Văn nghệ trong nước
Ngô Liêm Khoan: 'Thật khó nhọc khi vừa làm thơ vừa mưu sinh'
14:19 | 15/04/2014

Rời Sài Gòn ồn ào, một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ trẻ về quê Bình Định lặng lẽ sáng tác. Ấn phẩm mới của anh ra đời sau gần 3 năm thai nghén.

Ngô Liêm Khoan: 'Thật khó nhọc khi vừa làm thơ vừa mưu sinh'
Nhà thơ Ngô Liêm Khoan.

- Kể từ tập thơ đầu tay là "Trở mình trong máng xối" (in năm 2007), anh vừa quay lại với tập "Những tấm ván trên cầu Hiền Lương". Anh sáng tác tập thơ này theo nguồn cảm hứng nào?

- Nếu ở tập thơ đầu tay tôi viết quá nhiều về bản thân mình, đi sâu vào cái tôi thì trong ấn phẩm mới, các sáng tác của tôi dựa trên chất liệu từ các vấn đề nóng bỏng của xã hội, các giá trị đạo đức, ý thức hệ và nổi bật là về chiến tranh - hòa bình.

Ở ngay đầu sách, tôi gửi đến độc giả câu đề từ do tôi tự suy nghiệm: "Thơ là Binh pháp của Hòa Bình". Tất cả binh pháp thường đều dành cho chiến tranh. Vậy thì liệu ta có một binh pháp nào cho hòa bình? Với tôi, thơ là thứ binh pháp gợi nên ước vọng hòa bình. Đó là điều tôi thể hiện ở bài Tầm biển, nói về tình yêu nước tận đáy lòng trước từng tấc đất bờ biển của non sông, xứ sở. Câu đề từ này cũng bao hàm những quan điểm, cảm hứng sáng tác của tôi thống nhất trong  một chủ đề về tình yêu quê hương, sự đau thương mất mát của chiến tranh cũng như thân phận con người trong xã hội đương đại.

- Cuốn thơ mới của anh được nhà văn - họa sĩ Vũ Đình Giang chăm chút rất nhiều ở khâu thiết kế bìa - phụ bản. Vì sao có sự đầu tư cho phần "ngoại hình" như vậy?

- Tôi mất gần 3 năm chuẩn bị cho nội dung tập thơ và khoảng 3 tháng để thực hiện các khâu giúp nó tượng hình. Những tấm ván trên cầu Hiền Lương gồm 36 bài, được chia làm ba phần: Tầm biển, Là chúng ta và Suy tôn Tất Đạt Đa. Cuốn thơ được in 3.400 bản tượng trưng cho con số gợi nhắc ngày giải phóng 30/4. Cầu Hiền Lương chia đôi đất nước vào năm 1954 và có 450 tấm ván cầu ở bờ Bắc và 444 tấm ở bờ Nam. Nên hai bìa gấp trước và sau sách có độ rộng 4,50 cm và 4,44 cm.

Với ấn phẩm này, phần thiết kế trình bày giữ một vai trò rất quan trọng. Tôi và Vũ Đình Giang lên ý tưởng thiết kế bìa phụ bản để làm sao phần "ngoại hình" của tập thơ chứa đựng các ẩn ý, dấu hiệu dẫn dắt độc giả đi vào từng tác phẩm bên trong. Từ trang đầu đến trang cuối cuốn sách, từ cả những bìa gấp đều có sự liên kết chặt chẽ với từng bài thơ, đều chung một mong muốn dùng hình thức để chuyển tải nội dung bên trong. Bạn đọc có thể khám phá điều đó qua hình ảnh các con chữ được thiết kế rơi rải rác xếp thành hình bản đồ đất nước ở mặt bìa sau sách, hay hình ảnh logo Nhà xuất bản Trẻ được cách điệu thành biểu tượng chim bồ câu hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở ngay bìa cuốn thơ...

- Trước đây, đang làm việc và viết lách ở Sài Gòn, vì lý do gì anh rời thành phố để về quê nhà ở Bình Định - Quy Nhơn?

- Tôi xa Sài Gòn đến nay gần 3 năm. Không hẳn vì không còn yêu Sài Gòn hay thành phố này không phù hợp với tôi. Mà đơn giản vì đến một lúc nào đó, tôi thấy mình cần ngừng lại để về quê, cần có một môi trường sống khác, nơi mình có thể tự do trong suy nghĩ và làm được những điều mình thích. Ở quê nhà, công việc của tôi cũng chủ yếu là đọc sách, viết lách.

- Nếu anh vẫn là một nhà thơ và vẫn bám trụ ở Sài Gòn thì áp lực cuộc sống cơm áo gạo tiền sẽ như thế nào?

- Tôi không biết trả lời câu hỏi này thế nào nên xin khất lại. Tôi từng làm trong ngành xuất bản ở Sài Gòn cũng 5-6 năm. Rồi tôi ngừng lại hết và chọn về quê. Tất nhiên cuộc sống ở quê dễ dàng hơn, điều kiện sống, không gian thoải mái hơn.

Tôi nghĩ, trong phân công lao động xã hội mình hiện nay, nghề viết văn, làm thơ chưa được xem là một nghề kiếm tiền khả quan lắm. Thường khi anh xưng danh là một nhà thơ thì người ta sẽ hỏi anh câu hỏi phụ là "anh còn làm thêm nghề gì khác để kiếm sống?". Tôi cho rằng điều này rất bất hợp lý bởi công việc làm thơ viết văn đã quá nặng nhọc. Nhà văn, nhà thơ vốn đã khó cáng đáng nổi để hoàn thành nhiệm vụ viết lách của mình mà giờ còn phải cáng đáng thêm trách nhiệm mưu sinh.
 

Bìa cuốn "Những tấm ván trên cầu Hiền Lương"

- Anh sống thế nào với nhuận bút nhận được từ thơ?

- Ít ai nghĩ làm thơ để kiếm sống. Tôi còn hơi lý tưởng trong suy nghĩ nên đồng tình với ý kiến này. Cách đây không lâu, tôi nhận nhuận bút thơ được đăng trên một nhật báo nổi tiếng: bài Tầm Biển, tôi nhận được 1.050.000 đồng, một chùm thơ khác thì 900.000 đồng. Sau khi nhận tiền, tôi đã chuyển cho quỹ Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa, và còn tặng thêm 100 cuốn thơ mới của mình. Tôi nghĩ rằng, với người làm thơ vấn đề tinh thần vẫn là vấn đề quan trọng hơn cả. Còn làm thế nào để duy trì khía cạnh lý tưởng và ổn định được yếu tố "tinh thần" này để làm sao không bị vật chất chi phối là vấn đề thuộc trách nhiệm của mỗi nhà thơ.

- Gần đây anh thường đọc thơ của tác giả nào?

- Tôi đọc rất nhiều thơ, chẳng những thơ bạn bè cùng lứa mà cả thơ nước ngoài, nhất là thơ tự do. Về tác giả trong nước, tôi thường theo dõi các bạn viết như  Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ngô Thị Hạnh, Nguyễn Thiên Ngân, Phong Việt... Nhìn chung, mỗi người đều có riêng cho mình một mảng đề tài sáng tác hợp với bản thân họ và họ cũng có đối tượng đọc giả riêng... Tôi nghĩ là, diện mạo thơ ca chung phải được tạo nên từ nhiều mảng ghép từ các gương mặt thơ khác nhau. Và ai cũng sẽ tìm được cho mình một vị trí để thể hiện tiếng nói, giọng điệu của bản thân.

- Kế hoạch sáng tác sắp tới của anh là gì?

- Tôi vẫn luôn hàng ngày đọc sách, nghiên cứu và làm thơ. Tôi đang chuẩn bị một bản thảo tập thơ thứ ba.

Nhà thơ Bùi Chí Vinh: Những tấm ván trên cầu Hiền Lương là bước đột phá của Ngô Liêm Khoan

Đọc xong tập thơ của Ngô Liêm Khoan, tôi hoàn toàn bất ngờ. Trước khi đọc, tôi nghĩ rằng bút lực của anh ấy chắc chỉ giới hạn trong tầm suy nghĩ chung của thế hệ người viết 7X như độ tuổi của anh (Ngô Liêm Khoan sinh năm 1977). Nhưng các sáng tác của anh lần này đã có cái nhìn đi vượt qua thế hệ của mình. Như thể anh từng trải qua sinh tử, trải qua những gì nghiệt ngã nhất của cuộc sống để rồi rút ruột ra thành từng con chữ hình thành nên tập thơ. Tôi cho rằng, ngay cả sau này, anh khó có được tập thơ nào vượt qua cuốn này.

Ngay từ bài thơ đầu tiên Những tấm ván trên cầu Hiền Lương, tôi đã cảm nhận được những đau đớn về thân phận con người, chiến tranh... Anh mượn tấm ván, thân gỗ vô tri để nói lên tiếng lòng của chình mình và người dân đất nước mình. Bài thơ đó khiến cho tôi cảm thấy xúc động. Từng trang thơ sau đó như những nhịp cầu dẫn người ta đi qua từng nhịp, đến đoạn giữa là bài thơ Cừu Dolly mang phong cách thoáng đạt, vượt qua những dằn vặt, giằng xé của từng tâm hồn đơn lẻ mà đi đến chỗ bao quát hơn khi chia sẻ những thân phận, nỗi đau của các sinh linh trong cuộc đời. Tập thơ còn cho thấy, chúng ta cũng có một thế hệ người viết dám ăn dám nói. Liêm Khoan không tránh né vấn đề xã hội, chính trị nhưng vẫn giữ được nét đẹp của thơ. Nếu một bài thơ bàn chuyện xã hội mà không còn giữ được nét thi ca nào thì sẽ không đọc.

Trích đoạn bài thơ Những tấm ván trên cầu Hiền Lương:

Hơn ba mươi năm cỏ mấy bận ngút xanh
Chỉ ngại lòng người chưa bén rễ

Những tấm ván trên cầu Hiền Lương
Chúng có hay không câu chuyện của riêng mình
Chúng có phân biệt được sắc cờ
Giữa hai giới tuyến
Hay chúng chỉ là gỗ thôi
Làm phận lát cầu
Và gánh trên  mình thương tích

Những tấm ván trên cầu Hiền Lương
Chúng không có tay
Để ký vào điều khoản chia đôi
Chúng không có chân
Để chạy về bên này, bên khác
Chúng không có mắt
Để phân biệt MIG với B52
Chúng chỉ là gỗ thôi
Làm phận lát cầu
Và nhận về phần mình tan nát

Những tấm ván trên cầu Hiền Lương
Chúng biết hay không số thứ tự của riêng mình
Giữa 450 tấm phía bên này
Và trong 444 tấm phía bên kia
Chúng có thù oán nhau không
Chúng có sơn vẽ trên mình những màu những sắc
Chúng có xẻ thân mình làm củi làm chông
Để sập, để cháy nhau trên dòng Bến Hải
Hay chúng chỉ là gỗ thôi
Làm phận lát cầu
Và cõng trên lưng mình lịch sử...

Ngô Liêm Khoan

Theo Thoại Hà - vnexpress

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng