LÊ HUỲNH LÂM
Văn chương như một món ăn tinh thần cho mọi người. Đối với những người đam mê, các tác phẩm văn chương như hơi thở, như máu thịt. Ngoài việc là món ăn tinh thần, văn chương như những con đường vươn ra dẫn dắt để nối kết, giao thoa giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa vùng miền văn hóa này với vùng miền văn hóa khác.
Chúng tôi, thế hệ lớn lên sau ngày thống nhất đất nước, sau những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn mà hậu quả chiến tranh khốc liệt để lại. Thời thanh thiếu niên của thế hệ chúng tôi được gia đình lo cho không bị đói và được đến trường là hạnh phúc biết bao. Để rồi, mỗi ngày mỗi lớn hơn về thế xác, tinh thần cũng vững chãi hơn trong cuộc sống. Chúng tôi không khỏi va chạm giữa xã hội, sự va chạm đó giúp chúng tôi gần gũi được những thế hệ đi trước mình, mà phần lớn trong họ đều gọi dịch giả Bửu Ý là thầy. Thầy Bửu Ý, trong quá trình dạy ngôn ngữ tiếng Pháp ở Đại học Sư phạm, thầy còn dịch thuật những tác phẩm lớn về văn chương của các tác giả tên tuổi trên thế giới, ngoài ra thầy còn viết về văn hóa, xã hội, âm nhạc và hội họa...
Trong thế hệ của chúng tôi, những người đi theo nghề văn trong nhà trường chưa chắc đã được đọc tác phẩm của thầy Bửu Ý. Chỉ những người học chuyên ngành tiếng Pháp và có quan tâm đến văn chương thì may ra mới có cơ hội đọc sách của thầy.
Do có niềm đam mê triết lý, văn chương nên suốt một thời gian dài tôi đã tìm kiếm khắp nơi những tác phẩm văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, các loại sách triết, tôn giáo... Trong cuộc săn tìm tác phẩm đó từ đầu thập niên 80, tôi may mắn gặp được nhiều tác phẩm văn học, triết học, Phật học... trong đó có những tác phẩm do thầy Bửu Ý dịch như: Nhật ký của Anne Frank do Nxb. An Tiêm ấn hành. Danh mục sách mà dịch giả Bửu Ý đã chuyển ngữ hàng chục tác phẩm văn chương nước ngoài, trong đó nhiều cuốn trở thành sách “gối đầu giường” của bao thế hệ đam mê văn chương như: Vườn đá tảng của Nikos Kazantzakis, Kẻ vô luân (l’Immoraliste), Đứa con đi hoang trở về (Le retour de l’enfant prodigue, 1907), Vỡ mộng (Isabelle, 1911), Dostoievski (Dostoievski, 1923), Bọn làm bạc giả của André Gide (Nobel 1947); Chúa tể đầm lầy (Le Roi des Aulnes, 1970) của Michel Tournier, Con lừa và tôi (Platero y yo, 1914) của Juan Ramón Jiménez (Nobel 1956); Thư gửi con tin (Lettre à un otage, 1943) của Antoine de Saint- Exupéry, Nuôi dưỡng đời mình (Nourrir sa vie), v.v.
Được biết, vào năm 1992 theo lời mời của Đại học Paris VII, giáo sư Bửu Ý sang Pháp dạy văn học Pháp một thời gian. Thầy còn là người đã có công lao rất lớn trong việc dịch thuật những tập san B.A.V.H (Đô thành hiếu cổ).
Vào thời thiếu thốn mọi thứ, từ việc ăn, sách vở, ngay cả ánh sáng điện ngày có ngày không, may mà còn có niềm say mê sách, tôi đọc từng trang một, từng cuốn sách một. Thuở đó tôi không biết thầy Bửu Ý là ai, chỉ thấy một cái tên như vậy đứng bên cạnh những tên tuổi như: Trần Phong Giao, Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Ngô Trọng Anh, Kim Định, Lê Mạnh Thác, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Phạm Công Thiện, Lê Tôn Nghiêm, Hoài Khanh, Nguyễn Hữu Hiệu, Vũ Đình Lưu, Phùng Khánh, Thái Tuấn, Trịnh Công Sơn,... những cái tên đó là danh mục tác giả một thời gian dài của tôi.
Mãi đến sau này, tôi có cơ duyên được gặp thầy, gần gũi thầy mới thấy được phong thái làm việc và phong cách sống của giáo sư, dịch giả Bửu Ý. Nhà văn Bửu Ý là một trong những người bạn rất thân với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông đã viết những tác phẩm về người bạn nhạc sĩ đặc biệt này: Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ thiên tài, Tâm tình với Trịnh Công Sơn, ngoài ra thầy còn có tập Nước chảy qua cầu viết về xứ Huế đầy mộng mị, tập Ngày tháng thênh thang là những bài viết, nhận định về hội họa... Thầy Bửu Ý cũng là người ủng hộ các hoạt động tại Gác Trịnh, một ngôi nhà ấm áp tình bạn, ngập đầy kỷ niệm của “những gã lang thang”. Ngoài ra, thầy còn tổ chức những buổi diễn Ca Huế ngay tại ngôi nhà mình ở trên đường Phạm Ngũ Lão, còn được gọi là đường Hàng me.
Còn nhớ những ngày đi tìm sách cũ, nói là sách cũ nhưng giá trị đối với thế hệ tôi là rất mới, tình cờ tôi lật tập sách đã rách bìa, thấy dịch giả Bửu Ý, chưa đọc nội dung đã tràn ngập một niềm vui; rồi lật quyển khác thấy nhan đề Bắt trẻ đồng xanh do Phùng Khánh dịch, tôi sung sướng như người tìm vàng gặp được mỏ vàng... Nhiều khi lật các tạp chí cũ như: Văn, Mai, Phố Văn, Diễn Đàn, Văn Học,... tôi thấy tên Bửu Ý xuất hiện nhiều. Gần đây, tình cờ lật một tạp chí Mai trên vỉa hè sách bán ký lô, tôi thấy tên Bửu Ý bên cạnh tác phẩm hình như là Mặt trời mù, không biết trí nhớ có chính xác không, tôi đã mua về để vào kho tàng sách báo cũ. Nhớ một chiều bên dòng sông Hương, một số bạn trẻ ngoại tỉnh vây quanh thầy, những câu hỏi về văn học nghệ thuật, về các thế hệ văn nghệ tên tuổi đều được thầy giải đáp. Có bạn hỏi thầy, về tác phẩm Cõi người ta do Bùi Giáng dịch từ tác phẩm “Terre des Hommes” của văn hào Antoine de Saint-Exupéry, nụ cười hiền trên gương mặt thầy cùng với ánh mắt như trở về một thời xa vắng, thầy nói Bùi Giáng là bạn mình, việc đó mình định làm nhưng đã có bạn mình làm rồi.
Đọc sách với tâm trạng cô đơn, không còn biết gì ngoài cuốn sách, lúc đó từng chữ, từng hình ảnh, từng câu chuyện như đi vào người mình. Thời đó, để hiểu và biết thêm được văn hóa của một vùng đất khác, không gì bằng đọc sách. Những lúc bị làm phiền, tôi thường trốn vào một góc khuất quán cà phê ngồi đọc sách một mình, quên cả thời gian đang trôi qua bên ngoài.
Chính vì tấm lòng của một nhà giáo dục đúng nghĩa, một văn nhân tài hoa, uyên bác cùng với sức lao động miệt mài suốt mấy chục năm không mệt mỏi về công việc chuyển ngữ, truyền bá văn hóa, nên giáo sư, dịch giả Bửu Ý đã được Bộ Giáo dục Cộng hòa Pháp trân trọng trao tặng huân chương Cành cọ hàn lâm.
Với tôi, mỗi tác phẩm văn chương hay như một bầu trời mới, mở ra cho mình những cảm nghiệm, những cách nhìn nhân bản hơn về cuộc sống. Những tác phẩm của các tác giả: Dostoievski, Nikos Kazantzakis, Leo Tolstoy, André Gide, Juan Ramón Jiménez, Antoine de Saint-Exupéry, Gabriel Garcia Márquez,... là những cánh cửa văn chương của một thời mà người mở cửa văn chương cho thế hệ chúng tôi là những dịch giả khả kính, trong đó có thầy Bửu Ý.
L.H.L
(SDB18/09-15)
>> Bài viết cùng chuyên mục: