Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-22)
Đề xuất kiến tạo “chuỗi không gian mở” cho 10 công trình trên trục đường Lê Lợi, thành phố Huế
09:40 | 12/10/2022


PHẠM ĐĂNG NHẬT THÁI

Đề xuất kiến tạo “chuỗi không gian mở” cho 10 công trình trên trục đường Lê Lợi, thành phố Huế
Vị trí 10 công trình trong đề xuất kiến tạo không gian văn hóa nghệ thuật thành phố Huế

I. Đặt vấn đề

Cùng tiến trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế đến năm 2025 trong Nghị quyết 54-NQ/TW1 của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế phải đặc biệt quan tâm đến bảo tồn kiến trúc, cảnh quan đô thị di sản và phát triển du lịch. Trong đó, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa nghệ thuật là một trong những chương trình hành động thiết thực để phát triển bản sắc Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đề án “Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế” bên bờ sông Hương của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế2 được xem là việc làm thiết thực và quan trọng để tạo điểm nhấn cho thành phố Huế, góp phần thúc đẩy Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai. Theo đó, không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế sẽ được xây dựng trên tuyến đường Lê Lợi đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền cùng với các không gian cảnh quan, di sản kiến trúc nơi đây. Trên trục đường này, hiện hữu những công trình có giá trị văn hóa lớn, như: Trung tâm dịch vụ Festival Huế, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng - Điềm Phùng Thị, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ,... đã góp phần tạo điểm nhấn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của công chúng trong những năm qua. Tuy nhiên, để tạo nên không gian văn hóa nghệ thuật xứng tầm, là điểm đến hấp dẫn cho du khách... chúng ta cần nhiều hơn các không gian, địa điểm chuyên nghiệp dành cho triển lãm, trưng bày, sáng tác và giới thiệu những tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, bài viết đưa ra các ý tưởng đề xuất “kiến tạo” cho 10 địa điểm công trình, đoạn đường từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền phía bờ Nam sông Hương, nhằm góp phần phát triển không gian văn hóa nghệ thuật, tạo nên “chuỗi không gian mở” bên dòng sông Hương thơ mộng cho người dân Huế, khách du lịch với những mảng màu sắc văn hóa nghệ thuật đặc sắc trong tương lai.

II. Kiến tạo 10 công trình trên đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền phía bờ Nam sông Hương

Tuyến đường Lê Lợi đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền phía bờ Nam sông Hương hiện có 08 công trình kiến trúc đang được quản lý bởi các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh và 02 địa điểm công viên cộng đồng đã góp phần tạo nên trục cảnh quan kiến trúc bên dòng sông Hương. Trong đó, Trung tâm dịch vụ du lịch Festival Huế (Nhà hàng Festival Huế), Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao (Trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế cũ), Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị là ba công trình nằm trong danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố Huế3. Ý tưởng đề xuất kiến tạo 10 địa điểm công trình để hình thành nên “chuỗi không gian mở” liên thông, xuyên suốt kết nối qua các không gian, địa điểm, công trình đã được đánh số theo danh sách và hình ảnh dưới đây.

Bảng danh sách 10 địa điểm đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền:
 

Stt

Tên công trình

Thể loại

1

Trung tâm dịch vụ du lịch Festival Huế

Kiến trúc Pháp tiêu biểu

2

Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán

Công trình kiến trúc

3

Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng

Công trình kiến trúc

4

Trung tâm trưng bày sản phẩm nghề truyền thống Huế

Công trình kiến trúc

5

Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ

Công trình

6

Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao

Kiến trúc Pháp tiêu biểu

7

Công viên Tứ Tượng

Công trình cảnh quan

8

Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị

Kiến trúc Pháp tiêu biểu

9

Công   viên tượng Phan Bội Châu

Công trình cảnh quan

10

Nhà Kèn

Công trình kiến trúc

 

Trung tâm dịch vụ du lịch Festival và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán

1. Trung tâm dịch vụ du lịch Festival

Đây là một trong những công trình được xây dựng đầu tiên ở khu vực bờ Nam sông Hương của thành phố. Trước đây, trung tâm này có tên cũ là “Sẹc” hoặc “Xẹc” (Cercle Sportif de Hue - Hội quán Thể thao Huế)4, là câu lạc bộ thể thao có từ thời Pháp thuộc do người Pháp xây dựng vào năm 1940. Câu lạc bộ thể thao Sẹc có hồ bơi, sân tennis, bến thuyền buồm, bến đua thuyền,… là một công trình tuyệt vời theo phong cách kiến trúc Art Deco ở Huế thời Pháp thuộc. Trung tâm dịch vụ du lịch Festival Huế là công trình gồm các dịch vụ du lịch, nhà hàng, hội nghị... trong các kỳ diễn ra Festival, du lịch địa phương.

Hiện nay, công trình đang được sửa chữa, nâng cấp các dịch vụ nhà hàng, không gian sân vườn để phục vụ du lịch. Vì đây là công trình điểm nhấn đầu tiên, tính từ chân cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền dọc bên bờ sông Hương, cho nên ngoài việc nâng cấp dịch vụ và nội thất nhà hàng của kiến trúc này, đề xuất cần chú ý đến thiết kế không gian cảnh quan, sân vườn xung quanh nơi đây. Đặc biệt, cần chú ý chỉnh trang thông thoáng ở cụm các nhà hàng, cửa hàng và hệ thống cây xanh. Cần có khoảng lùi không gian so với vỉa hè đường Lê Lợi và ở vị trí giao nhau với đường Bà Huyện Thanh Quan.

2. Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán

Công trình được xây dựng đầu tiên vào năm 1970. Đến năm 2007, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho tái thiết lại trung tâm này với quy mô kiến trúc gồm một tòa nhà 2 tầng và 1 tầng hầm, với tổng diện tích sàn là 1.210m2 cùng hệ thống sân bãi, vườn hoa. Trung tâm là nơi tổ chức nhiều chương trình, hoạt động văn hóa trong các dịp lễ Phật Đản, tổ chức thuyết trình, triển lãm Đại hội Phật giáo, tọa đàm giới thiệu sách,... Đồng thời phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức sinh hoạt văn hóa với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, Trung tâm Festival, Tạp chí Sông Hương, Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế, thực hiện ấn phẩm Liễu Quán,... Đặc biệt, Trung tâm và Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng với dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam khai mạc Triển lãm Nghệ thuật thị giác “Mùa an lạc” đã tạo được dấu ấn sâu sắc cho người dân Huế và du khách thưởng lãm vào tháng 5/2015. Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán không chỉ thu hút các tăng ni Phật tử mà còn tất cả tầng lớp nhân dân và khách du lịch mỗi khi đến Huế.

Trung tâm Văn hóa Phật  giáo  Liễu  Quán nay đã được tháo gỡ hệ hàng rào bông sắt bao quanh công trình vào cuối tháng 3/2022, tạo nên độ thông thoáng và chỉnh chu hơn trên trục đường Lê Lợi. Mong muốn đề xuất thêm các dãy, vườn hoa nhiều sắc màu như một ước nguyện “vườn hoa Phật giáo tỏa hương dâng đời” xung quanh công trình.

Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng và Trung tâm Văn hóa Phương Nam

3. Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng

Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng được hình thành từ năm 2006, với 349 tác phẩm, 45 tư liệu có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần đang được lưu giữ, trưng bày, bảo quản và phát huy giá trị tác phẩm nghệ thuật do họa sĩ Lê Bá Đảng sáng tác và trao tặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế với nhiều chất liệu phong phú, đa thể loại; nhiều bộ sưu tập độc đáo, giàu bản sắc văn hóa và phong phú về đề tài. Những tác phẩm và bộ sưu tập của họa sĩ Lê Bá Đảng được trưng bày rất đẹp mắt, sang trọng và hấp dẫn trong hai tầng của tòa nhà với kiến trúc kiểu Pháp mang phong cách hiện đại - một sự kết hợp tinh tế, nhuần nhuyễn vẻ đẹp của hai nền văn hóa Á - Âu.

Địa điểm Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng đã trở thành địa chỉ văn hóa độc đáo cho du khách và những người yêu mến nghệ thuật Lê Bá Đảng, là nơi lưu giữ, giới thiệu và phát huy những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của họa sĩ đến công chúng. Đây là một thiết chế văn hóa đặc thù, được tổ chức theo mô hình liên kết giữa Nhà nước với tư nhân. Ngoài việc hệ thống hàng rào xung quanh tòa nhà đã được tháo gỡ, ý tưởng đề xuất cho Trung tâm là cần đưa ra những chương trình, kế hoạch, tổ chức, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật cho thế hệ trẻ, sinh viên mỹ thuật, kiến trúc,... nhằm kế thừa, phát triển tinh hoa nghệ thuật của họa sĩ. Thiết nghĩ cần mở rộng không gian của trung tâm, cần lan tỏa nhiều hơn các tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng ra khu vực ngoài trời để những tác phẩm nghệ thuật gần hơn với công chúng.

4. Trung tâm trưng bày sản phẩm nghề truyền thống Huế

Công trình được hoàn thành xây dựng năm 2009 nhằm phục vụ và trưng bày sản phẩm cho Festival năm 2010 và sau đó chuyển thành Trung tâm Văn hóa Phương Nam. Trung tâm này đã có rất nhiều buổi giới thiệu, trưng bày, triển lãm tranh của các họa sĩ nổi tiếng ở Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế. Đáng chú ý là Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ I là sự kiện đánh dấu sự ra đời một sân chơi dành riêng cho lực lượng sáng tác trẻ của tỉnh nhà và được duy trì định kỳ hàng năm của Trung tâm. Tuy nhiên, đến năm 2018, Trung tâm Văn hóa Phương Nam đã đóng cửa sau 8 năm hoạt động.

Về quan điểm kiến trúc và cảnh quan, nhận thấy rằng công trình chưa phù hợp với dãy di sản kiến trúc Pháp trên trục đường này. Đây là công trình được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại với quy mô 3 tầng, trong đó có 1 tầng hầm và 2 tầng phía trên, hình khối công trình khá lớn làm che khuất một phần tầm nhìn từ trục đường Phạm Hồng Thái hướng ra sông Hương. Thiết nghĩ rằng, ở vị trí góc ngã tư giao nhau giữa đường Lê Lợi và đường Phạm Hồng Thái nên là một khoảng không gian trống để có tầm nhìn rộng thoáng hơn. Ý tưởng đề xuất cho vị trí công trình này là chỉ giữ lại phần tầng hầm để làm khu vực trưng bày, triển lãm các tác phẩm văn học nghệ thuật. Phần nền tầng 1 nên sửa chữa, chuyển đổi thành không gian hoạt động, sân khấu ngoài trời phục vụ cộng đồng, tạo sự thông thoáng cho cảnh quan như là một quảng trường lớn ở giữa của chuỗi không gian văn hóa nghệ thuật trên đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền phía bờ Nam sông Hương.

5. Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ

Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ được khánh thành vào ngày 27/4/2017, trưng bày gần 400 tác phẩm, hiện vật, tranh ảnh, tài liệu gồm các thể loại: tranh thêu, tranh thêu 2 mặt, điêu khắc chỉ và các hiện vật liên quan đến nghề thêu. Bên cạnh việc trưng bày các tác phẩm, hằng đêm bảo tàng còn tổ chức các hoạt động diễn xướng nghệ thuật. Ngoài ra, hàng tuần, bảo tàng còn tổ chức các hoạt cảnh, giao lưu nghệ thuật truyền thống Huế.
 

Không gian Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ


Đây là một trong các bảo tàng ngoài công lập được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép thành lập, hoạt động tại địa chỉ số 1 Phạm Hồng Thái và trên trục đường Lê Lợi. Sự ra đời của Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ đã tạo thêm nét văn hóa và điểm nhấn du lịch độc đáo, hấp dẫn cho du khách. Tuy nhiên, với ý tưởng trang trí mộc mạc hòa mình vào thiên đường đầy hoa lá, cây xanh bao phủ lãng mạn của bảo tàng thì có thể đây chưa phải là giải pháp không gian tối ưu mang tính bền vững và thoáng đãng cho cảnh quan hướng nhìn ra sông Hương. Ngoài ra, vị trí này chưa có khoảng lùi không gian từ vỉa hè đường Lê Lợi đến công trình. Cho nên, đề xuất di dời bảo tàng vào dãy nhà công vụ phía sau của bảo tàng, trên trục đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, thuộc địa chỉ khu đất số 23 - 25 Lê Lợi hiện nay.

6. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao

Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế là Trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế từ năm 2012 - 2020, địa chỉ số 23 - 25 Lê Lợi, TP Huế. Từ tháng 3/2020 bảo tàng này đã được chuyển chức năng là một bộ phận của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế. Khuôn viên này gồm hai ngôi nhà có trong danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, là địa điểm quen thuộc và nằm trong ký ức của phần lớn người dân xứ Huế. Nơi đây đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật, nghệ thuật, sự kiện văn hóa, văn nghệ dân gian của tỉnh và thành phố qua tất cả các dịp Festival của Huế.

Ngày 12/3/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 676/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế, trên cơ sở hợp nhất Đài Truyền thanh thành phố Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế và Trung tâm Văn hóa, Thể thao thành phố Huế. Nghĩ rằng, dù ở phương diện là một cơ quan, bảo tàng hay trung tâm gì đi nữa thì việc sử dụng 2 ngôi nhà di sản kiến trúc Pháp (xây dựng năm 1939) này là một sự bất tiện trong việc chuyển đổi công năng để làm trụ sở hành chính. Mặc khác, “Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế” trên tuyến đường Lê Lợi đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền là nội dung của đề án đã được UBND tỉnh ban hành với mục tiêu kết nối các trung tâm nghệ thuật, nhà trưng bày, bảo tàng,… hình thành không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với diện tích và quy mô hiện tại, đề xuất cho hai tòa nhà này dùng để triển lãm, trưng bày và giới thiệu tác phẩm, sản phẩm, văn hóa nghệ thuật của các văn nghệ sĩ đương thời. Vì hiện tại, chúng ta đang rất thiếu không gian cho các họa sĩ, nghệ sĩ và các tác giả trẻ. Văn nghệ sĩ Huế dường như thiếu “sân chơi” để trình bày, triển lãm và giới thiệu tác phẩm của họ đến công chúng.
 

Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế
Đề xuất vị trí “Bảo tàng Văn hóa Nghệ thuật Huế” trong tương lai (Ảnh: Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia - Bộ Xây dựng)


Ngoài ra, theo một “Đề xuất về khu vực chuyển đổi chức năng sử dụng đất” của Viện Nghiên cứu thiết kế đô thị - Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng: “Trụ sở UBND tỉnh được chuyển đổi thành Bảo tàng Nghệ thuật”5. Thiết nghĩ đây là một đề xuất hay và hợp lý để Bảo tàng Mỹ thuật Huế và Bảo tàng Văn hóa Huế cũ có thể hợp nhất thành “Bảo tàng Văn hóa Nghệ thuật Huế” trong tương lai.

Công viên Tứ Tượng

7. Công viên Tứ Tượng

Công viên Tứ Tượng là địa điểm được tổ chức nhiều nhất với các hoạt động cộng đồng với hệ thống cây xanh bao phủ, không gian mở thoáng mát, yên tĩnh nhìn ra sông Hương. Công viên có một đài phun nước ở giữa, là tác phẩm điêu khắc 4 con voi (tứ tượng) bằng đồng, đâu lưng vào nhau và phun nước ra 4 hướng. Đài phun nước này là quà tặng của hoàng thân Souphanouvong của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng cho thành phố Huế vào khoảng thập niên 90, để thể hiện tình cảm hữu nghị giữa hai cố đô Luang Prabang (Lào) và Huế (Việt Nam). Ngoài ra, công viên còn có cặp đèn kính bằng pháp lam được làm thủ công trong đợt Festival nghề 2013 tại Huế với những hoa văn trang trí, ánh sáng rất đẹp mắt khi về đêm.

Với những tác phẩm có giá trị văn hóa nghệ thuật tại công viên Tứ Tượng, đề xuất thêm cho không gian cảnh quan địa điểm này là hai dãy trường lang ở phía bên trái và phải cùng với khu vực vệ sinh đang có ở công viên. Kiến trúc hai nhà trường lang này được thiết kế theo kiểu nhà rường Huế, cột kèo gỗ và mái ngói liệt. Đây vừa là nơi trú mưa, tránh nắng cho du khách, vừa là không gian triển lãm, trưng bày và dành cho các hoạt động cộng đồng, văn hóa nghệ thuật trên chuỗi không gian này. Phương án hai dãy nhà không có tường bao này chạy song song và vuông góc với trục đường Lê Lợi để hạn chế tối đa nhất việc công trình che khuất hướng nhìn ra sông Hương.

8. Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị

Cùng với công trình dịch vụ du lịch Festival, hai tòa nhà Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị là một trong ba công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền. Cách thức bố trí, sắp xếp các tác phẩm tượng điêu khắc của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị trên không gian vườn của trung tâm nghệ thuật này là hợp lý. Sự kết hợp với chủ đề tượng mang chủ đề triết lý phương Đông và kiến trúc ngôi nhà màu trắng theo kiểu phương Tây đã tạo nên điểm nhấn khá thú vị cho địa điểm này. Tuy nhiên, cần nhiều hơn hệ thống bàn, ghế được làm theo các mô-đun của Điềm Phùng Thị với chất liệu đá cẩm thạch màu trắng hoặc xám để dễ lau chùi và hợp với các tác phẩm được trưng bày nơi đây. Ngoài ra, các tượng nghệ thuật bằng đá và vật liệu bền vững, cần được bố trí gần gũi hơn để người xem có thể chạm tay vào tác phẩm, bởi lẽ, những tượng điêu khắc được trưng bày ngoài trời sẽ mang hiệu ứng tốt hơn trong việc “đối thoại cùng tác phẩm” giữa tác phẩm và con người6.
 

Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị

Tượng đài Phan Bội Châu

9. Công viên tượng Phan Bội Châu

Vị trí công viên tượng Phan Bội Châu gần với công viên Tứ Tượng, mặt chính của tượng hướng ra phía cầu Trường Tiền. Chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940) đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Thành phố Huế vinh dự là nơi lưu giữ những kỷ vật và hình ảnh về những năm tháng tốt đẹp cuối cùng của cụ Phan Bội Châu, trong 15 năm cuối đời cụ sống ở Huế với hình ảnh “Ông già Bến Ngự” rất đỗi thân thương và gần gũi với người dân xứ Huế.

Tượng cụ Phan được đúc bằng đồng vào năm 1974 tại Phường Đúc, thành phố Huế. Đây là một trong ba tác phẩm để đời của cố họa sĩ, điêu khắc tài hoa Lê Thành Nhơn được đặt trên trục đường Lê Lợi7. Tượng Phan Bội Châu không chỉ mang ý nghĩa tô điểm thêm cho vẻ mỹ quan cho vị trí cầu Trường Tiền bắc qua dòng sông Hương thơ mộng mà còn mang biểu tượng của tinh thần yêu nước của cả một thế hệ chống giặc giữ sự bình yên cho Tổ quốc.

Kiến tạo thêm cho vị trí này là cần trồng thêm cây cảnh và hoa trang trí làm điểm nhấn cho lối tiếp cận từ vỉa hè ở đường Lê Lợi. Cần làm nổi bật tượng đài nhà cách mạng yêu nước Phan Bội Châu, bởi lẽ khối màu đen của tượng đồng khá tối, chưa tạo được điểm nhấn và sức hút đối cho du khách thưởng lãm, tham quan địa điểm này. Ngoài ra, đề xuất di dời nhà kỹ thuật điện và cắt tỉa một số cây xanh che tầm nhìn bên hông của tượng (nhận thấy đã di dời công trình kỹ thuật điện này vào đầu tháng 8/2021). Tăng cường hệ thống chiếu sáng cho tượng lúc về đêm để thấy được vẻ đẹp, nghệ thuật điêu khắc của tượng đài.

10. Địa điểm Nhà Kèn, địa chỉ công viên 3 tháng 2

Gần chân cầu Trường Tiền, công trình Nhà Kèn là nơi đã tổ chức rất nhiều các hoạt động âm nhạc truyền thống và đương đại với sự góp mặt của các dàn nhạc, các CLB guitar, hiphop, rock, khiêu vũ thể thao... Đặc biệt, sự kiện thành lập CLB Dàn nhạc Kèn Huế (01/1/2021) đã mang lại nhiều cảm xúc mới mẻ cho công chúng và những ai yêu Huế.

Cần phát triển hơn nữa cho không gian cảnh quan và kiến trúc Nhà Kèn nơi đây. Nên có thêm không gian, khu vực ghế cho khán giả và du khách để có thể ngồi xem trình diễn, nghe nhạc. Các dãy ghế đá nên được thiết kế đơn giản và sắp đặt theo những đường vòng cung song song như trên mặt sân Nhà Kèn ở thực tế. Ngoài ra, đề xuất thêm lối tam cấp lên xuống và cắt giảm một đoạn lan can sắt cho kiến trúc Nhà Kèn này ở vị trí hướng nhìn chính của khán giả. Điều này sẽ hợp lý hơn trong việc giao lưu, kết nối giữa nghệ sĩ biểu diễn và người xem dễ dàng hơn, đúng với tính chất của không gian âm nhạc, giao lưu cộng đồng phục vụ công chúng ngoài trời.
 

Công trình Nhà Kèn


Điểm qua một số thực trạng cũng như những trăn trở, đề xuất kiến tạo cho 10 địa điểm công trình đã đóng góp, giữ vai trò và chức năng trong hiện tại. Những mong muốn “Phát triển chuỗi không gian văn học nghệ thuật Huế” hướng tới những giá trị văn hóa di sản cốt lõi của thành phố Huế cùng với đề án xây dựng “Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế”, quy hoạch đường Lê Lợi của UBND tỉnh và đề xuất tháo dỡ hàng rào ở các công trình bảo tàng, trụ sở trên trục đường này. Đặc biệt hệ thống hàng rào sắt ở các công trình: Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng và khuôn viên số 23 - 25 Lê Lợi đã được tháo gỡ vào tháng 4/2022 vừa qua,... đã tạo được không gian thông thoáng, giúp tầm nhìn rộng hơn, sáng hơn cho trung tâm thành phố và không gian trục đường Lê Lợi.

III. Góp phần phát triển “Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế”

Đường Lê Lợi là một trong những con đường đẹp nhất của thành phố Huế gắn liền với sông Hương, việc kế thừa quy hoạch từ thời Pháp thuộc, bảo tồn những công trình kiến trúc có giá trị được thiết kế hài hòa với cảnh quan là việc làm cần thiết và quan trọng, đặc biệt đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền. Phát triển giá trị chuỗi không gian văn hóa nghệ thuật là một đề xuất hợp lý, phù hợp với chủ trương xây dựng đề án “Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế” trên trục đường Lê Lợi của UBND tỉnh.

Chính vì vậy, để phát triển chuỗi không gian văn hóa nghệ thuật này được thành công, rất cần sự tham gia, chung tay của các sở, ban, ngành,... và của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế cùng sự ủng hộ rất lớn của tỉnh. Thực tế cho thấy rằng, tuyến Lê Lợi là con đường nhạy cảm với nhiều thách thức trong công tác quy hoạch, đặc biệt là với các công trình kiến trúc nơi đây. Chúng ta cần liệt kê và nhận diện một cách đầy đủ và đúng với giá trị hệ thống di sản các công trình thời Pháp thuộc, giá trị lịch sử con đường và một số công trình được xây dựng sau này. Cần xác định rõ ràng chức năng cơ bản và hiệu quả khai thác sử dụng thực tế trên vai trò của các công trình di sản với tổng thể quy hoạch của đề án không gian văn hóa nghệ thuật. Ngoài ra, khu vực này cần có một thiết chế quản lý quy hoạch, kế hoạch thực hiện một cách chặt chẽ và có sự tham gia, giám sát của nhiều ngành và cộng đồng.

Để phát huy giá trị “chuỗi không gian” văn hóa nghệ thuật nơi đây, cần sự đóng góp của các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc để thiết kế, vẽ nên mặt bằng tổng thể tuyến dạo bộ, tham quan kết nối xuyên suốt chuỗi không gian của 10 công trình, công viên cảnh quan trên. Sau đó, đưa ra các dự án, chương trình, kế hoạch hàng tháng, hàng quý nhằm phát huy chuỗi không gian văn hóa nghệ thuật trên trục đường này.

IV. Kết luận

Thật khó để thành phố Huế có một không gian hay một địa điểm nào khác có thể tích hợp, dung hòa tất cả các loại hình, hoạt động văn hóa nghệ thuật của thành phố di sản văn hóa này. Việc đề xuất “kiến tạo” 10 địa điểm không gian văn hóa nghệ thuật đoạn đường từ cầu Phú Xuân đến cầu Tràng Tiền ở phía bờ Nam sông Hương, sẽ góp phần tạo sự thống nhất, liên hoàn và chuyên nghiệp hơn cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật của Huế. Là địa chỉ thu hút người dân địa phương và khách du lịch đến tham gia, thưởng thức các chương trình, hoạt động, triển lãm, giới thiệu các tác phẩm văn hóa nghệ thuật mới của các văn nghệ sĩ Huế đang có hiện nay.

Việc hình thành “chuỗi không gian mở” này giúp kết nối, giúp cộng đồng tiếp cận dễ dàng hơn với các tác phẩm văn học nghệ thuật trù phú, giàu bản sắc của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, nơi mà đã có hơn 700 năm hình thành và phát triển. Xứng đáng hơn nữa khi Huế được công nhận là thành phố Festival của Việt Nam, thành phố văn hóa, du lịch ASEAN, hướng tới thành phố vườn, đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”.

P.Đ.N.T
(TCSH46SDB/09-2022)

------------------------
1 Nghị quyết Bộ Chính trị, số 54-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 10 tháng 12 năm 2019.
2 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định số 2209/QĐ-UBND phê duyệt. Đề án “Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm TP. Huế” ngày 08/10/2018.
3UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (2018), “Công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố Huế”, Quyết định số 1152/QĐ-UBND, ngày 30/5/2018.
4http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c375/n25741/Kien-truc-Khu-pho-Tay-o-Hue-thoi-Phap-thuoc.html
5 Trí Đức (2019). “Thiết kế đô thị tại 3 tuyến đường ở thành phố Huế: Tổ chức lại không gian kiến trúc ở các trục đường”. Https://baoxaydung.com.vn/thiet-ke-do-thi-tai-3-tuyen-duong-o-tp-hue-to-chuc-lai-khong-gian-kien-truc-o-cac-truc-duong-250501.html (truy cập ngày 26/8/2021).
6 Phạm Đăng Nhật Thái. “Quy hoạch vườn tượng để “Huế luôn luôn mới” hướng tới Festival lần thứ XI”. Tạp chí Sông Hương, Số đặc biệt 37, tháng 6/2020, trang 22.
7 http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c261/n10090/Tuong-cu-Phan-Boi-Chau-duoc-ruoc-ve-ben-bo-song-Huong.html

 

______________________
Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết Bộ Chính trị, số 54-NQ/TW. “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 10 tháng 12 năm 2019.
2. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định số 2209/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm TP. Huế” ngày 08/10/2018.
3. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (2018) “Công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố Huế”, Quyết định số 1152/QĐ-UBND ngày 30/5/2018.
4. http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c375/n25741/Kien-truc-Khu-pho-Tay-o-Hue-thoi-Phap-thuoc.html
5. Trí Đức (2019). “Thiết kế đô thị tại 3 tuyến đường ở TP Huế: Tổ chức lại không gian kiến trúc ở các trục đường”. Https:// baoxaydung.com.vn/thiet-ke-do-thi-tai-3-tuyen-duong-o-tp-hue-to-chuc-lai-khong-gian-kien-truc-o-cac-truc-duong-250501. html (truy cập ngày 26/8/2021).
6. Phạm Đăng Nhật Thái (2020). “Quy hoạch vườn tượng để “Huế luôn luôn mới” hướng tới Festival lần thứ XI”. Tạp chí Sông Hương, Số đặc biệt 37, tháng 6/2022.
7. http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c261/n10090/Tuong-cu-Phan-Boi-Chau-duoc-ruoc-ve-ben-bo-song-Huong.html

 

Các bài mới
Lá Tương Tư (13/10/2022)
Các bài đã đăng
Andrée Chedid (07/10/2022)