VÕ VINH QUANG
Câu chuyện nghiên cứu về lăng mộ vua Quang Trung từ lâu đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu, luận bàn, phản biện.
Trong hướng luận giải về lăng mộ vua Quang Trung, trong gần 10 năm nay, chúng tôi đã có nhiều bài viết tập trung ở các hướng chủ đề: 1/ Tên gọi lăng mộ vua Quang Trung, 2/ Lăng mộ vua Quang Trung tọa lạc ở đâu, căn cứ?!...
Để giải quyết vấn đề tên gọi lăng mộ vua Quang Trung, chúng tôi đã dẫn liệu nhiều nguồn văn bản, từ khảo biện về tên gọi, sự xuất hiện của tên gọi đó trong thơ văn liên quan đến nghệ thuật thơ ca (quy tắc về luật thơ, luật đối)... Các bài phản biện ấy được chúng tôi lần lượt đăng tải ở các hội thảo chuyên đề, tạp chí như Hội thảo Đan Dương tại Huế (ngày 30 tháng 10 năm 2015), Tạp chí Sông Hương (số 321, tháng 11/2015); Hội thảo Khoa học Phú Xuân thời Chúa Nguyễn và Tây Sơn (17/10/2019), Tạp chí Xưa & Nay số tết Canh Tý (2020)...
Vừa rồi, tác giả Lê Minh Khiêm công bố bài “Về tên gọi Đan Dương” trên Tạp chí Xưa & Nay, số 536 tháng 2/2022 (trang 13 đến 15) để phản biện về tên gọi lăng mộ vua Quang Trung của chúng tôi. Trước hết, chúng tôi xin cảm ơn phần phản biện của tác giả. Để hồi đáp bài phản biện trên, chúng tôi xin trả lời sơ lược vài ý dưới đây.
1. Đan dương trong “Tự Đan táo” (sách Xuân chử kỷ văn 春渚紀聞) của Hà Viễn đời Tống là tên gọi của phép luyện linh đan
Trong bài viết ở Tạp chí Xưa & Nay (số tết Canh Tý, 2020), chúng tôi căn cứ vào Hán ngữ đại từ điển 汉语大词典, mục Đan dương 丹陽 để phiên dịch. Tại đây, Đan Dương được các tác giả ở Hán ngữ đại từ điển giải thích với 3 trường nghĩa, gồm: 1) Biệt xưng (tên gọi đặc biệt) của chất đồng; 2) Đạo giáo gọi đan dương là “đoán phấn điểm đồng chi thuật” 煅粉點銅之術 (thuật luyện tan hạt đồng tạo thành linh đan); 3/ Phật giáo gọi “đan dương” là cảnh giới siêu thoát khỏi trần thế (超脫塵世的境界 siêu thoát trần thế đích cảnh giới). Xin lưu ý rằng đấy là giải thích của Hán ngữ đại từ điển, chứ không phải do chúng tôi tự đưa ra ý nghĩa này. Thế nhưng, ông Lê Minh Khiêm lại bảo chúng tôi dịch không đúng. Ông tập trung vào nghĩa thứ 2: [Đan dương]: “Đạo giáo vị đoán phấn điểm đồng chi thuật”道教谓煅粉点铜之术 và luận rằng:
“... Theo chúng tôi Ts Quang dịch như vậy không đúng, đoạn này phải được hiểu là: [thuật ngữ Đan Dương] xuất phát từ 3 ông họ Mao, vì [lúc ấy] ở Đan Dương đói kém, người chết đầy đường, nên [các ông] mới dùng phép “Đan đầu điểm ngân” mà làm kim loại, biến sắt thành tiền (đồng) để cứu đói cho dân, vậy nên người đời sau làm “đoán phấn điểm đồng” thì gọi là Đan Dương”1 (chúng tôi nhấn mạnh).
Căn cứ theo quan điểm này của ông Lê Minh Khiêm thì trường nghĩa thứ 2 của “Đan dương” là: Đạo giáo vị đoán phấn điểm đồng chi thuật 道教谓煅粉点铜之术 Hán ngữ đại từ điển do học giả La Trúc Phong 罗竹风 (1911-1996) làm tổng chủ biên2 là sai chăng?
Ảnh 1: Mục “Đan dương” trong Hán ngữ đại từ điển, tập 1, tr.686 |
Có thể thấy, cách phản biện của ông Lê Minh Khiêm không đi vào trọng tâm (tiêu mục ở trường nghĩa 2 của Đan dương trong Hán ngữ đại từ điển), mà bình phẩm ở phần dẫn chứng với đoạn:
宋何薳 《春渚紀聞•序丹灶》:“自三茅君以丹陽歲歉,死者盈道,因取丹頭點銀為金,化鐵為銀,以救饑人,故后人以煅粉點銅者,名其法曰丹陽 (Tống, Hà Viễn “Xuân chử kỷ văn - Tự Đan táo”: ‘tự Tam Mao quân dĩ đan dương tuế khiểm, tử giả doanh đạo, nhân thủ đan đầu điểm ngân vi kim, hóa thiết vi ngân, dĩ cứu cơ nhân, cố hậu nhân dĩ đoán phấn điểm đồng giả danh kỳ pháp viết: đan dương). Và qua đó, tác giả Lê Minh Khiêm cho rằng “Đan dương” là địa danh (danh từ riêng?). Nếu là tên địa danh (danh từ riêng) như ông Khiêm luận giải, thì Hán ngữ đại từ điển ắt đã phải đưa thành 1 trường nghĩa về địa danh trong mục giải thích về Đan dương chứ?
Thêm nữa, tại phần dẫn chứng (trong mục Tự đan táo 序丹灶, sách Xuân chử kỷ văn 春渚紀聞 của Hà Viễn) cho trường nghĩa 2 này, ông Lê Minh Khiêm bảo chúng tôi dịch sai, và ông dịch là: “[thuật ngữ Đan Dương] xuất phát từ 3 ông họ Mao, vì [lúc ấy] ở Đan Dương đói kém, người chết đầy đường, nên [các ông] mới dùng phép “Đan đầu điểm ngân” mà làm kim loại, biến sắt thành tiền (đồng) để cứu đói cho dân, vậy nên người đời sau làm “đoán phấn điểm đồng” thì gọi là Đan Dương”.
Đoạn dịch trên của ông có nhiều điểm bất hợp lý:
(1) Thứ nhất, tác giả dịch thoát theo ý mình chứ không theo câu chữ. Chẳng hạn, “nhân thủ đan đầu điểm ngân vi kim, hóa thiết vi ngân” 因取丹頭點銀為金,化鐵為銀 thì ông dịch “nên [các ông] mới dùng phép “Đan đầu điểm ngân” mà làm kim loại, biến sắt thành tiền (đồng)”. Thực tế, “kim” 金 và “ngân” 銀 ở đây phải là “vàng”, là “bạc” chứ không phải là “kim loại”, “tiền đồng” như cách hiểu và dịch của ông Lê Minh Khiêm.
(2) Đoạn tiếp, nguyên tác viết “cố hậu nhân dĩ đoán phấn điểm đồng giả, danh kỳ pháp viết: đan dương. 故后人以煅粉點銅者,名其法曰丹陽. Cụm “danh kỳ pháp viết đan dương” 名其法曰丹陽 ở đây có nghĩa là: tên của phép (thuật) đoán phấn điểm đồng là thuật đan dương [không phải danh từ riêng]. Tuy nhiên, khi dịch, ông đã làm mất luôn ý nghĩa của “danh kỳ pháp viết: đan dương” mà chỉ chuyển nghĩa theo ý riêng của mình: “vậy nên người đời sau làm “đoán phấn điểm đồng” thì gọi là Đan Dương”. Cách dịch này vừa mông lung khó hiểu, vừa tự viết hoa “Đan Dương” để tự ý biến thành danh từ riêng?
Ảnh 2: Bài “Tự đan táo” ở Xuân chử kỷ văn, Q.10 (Tứ khố toàn thư, tạp gia loại) |
Trong đoạn dẫn bài “Tự đan táo” ở sách Xuân chử kỷ văn nói trên, nối tiếp sau đoạn “cố hậu nhân dĩ đoán phấn điểm đồng giả, danh kỳ pháp viết: đan dương” 故后人以煅粉點銅者,名其法曰丹陽 là đoạn “dĩ tử tỳ điểm đồng giả, danh kỳ pháp viết: điểm mao” 以死砒點銅者,名其法曰點茆 (tên của phép “lấy thạch tín đã chết để điểm đồng” gọi là: điểm mao). Nếu không dịch “danh kỳ pháp viết...” thì làm sao hiểu được các đoạn văn sau?!
(3) Thứ ba, khi muốn chuyển nghĩa theo ý mình, thiết nghĩ tác giả Lê Minh Khiêm nên tìm hiểu thêm về sách Xuân chử kỷ văn 春渚紀聞 và nhất là mục Tự đan táo 序丹灶, bởi đấy chính là tiêu mục mà ông chú trọng xoáy sâu vào để phản biện.
Xin giới thiệu sơ lược về Xuân chử kỷ văn của Hà Viễn đời Tống, cũng như mục Tự đan táo có phần trích dẫn “đan dương”. Xuân chử kỷ văn 春渚紀聞 là một tập bút ký do Hà Viễn 何薳 (1077-1145) đời Tống biên soạn. Sách gồm 10 quyển, trong đó 5 quyển đầu là phần Tạp ký 雜記 ghi chép nhiều về chuyện thần tiên ma quái báo ứng kỳ dị; quyển 6 là Đông Pha sự thực 東坡事實 (dẫn liệu về thơ văn của Tô Đông Pha); quyển 7 là Thi từ sự lược 詩詞事略 (kể những câu chuyện về thơ từ của người từ đời Đường đến đời Tống mà ông Hà Viễn biết); quyển 8 là Tạp thư cầm sự - Mặc thuyết (phụ) 雜書琴事, 墨説附 (ghi chép về các chuyện xung quanh về đàn cầm, phụ chép về các loại mực); quyển 9 là Ký nghiên 記硯(ghi chép về các loại nghiên mực); quyển 10 là “Ký đan dược” 記丹藥 (ghi chép những chuyện liên quan đến dược liệu luyện linh đan/thuốc trường sinh).
Mục “Tự đan táo” 序丹灶 là tiểu mục đầu tiên của Ký đan dược 記丹藥 ở quyển 10. Sau Tự đan táo序丹灶, quyển 10 còn có những mục gồm: Phong Tường tăng hạ chu dong kim 風翔僧煆朱熔金; Cư tứ lang phục chu đoán đan sa 居四郎伏朱鍛丹砂; Biều nội xuất cống thành bảo 瓢內出汞成寶; Đan dương hóa đồng 丹陽化銅; Hạ tiêu dũ tật chế cống 煆消愈疾制汞; Điểm đồng thành canh 點銅成庚ù; Tảo chế cống thiết giai thành canh 草制汞鐵皆成庚ù; Tảm chế 糝制; Thị dược tức càn cống 市藥即乾汞; Dược ngõa thành kim 藥瓦成金; Biến thiết khí thành kim 變鐵器為金. Tất thảy các tiểu mục trên của quyển 10 đều ghi chép, đề cập những câu chuyện luyện thuốc linh đơn.
Liên quan đến “đan dương” 丹陽, bên cạnh tiểu mục Tự đan táo 序丹灶 thì quyển 10 còn có tiểu mục Đan dương hóa đồng丹陽化銅 kể về chuyện ông Tiết Đà 薛駝, người Lan Lăng 蘭陵 từng luyện phép nếm bột thạch tín (煆砒粉法 đoán tỳ phấn pháp), gọi là phép Đan dương. Tiểu mục này cùng với tiểu mục “Tự đan táo” 序丹灶 đều đề cập đến “phép Đan dương” để luyện linh đan (thuốc trường sinh). Bởi thế các tác giả của Hán ngữ đại từ điển mới chuẩn hóa và đưa ra trường nghĩa 2 của đan dương 丹陽 là Đạo giáo vị đoán phấn điểm đồng chi thuật 道教谓煅粉点铜之术. Tức “đan dương” trong Đạo giáo dùng để chỉ một phương thuật (phép, cách thức) luyện linh đan. Đấy là điều quan trọng nhất cần khẳng định một cách nhất quán.
Tiếp theo, như đã trình bày trong các bài viết trước đây, để lý giải về nội hàm ý nghĩa của “đan dương”, chúng tôi nhấn mạnh đến trường nghĩa thứ 3 ở Hán ngữ đại từ điển: “Phật giáo gọi ‘đan dương’ là cảnh giới siêu thoát khỏi trần thế” (佛教所谓超脱尘世的境界 Phật giáo sở vị siêu thoát trần thế đích cảnh giới). Đấy chính là trường nghĩa hiện hữu rõ ràng trong thơ văn của các văn thần Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích triều Tây Sơn khi nhắc đến Đan dương, như cách lý giải của Ngô Thì Nhậm: “Đan dương cung điện phụng ngã tiên hoàng tàng bảo y chi sơn”丹陽宮殿 奉我先皇藏寶衣之山 (“Đan dương cung điện” ấy là sơn lăng, nơi kính chứa ‘áo báu’ [quàn thi hài] của tiên hoàng ta). Bởi vậy, ông Lê Minh Khiêm nên tập trung phản biện ở luận điểm này của chúng tôi, nếu thấy sai sót. Còn không thì cách tiếp cận và phản luận của ông khó lòng đạt được mục đích.
Ảnh 3: “Đan dương” 丹陽 ở http://www.zdic.net được ông Lê Minh Khiêm sử dụng |
Cũng trong bài phản biện, tác giả Lê Minh Khiêm đã trích dịch về 1 địa danh Đan dương tại phía nam tỉnh Giang Tô trên trang mạng http://www. zdic.net, mục Đan dương 丹陽3, song không ghi rõ nguồn trích, mà lại sử dụng đoạn dịch ấy để phê phán chúng tôi: “... trong Hán ngữ từ điển phiên bản điện tử, còn có thêm một phần nữa mà không thấy Ts Quang dẫn ra, đó là phần giải thích về tên Đan Dương”4. Thử hỏi chúng tôi chỉ dùng đoạn giải thích về “Đan dương” ở Hán ngữ đại từ điển, chứ không sử dụng nội dung tại http://www.zdic. net thì làm sao có thể dịch thêm như yêu cầu của ông Lê Minh Khiêm được!
Nhân ông Lê Minh Khiêm dẫn dịch về địa danh Đan Dương ở http://www.zdic.net, chúng tôi xin bổ sung thêm thông tin về địa danh này như sau:
Địa danh “Đan Dương” mà tác giả Lê Minh Khiêm đề cập tại đây gọi là “Đan Dương thị” 丹陽市, một thành phố cấp huyện, thuộc địa khu cấp thị Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Vùng đất này có từ thời Chiến Quốc, với tên gọi ấp Vân Dương (雲阳邑). Đến năm 221 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng đổi thành huyện Vân Dương (雲阳县), không lâu sau thì đổi tên là huyện Khúc A (曲阿县). Đến triều Vương Mãng nhà Tần (năm thứ 9 sau Công nguyên) thì đổi tên là huyện Phượng Mỹ (凤美县). Đời Đông Hán (năm 23 - 220) lấy lại tên là huyện Khúc A (曲阿县). Năm Gia Hòa thứ 3 triều Đông Ngô (năm 234), đổi tên huyện Khúc A (曲阿县) thành huyện Vân Dương (雲阳县). Năm Thái Khang thứ 2 (năm 281) đời Tây Tấn lại đổi tên thành huyện Khúc A (曲阿县). Đến triều Đường, năm Thiên Bảo nguyên niên (năm 742), cho đổi Nhuận Châu 润州 thành Đan Dương quận 丹阳郡, đổi huyện Khúc A (曲阿县) thành huyện Đan Dương (丹杨县) thuộc quận Đan Dương (丹阳郡)...5
Theo trên, có thể thấy địa danh Đan Dương ở Trấn Giang mà ông Lê Minh Khiêm trích dẫn vốn khởi phát bằng tên gọi Vân Dương ấp (雲阳邑) và thay đổi tên gọi rất nhiều lần như Khúc A, Phượng Mỹ... cho đến năm 742 đời Đường Huyền Tông, vào niên hiệu Thiên Bảo nguyên niên mới đổi Nhuận Châu 润州 thành Đan Dương quận 丹阳郡. Vậy, Đan Dương (quận) xuất hiện vào năm 742 đời Đường.
Trong khi đó, nếu theo cách hiểu và dịch của ông về chuyện Tam Mao Quân (ba ông Tiên họ Mao) cứu đói ở trên để khẳng định về địa danh “Đan dương”, thì Tam Mao Quân sống và đắc đạo vào đời Tây Hán (năm 206 TCN - 09 TCN), bấy giờ vùng đất ấy có tên là ấp Vân Dương (雲阳邑), hoặc huyện Khúc A (曲阿县) chứ chưa có tên Đan Dương. Phải hơn 700 năm sau, tên gọi địa danh “Đan dương” mới hiện hữu tại đây, ông Lê Minh Khiêm lý giải thế nào về câu chuyện này?
2. Đan lăng là gì?
Bàn về “đan lăng”, Hán ngữ đại từ điển đã ghi rõ rằng “đan lăng là vùng đất theo truyền thuyết là nơi đế Nghiêu sinh ra” (傳說為堯的誕生地 truyền thuyết vi Nghiêu đích đản sinh địa). Đế Nghiêu là một vị vua huyền thoại thời cổ đại của Trung Quốc. Ông cùng các vị vua trong “Tam hoàng ngũ đế” đều là những vị vua huyền thoại, và thời đại trị vì của “Tam hoàng ngũ đế” được người Á Đông hàng ngàn năm nay tôn vinh là xã hội thái bình thịnh trị, thời đại chúa thánh tôi hiền. Đấy là mục đích, là lý tưởng hướng đến của quốc gia, xã hội ngàn đời nay. Vì là những vị trong huyền thoại, nên các thông tin liên quan đến Đế Nghiêu (cũng như các vị khác trong Tam hoàng ngũ đế) đều gắn liền với cụm từ “tương truyền rằng”, tức theo lời đồn, lời kể và không có chứng cứ cụ thể.
Như thế, “Đan lăng” được người đời “tương truyền”, “truyền thuyết” là nơi sinh ra của Đế Nghiêu. Điều ấy chứng tỏ “Đan lăng” không có trên thực tế, mà mang nghĩa khái quát, tượng trưng cho nơi tích chứa đức hạnh, nơi các bậc anh linh xuất hiện đem lại điềm tốt lành, chứ không “khiên cưỡng và tiền hậu bất nhất” như lời phê phán của ông Lê Minh Khiêm.
3. Thơ Đường luật (luật thi, cận thể thi) có quy tắc bắt buộc hay không?
Phần tiếp theo trong bài viết, ông Lê Minh Khiêm sử dụng hai bài thơ Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài và Anh Vũ châu của Lý Bạch nhằm bác bỏ luận điểm của chúng tôi về các quy tắc ràng buộc của thơ Đường luật: “cái quy tắc trong thơ Đường luật [quy tắc đăng đối] mà Ts. Quang nêu ra không hề có thực” (lời của ông Lê Minh Khiêm).
Chúng ta biết rằng thơ Đường bên cạnh thơ Đường luật 唐律 (còn gọi là cận thể thi, cách luật thi, luật thi) thì còn có thơ Cổ phong 古風 (cổ thể thi, cổ thi), thơ áo luật (xuất luật), bài luật (thể Đường luật kéo dài bằng nhiều câu thơ), Nhạc phủ (loại thơ làm theo nhiều thể khác nhau, có thể phổ nhạc, mỗi câu thường có 7 hoặc 5 chữ như thơ thất ngôn, ngũ ngôn, chịu ảnh hưởng bởi Kinh Thi, Sở Từ và dùng chữ “hề” để đưa đẩy ý tứ)... Các loại hình thơ cổ phong, nhạc phủ, phao luật đều bắt nguồn từ thơ ca trước đời Đường nên khá tự do về ý tứ, cấu trúc (dài ngắn tùy nghi, mỗi bài có thể thay đổi bằng trắc, hoặc thậm chí có thể đưa vào những câu 6 chữ). Song, với thơ Đường luật, thì đã có những quy định về luật thi khá đầy đủ.
Bàn về luật thi trong thơ Đường luật, Ngô Tất Tố trong sách Đường thi cho biết: “bó buộc một cách chặt chẽ thì là luật thi. Một bài nhất định phải đủ tám câu, năm vần. Tiếng bằng tiếng trắc của mỗi câu nhất định phải theo đúng luật, và những chữ ở bốn câu giữa của mỗi bài nhất định phải đối nhau chằm chặp”6.
Các quy tắc về niêm, luật, đăng đối, áp vận... trong thơ Đường luật đã được nhiều nhà nghiên cứu Á Đông luận bàn, lý giải, chứng minh... trong ngàn năm nay, nên chúng tôi thiết nghĩ không cần nêu lại. Ở đây chỉ bàn về hai bài thơ của Lý Bạch mà ông Lê Minh Khiêm sử dụng để phản biện có phù hợp với thể Đường luật hay không.
Trước hết, bài thơ Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài của Lý Bạch là bài thất ngôn bát cú Đường luật. Tác giả Lê Minh Khiêm trích dẫn cặp câu luận và lý giải:
“三山半落青天外 Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại
二水中分白露洲 Nhị thủy trung phân Bạch Lộ châu
Có thể thấy rõ trong hai câu này có các cặp từ không hề đối nhau theo nguyên tắc mà Ts Quang đưa ra. Cụ thể Tam Sơn là danh từ riêng, tên của một ngọn núi ở huyện Giang Ninh, tỉnh Giang Tô, cách thành Nam Kinh 57km, còn “nhị thủy” đây là chỉ sông Tần Hoài, chảy đến đây thì bị bãi cồn chia ra thành 2 dòng. Cặp danh từ còn lại là “thanh thiên” và “Bạch Lộ”, cũng không “đăng đối” theo một quy tắc bắt buộc nào cả, một là danh từ chung chỉ trời xanh còn lại là tên của một cái cồn”7.
Ông Lê Minh Khiêm khẳng định “Tam Sơn là danh từ riêng tên của một ngọn núi ở huyện Giang Ninh, tỉnh Giang Tô”. Nếu như thế, Lý Bạch đã không chỉnh đối trong bài thơ Đường luật của mình chăng? Thực tế thì không như ông Lê Minh Khiêm luận giải, vì “Tam sơn” 三山 tại đây là ba ngọn núi “nam bắc tương liên, tam phong tịnh liệt” 南北相连、三峰并列 (nối liền nam bắc, ba đỉnh núi cùng nối hàng) nằm liền kề nhau, chứ không phải là “một ngọn núi” như ông Lê Minh Khiêm lý giải. Người đời dùng Tam sơn nhị thủy 三山二水 làm thành ngữ đặc trưng, biểu tượng cho “non nước của Nam Kinh” (南京的山水 Nam Kinh đích sơn thủy), và thành ngữ ấy xuất phát từ bài thơ trên của Lý Bạch.
Ảnh 4: Bình phẩm của Viên Hành Bái 袁行霈 về bài “Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài”登金陵凤凰台¨, trong sách Đường thi giám thưởng từ điển《唐诗鉴赏辞典》, tr.297 |
Tác giả Viên Hành Bái 袁行霈 trong đoạn bình phẩm về bài Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài《登金陵凤凰台》của Lý Bạch ở sách Đường thi giám thưởng từ điển《唐诗鉴赏辞典》đã đánh giá rằng: “李白很少写律诗,而《登金陵凤凰台》却是唐代的律诗中脍炙人口的杰作。。。诗人没有让自己的感情沉浸在对历史的凭吊之中,他把目光又投向大自然,投向那不尽的江水:“三山半落青天外,一水中分白鹭洲。”“三山”在金陵西南长江边上,三峰并列,南北相连。陆游《入蜀记》云:“三山,自石头及凤凰山望之,杳杳有无中耳。及过其下,距金陵才五十余里。” 陆游所说的“杳杳有无中”正好注释“半落青天外”。李白把三山半隐半现、若隐若现的景象写得恰到好处。“白鹭洲”,在金陵西长江中,把长江分割成两道,所以说 “一水中分白鹭洲”。这两句诗气象壮丽,对仗工整,是难得的佳句。(袁行霈)8 (Lý Bạch rất ít làm luật thi [thơ Đường luật], nhưng Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài là một kiệt tác nổi tiếng trong số những bài luật thi đời Đường... Nhà thơ đã không để cảm xúc của mình đắm chìm trong lời chia buồn với lịch sử, ông hướng mắt về thiên nhiên và hướng về dòng sông chảy bất tận: “Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại, nhất thủy9 trung phân bạch lộ châu” (ba ngọn núi nửa ẩn nửa hiện ngoài trời xanh, một dòng nước chia [hai] nửa tại bãi cò trắng giữa sông). Ba ngọn núi (三山 tam sơn) nằm bên rìa sông Trường Giang, phía tây nam của Kim Lăng, với ba đỉnh núi (三峰 tam phong) nằm kề nhau, tiếp liền nam bắc. Lục Du [đời Tống, 1125-1210] trong sách Nhập Thục ký nói: “Ba ngọn núi (三山 tam sơn), nhìn từ núi Thạch Đầu và núi Phượng Hoàng thì “yểu yểu hữu vô trung” (mờ mịt thoắt ẩn thoắt hiện), và xa hơn nữa, nó chỉ cách Kim Lăng hơn năm mươi dặm”. Lục Du sở dĩ nói “yểu yểu hữu vô trung” (mờ mịt thoắt ẩn thoắt hiện) là vừa hợp cho chú thích “bán lạc thanh thiên ngoại” (nửa ẩn nửa hiện ngoài trời xanh). Lý Bạch viết cảnh tượng ba ngọn núi nửa ẩn nửa hiện, lúc ẩn lúc hiện là đặc tả được trọn vẹn cảnh sắc xứ đẹp này. “Bạch lộ châu” (bãi cò trắng) nằm giữa sông Trường Giang ở phía tây Kim Lăng, chia Trường Giang thành hai đường nước. Vì vậy mới nói rằng “nhất thủy trung phân bạch lộ châu” (một dòng nước chia [hai] nửa tại bãi cò trắng giữa sông). Hai câu thơ này đều tuyệt vời và gọn gàng, là những câu văn hay hiếm có).
Về “Bạch lộ châu” 白鹭洲 (bãi cò trắng), đây có phải là địa danh (danh từ riêng) được thi tiên Lý Bạch gọi tên như tác giả Lê Minh Khiêm giải thích (tên một cái cồn?) hay không? Theo Wang Yucheng (王聿诚 Vương Duật Thành) trong bài “Kim Lăng lịch sử thượng đích tam xứ bạch lộ châu” 金陵历史上的三处白鹭洲 (Nam Kinh thần báo 南京晨报, đăng tải ngày 29 tháng 08 năm 2004)10, thì ở tại Nam Kinh có 3 bãi cò trắng “bạch lộ châu” (白鹭洲). Trong đó, bãi cò thứ nhất là bãi nằm giữa sông Trường Giang, ở phía tây phủ thành, trên bãi có nhiều cò trú ngụ nên mới gọi là bãi cò trắng (Bạch lộ châu). Sách Kim Lăng tứ thập bát cảnh 金陵四十八景 (đời Thanh) cho biết Bạch lộ châu: “在府治西南八里,周围四十五里,即李青莲所称二水中分是也” (cách phủ Giang Ninh 8 dặm, bãi cò có chu vi 45 dặm, đó là chốn mà Lý Thanh Liên (Lý Bạch) gọi là nơi phân chia giữa hai dòng nước).
Bãi cò trắng (白鹭洲 Bạch lộ châu) thứ 2 tại Nam Kinh cũng là bãi nằm phía tây thành. Theo bản đồ Kiến Khang phụ cận《建康附近》đời Tề (Nam triều) thì Bạch lộ châu (bãi cò) này là một bãi cát lớn giữa sông, có tên gọi là Thái châu 蔡洲. Bản đồ ở sách Cảnh Định Kiến Khang《景定建康志》cho biết: “南宋时自板桥至秦淮河口的江中沙洲已渐成一体,其中,自秦淮河口至毛公渡附近名白鹭洲” (Vào thời Nam Tống, bãi cát giữa sông từ Bản Kiều đến Tần Hoài khẩu dần hợp thành một, trong đó, từ Tần Hoài Khẩu đến vùng phụ cận bến Mao Công có tên là bãi cò trắng (bạch lộ châu).
Bãi cò trắng (白鹭洲 Bạch lộ châu) thứ 3 tại Nam Kinh lại là tên của một công viên cũ ở Đông Viên 东园 nằm phía góc đông nam của thành phố Nam Kinh.
Vậy, Bạch lộ châu 白鹭洲 là cách gọi dùng cho những bãi bồi giữa sông có cò trắng đến cư trú, chứ không cứ phải là “tên [riêng] của một cái cồn” như giải thích của ông Lê Minh Khiêm.
Căn cứ vào tính chuẩn đối của thơ thất ngôn bát cú Đường luật, “bạch lộ châu” 白鹭洲 (dưới) chuẩn đối với “thanh thiên ngoại” 青天外 (trên). Độc giả tạm hình dung bức tranh thủy mặc của bài thơ này được phác họa qua hai câu thơ trên là: thi nhân lên đứng trên đài Phượng Hoàng ở Kim Lăng, phóng mắt nhìn ra xa, thấy ba ngọn núi (sơn 山) lúc ẩn lúc hiện, nửa mờ nửa tỏ giữa trời xanh, phía dưới có bãi cò trắng ở giữa dòng Trường Giang thì chia hai dòng nước (thủy 水). Cảnh “sơn thủy hữu tình” đất Kim Lăng hiện lên rõ nét qua nét chấm phá của hai câu thơ này.
Theo các nhà nghiên cứu, phong cách thơ của thi tiên Lý Bạch thường không chịu sự gò bó về luật lệ, ngôn từ, nên ông ít khi sáng tác thơ Đường luật. Tuy vậy, Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài lại là một trong những thi phẩm theo thể Đường luật đặc sắc của Lý Bạch.
Bài thơ thứ 2 của ông Lê Minh Khiêm sử dụng để phản biện là thi phẩm Anh Vũ châu 鸚鵡洲 thì các công trình nghiên cứu xưa nay về thơ Đường đều không xếp bài Anh Vũ châu 鸚鵡洲 này vào thể thất ngôn bát cú Đường luật, mà được xác định là “ảo thể thi” 拗体诗 (còn có tên là ảo thể luật thi 拗体律诗, hay ảo luật 拗律, tức dạng thơ “bẻ luật”, xuất luật - tức vượt khỏi quy tắc về niêm luật của thơ Đường). Đây là một loại thể của thơ Đường, chứa đựng một phần phong cách thơ cổ thi (hay cổ thể thi, cổ phong) và luật thi (hay cận thể thi, Đường luật). Ảo thể thi 拗体诗 có đặc tính không tuân thủ đúng chuẩn về niêm luật, về quy tắc “bình phản” 平仄 trong thơ Đường luật, vì thế thường thất niêm (失粘, mất niêm - mất tính kết dính), thất đối (失對, mất tính chỉnh đối). Đại biểu tiêu biểu của ảo thể thi 拗体诗 này là thi phẩm Hoàng Hạc lâu 黃鶴樓 của Thôi Hạo (/Hiệu), Bạch Đế thành tối cao lâu 白帝城最高樓 của Đỗ Phủ và Anh Vũ châu 鸚鵡洲 của Lý Bạch...
Bàn về đặc trưng của thể thơ giao thoa giữa cổ thi và luật thi (tức “ảo thể thi” 拗体诗 - thể thơ xuất luật) trong thơ Đường, sách Lộc Đường thi thoại 麓堂詩話 của Lý Trần Dương 李東陽(1447-1516) đời Minh cho rằng: “Thơ cổ và thơ luật không giống nhau về thể loại, nên mỗi thể loại phải sử dụng phong cách riêng của mình mới hợp cách. Tuy nhiên, luật thi vẫn có thể xuất ra ý từ cổ thi, mà cổ thi không quan hệ với luật thi. Cổ thi có quan hệ cùng luật thi thì [tiêu biểu] như Tạ Linh Vận: “Trì đường sinh xuân thảo, hồng dược đương giai phiên” (Bờ ao mọc cỏ xuân/ cây thuốc đỏ đang lên thềm)], tuy nhất thời được truyền tụng, cố nhiên đã chuyển đổi cổ thi qua luật thi (Đường luật) để lưu truyền mà chẳng tự biết được. Hoặc như Mạnh Hạo Nhiên: “Nhất bôi hoàn nhất khúc, bất giác tịch dương trầm” (Một chén rượu về thành một khúc/ chẳng biết mặt trời chiều đã chìm xuống)], Đỗ Tử Mỹ [Đỗ Phủ]: “Độc thụ hoa phát tự phân minh, xuân chử nhật lạc mộng tương khiên” (Hoa nở riêng một cây tự phân rõ/ bãi xuân hoàng hôn mộng cung đưa đi), Lý Thái Bạch: “ Anh vũ tây phi Lũng sơn khứ, phương châu chi thụ hà thanh thanh” (Chim vẹt bay đi mất ở phía tây núi Lũng, cây ở bãi cỏ thơm sao xanh xanh), Thôi Hạo: “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản, bạch vân thiên tải không du du” (Hạc vàng mãi không về, mây trắng ngàn năm trống trải), đều là các bài thơ xuất từ cổ thi ở trong luật, mà nhất định không bao giờ chán vậy”11.
古詩與律不同體,必各用其體乃為合格。然律猶可間出古意,古不可涉律 。古涉律調,如謝靈運〔池塘生春草,紅藥當階翻〕,雖一時傳誦,固已移於 流俗而不自覺。若孟浩然〔一杯還一曲,不覺夕陽沉〕,杜子美〔獨樹花發自分明,春渚日落夢相牽〕,李太白〔鸚鵡西飛隴山去,芳洲之樹何青青〕,崔 顥〔黃鶴一去不復返,白雲千載空悠悠〕,
乃律間出古,要自不厭也。
Ảnh 5: Lộc Đường thi thoại 麓堂詩話 của Lý Trần Dương 李東陽(1447-1516), trích trong sách Thuyết phu-tục説郛. 続, quyển 33, tờ 69b-70a do Đào Đĩnh 陶珽 biên tập |
Dẫn liệu trên của chúng tôi thiết nghĩ đủ chứng minh rằng thi phẩm Anh Vũ châu của Lý Bạch không thuộc thất ngôn bát cú Đường luật, vì vậy những quy tắc bắt buộc về thi luật (Đường luật) không thể áp dụng cho Anh Vũ châu.
Qua đó, có thể thấy rằng, nhà nghiên cứu Lê Minh Khiêm đã sử dụng tư liệu dẫn chứng không chính xác, không phù hợp với nội dung cần phản biện (chúng tôi bàn về quy tắc trong Đường luật, tức luật thi, cận thể thi, nhưng ông Khiêm lại dẫn chứng 2 câu trong thi phẩm Anh Vũ châu, thuộc ảo thể thi khác biệt rõ ràng với Đường luật để chứng minh rằng Đường luật không có tính chỉnh đối). Do đó, luận cứ của tác giả Lê Minh Khiêm thiếu sức thuyết phục.
Tại Việt Nam, qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nói riêng, văn hóa Á Đông nói chung đối với văn hóa, lịch sử, văn học nghệ thuật... nước ta rất đậm nét. Trong hệ thống thơ văn Á Đông, dòng văn học đời Đường, nhất là thể thức thơ Đường luật luôn được các triều đại quân chủ Việt Nam như Lý - Trần - Hồ - Hậu Lê - Tây Sơn - Nguyễn học tập, lựa chọn và đưa vào hệ quy chuẩn trong việc thi cử tuyển chọn nhân tài (các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình đều có môn thi về thơ Đường luật).
Cũng bởi thế, ảnh hưởng của thơ Đường nói chung, và Đường luật nói riêng không chỉ trong giới sĩ tử, Nho gia, vua chúa quan lại... mà ngay cả trong những dân thường, thậm chí các nhi nữ trong nước. Sáng tác thơ Đường luật, vừa để tỏ lòng, tỏ chí, vừa vịnh tình vịnh cảnh, lại có thể dùng ngòi bút ấy để kích thích, thôi thúc tướng sĩ ra trận bảo vệ quê hương. Nói về Đường luật dạng thức thất ngôn bát cú (7 chữ, 8 câu) thì rất nhiều áng thơ hay của người Việt về cả chữ Hán lẫn chữ Nôm.
Có thể kể đến như “Cảm hoài” 感懷 của Đặng Dung với cặp đối đặc trưng chứa đầy triết lý nhân sinh:
“Thời lai đồ điếu thành công dị/ Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”
時來屠釣成功昜,運去英雄飲恨多 (Thời đến thì những kẻ hàng thịt, câu cá dễ dàng thành công/ Vận hội trôi qua thì bậc anh hùng bao lần nuốt hận).
Hay như bài “Bồ nhìn” của vua Lê Thánh Tôn có cặp câu thực - câu luận đăng đối:
“Xét soi trước mặt đôi vừng ngọc/ Ve vẩy trên tay một lá cờ”,
“Dẹp giống muông chim xa phải lánh/ Giận quân cày cuốc gọi không thưa”12;
Hoặc như tác phẩm “Con cuốc” (thơ Nôm) của Nguyễn Công Trứ, với cặp câu thực:
“Năm canh máu chảy đêm hè vắng/ Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ” và cặp câu luận:
“Có phải tiếc xuân mà đứng đợi/ Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ”13.
Với thơ Nôm - Đường luật của nữ sĩ Việt Nam, thi nhân nổi tiếng hầu như ai cũng biết và từng thuộc đôi bài thơ là Bà Huyện Thanh Quan. Tác phẩm “Qua đèo Ngang” của bà có hai câu thực và câu luận đặc trưng chuẩn đối:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”;
Một nữ thi sĩ có tên tuổi lớn trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam và là nữ tác gia tiêu biểu của triều Tây Sơn là Hồ Xuân Hương. Bà làm nhiều bài thơ Đường luật bằng chữ Nôm đặc sắc, trong đó bài “Đánh đu”, có câu thực và câu luận chỉnh đối gồm:
“Giai [trai] đu gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”
“Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Hai hàng chân ngọc duỗi song song”
Hoặc như thi phẩm “Phận lẽ mọn” của nữ sĩ họ Hồ có cặp câu thực - luận đối ngẫu với nhau:
“Năm thì mười họa hay chăng chớ/ Một tháng đôi lần, có cũng không”
“Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm/ Cầm bằng làm mướn, mướn không công”
Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương đa chiều và đa nghĩa, gợi ý gợi tình. Tính độc đáo, đặc sắc ấy do nhiều yếu tố thi pháp gắn kết với nhau, trong đó có nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện và chỉnh chuẩn về thể tài. Hãy xem sự đối ngẫu trong cặp câu thực, câu luận ở bài “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường”:
“Chôn chặt văn chương ba thước đất/ Ném tung hồ thỉ bốn phương trời”
“Cán cân tạo hóa rơi đâu mất/ Miệng túi càn khôn thắt lại rồi”.
Tất cả những dẫn chứng chúng tôi nêu ra ở đây nhằm góp phần khẳng định rằng thất ngôn bát cú Đường luật (cận thể thi) có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với học phong của người Việt xưa nay. Và khi sáng tác thơ ca thì những nguyên tắc của Đường luật, hoặc các thể thơ khác đều được tuân thủ đầy đủ. Bên cạnh Đường luật, thơ ca thời Đường nói riêng, thơ ca Á Đông nói chung còn nhiều thể thức khác, mà như tại Việt Nam ta thì bên cạnh việc phổ biến Đường luật, còn tồn tại các lối thơ riêng (ít phổ biến hơn) như thể Liên hoàn, thể Trường thiên, Họa vận [xướng họa], Liên ngâm, Thủ vĩ ngâm, Song điệp, Vĩ tam thanh, Triết hạ, Thuận nghịch độc, Liên châu, Cô nhạn xuất quần, Cô nhạn nhập quần, Yết hậu... Về thơ của người Việt thì có Lục bát, Lục bát biến thể (song thất lục bát), Hát nói... Mỗi thể loại đều có những tiêu chí khu biệt riêng. Do vậy, người nghiên cứu cần minh định rõ ràng về thể thức thơ ca, để tránh việc đánh giá sai nhầm, ảnh hưởng đến nhận thức của người đọc về giá trị tác phẩm.
4. Lời tạm kết
Là người nghiên cứu về Hán Nôm và lịch sử văn hóa Việt Nam cổ trung đại, chúng tôi thường xuyên chú trọng đến việc tìm hiểu, giải mã và nêu bật giá trị, nét đặc trưng tiêu biểu của những triều đại, thời kỳ lịch sử đã qua. Với triều Tây Sơn, nhiều năm nay chúng tôi rất quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề chưa được minh giải rõ ràng, và câu chuyện lăng mộ vua Quang Trung là một trong những chuyên đề như vậy. Trong chuyện lăng mộ vua Quang Trung, cùng với quá trình tìm hiểu, xác định chính xác địa điểm tọa lạc ở đâu trên cơ sở các tri thức liên ngành, chuyên ngành... thì việc luận giải tên gọi ngôi lăng mộ cũng quan trọng không kém. Vì thế, chúng tôi không đồng tình với nhận định một cách chủ quan của ông Lê Minh Khiêm trong bài khi ông cho rằng “...bàn đến chữ Đan dương có phải tên lăng vua Quang Trung hay không là việc làm vô bổ”. Bởi việc làm của chúng tôi không phải tranh biện, hơn thua với cá nhân nào, mà muốn đem lại một sự thực lịch sử bằng các tư liệu hiện có. Đó không chỉ là trách nhiệm của người nghiên cứu, mà còn là trách nhiệm đối với lịch sử, với tương lai.
Huế, 05 năm 2022
V.V.Q
(TCSH400/06-2022)
>> Bàn về tên gọi “Đan lăng”, “Đan Dương”, “Đan Dương lăng”...
--------------------------------
1. Lê Minh Khiêm, “Về tên gọi Đan Dương”, Tạp chí Xưa & Nay, số 536 tháng 2/2022, tr.13-14.
2. La Trúc Phong (Luo Zhufeng, 1911-1996) là tổng Chủ biên bộ Hán ngữ đại từ điển, cũng là Phó tổng chủ biên sách Từ hải, một trong những cuốn sách nằm lòng, dạng bách khoa thư của Trung Quốc thời hiện đại. Hán ngữ đại từ điển trải khoảng 20 năm biên soạn từ khi tiến hành thực hiện cho đến lúc hoàn thành đầy đủ 13 tập (gồm 12 tập nội dung, 1 tập mục lục, bắt đầu thực hiện từ 1975-1994), với 370.000 mục, 50 triệu từ và hơn 2.200 hình ảnh minh họa, tập hợp hơn 300 học giả và nhà biên soạn từ điển nổi tiếng của Trung Quốc, được Unesco chỉ định là sách tham khảo có thẩm quyền của thế giới, và sách dịch tiếng Trung của Liên hiệp quốc (theo: https://www. hanyudacidian.cn/dict/hy/introduce/1567417297?s=1&lib=NjMwMzQ )
3. Link : https://www.zdic.net/hans/%E4%B8%B9%E9%99%BD
4. Lê Minh Khiêm, “Về tên gọi Đan Dương”, Tạp chí Xưa & Nay, số 536 tháng 2/2022, tr.14.
5. Nguồn: mục丹阳ơ?Ð(Đan Dương thị) ở Wikipedia, link: https://zh.wikipedia.org/wiki/%E4%B8%B9%E9%98%B3%E5%B8%82#%E5%8E%86%E5%8F%B2
6. Ngô Tất Tố (1961), Đường thi (in lần thứ hai), Nhà sách Khai Trí - Sài Gòn, tr.09.
7. Lê Minh Khiêm, “Về tên gọi Đan Dương”, Tlđd, tr. 15. Tại câu thơ trích này, ông Lê Minh Khiêm dẫn sai chữ “lộ” 露 (sương móc, bạch lộ 白露 là sương móc trắng), đúng ra phải là chữ lộ 鷺 (con cò, bạch lộ白鷺 là cò trắng) trong nguyên tác.
8. 萧涤非、刘学锴、袁行霈等 (2004), 《唐诗鉴赏辞典-修订本》(Đường thi giám thưởng từ điển, tu đính bản), 上海辞书出版社, tr.297.
9. Có bản ghi “nhị thủy”.
10. Wang Yucheng (王聿诚), Kim Lăng lịch sử thượng đích tam xứ bạch lộ châu 金陵历史上的三处白鹭洲, Nam Kinh thần báo 南京晨报¨, link: http://news.sina.com.cn/o/2004-08-29/09293524308s.shtml
11. Nguồn: Lộc đường thi thoại 麓堂詩話, link: https://zh.m.wikisource.org/zh-hant/%E9%BA%93%E5%A0% 82%E8%A9%A9%E8%A9%B1; hoặc theo Thuyết phu-tục説郛. 続, quyển 33, tờ 69b-70a do Đào Đĩnh 陶珽 biên tập (Waseda university digital library), link: https://archive.wul.waseda.ac.jp/kosho/i12/i12_00006/ i12_00006_0148/
12. Trích: Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1934), Nam thi hợp tuyển, quyển 1 (in lần thứ hai), Vĩnh Hưng Long thư quán, Hà Nội xuất bản, tr.70-71.
13. Nguồn: Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1934), Nam thi hợp tuyển, quyển 1 , sđd, tr.35.