứu, Sơn Hải nắm được - tên Giôn liên tục thay đổi phòng ở tại khách sạn T., mỗi ngày vài ba lần là chuyện thường. Một buổi chiều, biết chắc giờ này hắn đang có nhà, Sơn Hải đeo lon trung úy cảnh sát, ngang nhiên phóng Hon Đa 67 vào khách sạn. Tên lính bảo vệ chặn anh lại:

- Ngài trung úy đi đâu?

Anh rút tấm “Công vụ lệnh đặc biệt” ra. Tên lính khúm núm như đã quen anh từ lâu:

- Xe của ngài đâu mà ngài đi xe này?

- Chú mi không đọc kỹ à? Chính vì sự “ đặc biệt” đó…

Bước nhanh về phòng giao dịch, anh chìa tấm công vụ lệnh cho cô tiếp viên:

- Tôi cần gặp ông Giôn-linh-cơ, chuyên viên hậu cần, mới ở Sài Gòn ra cách đây 5 ngày.

Người tiếp viên nhìn anh, thoáng nghi ngại, nhưng với dáng dấp phong trần của một cảnh sát, cặp lon trung úy “chói ngời” trên ve áo, cùng tấm công vụ lệnh đặc biệt đủ để anh khẳng định mình.

- Dạ… Ông chờ cho một lát. - Cô mở sổ liếc rất nhanh. - Ông Giôn mới chuyển phòng cách đây 2 giờ. Để tôi gọi báo trước. - Cô tiếp viên quay máy.

- Cô hãy nói với ông ta, tôi từ chỗ thiếu tá L.T. đến. Vừa nói anh vừa rút thuốc ra châm lửa.

- Xin mời ông lên phòng 207, ngài cố vấn đang chờ. - Cô tiếp viên nhã nhặn đặt máy.

Anh điềm tĩnh bước lên cầu thang. Bấm chuông phòng 207. Một người Mỹ mở hé cửa, nói giọng lơ lớ:

- Ông là ai?

- Tôi được thiếu tá L.T. cử đến gặp ngài. - Miệng nói, tay rút tấm công vụ lệnh chìa ra.

Tên Giôn mở rộng cửa khi nghe nhắc đến L.T. - một nhân vật quan trọng, y là nhân viên của CIA dưới lốt thiếu tá cảnh sát, khi ấy đang chỉ huy mạng lưới tình báo ngụy ở tỉnh T. Bước vào phòng. Khóa trái cửa. Tay trái đưa lên túi áo ngực như muốn rút ra giấy tờ gì đó, rất nhanh, tay phải anh rút súng ngắn có gắn ống giảm thanh. Tạch - Tạch… Tên Mỹ quỵ gục. Sơn Hải lục tung va ly, thu toàn bộ giấy tờ, tài liệu, cùng một máy ảnh nhỏ, nhét vào người. Mọi việc trong chớp mắt. Anh lẳng lặng đóng cửa đi xuống, chào cô tiếp viên. Nổ máy xe, chào tên lính gác. Ngoài đường đã có 2 người mặc thường phục ngồi trên chiếc 67 khác chờ anh. Sau 20 phút, cô tiếp viên nghi ngờ gọi điện thoại lên phòng 207. Không ai trả lời. Cô gọi tiếp cho viên sĩ quan chỉ huy khách sạn. Sau 30 phút, khách sạn báo động, xe cảnh sát hú còi inh ỏi chạy đến. Thời gian ấy đủ cho Sơn Hải giao xong tài liệu, thay biển số xe, rồi dúi xe vào một xó xỉnh nào đó. Đáng lẽ phải trở về nơi an toàn, nhưng anh đã mạo hiểm nhảy xe ôm trở lại. Trong bộ đồ thường phục, anh đứng nghênh ngang hút thuốc gần đó như một tên mật vụ, ngắm nghía sự xôn xao của cảnh sát trong khách sạn…


- Không nhưng gì cả! Đối với lịch sử, mãi mãi hắn là một thằng phản bội. Một kẻ hèn nhát!

- Ôi… lịch sử ư?... Tôi thẫn thờ buột miệng, một câu nói ngoài chủ đích.

Thực ra, tôi gặp Sơn Hải đúng một lần, cách đây hơn 20 năm, nhưng lại vào buổi tối, nên mọi hình ảnh chỉ còn lờ mờ trong ký ức. Đó là cái buổi xét kỷ luật anh. Bữa ấy, anh ngồi cúi đầu trong cuộc họp bất thường chỉ gồm 6 người (đội trưởng, đội phó, trưởng phân đội 5, Sơn Hải, Quang và tôi).

- Anh phải báo cáo lại toàn bộ hành trình của anh cho đến khi bị bắt. - Đội trưởng yêu cầu.

- Tôi phải kể đến 100 lần sao? Điều gì cần nói, tôi đã nói hết. - Sơn Hải trả lời nóng nảy.

- Đến lượt đồng chí Quang!

- Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ vòng ngoài. Những gì của tôi, tôi đã báo cáo xong. Còn sự việc xảy ra sau, tôi không được chứng kiến.

- Sơn Hải! Như vậy anh đã không bảo vệ được cho mình, không tự biện minh được việc làm của anh. Thử hỏi, khi chúng tóm được anh, chúng không mở tiệc ăn mừng ấy à? Làm gì có chuyện lại thả anh ra dễ dàng như thế! Những lời của anh báo cáo thật ngây ngô như con trẻ… Trong chiến đấu không có thì giờ để phán xét. Hồi sau sẽ rõ! Hôm nay tôi thay mặt toàn Đội, buộc phải nghĩ anh là người thỏa hiệp với kẻ thù. Nói đúng hơn là hèn nhát, phản bội. Dẫu anh có nhiều chiến công, nhưng, chỉ một phút như thế coi như xóa sạch…

- Trời ơi… Sơn Hải ôm đầu rú lên - ở vào hoàn cảnh ấy, người ta có thể làm khác tôi được không? Tôi không tin! Không tin! Tôi xin chịu kỷ luật và đi khỏi Đội, nhưng cũng phải nói với các anh rằng, trong hàng ngũ chúng ta có bàn tay kẻ thù nhúng vào. Chúng ta đã mắc mưu chúng nó. Mắc mưu…


- Đúng thế! Hắn là ai anh biết không?... Người đang ngồi đối diện với anh đấy!

- Trời!... - Tôi cúi đầu, mồ hôi ướt đẫm, không dám nhìn anh ta. - Chẳng lẽ lại như thế!

- …

Ngày ấy, Đội biệt động nội thành được chia ra nhiều phân đội nhỏ, từ 3 đến 5 người, sống trà trộn, lẩn khuất trong dân, làm đủ các nghề công khai từ đạp xích lô, chạy xe ôm, bán quán phở… cho đến những người là lính, là sĩ quan trong quân đội cộng hòa. Vì tính nguy hiểm của công việc, nên phân đội nào chỉ biết phân đội đó. Phân đội trưởng mới biết đội trưởng. Chiến sĩ khác phân đội không hề biết nhau. Chỉ những trận đánh phối hợp lớn, họ có thể gặp nhau chốc lát, không kịp biết tên, chưa kịp nhớ mặt, rồi ai lại về đó.

Lúc đầu, tôi cũng là người lính của một phân đội như Sơn Hải. Nhưng do sinh ra ở thành phố, thông thạo địa hình, tập quán, nên tôi được rút lên làm trợ lý tác chiến cho Đội. Thế là nghiễm nhiên tôi trở thành nhân vật thứ 3, sau đội trưởng và đội phó. Tôi là người trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh của đội trưởng xuống các phân đội.

Tên Long - một đại úy mật vụ dưới lốt công chức. Một tên cáo già. Hắn chỉ huy mạng lưới mật vụ rải từ thành phố về một số huyện. Nhiều cơ sở của ta bị vỡ vì hắn. Khá nhiều cán bộ nằm vùng bị hắn bắt sống. Một đặc điểm - tên Long không bao giờ xuất đầu lộ diện. Chỉ thị của Thành ủy xuống Đội biệt động: lên bản án tử hình tên Long. Khẩn trương! Không thể để nó tác oai, tác quái được nữa!

Nhiệm vụ giao cho phân đội 5. Tôi là người đi truyền đạt. Sơn Hải chịu trách nhiệm trinh sát và thi hành bản án. Quang (chiến sĩ cùng phân đội) bảo vệ vòng ngoài. Toàn bộ kế hoạch đã tính kỹ từng chi tiết. Nhưng, rủi ro thay, bản án không thành. Sơn Hải bị tên Long bắt sống. Rồi được thả. Sự việc lùng nhùng ở đó. Có điều gì uẩn khúc?

Sau vụ này tên Long biến mất. Sơn Hải bị khai trừ Đảng, chuyển đi đơn vị khác theo quyết định của đội trưởng. Anh ta đi đâu? Chỉ có đội trưởng biết! Chiến sĩ các phân đội bàng hoàng khi nghe tin, mặc dù đa số chưa biết mặt anh. Người ta đặt nhiều dấu hỏi xung quanh số phận Sơn Hải. Cần suy xét ư? Nhưng, chiến tranh không có thời giờ để suy xét. Đội trưởng, một con người cương trực và quyết đoán, đã chỉ thị xuống các phân đội: “Không được nhắc lại chuyện Sơn Hải. Nên nhớ, thời gian chẳng cho chúng ta suy nghĩ nhiều. Không còn cách nào hơn, nếu như chúng ta không muốn gặp nhau trong trại giam và cùng nhận chung bản án tử hình của kẻ thù.”

Đó là nỗi đau và mất mát của toàn Đội biệt động.

Bốn tháng sau, mùa mưa dầm bắt đầu. Những trận đánh mới lại cuốn hút chúng tôi. Bị thương. Hy sinh. Rồi có người bị bắt. Mỗi lần như thế sẽ có một phân đội di chuyển chỗ ở và địa bàn hoạt động. Chúng tôi phải dành thời giờ cho những nỗi đau mới…

Thế là Sơn Hải, một thuở hào hùng khiến kẻ thù run sợ. Sơn Hải, kẻ hèn nhát. Sơn Hải, tên thỏa hiệp, phản bội. Và bây giờ… Sơn Hải - một công dân bình thường đang sừng sững ngồi trước mặt tôi. Biết nói gì đây, khi cả hai chúng tôi đều buồn bã ngồi suy ngẫm lại cái được và cái mất của ngày ấy.

Không ngờ sau chuyện Sơn Hải tôi còn có dịp gặp tên Long.

Năm 1975. Thành phố giải phóng. Chúng tôi đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình. Đội biệt động giải tán. Toàn thể anh em gặp nhau, những người còn sống. Bao năm phối hợp chiến đấu chỉ ước ao một lần được gần gũi nói chuyện, thế mà lúc bấy giờ nhiều người đã chẳng còn. Trong cái vui có thật nhiều cái buồn. Đôi dòng lưu bút, vài tấm ảnh kỷ niệm, rồi hối hả chia tay mỗi người mỗi ngả. Tôi lên đường về làm quản giáo ở một trại tập trung học tập cải tạo các sĩ quan ngụy. Khi ấy mới có thời gian ngồi ôn lại quá khứ. Đã có lúc tôi nghĩ đến tên Long.

Trong số mấy trăm sĩ quan ngụy, hầu hết trước đây thuộc các đơn vị đóng ở các tỉnh Q. và T., họ hay nhắc đến một người được mệnh danh là “Ngài nguy hiểm”, bởi gã nổi tiếng mưu mô, xảo quyệt với các chiến hữu. Giáp mặt gã, một người to béo, cổ ngắn, mắt một mí, có giọng nói sang sảng không hề vấp bao giờ, ai cũng thừa nhận ở gã cái nhìn nham hiểm…

Giật mình khi nghe nhắc đến Ngô Văn Long, tôi về ngay phòng quản lý hồ sơ, đối chiếu danh sách. Xin mở hồ sơ số 108. Một bản hồ sơ được đánh dấu đỏ: “… thiếu tá mật vụ đội lốt dân sự. Từ 19.. đến 19.. chỉ huy mạng lưới mật vụ từ thành phố H. đến thị trấn P. Từ 19.. đến 19.. chỉ huy mạng lưới mật vụ của hai huyện Q. và P…. Rất xảo quyệt. Gây nhiều tội ác, cụ thể tháng… năm…, rồi tháng… năm… Đã 2 lần bị cách mạng tuyên án tử hình, nhưng đều thoát chết…” Thế là rõ! Tôi gấp hồ sơ lại. Tìm cơ hội thuận lợi tiếp cận tên Long.

Dịp ấy đã đến. Một ngày lễ, đồng thời là ngày liên hoan mừng thành quả tăng gia sản xuất của số sĩ quan học tập cải tạo trong trại. Lệnh của trại trưởng cho mỗi mâm được quyền uống một chai rượu. Vào lúc tất cả đều đã lâng lâng, tôi đi về mâm tên Long.

- Chào ông Long! Chào “Ngài nguy hiểm!”

- Ô… ông cán bộ mà cũng gọi tôi thế ư? - Tên Long lúng túng.

- Sau một hồi bâng quơ, tôi quyết định vào đề:

- Ông Long! Trong cuộc đời binh nghiệp của ông, những kỷ niệm nào đáng nhớ?

- Ôi, kỷ niệm thì biết bao nhiêu mà kể.

- Thế thời kỳ ở thị trấn P.

- Cũng nhiều lắm, nhớ sao hết được. - Gã lúng túng và tìm cách lảng đi.

- Ông còn nhớ Sơn Hải chứ?!

- Sơn Hải nào? - Gã giật mình.

- Thôi, đừng giả vờ nữa. Cái người mà ông bắt được năm 1971, rồi thả họ ra ấy!

- Sao ông cán bộ biết rõ thế?!

- Chính tôi đã từng ở cái biệt đội của Sơn Hải. Tôi đã nghiên cứu kỹ vụ này, nhưng, vẫn muốn nghe ông kể đầy đủ hơn. Cụ thể, vì sao ông lại thả Sơn Hải ra?

- Ông đã biết thì tôi chẳng giấu làm gì.

Sau khi gật gù, ngẫm nghĩ khá lâu, Long nói tiếp:

- Thực ra hồi đó, trong hàng ngũ các ông có kẻ phản bội…

- Sao?... - Tôi giật mình theo cảm tính.

Dòng hồi tưởng của tôi bị cắt ngang, bởi, có một người bán báo đến gạ gẫm chúng tôi. Buộc lòng phải mua mỗi người một tờ. Rồi Sơn Hải tiếp tục kể:

- Tôi quen một cô sinh viên người thành phố. Thông thường cứ một tuần chúng tôi gặp nhau một lần. Vào tuần ấy, đúng ngày hẹn cô ta, tôi lại phải đi làm nhiệm vụ, rồi bị tên Long bắt, sau đó thì đi thẳng cho đến bây giờ. Tội nghiệp… Không biết cô còn chờ tôi bao lâu. Bởi chúng tôi đã vẽ ra nhiều viễn cảnh tươi đẹp khi chiến tranh kết thúc. - Sơn Hải thở dài thườn thượt.

- Sao anh không trở lại tìm cô ta?

- Còn gì nữa đâu mà trở lại. Đã trắng tay còn thêm nỗi nhục suốt đời đeo đuổi tâm can.

- Ngày ấy họ chuyển anh đi đâu?

- Lên rừng. Về một đơn vị hậu cần, làm đủ các thứ việc lăng nhăng dành cho tên hàn nhát. Tôi sống vật vờ, lay lắt như một cái bóng cho đến ngày kết thúc chiến tranh. Nhiều khi muốn chết mà không chết được.

- Sau đó?

- Được xuất ngũ. Không bị ra tòa án binh là may rồi! Trở về quê hương với bản lý lịch có đoạn ghi: “… Dù có nhiều thành tích trong chiến đấu, nhưng chỉ một phút yếu hèn đã thỏa hiệp với kẻ thù… trở thành phản bội…” Tôi nộp toàn bộ hồ sơ cho chính quyền xã. Ba ngày sau được gọi lên ủy ban. Chủ tịch và Bí thư nhìn tôi hằm hằm từ đầu đến chân như muốn ăn tươi nuốt sống: “Bao năm đi thoát ly, tưởng mày làm đến ông này bà nọ. Té ra cũng chỉ là thằng phản bội. Thảo nào mà mày còn lành lặn trở về. Người ta không hy sinh thì cũng mất cái này cái kia…” - Họ nguyền rủa tôi. Sống ở cái xã một trăm phần trăm các gia đình có người đi theo cách mạng, và cũng đến quá nửa các gia đình có con em hy sinh trong chiến tranh, tôi trở thành cái gai lạc lõng. Mọi người luôn kiếm cớ để xỉ vả tôi. Chán nản mà vẫn phải lập lại cuộc sống. Chiến tranh đi qua, để lại một dải cát trắng cùng những hàng rào kẽm gai bùng nhùng. Trước khi vỡ ruộng, người dân xứ tôi đi thu nhặt vỏ đạn, phế liệu chiến tranh, bán kiếm sống qua ngày. Tôi cũng hòa nhập vào cuộc đời mới như thế. Một đêm trăng sáng, nằm trong nhà thao thức với nỗi tủi hờn, tôi chợt nghe tiếng động ngoài sân. Chạy ra, thấy 3 thanh niên đang bốc những thành quả của tôi lên xe ba gác - những cuộn dây kẽm gai, những vỏ đạn pháo, sau bao ngày lượm lặt chờ để bán.

- Sao các anh lại lấy của tôi? - Tôi lên tiếng.

- A… thằng phản bội. Mày không được quyền như chúng tao nghe rõ chưa? Ai cho mày đi nhặt những thứ này? Nhân danh những người đã ngã xuống, chúng tao tuyên bố tịch thu của tên phản bội.

Tôi nhảy ra giữ lại thì… “Rầm”, một quả đấm giữa mặt làm tôi hoa mắt. Tiếp theo một thằng nhảy lên đá một cú rất có nghề vào giữa bụng, cú đá đích đáng dành cho tên phản bội. Tôi ngã nhào. Chúng nhảy xổ vào tôi như thú vồ mồi. Chắc chắn tôi có thể quật ngã cả 3 thằng. Nhưng đã kịp kìm lòng. Bao năm cái chết gần kề chẳng ngán, giờ phải chịu thua 3 thằng nhóc. Tôi biết bọn này chỉ là những kẻ quá khích. Chắc chắn sau lưng chúng có người xúi giục. Chúng bẻ quặt tay tôi ra sau lưng, trói vào cột nhà.

- Thằng phản bội! Quân lừa đảo! Mày nhảy múa trên xác đồng đội…

Chẳng còn từ xấu xa nào chúng không gán cho tôi. Cứ mỗi tội, một cái tát nảy lửa đầy uất hận.

- Tôi lạy các anh! Lạy… - Tôi van vỉ - dẫu sao tôi cũng phải sống, phải tồn tại. Hãy để cho tôi làm người bình thường, được làm lại cuộc đời trên mảnh đất này.

- Không! Mày không được làm người bình thường! Không được giống bọn tao! Không được làm những gì chúng tao làm, rõ chưa?

Dường như đánh đã mỏi tay, chúng cởi trói cho tôi, rồi hì hục cả đêm chuyển hết số phế liệu mà bao ngày tôi lặn lội bới móc, hòng kiếm sống qua ngày. Đêm ấy, tôi khóc tức tưởi: “Cuộc đời ơi! Còn nỗi khổ nào hơn thế nữa hay không?” Cứ thế lầm lũi cúi đầu mà sống. Rồi, một đợt điều động thanh niên rà phá bom mìn, tôi ghi tên đầu tiên. Chính vì thế mà có cái chân gỗ này. Sau lần đấy, họ hả dạ lắm, như đã trừng trị được tên phản bội. Cái nhìn với tôi có thay đổi chút ít, nhưng cũng chỉ một thời gian. Sau đó dịp may lại đến. Người ta kêu gọi thanh niên đi nông trường cà phê ở Tây Nguyên. Cơ hội cho tôi. Tôi xung phong. Và đã được chọn vì chẳng ai muốn đi. Ngày đeo ba lô ra đến đầu làng, tôi chỉ tay lên trời thề không bao giờ quay lại. Nhưng mà, anh thấy đấy!... quê hương làm sao quên được. - Sơn Hải ngẩng đầu, khuôn mặt tươi tỉnh - rất may cho tôi, phía trước đã khá hơn.


Ánh nắng nhạt dần. Một cơn gió nhẹ thổi qua, mang theo mùi thơm dìu dịu của lúa. Đã một đêm, một ngày, anh giấu mình dưới ruộng. Người khô róc, toàn thân bỏng rát. Mở bi đông, anh ngửa cổ tu. Chỉ còn mấy giọt nước cuối cùng. Nhìn sang bên phải, anh ra hiệu cho Quang. Quang cũng dốc ngược bi đông lắc lắc - đã hết. Mặc dù nắm vững quy luật đi về của tên Long, nhưng cẩn thận, để tránh bất trắc, anh vẫn ẩn mình trước từ đêm qua để giành thế chủ động.

Mặt trời thấp dần. Xe tên Long đã về. Vẫn chỉ thấy 2 tên bảo vệ mặc thường phục. Tòa vi-la xây theo kiểu quê, ngự ở thị trấn P., có mặt tiền xoay ra cánh đồng, mà từ đây, nhìn xuyên qua hàng rào anh có thể thấy rõ mọi manh động bên trong. Suốt ngày đóng cửa im ỉm - đó là dấu hiệu tốt. Anh nóng ruột nhìn mặt trời - một đêm, một ngày qua nhanh, giờ còn khoảng một tiếng, sao mà lâu thế. Trong nhà có 2 con chó rất khôn, nhưng anh đã nằm ngoài ruộng với chừng ấy thời gian, chắc chắn chúng sẽ không kịp đánh hơi.

Bóng tối bao trùm. Anh ra mật hiệu cho Quang theo bờ ruộng bò sát hàng rào. Lại nóng ruột chờ đợi, cho đến khi bóng tên Long ngồi trong phòng khách đang in lên bức bình phong bằng vải dựng trước cửa. Hắn đã ăn xong và đang ngồi gật gù hút thuốc. Giờ này 2 tên bảo vệ thường ở nhà dưới. Cả 2 cắt hàng rào chui vào, nép theo những lùm cây ngoài vườn. Cách phòng khách chừng 20m, Quang phải nằm lại để cảnh giới, và sẽ nhảy vào khi nghe tiếng súng. Như một cơn gió, anh băng mình đến trước cửa. Thò tay định rút súng.

- Đứng im! Giơ tay lên trời!

Anh giật mình sửng sốt. Hai họng súng AR 15 đen ngòm từ hai bên hông cửa chĩa thẳng vào mặt anh. Cùng lúc, ngoài vườn, hai họng súng như thế bắt Quang nằm im.

- Làm gì phải to tiếng thế! Ông Sơn Hải hả? Mời ông vào. - Tên Long từ trong nói vọng ra.

Sơn Hải nhẩm tính: không kịp rồi, giờ có rút súng ra, chưa chắc đã bắn được, mà mình thì tan xác. Điều quan trọng là tên Long ngồi tận trong kia. Anh từ từ bước vào. Ở cửa hông thông với nhà dưới, 2 tên bảo vệ cũng lăm lăm 2 khẩu súng ngắn chĩa vào anh.

- Chào ông Sơn Hải, ông trẻ hơn tôi tưởng nhiều. Nghe tiếng ông đã lâu. Mời ông ngồi! Nhưng, trước khi vào bàn, đề nghị ông bỏ vũ khí ra.

Hai tên lính gác dí súng vào lưng anh, thò tay xuống rút khẩu súng ngắn có gắn ống giảm thanh đặt lên bàn.

- Ông chuẩn bị cho cú “viếng thăm” tôi khá chu đáo đấy ông Sơn Hải ạ! Nhưng, đáng tiếc… - Hắn vẫn ngồi yên nơi bộ sa lông giơ tay ra hiệu mời anh ngồi. - … Mời ông hút thuốc… Uống nước.

Sơn Hải điềm tĩnh rút một điếu thuốc châm lửa, không nói gì.

- Tôi biết ông là người có học, lại được đào tạo bài bản trong nghề quân báo. Tôi cũng thế! Cho nên chúng ta hãy chơi bài ngửa với nhau và hãy nói chuyện lịch sự.

- Tôi không cần lịch sự. Và cũng chẳng chấp nhận cuộc chơi nào cả. Lần này tôi đã thất bại. Nhưng ông đừng vội mừng… Số phận tôi hiện nằm trong tay ông. Xin cứ việc định đoạt. - Anh điềm tĩnh rít một hơi thuốc thật sâu.

- Đừng nóng tính. Ông còn trẻ lắm! Tôi sẽ rất tiếc là nếu phải bắn một người táo bạo và can trường như ông.

- Cứ việc bắn, chẳng có gì phải tiếc.

Dừng lại một lúc, giả vờ suy nghĩ, tên Long nói tiếp:

- Bây giờ tôi thả ông ra, ông tính sao? Liệu ông còn nuôi ý định quay lại khử tôi nữa hay không?

- Ông nên nhớ, tôi đến đây không phải vì tôi, mà vì những người đã bị ông bắt và giết.

- Ông vẫn nuôi ý định quay lại?

- Tất nhiên!

- Tôi tưởng ông là người có học, thông minh và quân tử.

Trong chiến tranh không có sự quân tử cá nhân… - Dừng lại ngẫm nghĩ một lúc, Sơn Hải nói tiếp - Được, ông đã nói thế, tôi cũng sẽ thoái thác một lần nếu lại được giao việc này. Nhưng, nên nhớ, chỉ một lần mà thôi, không có lần thứ hai. Trong cuộc chiến, thế đã là sòng phẳng lắm rồi.

Tên Long lại ra vẻ ngẫm nghĩ:

- Tôi tin ông. Xin ghi nhận. Tôi cũng chỉ cần thế! Thôi, ông có thể ra về bình yên bằng cửa trước. - Hắn nói với 2 tên lính - trả vũ khí lại cho ông ta.

Sơn Hải bước thẫn thờ, ra hiệu cho Quang rút lui bằng cửa trước: “Hỏng! Hỏng! Lộ hết rồi! Trong hàng ngũ chúng ta có kẻ phản bội.”

Chỉ ngày hôm sau, tin đồn có một chiến sĩ biệt động bị bắt và đồng ý cộng tác với địch đã loang ra…

Mặt trước của chiến tranh, đối với Sơn Hải cũng khép lại từ đấy.


Tôi tiếp tục hồi tưởng cuộc đối thoại với tên Long:

- Ông nói ai phản bội? - Tôi hỏi tên Long sau khi đã cố trấn tĩnh.

- Một trong những nơi mà các ông gọi là “cơ sở đáng tin cậy”. Chính cái chỗ phân đội 5 vẫn dùng để liên lạc với nhau. Anh ta đã bị chúng tôi đe dọa và mua chuộc. Đáng tiếc, anh ta chẳng phát huy được gì, bởi, kế hoạch của các ông kín như bưng, bao giờ cũng bí mật đến phút chót, người thì phân tán ở khắp nơi. Nhưng, lần ấy, các ông đã sơ hở, và anh ta nắm được.

Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh người đàn ông tên là Tâm, một “cơ sở đáng tin cậy của phân đội 5”…

- Đáng lý khi nhận được tin này tôi phải xa chạy cao bay. - Tên Long tiếp - nhưng, tôi đã quyết định liều mạng ở lại để đấu trí với các ông. Khi đầu tôi có ý định mua chuộc Sơn Hải nhưng rồi tôi gạt đi ngay. Chuyển qua tính kỹ một trong hai phương án: bắt một người hoặc cả hai. Tôi biết Sơn Hải là người thông minh và can trường, thường không thích dùng số đông. Chẳng bao giờ tôi có được những người lính như thế. Quả nhiên đúng, tôi mừng khi thấy mình anh ta xuất hiện, như thế, kế hoạch ly gián đã thành công. Không ai có thể thanh minh được cho anh ta. Việc bắt một mình Sơn Hải là thượng sách. Việc thả anh ta ra lại càng thượng sách hơn. Chẳng tốn phát đạn nào, tôi vẫn đạt hai mục đích: vừa loại được một đối thủ nguy hiểm khỏi võ đài, vừa gây hoang mang trong hàng ngũ các ông…

Sau cuộc đối thoại đó, tôi chẳng muốn gặp tên Long nữa. Chừng vài tháng sau, tên Long nằm trong danh sách chuyển ra Bắc, về một trại học tập khác. Hết hai năm làm công tác quản giáo, tôi được chuyển ngành về học đại học. Ra trường, sự nghiệp của tôi cứ thế thăng tiến...
           

Đoàn tàu dừng lại ga N. Sơn Hải đứng dậy thu xếp hành lý. Vồn vã bắt tay tôi:

- Thôi nhé, chào người đồng đội. Cứ tin rằng phía trước bao giờ cũng khá hơn. Phải hy vọng như thế mà sống, còn biết bám víu vào đâu nữa.

Sơn Hải đi xuống. Hình ảnh người cựu binh chân thấp chân cao đang bước trên sân ga, sắp hòa nhập vào dòng người vội vã cứ lòa nhòa trước mắt tôi. Anh vẫn ngẩng cao đầu. Ôi, đôi vai gầy bé nhỏ, mà phải gánh chịu nỗi bất hạnh quá nặng của một đời người.

Anh vẫn bước đi đầy tự tin.

- Dừng lại đi, Sơn Hải, hãy dừng lại. - Tôi hét lớn - tôi đây này, anh nghe không? Chính là tôi… Ngày ấy vì sơ suất tôi đã làm lộ khi đi truyền đạt mệnh lệnh. Và sau đó tôi biết kế hoạch bị lộ từ đâu. Nhưng tôi đã im lặng... cho đến bây giờ. Thế mà tôi vẫn can đảm ngồi xét kỷ luật anh nữa chứ! Ôi...

Những lời nói âm âm, u u bay tứ tung giữa không gian loạn nhịp. Chẳng ai thèm nghe tôi, bởi, phỏng còn có ích gì. Tôi gục mặt bên cửa sổ. Sơn Hải đã hòa vào dòng người hỗn loạn. Anh chỉ là một chấm nhỏ giữa cuộc đời, nhưng, một chấm sáng lung linh.

Còn tôi - mãi mãi cái bóng mờ nhạt.

Đoàn tàu xình xịch chuyển bánh, chở đi một khối tâm tư nặng đến hàng vạn tấn.                                       

Huế: 1992 - 2008
V.H
(246/08-09)

Các bài mới
Hoa gạo đỏ (18/09/2009)