Tạp chí Sông Hương - Số 30 (T.3&4-1988)
Phác thảo về quá trình phát triển của văn hoá Phú Xuân: Thời kỳ thứ nhất với trung tâm thành Châu Hóa
14:42 | 08/07/2014

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Chúng tôi không quy lại vấn đề từ đầu để khẳng định sự tồn tại của "Văn hóa Phú Xuân", nghĩa là xét xem liệu thuật ngữ "Văn hóa Phú Xuân" có một nội dung đích thực hay không; công việc này giáo sư Lê Văn Hảo đã làm xong, qua một loạt những công trình kiểm kê có tính hệ thống của ông.

Phác thảo về quá trình phát triển của văn hoá Phú Xuân: Thời kỳ thứ nhất với trung tâm thành Châu Hóa
Cửa chính vào Đô thành Phú Xuân thời Nguyễn - Thời Trịnh và thời Tây Sơn bên bờ bắc sông Hương - Ảnh: internet

Hiển nhiên là trong thực tế, Huế đã là một trung tâm văn hóa có thực, với cộng đồng dân cư từ xưa không lớn lắm, khoảng độ 10 vạn người nhưng đã tạo ra được một truyền thống văn hóa nghệ thuật hoàn chỉnh riêng, một hệ thống ngữ âm và ngữ sắc riêng, một hệ thống các quan niệm nhân văn biểu hiện qua những tập quán ăn ở và thờ kính riêng, cách nấu ăn, may mặc, giải trí, cách xây dựng nhà cửa và đô thị riêng; từ đó người ta thường nói lên một lối sống kiểu Huế. "Văn hóa Phú Xuân" là một ý niệm được khẳng định trước hết vì Phú Xuân từ lâu đời đã là một trong những trung tâm văn hóa lớn nhất của đất nước; nhưng quan trọng hơn; chính là vì ở đây đã hình thành một hệ thống các giá trị văn hóa có bản sắc và cá tính rõ nét, nhất quán và có sức đóng góp mạnh mẽ trong đời sống văn hóa chung của dân tộc.

Văn hóa chính là bài thơ cuộc sống, không phải được làm ra trong một khoảnh khắc cảm hứng của thi sĩ, mà là được sáng tạo qua kinh nghiệm sống trường kỳ của nhân dân, là sức cố gắng vươn tới cái Đẹp của con người qua nhiều đời, trong cuộc tiếp xúc trao đổi giữa con người với con người mang những lối sống khác nhau thuộc các dân tộc. Trên hướng đó, chúng tôi cố gắng tìm hiểu các giai đoạn hình thành và phát triển của truyền thống Văn hóa Phú Xuân, gắn liền với đô thị trung tâm của nó là Huế vốn đã di chuyển vị trí nhiều lần trong quá trình thiết lập và xây dựng thành phố.

Xin nói nhanh rằng chúng tôi sẽ không bàn đến hai vị trí đã từng được các chúa Nguyễn chọn để định xây dựng thủ phủ của Đàng Trong, là Phước Yên (1626 - 1636, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên) và Bác Vọng (1712 - 1738 thời Chúa Nguyễn Phúc Trú); lý do là hai trung tâm này chỉ mang tính thời sự lúc đó, chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, không mang ý nghĩa đặc biệt về lịch sử văn hóa, và mặt khác về địa lý, không còn liên hệ gì với vị trí của kinh đô Huế sau này. Từ đó, chúng tôi cố gắng xem xét quá trình phát triển của Văn hóa Phú Xuân qua ba thời kỳ quan trọng gắn liền với sự hình thành của "Trung tâm đô thị Huế" sau đây:

1. Thời kỳ Thành Châu Hóa (từ đầu thế kỷ 14 đến giữa thế kỷ 17): Thời kỳ tổng hợp giữa văn hóa Việt và Chămpa, hình thành văn hóa dân gian Phú Xuân.

2. Thời kỳ Kim Long - Phú Xuân (từ 1636 đến 1802; trải suốt thời đại các Chúa Nguyễn sang hết triều đại Nhà Tây Sơn): Thời kỳ nâng cao các thành quả văn hóa dân gian và tiếp nhận yếu tố mới của văn minh phương Tây.

3. Thời kỳ kinh đô Huế (dưới triều đình Nhà Nguyễn kể từ Gia Long trở về sau): Thời kỳ tập đại thành các nội dung và thiết lập trung tâm văn hóa quốc gia.

Ở đây, tôi xin giới thiệu riêng thời kỳ đầu tiên của Văn Hóa Phú Xuân mà theo chúng tôi là thời kỳ có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Và dĩ nhiên cũng chỉ là một phác thảo thử nghiệm hoàn toàn có tính cách gợi ý.

***

Thành cổ Châu Hóa nằm trên đất làng Thành Trung, thuộc xã Quảng Thành, huyện Hương Điền bây giờ, di tích lịch sử và khảo cổ học vẫn còn nhận ra được một cách khá đầy đủ.

Các đạo quân ngày xưa vào Châu Hóa đều phải theo đường thủy, và thế tất đã phải chạm trán với lực lượng phòng vệ nội địa đứng trấn ở "ngã ba Châu Hóa" (tức là Ngã Ba Sình ngày nay), đúng như lời mô tả của Dương Văn An, "tòa thành Thuận Hóa khóa chặt lấy thủy khẩu", do vị trí chiến lược đặc biệt của nó, tất cả những người làm chủ Châu Hóa xưa kia đều xây dựng thành Châu Hóa thành một nơi trọng trấn, kết hợp cả quốc phòng, hành chánh, giao thông và giao thương. Một số chứng cứ lịch sử cho phép ta đoán rằng Thành Châu Hóa có thể chính là quận lỵ quận Nhật Nam đời Hán; nhưng điều chắc chắn là trước khi trao nó về cho người Việt sau đám cưới công chúa Huyền Trân, thì người Chiêm Thành đã xây dựng thành Châu Hóa là một thành phố lớn vào bậc nhất ở phía Bắc Champa. Bản sơ đồ do khoa Sử trường Đại học Sư phạm Huế tái hiện qua những di tích khảo cổ cho thấy quy mô to lớn của tòa thành này trên nền móng thành phố cổ của người Chiêm Thành. Sự kiện này sẽ dẫn tới hai kết luận quan trọng: 1) có một trung tâm đô thị lớn đã tồn tại hàng chục thế kỷ ở ven biển Châu Hóa. 2) khi quay trở lại quê hương cũ của mình đã mất vào tay người Chiêm Thành từ đầu thế kỷ thứ 7 (đời Đường) thì người Việt Nam thời nhà Trần đã bắt tay xây dựng cơ đồ trên một địa bàn trọng điểm của văn hóa Champa mà đô thị trung tâm của nó đã được nhà Trần chọn làm thủ phủ của lộ Lâm Bình - Thuận Hóa hợp nhất, giống như vai trò của thành phố Huế với tỉnh Bình Trị Thiên bây giờ.

Gọi Thành cổ Châu Hóa là Huế 1 là hoàn toàn chính xác. Thành phố Huế này tồn tại và phát triển mạnh mẽ như là thủ phủ của Châu Hóa suốt gần 350 năm, cho đến khi trung tâm Kim Long ra đời vào năm 1636. Có lẽ nên dừng lại một phút để nhìn lại diện mạo của thành phố Huế đầu tiên của chúng ta. Thành Châu Hóa thời đó đã là thủ phủ của một dải đất liền từ đèo Ngang đến Hải Vân vào tận Bắc sông Thu Bồn, và trở thành thủ đô kháng chiến của nước Đại Việt dưới thời nhà Hậu Trần sau khi Thăng Long đã mất vào tay giặc Minh. Ngã ba Sình vào thời đó vẫn là một thương cảng có giao lưu quốc tế lớn, theo lời thuật của Lê Quí Đôn, rằng "ở Thuận Hóa, nhà Minh cho đặt trừu phân trường, vì thuyền buôn đường biển tụ tập ở đấy nên đánh thuế". Nói về sự phát triển của văn hóa Việt trên địa bàn đất Ô Lý dưới thời nhà Trần và nhà Hồ, Dương Văn An trong Ô Châu Cận lục đã so sánh thời kỳ đầu: "đất đai chật hẹp, phong tục quê mùa, nhân vật thưa thớt không so sánh được với miền Hoan Ái", và sau đó đúng một trăm năm, rằng "Từ sau khi nhà Trần nhà Hồ cho dân di cư đến thì tiếng nói vẫn hơi giống miền Hoan Diễn, nhưng phong tục đã khác người Chiêm Thành, mức tiến hóa có thể sánh ngang với Thượng quốc"(tức là Trung Hoa). Qua đó chúng ta có thể thấy rằng suốt thế kỷ 14, nhà Trần và nhà Hồ đã xây dựng Thành Châu Hóa thành một trung tâm đô thị ở phía Nam nước Đại Việt, và nhiệm vụ chính trị của thời kỳ này là tái chiếm lãnh thổ văn hóa của người Việt trên địa bàn Champa cũ.

Đến giữa thế kỷ XV, vài chục năm sau cuộc kháng chiến chống giặc Minh, nông nghiệp ở khu vực phương nam này đã khá phồn thịnh; Dư địa chí của Nguyễn Trãi có nhắc đến những nông sản nổi tiếng của Châu Hóa là thuốc lá chèhồ tiêu; Lê Thánh Tông ngợi ca xứ này về thóc ("Thau Lào thóc Huế thuyền tám tầm chở đã vơi then").

Sang giữa thế kỷ XVI, qua Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, đồng bằng ven biển Châu Hóa đã phát triển mạnh về tiểu thủ công nghiệp, nhiều địa phương nổi tiếng về những ngành nghề khác nhau, như: Hoài Tài làm mực, Lương Cổ, Thanh Lam làm giấy, Diêm Trường đóng thuyền, Tân Lạng rèn sắt, Dũng Cẩm, Dũng Quyết, làm đồ gốm, Niêm Phò, Phù Nam, Cao Đôi dệt lụa, ("lụa Cao Đôi óng ả, trông như tuyết trắng chất đầy rương"), Vĩnh Cố dệt cả gấm. Có thể nói Châu Hóa trở thành địa bàn tập trung của ngành tiểu thủ công nghiệp ở phía Nam.

Cùng với thành Hóa Châu đã phát triển như một thành phố hoàn chỉnh dọc theo trục sông Kinh Dao, "huyện, nha phủ, thự nằm đối nhau ở hai bên bờ tả hữu" nhiều thị trấn đã mọc lên ở hai bên sông Hương mở rộng địa bàn đô thị lan khắp một vùng rộng lớn chung quanh Ngã Ba Sình "Cầu Bao Vinh ngựa xe đông như nước...", "Xã Lại Ân giàu có nhờ buôn một bán mười"… Chợ Thế Lại "Thuyền bè chen chúc lui tới những khách giàu sang; gấm vóc phô bày la liệt những hàng tốt đẹp". "Còn như xóm hoa nội biếc, đất tốt dân đông chợ nọ cầu kia, vật hoa người quý đều la liệt ở hai bờ Nam Bắc". Như vậy là vùng đồng bằng ven biển đã phát triển sớm, kinh tế giàu, văn hóa cao, giao lưu mạnh; từ đó là địa bàn sinh tụ lâu đời nhất của Văn hóa Phú Xuân.

Sự phát triển của thương nghiệp tiểu thủ công nghiệp mạnh mẽ như trên khẳng định rằng văn hóa đô thị đã xuất hiện khá đầy đủ ở Huế thời Thành Châu Hóa với những sinh hoạt đặc biệt của thị dân vẫn còn duy trì cho đến ngày nay, như "An Cựu mừng xuân trà ngọc nhụy thơm tho có tiếng"; "Nam Phổ Vỹ Dạ hay tổ chức ca hát, xướng họa thơ văn; phụ nữ Hoa Lê thích làm bánh trái - Con gái Tiền thành nhiều sắc đẹp mê hồn". Chú ý rằng nếp sinh hoạt văn hóa của người Huế bây giờ hình như đã định hình từ thời kỳ đó, khi thành phố đang nằm ở cuối Ngã Ba Sình. Chính nơi đây con đò sông Hương với dàn nhạc và ca nữ trong đêm khuya đã thấy xuất hiện từ thế kỷ 15, thời Lê Thánh Tôn, như trong bài thơ "Thuận Hóa Thành Tức Sự" của Thái Thuận. Tóm tắt lại là vào thời kỳ này (thời điểm của Ô Châu Cận Lục), với trung tâm Thành Châu Hóa, Huế đã là "nơi đô hội lớn của một phương" (Dương Văn An), và những ghi chép có tính chất du ký của tác giả cho phép ta dự đoán rằng người Huế đã hoàn toàn làm chủ mảnh đất của mình về văn hóa, từng mặt xây dựng xong nếp sinh hoạt và phong cách sống của mình để lưu truyền tới bây giờ. Chính trên một bối cảnh chung về tinh thần được giả định như vậy, chúng ta thử xem xét ngược lại quá trình lịch sử để tìm hiểu nhiệm vụ văn hóa của thời kỳ Thành Hóa Châu. Vấn đề đặt ra là cần suy nghĩ xem trong thời kỳ Huế 1 mà trung tâm là Thành Cổ Châu Hóa, những yếu tố nào đã được hình thành để tạo nên truyền thống văn hóa Phú Xuân.

Nếu lấy năm 1306 (năm đám cưới Huyền Trân, làm mốc mở đầu thời kỳ này, thì thời điểm này cũng bắt đầu một cuộc di dân mới của người Việt đến chiếm lĩnh địa bàn Châu Hóa. Đại bộ phận di dân trong đợt này đều là quê ở Nghệ Tĩnh. Đấy chính là ý đồ quốc phòng của nhà Trần và nhà Hồ, vì theo cách nói của Dư Địa Chí, dân vùng này "tính hung hãn quen khổ sở" (tức là gan dạ và quen chịu đựng gian khổ); "Triều trước, trước dùng họ để ngừa người Chiêm". Tất nhiên trước đó trong thời kỳ còn nội thuộc Chiêm Thành thì trên đất Châu Ô Châu Lý vẫn đã có những cư dân người Việt sinh sống tại chỗ từ trước, và đời này qua đời khác vẫn có những dòng người vượt Đèo Ngang vào phía Nam kiếm sống, để kết luận, cần lưu ý rằng gốc Hồng Lĩnh của văn hóa Phú Xuân rất sâu sắc, và chính mảng văn hóa Việt Cổ ấy (văn hóa Việt Mương) là vốn liếng tinh thần mà những người di dân đã mang theo vào Hóa Châu để làm chỗ dựa cho ý thức cội rễ của mình, và từ đó sẽ tiến hành một cuộc tổng hợp mới khi tiếp cận với nền văn hóa Chàm ở phía Nam.

Không kể thời Việt Thường Văn Lang Châu Hóa đã là biên giới phía Nam nước Đại Việt kể từ năm Công Chúa Huyền Trân đi lấy chồng (1306) cho đến năm 1472, khi cuộc nam chinh của Lê Thánh Tôn mở rộng lãnh thổ vào tận Phú Yên. Như ta biết, bên kia đèo Hải Vân đã tồn tại trung tâm lớn lao của nền văn hóa Chàm, mà ngày nay di tích vẫn còn ở Mỹ Sơn, Trà Kiệu. Khác với văn hóa Việt Cổ vốn là văn hóa đại lục, văn hóa Chàm mang bản sắc nền văn minh ở phía Nam Thái Bình Dương mà trung tâm là Ấn Độ, và đã từng phát triển rực rỡ qua nhiều thế kỷ cùng với quốc gia hùng mạnh của họ. Từ đó khi châu Hóa trở thành biên giới lãnh thổ ở phía Nam đất nước, Châu Hóa cũng đồng thời là biên giới của hai nền văn hóa Việt và Chămpa vốn mang bản sắc khác nhau của phía Bắc và phía Nam Châu Á; và đều là những nền văn hóa lớn. Châu Hóa đã là nơi giao thoa của hai nền văn hóa đó; vì vậy văn hóa Phú Xuân sẽ được bổ sung bằng những yếu tố phương Nam mà trung tâm Thăng Long trước đó không có. Điều này tất yếu phải xẩy ra, giống như trong một phản ứng hóa học để tạo ra cái mới, và vì thế không có gì là vô lý nếu người ta thừa nhận rằng có một truyền thống văn hóa Phú Xuân mang bản sắc khác với truyền thống Thăng Long và xin nhấn mạnh ở chữ "bản sắc".

Và, phản ứng giao thoa văn hóa ấy đã diễn ra như thế nào trong cộng đồng người Việt Nam sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất Châu Hóa? Trước hết là cuộc đấu tranh chống ảnh hưởng ngoại lai xấu để bảo vệ sự trong sáng của văn hóa dân tộc. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi soạn sau cuộc đô hộ của Nhà Minh, đã dành một chương riêng cho cuộc đấu tranh văn hóa này, rằng "Người trong nước không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô (Trung Quốc), Chiêm, Xiêm, Chân Lạp để làm loạn phong tục trong nước. Về ảnh hưởng của Chiêm Thành, Nguyễn Trãi nói: "Tiếng Xiêm, Chiêm, Chân Lạp nói trong cổ họng như tiếng chim quẹt, đều không được bắt chước để loạn tiếng nói nước nhà". Về cách ăn mặc Nguyễn Trãi cũng nêu rõ: Người Chàm lấy khăn che đùi mà để lộ hình thể, Người Xiêm La, Chân Lạp lấy vải bọc tay và đầu gối như bó thây chết. Các tục ấy đều không nên theo để làm loạn phong tục". (Nhớ rằng thời Nguyễn Trãi, chỉ Thuận Hóa là vùng lãnh thổ tiếp cận với các cộng đồng dân tộc khác ở phương Nam là Chiêm, Xiêm, Chân Lạp như đã nói). Hơn một trăm năm sau, vào thời điểm của Ô Châu Cận Lục (1559, thời nhà Mạc), ảnh hưởng pha tạp của văn hóa Chăm-pa trong cư dân Châu Ô Châu Lý xem ra đã không còn phổ biến như trước; chỉ còn thấy nêu ở một vài trường hợp "nói tiếng Chiêm"; "mặc áo Chiêm" mà tác giả phê phán một cách nghiêm khắc: "Tiếng Huế quần Chiêm thói càng bỉ ổi". Chú ý rằng ở điểm này (giữa thế kỷ 16) "tiếng Huế" tức là giọng nói vùng Châu Hóa đã xuất hiện, khác với "tiếng nói miền Hoan Diễn" mà tác giả đã nhận xét ở trên kia.

Cuộc đấu tranh xóa bỏ những di căn ngoại lai mang đến những thành quả cụ thể; so với các vùng xa về phía Nam, trên mảnh đất Ô Lý ngày xưa, bây giờ còn lại rất ít những địa danh mang gốc Chàm, có chăng chỉ còn một chút âm hưởng xa xôi như sông Ô Lâu, đồi Châu Ê v.v...

Cùng với cuộc đấu tranh để xóa bỏ, sự quay trở về, níu giữ lấy những yếu tố Việt trong ngôn ngữ và tập quán, trong mọi sinh hoạt văn hóa là hoàn toàn cần thiết, nhằm củng cố các giá trị dân tộc để tồn tại về tinh thần, chống lại mối đe dọa bị mất gốc khi phải chung đụng với một nền văn hóa dân tộc khác vốn không phải là không có sức mạnh riêng của nó. Chính vì thế trong văn hóa Phú Xuân vẫn còn giữ lại nhiều yếu tố Việt Cổ hơn cả những trung tâm lâu đời khác của văn hóa dân tộc, như là vùng châu thổ sông Hồng và trung tâm Thăng Long chẳng hạn. Thí dụ như trong tiếng Huế (nói rộng ra là trên địa bàn Bình Trị Thiên) hiện nay vẫn còn giữ lại một số lượng khá nhiều những từ địa phương "mô tê răng rứa" xưa kia vốn thông dụng trong cộng đồng người Việt cổ. Dân gian vùng Châu Hóa bây giờ vẫn thường dùng từ "cái trôốc" để chỉ "cái đầu", "cái bông" để nói "đóa hoa". Trôốcbông đều là từ Việt cổ. Còn đầu, đóa hoa thì đều đã nói theo từ Trung quốc. Nhiều nhà dân tộc học đã lấy làm lạ ghi nhận "tính chất Mường" ở nơi người Huế; thí dụ như ăn món canh lõm (canh nấu bằng lõm chuối sứ nấu với cá), ăn rau trai rau éo (lõméo đều là tiếng Mường), và thói ăn rau dại (rau không trồng, có sẵn trong thiên nhiên như trong món canh rau tập tàng của người Huế) đều là những tập quán Mường vẫn phổ biến ở Huế, ngoài Bắc không còn nữa. Yếu tố Việt Cổ (kể cả gốc Mường và gốc Mã Lai đa đảo) là một thành phần cơ bản vẫn tồn tại mãi đến hiện nay trong văn hóa Phú Xuân; và đó là một đặc điểm riêng so với trung tâm Thăng Long. Lý do của đặc điểm này là Châu Hóa trong những thế kỷ lâu dài, đã nằm ở vùng ngoại vi của văn hóa dân tộc; và về mặt văn hóa mà nói thì ở vùng ngoại vi, những yếu tố xưa cổ vẫn được bảo trì bền vững hơn là ở khu vực trung tâm vẫn thường nhiều biến động. Có lẽ con mắt tinh tế của tác giả Ô Châu Cận Lục đã nhìn thấy điều này, khi ông phê phán về quê hương của mình rằng: "Thói cũ giữ lâu ngày, lối mới còn quá ít".

Một yếu tố có giá trị nguồn cội khác đã tạo nên cái vốn liếng chính thống của văn hóa Phú Xuân, là Văn hóa Thăng Long hoặc là nền văn minh sông Hồng thông suốt hết cuộc sống tinh thần của người Việt. Điều này là tất yếu, mọi người đều đã biết, không cần phải bàn luận thêm. Chỉ cần nhìn vào lĩnh vực những nghề thủ công tinh xảo mà Ô Châu Cận Lục đã nhắc tới, người ta thấy ngay cái gốc văn hóa Thăng Long ở địa bàn phía Nam: nghề làm giấy là từ Bưởi, Yên Thái; nghề gốm từ Bát Tràng, nghề đúc đồng (phường Đúc Huế) nổi tiếng từ thế kỷ 17 đến nay) có nguồn gốc từ Ngũ xã (Hồ Tây) Hà Nội, hoặc nghề rèn truyền thống của làng Hiền Lương, liệu có dính dáng gì đến những người thợ Rèn có tay nghề bậc thầy mà Nguyễn Huệ đã chiêu tập ở Thăng Long để đưa về Phú Xuân? Có lẽ chỉ trừ nghề chằm nón bài thơ là nghề riêng của Huế, còn trăm nghề tài hoa nổi tiếng của Phú Xuân đều từ gốc Thăng Long phát triển lên. Qua các đợt di dân, những tinh hoa dân tộc của nền văn minh sông Hồng đã theo các bậc thầy dân giã nam tiến, thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của văn hóa Phú Xuân từ thế kỷ 15 trở đi.

Nhưng sự củng cố các giá trị dân tộc không hề đưa đến tình trạng tự vệ khép kín; trái lại chỉ tăng cường sức mạnh và lòng tự tin nơi con người để mở cửa và tiếp nhận cái lạ. Đây lại là một tình hình đặc biệt về tinh thần của cộng đồng người Việt ở Châu Hóa, khi nó ngảnh mặt về phương Nam để tiếp cận với nền văn hóa Champa. Dĩ nhiên là chúng ta đã tiếp nhận từ nền văn hóa hùng hậu này nhiều thứ quan trọng để mà sống, như là các giống lúa chiêm của phương Nam hoặc là cách làm thủy lợi tránh việc đắp đê dọc theo các con sông. Nhưng còn xa hơn nữa về cách ăn, cách mặc, cách hò hát, và nhiều yếu tố sâu xa khác trong lĩnh vực tinh thần, chúng ta đã khác đi một phần nào đó so với bản gốc của chính mình qua cuộc giao lưu với một nền văn hóa lâu đời khác ở phía Nam.

Ai cũng biết âm hưởng Chàm trong nhạc Huế, và chúng ta đã thừa hưởng giai điệu mềm mại tiết tấu buông lơi của dân ca Chàm trong các điệu lý hoài nam, lý ngựa ô, lý con sáo... nét trữ tình trong các điệu hò lao động như hò khoan Lệ Thủy, hò ô, giọng bi ai của hò đưa linh và điệu hò mái đẩy thì lại giống điệu hò chèo thuyền Pelog của phía Nam Thái Bình Dương v.v... về điều này thì giáo sư Trần Văn Khê đã chỉ rõ là:

"Sau nhiều thế kỷ giao lưu, nhạc Việt đã nhuộm màu Chàm". Trong một công trình nghiên cứu đầy uyên bác, cố họa sĩ Phạm Đăng Trí đã cố gắng xác lập hệ thống ngũ sắc dân gian riêng của Huế trong đó người ta thấy xuất hiện màu tím (Đỏ - Vàng - Lục - Xanh-Tím) vốn không có trong hệ ngũ sắc truyền thống của phương Đông (Đỏ - Vàng - Xanh - Trắng - Đen); chỉ cần lưu ý thêm rằng cái màu tím Huế nổi tiếng ấy của các nữ sinh Đồng Khánh xưa cũng chính là mầu áo thân thiết của phụ nữ Chàm ngày nay vẫn còn thông dụng. Nhưng có lẽ ít người biết rằng chúng ta đã học ở người Chàm lối ăn rau luộc chấm với mắm nêm (thay vì chấm với nước mắm như ở Bắc). Món bánh tráng nướng nhúng nước cuốn rau sống; và cả cơm hến Huế có lẽ cũng phát sinh từ món "don" gồm nước hến cơm và bánh tráng) của người Chàm ngày nay vẫn phổ biến ở vùng Quảng Ngãi. Nhìn ở đâu trong lối sống Huế cũng thấy dấu vết của văn hóa Champa; có lẽ Huế là "Chàm", nhiều hơn người ta tưởng.

Và nếu như điệu nam ai, màu tím và món cơm hến là những gì mang đầy đủ trong cái gọi là "bản sắc Huế", thì người ta có thể kết luận một cách giản dị rằng đó chính là những yếu tố của văn hóa Chămpa được hòa nhập vào văn hóa Việt cổ truyền, qua một quá trình tổng hợp bằng kinh nghiệm của con người tìm tới vẻ đẹp cuộc sống.

Tổng hợp có nghĩa là không bắt chước, mà từ những cái đã có để tạo ra một cái gì khác, và tổng hợp chính là sáng tạo. Thí dụ như kiểu kiến trúc cổng của cung đình Huế với nhiều tầng mái là một cách sáng tạo từ cái cổng làng Việt Nam cổ xưa ở phía Bắc với cái tháp Chàm phương Nam. Thăng hoa những yếu tố văn hóa ngoại lai để trở thành những giá trị thuần Việt, thực hiện một cách có hiệu quả sự tổng hợp văn hóa đại lục ở phía Bắc và văn hóa hải đảo ở phía Nam, đó là khả năng rất mạnh mẽ của truyền thống văn hóa Phú Xuân.

Văn hóa Phú Xuân trong những thành tựu trí tuệ nhất của nó kể cả văn hóa cung đình đều mang tính dân gian rất nhất quán và căn cốt; giống như âm nhạc cổ điển Huế là thành quả phát triển của các điệu lý và điệu hò Châu Hóa. Và do tính tổng hợp của truyền thống Phú Xuân, chúng ta có thể suy đoán ra rằng giai đoạn thành Châu Hóa chính là thời kỳ diễn ra quá trình tổng hợp ấy, và đã kết đúc xong về cơ bản dấu ấn riêng của văn hóa Phú Xuân. Tôi tin rằng chính trong thời kỳ này, chung quanh đô thị Châu Hóa kỷ niệm của cái đám cưới Việt - Chàm nổi tiếng trong lịch sử dân tộc kia, dân gian Châu Hóa đã tiến hành xong cuộc tổng hợp văn hóa của mình trong sự tiếp xúc với những di sản tinh thần cao quý của dân tộc Chàm; tôi tin rằng chính trong thời kỳ này đã hình thành về cơ bản mọi ngành âm nhạc dân gian (hệ thống các điệu hò và lý), mỹ thuật dân gian (hệ thống ngũ sắc, hoặc tranh dân gian làng Sình), văn học dân gian, các món ăn dân gian, y học dân gian (thí dụ cách chữa bệnh bằng cây thuốc phương Nam) và cả một phần kiến thức có thể gọi là khoa học dân gian; tất cả làm thành nội dung chủ yếu của truyền thống văn hóa Phú Xuân sau này.

Những cuộc chiến tranh chinh phục và những triều đại đều qua đi trong trí nhớ của con người, nhiều đô thị cổ đã biến mất, chỉ có văn hóa là còn lại trong sự trao đổi kinh nghiệm sống giữa các dân tộc.

Huế là cái tên gọi dân gian của Châu Hóa, và Hóa nghĩa là trở thành, trở thành bằng sức mạnh tổng hợp đối với những cái khác nhau. Truyền thống văn hóa Phú Xuân gắn liền với đô thị trung tâm của nó là Huế, Huế là tổng hợp và trở thành. Có lẽ vì nhấn mạnh về ý nghĩa văn hóa ấy của mảnh đất, mà trong khi bao nhiêu tỉnh thành khác đã nhiều lần thay đổi tên thành từ Hán Việt cho đẹp hơn, thì con người Châu Hóa vẫn cứ gọi tên cái thành phố đã từng là kinh đô này của mình bằng một chữ mộc mạc dân giã đó, là Huế.

Kỷ niệm 300 năm Phú Xuân
11-1987
H.P.N.T
(SH30/04-88)

>>
300 năm Phú Xuân - TÔ NHUẬN VỸ
Việc đặt tên đường phố ở Huế - TRƯƠNG THỊ CÚC - NGUYỄN XUÂN HOA







 

Các bài đã đăng
Phòng tối (01/07/2014)
Xóm rau muống (05/06/2014)