Tạp chí Sông Hương - Số 308 (T.10-14)
Cháy
09:52 | 20/10/2014

NGUYỄN VĂN THIỆN

Đám cháy hình vầng trăng đã lan qua đám rẫy bên cạnh. Chúng tôi giả vờ dập lửa và reo hò không ngớt.

Cháy
Minh họa: Nhím

Vì sao lại reo hò khi có lửa cháy ư? Không biết. Chỉ biết lâu rồi, từ lâu lắm, chúng tôi chơi với lửa. Lửa sưởi ấm bạn, lửa soi sáng cho bạn, và bây giờ lửa đốt cháy bạn, có gì lạ đâu? Tại sao lại không được reo hò. Và như một tất yếu, chúng tôi cháy lên cùng với cỏ dại, với cây rừng, với muông thú. Những hình hài trần trụi, đen như số phận của dân tộc bên kia quả đất.

Sau vụ cháy, chỉ còn lại tàn tro. Và những trái tim lăn lóc. Chúng tôi đó, những trái tim chúng tôi đó, vật còn lại sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng đó, bạn thấy không, bốc khói ngùn ngụt và bầm đen máu ướt. Giờ đây, khi đã không còn tồn tại như một con người, tôi mới chính thức được tự do, được nhìn sâu vào trong trái tim mình bằng cặp mắt của một kẻ đứng ngoài lề.

Những hình ảnh vô cùng quái dị chưa từng thấy bao giờ!

Đầu tiên là gương mặt của một cụ già với những nếp nhăn xô nhau chạy vào mắt. Đó là một gương mặt hình hộp, vuông vức như một gói quà sinh nhật khi bạn 15 tuổi. Trong hộp vuông, đôi mắt sẽ như thế nào? Dĩ nhiên, nó hình vuông. Trong đôi mắt hình vuông là những giọt nước mắt hình vuông. Những giọt long lanh như hồng ngọc, vuông vức xếp cạnh nhau, chẳng biết vì lí do gì tồn tại. Cụ già ấy đã từng khóc ư? Có thể lắm, ai trong đời không khóc ít nhất một vài lần. Nhưng khóc ra máu thì hiếm. Tôi không biết hình ảnh này đã được tim mình lưu giữ từ lúc nào. Nó choán hết một góc không nhỏ của tim, vì thế, vào những ngày nắng oi, tim rất mệt, hơi nhức, giờ tôi mới hiểu...

Tôi nhìn vào trái tim mình, như trẻ thơ mân mê đồ chơi, như người lớn mân mê đồ chơi. Nếu lấy con dao sắc, cắt vạt một nhát lẹm từ cuống xuống, rồi đặt lộn ngược, quả tim trông tương tự một vết sẹo để đời, nham nhở. Từ vết sẹo định mệnh ấy, hình ảnh em hiện về, như gió, như sương. Em và tôi đã từng đi chung một đoạn đường, đúng không? Rồi em tan vào sương, vào khói, vào bất cứ chỗ nào có thể tan được, đúng không? Sao bây giờ trong tro tàn lửa cạn, lại thấy một vết thương, méo mó như những mặt người trong quá khứ? Tại sao?

Chính tôi đã đốt lửa lên trên vạt rẫy của mình, rồi cũng chính tôi ôm lấy trái tim khi nó không còn đập nữa, trên tay. Đừng vội kết tội chúng tôi nổi loạn. Sự thực khác hơn nhiều. Đây là một cuộc chơi, chúng tôi đốt mình lên để chơi, lấy xương máu tim gan của mình bày ra để chơi. Vì thế, điều mọi người thấy không nhất thiết là tôi phải thấy, điều mọi người tin không nhất thiết là tôi phải tin, điều mọi người yêu không nhất thiết là tôi phải yêu.

Khi những giọt mưa trái mùa tình cờ đi qua đám cháy, lửa than xèo xèo và khói bụi bốc lên. Tôi thấy trong tim có một tấm khăn choàng màu đỏ. Tấm khăn mở ra như bàn tay mẹ vẫy vẫy bên cạnh ruộng lúa ngày tôi 20 tuổi lên đường ra thành phố nhập học. Hết mưa, mà mưa nhanh hết lắm, bàn tay ấy chuyển sang màu tím bầm. Rồi nó từ từ dài ngoẵng ra, xoắn lại, không khác gì một chiếc dây thừng...

Thuở nhỏ, đi chăn trâu, có những khi rảnh quá, chúng tôi chơi trò tự tử. Chiếc dây thừng buộc lên cành cây, thắt thòng lọng buông xuống. Tôi đứng trên lưng trâu, giả vờ kêu khóc, vừa thò cổ vào thòng lọng vừa vẫy tay thằng bạn ngồi dưới gốc như người ta từ biệt nhau trước khi bị hành hình. Thằng bạn cười hấc hấc rồi lượm cục đất ném vào dái trâu. Trâu đau quá lồng lên, tôi suýt thành một tử thi giữa đồng hoang nếu như dây thòng lọng không đứt kịp. Tôi rơi huỵch giữa bãi phân trâu còn nóng, tối về bị một trận no đòn. Ngày mai gặp lại nhau chỗ cũ, thằng bạn bảo: mày chơi ngu quá, không dưng tự tử chi! Tôi nói: mày cũng ngu. Nó dễ dãi: ừ, chúng mình ngu bằng nhau!

Chiếc dây thừng oan khiên ấy, qua bao nhiêu năm tháng nhọc nhằn giờ có màu tím bầm như máu, lại phấp phới bay như tấm khăn choàng của mẹ. Chuyện chăn trâu nghịch dại ấy đã xa lắm rồi, vậy mà giờ đây, khi tôi nâng niu trái tim mình trong tay, nó bỗng lại hiện về, như một lời cảnh báo vu vơ. Và khi tôi đang băn khoăn về màu sắc của tấm khăn choàng, của sợi dây thừng thì trời bắt đầu nổi gió. Trái tim co mình lại, rúm ró, nhăn nheo như một vết thương già, qua hẳn thời oanh liệt. Từ trong thẳm sâu cốt nhục, hình như có một cánh hoa hình lưỡi liềm. Hoa hình lưỡi liềm là hoa gì, tôi làm sao biết được? Từ lâu tôi đã quên, không biết gọi tên sự vật theo cách thông thường. Nhưng nếu gọi theo cách thông thường, tôi có còn là tôi không?

Bây giờ, tôi mới bắt đầu chơi. Tôi lấy cánh hoa hình lưỡi liềm cắt cái đầu hình hộp có đôi mắt hình hộp và giọt nước mắt hình hộp ra làm hai phần bằng nhau. Tôi buộc một phần vào sợi dây thừng và treo lên. Tôi sẽ diễn lại cái trò treo cổ ngày xưa ngay tại đây, trên đám cháy này. Nửa còn lại, tôi buộc vào tấm khăn màu đỏ của mẹ, tấm khăn sẽ làm dù, chúng sẽ bay đi, rất đẹp, đến một nơi nào đó tùy thích. Và khi nửa đầu đang rên xiết dưới sợi dây thừng thì nửa kia đã bắt đầu bay lên cao, cao mãi. Tôi mỏi mắt nhìn theo cho đến khi chúng nhỏ bằng một cánh chim rồi mất hút trong bầu trời thăm thẳm. Ngoảnh nhìn bên cạnh, nửa đầu còn lại cùng với chiếc dây thừng, tất cả đã biến thành nước. Nước xanh như nước mắt, trôi xuôi.

N.V.T  
(SH308/10-14)

>>

TRUYỆN KIỀU, phòng thử nghiệm những cách đọc - ĐỖ LAI THÚY
Đọc ‘Giàn thiêu’ của Võ Thị Hảo - chơi với người chơi lửa - NGUYỄN QUANG HUY
Một con đường của quan niệm sáng tạo (nhìn từ trường hợp Thanh Tâm Tuyền) - ĐOÀN ÁNH DƯƠNG
Nhà văn nổi loạn hay thần tượng văn nghệ: trường hợp Phạm Công Thiện - NGUYỄN MẠNH TIẾN
Lời nguyền - NHẬT CHIÊU
Giấc ngủ - LÊ MINH PHONG
Cái gạt tàn của bố - LÊ VĨNH TÀI
Tầng hai - NGỌC BẢO AN
Dao - MAI SƠN





 


 

 





 

Các bài mới
Một thoáng Huế (30/10/2014)
Các bài đã đăng
Dao (17/10/2014)