Tạp chí Sông Hương - Số 303 (T.05-14)
Võ Nguyên Giáp - Nelson Mandela: Người kích hoạt nhân tâm
20:47 | 07/05/2014

NGÔ MINH

Năm 2013, thế giới diễn ra hai sự kiện vô cùng ám ảnh, làm lay động lòng người. Đó là hai nhân vật huyền thoại Nelson Mandela và Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời vào những ngày đông năm 2013. Hai cái chết làm lay động thế giới.

Võ Nguyên Giáp - Nelson Mandela: Người kích hoạt nhân tâm
Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2007

Nelson Mandela là ngọn hải đăng đưa dân tộc Nam  Phi chiến thắng chế độ phân biệt chủng tộc “apartheid” độc ác, tạo ra một thời đại Nam Phi dân chủ, tự do. Nelson Mandela - một biểu tượng hòa hợp, hòa giải dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự lỗi lạc của thế giới qua mọi thời đại, vị tướng của lòng dân Việt Nam, đưa hòa bình đến cho nhân dân Việt Nam.

Chính phủ Nam Phi long trọng tuyên bố Quốc tang Mandela 10 ngày. Hàng nghìn người dân Nam Phi đã xếp hàng dài để viếng cố Tổng thống Nelson Mandela tại Pretoria. Ông Mandela qua đời ngày 5/12, thọ 95 tuổi. Hàng trăm nguyên thủ quốc gia trên thế giới đã đến Nam Phi tham dự lễ tưởng niệm ông hôm 10/12. Đoàn xe chở thi hài Nelson Mandela được đông đảo người dân chào đón. Đám đông đã hát và reo hò khi đoàn xe đi qua. “Được nhìn thấy ông đi qua là một trong những điều tuyệt vời nhất trong đời tôi. Tôi chỉ muốn nhìn thấy ông lần cuối cùng” - Một người dân nói.

Còn đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một đám tang vĩ đại chưa từng có. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, Nhà nước Việt Nam tuyên bố Quốc tang. Từ sau ngày Đại tướng mất (4/10/2013), ở ngôi nhà số 30 - Hoàng Diệu (Hà Nội) và ngôi nhà Đại tướng ở làng An Xá, Lệ Thủy, hàng triệu người dân, cựu chiến binh đến khóc viếng. Hàng chục ngàn người từ Sơn La, Tuyên Quang đã tìm về làng quê An Xá bên bờ Kiến Giang. Dòng người nối nhau như vô tận. Hàng ngàn cựu chiến binh từ Mường Phăng, Điện Biên, từ Tân Trào đi xe đò về 30 Hoàng Diệu viếng Đại tướng. Hàng chục vạn người từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây, Đà Nẵng, Huế, Buôn Ma Thuột đã bay ra Hà Nội viếng Đại tướng. Hàng trăm chính phủ và tổ chức, cá nhân trên thế giới điện chia buồn. Ở nhiều tỉnh, Hội Cựu chiến binh và bà con đã lập bàn thờ để nhân dân viếng. Các nhà thơ Việt Nam đã làm hàng vạn bài thơ viếng, khóc tiễn Đại tướng. Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê/ Vì Dân Nước Người trở thành Bất Tử/ Thành Núi thành Mây thành Ruộng Đồng, Sông, Bể/ Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông” (Nguyễn Trọng Tạo). Đặc biệt, ngày 12, 13 tháng 10, Lễ truy điệu ở Hà Nội và Lễ an táng Đại tướng ở Vũng Chùa, Quảng Bình, là một cuộc tri ân lớn của cả dân tộc. Hàng triệu người đứng chật hai bên đường phố Hà Nội, đứng chật đường Quốc Lộ 1A, đưa tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thứ hai sau Cụ Hồ mà cái chết làm cho cả dân tộc đau đớn, nhân dân tiếc thương nức nở.

Tại sao vậy? Tại sao Mandela và Võ Nguyên Giáp được nhân dân nước mình và nhân dân thế giới tiếc thương, ngưỡng mộ đến vậy? Vì họ là những vĩ nhân, là “người khổng lồ” xuất hiện để cứu dân, cứu nước. Hay nói cách khác, họ là những người kích hoạt nhân tâm. Nếu không có Mandela, 90% dân tộc Phi Châu và dân da màu Nam Phi sẽ bị dìm trong nạn phân biệt chủng tộc man rợ. Ông đã giành quyền bình đẳng cho dân da đen. Nam Phi rộng gấp bốn Việt Nam, có nhiều tài nguyên phong phú. Nước này có trữ lượng rất cao về kim cương và vàng và một kho kim loại hiếm rất lớn. Vào thời đó, việc khai thác nguồn tài nguyên này nằm trong tay các tập đoàn kinh tế phương Tây. Dân da đen chỉ làm công và bị thiểu số da trắng ngược đãi. Vì thế, chế độ apartheid bị thế giới kết án và trừng phạt qua chính sách cấm vận. Gặp hoàn cảnh đó, ai cũng có thể nghĩ tới giải pháp lật đổ và tiêu diệt chế độ cai trị của người da trắng. Ông Mandela lại nghĩ khác. Được nhân dân bầu tổng thống, ông mời tổng thống cũ của Nam Phi đương nhiệm làm phó. Ông không dại dột cải tạo kinh tế theo kiểu tịch thu, mà giữ nguyên các công ty, cho họ tiếp tục khai thác nguồn tài nguyên đó. Nhờ đó, Nam Phi tránh bị khủng hoảng, dần phát triển, dân không chết đói trên đống vàng. Đấy là một bài học về lý luận dựng nước của Nam Phi mà người dân thường nhắc. Từ đó mà nhân dân càng cảm phục và yêu quý ông.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi ở tuổi 103, làm cho cả dân tộc Việt Nam xích lại gần nhau hơn, vì tài năng, công lao và đức độ của ông ở trong lòng dân như một vị Thánh. Vì Đại tướng là vị tướng của lòng dân, Đại tướng đã hóa Thánh giữa lòng dân! Tư tưởng “Lấy dân làm gốc” là tư tưởng của Trần Hưng Đạo (Hội nghị Diên hồng), Nguyên Trãi (Nâng thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân), Hồ Chí Minh (Có dân là có tất cả)… được Đại tướng vận dụng, quán xuyến trong mọi suy nghĩ và hành động. Từ minh triết “lấy dân làm gốc”, lấy ít đánh nhiều lấy yếu thắng mạnh, Võ Nguyên Giáp đã đi đến những quyết định, những “điểm huyệt” trong tư duy quân sự vô cùng tài tình và hiệu quả. Đại tướng luôn quý từng giọt máu của chiến sĩ, nên từ trận đánh nhỏ đến những đại chiến dịch ông vẫn tìm cách đánh ít tổn thương nhất. Ví dụ, trong chiến dịch Biên Giới năm 1950, kế hoạch là đánh thị xã Cao Bằng. Sau khi trực tiếp đi thị sát tình hình địch, Đại tướng thấy đánh Cao Bằng khó thắng lợi vì bộ đội ta chưa quen đánh đội hình trên một tiểu đoàn, lại cách sông, đồn bốt địch vững chắc, nếu đánh Cao Bằng bộ đội sẽ phải hy sinh nhiều. Suy nghĩ nhiều đêm, cuối cùng Võ Nguyên Giáp quyết định đánh Đông Khê. Đông Khê giải phóng. Địch tháo chạy, bỏ luôn cả Cao Bằng, mở thông biên giới, giảm bớt hy sinh của bộ đội. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phương án “đánh nhanh thắng nhanh” đã được thông qua, giờ nổ súng đã định. Qua nhiều đêm trăn trở, Đại tướng đã quyết định thay đổi cách đánh sang “đánh chắc thắng chắc”. Đại tướng tâm sự: “Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi là “kéo pháo ra”, thay đổi từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Cái gốc sâu xa của quyết định là “lấy dân làm gốc”, lấy chiến thắng nhưng hy sinh ít sinh mạng làm gốc. Bởi thế mà có rất nhiều vị tướng sau này đã thốt lên rằng: “Nếu anh Văn không thay đổi cách đánh thì chúng tôi sẽ không sống sót ở Điện Biên để sau này mà đánh Mỹ”. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã quyết định chọn Ban Mê Thuột là vị trí tấn công đầu tiên trong chiến dịch tiến công mùa Xuân năm 1975, vì Đại tướng nhận ra đây là “tử huyệt” quan trọng nhất, bấm vào đó là con bài domino sẽ sụp đổ. Theo tôi biết, trước đó trong quá trình bàn luận về chiến dịch năm 1975, người lãnh đạo cao nhất của Đảng đặt vấn đề “Tổng công kích, tổng tấn công toàn miền Nam, trọng tâm là Sài Gòn”. Tổng công kích Sài Gòn thì nhất định sẽ khó chiến thắng, vì đó là nơi tập trung binh lực mạnh nhất của địch. Đại tướng đã thuyết phục Bộ Chính trị đồng ý với mình. Các nhà bình luận quân sự phương Tây sau này đã đánh giá: “…người đã nghĩ ra trận đánh điểm hỏa đầu tiên vào Ban Mê Thuột - một điểm nút chiến lược có thể mở toang cửa vào phía Nam, đó là thiên tài quân sự”. Thực tế sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, một cuộc tháo chạy dây chuyền của quân đội Sài Gòn bắt đầu. Quân ta chiến thắng lẫy lừng mà không tốn nhiều xương máu.

Sau khi thôi chức Tổng thống, với uy tín rất cao, nhưng ông Mandela không tranh giành quyền chức, không thủ vai thái thượng hoàng để tiếp tục chi phối chính trường. Ông chỉ có tiếng nói của tinh thần đạo đức và để người kế nhiệm quyết định về việc lãnh đạo. Ông hy sinh bản thân, giải quyết vấn đề của đất nước và để lại một di sản tốt đẹp hơn cho các thế hệ về sau. Thế giới kính phục và ngợi ca ông Mandela chính là vì các đức tính hiếm hoi đó, nhất là tinh thần khắc kỷ quên mình, và vì ông tin vào sự tử tế của con người, một niềm tin có khía cạnh tôn giáo, của người đốt đuốc soi đường cho người khác. Vô số bé trai sinh ra trong thập niên 90 và khi ông là Tổng thống, đã được đặt tên là Nelson theo tên của ông Mandela. Trường Đại học Witwatersrand ở Johannesburg tìm thấy 26 thanh niên mang tên Nelson trong số 30.000 sinh viên của trường. Tại lễ tang Mandela, Tổng thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch Cu Ba Raoul Castro đã bắt tay nhau. Cái bắt tay “lịch sử” giữa hai cựu thù báo hiệu sự cải thiện quan hệ hai nước. Đó là do sự kích hoạt nhân tâm từ biểu tượng Nelson Madela.

Võ Nguyên Giáp vốn là một thầy giáo dạy sử. “Nếu không có chiến tranh thì tôi vẫn là một thầy giáo dạy sử”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào lịch sử dân tộc như một Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, trở thành một danh tướng kiệt xuất của mọi thời đại. Đời làm tướng Tổng Tư lệnh của ông không dính vào bất cứ sai lầm lịch sử nào. Đại tướng là vị tướng mà cựu thù cũng phải cảm phục và kính trọng. Tướng Mỹ gọi Võ Nguyên Giáp là “vị tướng 5 sao”! Suốt đời ông luôn giữ nét nhân văn, lấy nhân tâm làm gốc. Một cựu chiến binh Hà Nội đã có câu đối tặng Đại tướng rất sâu sắc: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”. Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, ông lại thanh thản trở về cuộc sống đời thường, sống thanh bạch, bình dị giữa lòng dân. Ông vẫn nói giọng Lệ Thủy quê hương đặc sệt. Cái chết của Đại tướng là cái chết mang lại mầm sống. Là cái chết kết nối nhân dân Việt Nam thành một khối. Là cái chết làm cho con người gần nhau hơn, hợp thành một dòng chảy mạnh mẽ. Đại tướng qua đời đã hơn nữa năm, hàng ngày vẫn có hàng ngàn người dân đến Vũng Chùa viếng mộ ông. Một khu lưu niệm khang trang, đền thờ Đại tướng ở Núi Rồng đang được hoạch định xây dựng. Đã có rất nhiều thành phố trong cả nước đặt tên Đại tướng cho những con đường đẹp nhất. Rồi sẽ có nhiều trường học mang tên Võ Nguyên Giáp. Đó là sự kích hoạt nhân tâm từ biểu tượng Võ Nguyên Giáp.

Võ Nguyên Giáp - Mandela có nhiều điểm giống nhau. Họ là minh triết thời đại. Hai ông đều là ngọn hải đăng, là huyền thoại trong lịch sử nhân loại. Hai ông đã hóa Thánh giữa lòng dân tộc mình. Hai ông sống mãi trong lòng nhân dân mình, vì những công lao mà mỗi người mang lại sự phát triển cho dân tộc mình, vì sự gần gũi, đồng cảm với nhân dân. Hai ông vĩ đại cả khi nằm xuống: Kích hoạt nhân tâm mỗi người dân, tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc để vững tâm tiến về phía trước.

N.M  
(SH303/05-14)

>>

Chủ Tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch Điện Biên Phủ - PHAN SỸ PHÚC

Giữa mùa hoa ban lên thăm Điện Biên - NGUYỄN QUANG HÀ

Báng súng và cây đàn - HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Trên rừng ban mây trắng vĩnh hằng - NHỤY NGUYÊN

Chiến địa xanh - LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

“Còn mãi với mùa thu” - một ca khúc trữ tình về vị tướng già - PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO

Trang thơ Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Ngô Minh - Hồ Thế Hà - Lê Tấn Quỳnh - Nguyễn Hưng Hải

Mường Phăng - Điện Biên - Nhạc và lời: LÊ PHÙNG

Đôi mắt Điện Biên - Nhạc: LÊ ANH/Thơ:  DU AN







 

Các bài mới
Người nơi khác (26/05/2014)
Các bài đã đăng
Chiến địa hoa (05/05/2014)