Người Huế
Dịch giả Bửu Ý và những chuyến du hành chữ nghĩa
09:15 | 28/10/2015

PHẠM THỊ ANH NGA

Giới văn học nghệ thuật trong Nam ngoài Bắc cũng như những người từng là học trò của ông thường nói với nhau, tưởng như đùa nhưng lại rất thật, rằng đến Huế mà chưa ghé thăm ông thì coi như là chưa đến Huế, gì thì gì vẫn cứ... thiếu.

Dịch giả Bửu Ý và những chuyến du hành chữ nghĩa
Tiểu thuyết Le lion của Joseph Kessel và bản tiếng Việt do Bửu Ý chuyển ngữ

Ông là Bửu Ý, một nhân vật Huế không còn xa lạ gì đối với người trong nước và ở nước ngoài. Một con người luôn thao thức về những chân giá trị và sự tồn vong của văn hóa Huế, về bản sắc con người Huế. Ông cũng là một người đậm chất Huế hơn bất kỳ người Huế nào khác. Vì nhiều lẽ.

Giữa những đua chen đời thường, đôi khi đến mức nhiễu nhương, tiêu cực, ông chọn cho mình một phong cách sống, một đường đời riêng, ung dung đĩnh đạc, không ưu tư và không để mình vương vào vòng cương tỏa của những danh xưng Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân..., cả những học hàm học vị vốn được đám đông hết mực đề cao, xem như dấu chỉ độc tôn của đẳng cấp. Gọi ông Nhà văn, Nhà báo, Nhà văn hóa, Dịch giả, Đạo diễn kịch, Nhà giáo dục… đều đúng cả, dẫu cho ông chẳng bao giờ màng đến “nhà” hay “giả” nào. Ông chỉ thích tuyền là… Bửu Ý. Nhưng cái tên ông tự nó đã bao hàm một chân giá trị. Rất riêng.

1

Trên văn đàn Việt Nam, từ rất lâu, ông đã có những đóng góp và có chỗ đứng riêng, với những sáng tác cũng như những dịch phẩm đã công bố, trước và sau năm 1975. Đặc biệt là những dịch phẩm, với vai trò cầu nối giúp độc giả Việt Nam tiếp cận và tiếp nhận với văn chương và thế giới bên ngoài. Tác dụng tích cực của các dịch phẩm của ông đã phần nào được nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư khẳng định, khi chị chia sẻ rằng cuốn Con lừa và tôi của dịch giả Bửu Ý là cuốn sách ghi dấu ấn đậm nhất cho thời thanh niên của chị.

Có thể nói trong hơn nửa thế kỷ làm công việc chuyển ngữ, Bửu Ý không có những tuyên ngôn ồn ào gây bão, tạo dư luận, không đao to búa lớn, không lý thuyết nọ trường phái kia, mà cứ lẳng lặng, mải miết lao tâm khổ tứ. Và những sản phẩm dịch thuật của ông (được công bố hay không) cùng những tâm tư, trăn trở, trải nghiệm được ông chia sẻ một cách chân tình, giản dị đến không ngờ dường như lại trùng phùng, có sự đồng cảm sâu sắc với những gì đã được giới nghiên cứu đúc kết trong phạm vi ngành Lý thuyết dịch, góp phần khẳng định, minh chứng, đồng thời bổ sung cho những đúc kết có tính lý thuyết đó. Bửu Ý đã có những trải nghiệm riêng trong việc rút ngắn khoảng cách giữa người đọc Việt Nam và văn chương nước ngoài. Trong một dịp chia sẻ với nhà báo Hoàng Văn Minh1, ông bộc bạch về tiêu chí của ông trong việc chọn các tác phẩm để dịch sang tiếng Việt như sau: “Trước hết là về nội dung văn hóa, nhân bản của nó. Thứ đến mới là tên tuổi của nhà văn. Đó là những tên tuổi vượt không gian, thời gian. Ngoài ra còn là hình thức văn chương của tác giả. Đó là kiểu mẫu cho độc giả. Tôi nhắm một lúc được nhiều mặt, dù tác phẩm của họ rất kén bạn đọc.” Ông cũng nhận định chung về cách các tác phẩm văn chương được chọn để dịch ở Việt Nam: “…với các tác phẩm văn chương đích thực thì dù ở miền Nam hay miền Bắc, dù trước hay sau năm 1975, đều được chúng ta yêu quý, trân trọng và chọn dịch để giới thiệu với công chúng.”

Không chỉ ưu tư về việc kiến tạo chiếc cầu nối giữa tác phẩm văn chương nước ngoài và độc giả, Bửu Ý còn hoài vọng xa hơn về tác dụng tích cực của tác phẩm được dịch đối với thanh niên và tâm hồn của họ: “Khi dịch tôi luôn nghĩ mình phải có trách nhiệm lo cho thanh niên của đất nước, đào tạo cho tâm hồn của một thế hệ thanh niên biết rung cảm trước cái đẹp.”

2

Có thể nói, đối với những băn khoăn có tính hàn lâm của giới nghiên cứu dịch thuật, về những sự đối lập giữa hai kiểu dịch là dịch ngôn ngữ (traduction linguistique) và dịch ý nghĩa (traduction interprétative), giữa dịch tương đương (traduction par correspondances) và dịch tương ứng (traduction par équivalences), hay mối ưu tư của Georges Mounin đối với hai loại người dịch, một bên quá lệ thuộc vào văn bản gốc và một bên hoàn toàn thoát khỏi nó, Bửu Ý không quan tâm tự xếp mình vào loại nào. Bằng cách riêng của mình, ông có những cân nhắc, đắn đo và có những lựa chọn riêng dựa vào trải nghiệm thực tế, vốn liếng phong phú và tinh tế về chữ nghĩa của mình ở cả hai ngôn ngữ thường được giới nghiên cứu gọi là ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích. Và sản phẩm dịch của ông được hình thành với một thái độ rất cẩn trọng, và có tính thuyết phục. Nói theo ngôn ngữ của Lý thuyết dịch, thì ông dịch ở cấp độ văn bản chứ không dừng lại ở cấp độ từ hay câu, điều luôn được các nhà nghiên cứu đánh giá cao. Mặt khác, các dịch phẩm của ông không sa vào xu hướng quá chú tâm đến tính lạ, tính ngoại lai của văn bản gốc dẫn đến nguy cơ có một bản dịch tối nghĩa, ông cũng không “hy sinh” những khía cạnh độc đáo của văn bản gốc mà tìm cách thể hiện những góc cạnh đó bằng cách khai thác những đặc trưng ngôn từ và cả những yếu tố ngoại ngôn trong ngôn ngữ đích. Khi ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Có đường phố nào vui/ Cho ta qua một ngày” được ông dịch sang tiếng Pháp là “Une rue en fête/ M’attire-t-elle le pas”, thì ở đây chuyển ngữ vẫn ở lưng chừng giữa dịch tương đương và dịch tương ứng nhưng có phần nghiêng về dịch tương ứng hơn, bởi từ ngữ được dùng trong văn bản tiếng Pháp không tương đương hẳn với từ ngữ trong văn bản tiếng Việt, không là kiểu dịch từng từ một, mà bản dịch vẫn chuyển tải được hình ảnh, ý tứ của ca từ. Và dường như nhờ đó mà ý tứ được chuyển dịch trọn vẹn hơn so với việc cứ máy móc bám hẳn theo từng chữ của ca từ tiếng Việt. Cũng như nhan đề của ca khúc “Ru ta ngậm ngùi” khi được ông chuyển ngữ sang tiếng Pháp là “Je me berce de souvenirs” (Tôi tự ru mình bằng kỷ niệm) thì ý nghĩa và âm vang vẫn giữ trọn dù diễn đạt có hơi khác đi.

3

Dịch thuật vốn không đơn giản, và trong dịch văn học những khó khăn, rào cản lại càng sản sinh gấp bội. Người dịch luôn phải đối đầu với những thử thách khi chuyển dịch một văn bản văn chương từ ngôn ngữ - văn hóa này sang ngôn ngữ - văn hóa khác. Ý kiến thống nhất chung của rất nhiều nhà nghiên cứu là công việc đó cực kỳ khó, thậm chí không thể nào dịch trọn vẹn các tác phẩm văn học, đặc biệt là các tác phẩm thơ.

Nguyên nhân của những khó khăn, rào cản trước tiên có thể gắn với khía cạnh văn hóa trong văn bản gốc. Trong cuốn Nói điều gần như thế…, Umberto Eco nhắc lại sự việc đã được xem như hiển nhiên, rằng dịch thuật không chỉ bao gồm sự dịch chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, mà cả sự dịch chuyển giữa hai nền văn hóa, hai nền tri thức bách khoa. Người dịch cần quan tâm đến những quy tắc ngôn ngữ, cũng như những quy tắc văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này. Có những điều hiển nhiên đối với nền văn hóa này lại có thể bí hiểm, thậm chí vô nghĩa đối với cư dân thuộc nền văn hóa khác. Điều đó Bửu Ý đã trải nghiệm, và ông chia sẻ về việc dịch nhan đề cuốn sách Chúa tể đầm lầy của Michel Tournier như sau: “…ngay cái đề “Le Roi Des Aulnes”, bản thân chữ “Aulne” là một loại cây mọc ở đầm lầy, từ điển dịch là cây Trăn. Nếu dịch là “Vua cây trăn” thì chắc chắn không ai hiểu gì cả. Cho nên dựa vào nội dung tôi phải dịch là Chúa tể đầm lầy”. Tương tự như thế, nhan đề tiếng Pháp của tiểu thuyết Le lion của Joseph Kessel được Bửu Ý chuyển ngữ thành Sư Vương (Nxb. Trẻ, 2001). Trong sách, “Vương” (trong bản dịch) hay “King” (trong nguyên bản tiếng Pháp, là một từ tiếng Anh) được dùng để chỉ và gọi tên sư tử, ở ngôi thứ hai và ngôi thứ ba, và vừa trong lời thoại (“Đứng im, Vương, mày đứng im.”) vừa trong câu chuyện kể (“Lòng bàn tay tôi đặt lên trên cổ của Vương.”). Khi chuyển ngữ, Bửu Ý chủ động thêm yếu tố “Vương” vào nhan đề cuốn sách, trong khi nhan đề trong nguyên bản chỉ đơn giản là “Le lion” (Sư tử, Con sư tử). Quả thật, hình tượng sư tử trong văn hóa phương Tây vốn có ý nghĩa hàm ẩn đế vương và sức uy mãnh khác với trong văn hóa phương Đông. Tiếc rằng trong cuốn sách dịch, hình bìa và kiểu chữ của nhan đề chưa được đầu tư đúng mức, chưa tạo được sức hút cũng như chưa lột tả được hàm ý của nhan đề và của câu chuyện kể. Trong khi tất cả các yếu tố tưởng là nhỏ nhặt đó đều ít nhiều góp phần vào ý nghĩa và thông điệp của cuốn sách. Bản thân cuốn tiểu thuyết đó trong bản gốc tiếng Pháp đã được tái bản nhiều lần, và gần như trong mỗi lần xuất bản đều có một bìa sách mới vừa đẹp lại vừa rất thuyết phục.

4

Khó khăn trong dịch văn học cũng có thể xuất phát từ những đặc trưng của ngôn ngữ và các ngôn từ, sự khác nhau giữa hai hệ thống ngôn ngữ, độ lệch giữa hai ngôn ngữ khi phản ánh và gọi tên thế giới, hiện thực khách quan, hoặc trong dụng ngôn. Tiếng Pháp là một ngôn ngữ biến hình, chẳng hạn động từ có thể có những dạng khác nhau tùy theo thời, thức, thể…, và khi chuyển ngữ sang tiếng Việt người dịch thường phải dùng đến các biện pháp từ vựng để diễn đạt ý của phạm trù ngữ pháp tương đương. Chẳng hạn bài thơ Barbara của Jacques Prévert vốn được xây dựng với nhiều lớp thời gian quá khứ xa/ quá khứ gần/ hiện tại, và động từ được chia ở các thời tương ứng. Sự song hành trong cùng một văn bản giữa các thời khác nhau của cùng một động từ tạo nên một thế tương phản, đối lập giữa xưa và nay, giữa quá khứ xa và quá khứ gần, nhưng khi chuyển ngữ sang tiếng Việt thì sự tương phản đó đã bị xóa nhòa vỡ vụn. Ở đoạn cuối bài thơ, “C’est une pluie de deuil terrible et désolée”, động từ chỉ đơn giản ở thời hiện tại nhưng khi chuyển ngữ, để xác định rõ thời điểm Bửu Ý buộc lòng phải sử dụng thêm từ “nay” không có trong nguyên bản: “Nay là mưa tang tóc hãi hùng tàn tạ”. Cũng chính do đặc trưng ngôn ngữ mà từ “tutoyer” hay cụm từ “dire tu” tiếng Pháp (gọi thân mật bằng “tu, toi”, đối lập với việc gọi bằng “vous”) trong “Et ne m’en veux pas si je te tutoie/ Je dis tu à tous ceux que j’aime” được chuyển thành “gọi em”, “gọi bằng em”: “Mà em cũng đừng giận tôi gọi bằng em/ Tôi gọi em những người tôi yêu”. Tuy nhiên cũng có khi câu dịch không giữ được nét thơ, tính ám chỉ, sự bảng lảng của câu gốc, như trường hợp “Môi nào hãy còn thơm” (trong Ru ta ngậm ngùi - TCS) được chuyển ngữ thành “Ton baiser sent bon” (Cái hôn em thơm), có lẽ một phần do những câu thúc về nhịp điệu và số âm tiết (5 âm tiết), bởi đó là ca từ với 5 nốt nhạc đi kèm.

5

Về tính thi ca của tác phẩm văn học, theo Jean Peytard, “chiều sâu của một văn bản văn chương nhất thiết phải nằm ở bề mặt của nó”. Khó có thể chuyển ngữ đặc điểm hình thức của câu thơ, các vần điệu, những nghĩa bao hàm, quan hệ giữa đặc điểm ngữ âm và ý nghĩa, là những yếu tố góp phần cấu thành đặc tính của bài thơ. Trong dịch văn học, đặc biệt là dịch thơ, tính tượng thanh, tượng hình của ngôn từ, sự kết hợp tài tình trong văn bản gốc giữa nội dung diễn đạt và hình thức chuyển tải nội dung đó có nguy cơ bị phá vỡ. Chẳng hạn bài thơ Đường cong đôi mắt em đi vòng quanh trái tim tôi (La courbe de tes yeux fait le tour de mon cœur) của nhà thơ siêu thực Paul Éluard bao gồm rất nhiều yếu tố khó lòng chuyển ngữ sang tiếng Việt, như hiệu ứng âm thanh của các chuỗi phụ âm (allitération), các chuỗi nguyên âm (assonance), hay việc sử dụng rất dày các nguyên âm mà với “đôi tai” nhạy cảm của mình người Pháp vẫn liên tưởng đến những hình thù cong, tròn, vòng cung, xoắn ốc... Tương tự như thế, trong bài thơ Cầu Mirabeau (Le pont Mirabeau) của Guillaume Apollinaire, khi chuyển ngữ có thể giữ nguyên dạng các câu thơ không có dấu chấm câu, nhưng làm sao có thể chuyển dịch những đặc điểm sau của bài thơ mà tác giả đã cố công mài giũa: việc cả hai câu 2 và 3 của mỗi khổ thơ nguyên chỉ là một câu thơ và được tách làm hai (số chân hay âm tiết của cả hai câu cộng lại bằng đúng số chân hay âm tiết của mỗi câu thơ khác), cuối cùng câu 2 là câu thơ ngắn nhất trong khổ thơ (chỉ 4 âm tiết), và vần ở câu 2 luôn là vần đực, là điểm nhấn, đối lập với những câu thơ còn lại luôn là vần cái. Dường như là để có được hiệu ứng âm thanh và hiệu ứng tâm lý mà lời mời gọi mở đầu và được lặp đi lặp lại trong bài thơ Barbara của Prévert, “Rappelle-toi Barbara” (Hãy nhớ đi Barbara), đã được Bửu Ý chuyển thành một câu hỏi gợi: “Barbara nhớ không em”. Và một trong những điểm thành công nhất của dịch giả Bửu Ý trong việc chuyển ngữ bài thơ này theo tôi là ở chuỗi các tính từ được chọn lựa rất kỹ, rất đắt, với những hiệu ứng về âm thanh, hình ảnh lung linh ngang ngửa với nguyên bản tiếng Pháp: “Em bước đi tươi cười/ Rạng rỡ nhởn nhơ lẫm đẫm” (Et tu marchais souriante / Épanouie ravie ruisselante).

Bài thơ Barbara của Jacques Prévert và thủ bút bản Việt ngữ của Bửu Ý


6

Trong dịch văn học, người dịch không chỉ có vai trò trung gian, làm cầu nối, giữa một bên là tác phẩm và tác giả nước ngoài và một bên là độc giả. Đó còn là một kiểu sáng tạo văn học, và kết quả cuối cùng là đồng thời cùng tồn tại hai văn bản: văn bản gốc và văn bản dịch. Dịch tác phẩm văn học không chỉ là giải mã văn bản gốc, lột bỏ cái vỏ ngôn ngữ của nó để hiểu và cảm tận cùng, và diễn đạt lại trong một ngôn ngữ khác những ý đã hiểu được và cái tình đã cảm được. Dịch văn học còn là một quá trình tương tác với ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu cảm, chiều sâu văn hóa, những hàm ý gắn với văn hóa (implicites culturels). Theo Inès Oseki-Dépré (1999), khi dịch một văn bản, nếu nghĩa biểu vật được cho là có thể chuyển ngữ, thì nghĩa hàm ẩn lại được xem là không thể dịch được. Thi ca được xây dựng với ít nhiều nghĩa hàm ẩn và mối tương quan giữa âm thanh và ý nghĩa. Những ý nghĩa này chỉ có thể được chuyển tải và lưu giữ trong văn bản dịch nếu dịch giả nắm bắt, dụng công và sáng tạo thành công. Trong dịch văn học, người dịch vừa đóng vai trò tiếp nhận đối với tác phẩm được dịch (thao tác đi từ ngôn từ đến ý nghĩa - sémasiologique) vừa đảm nhận công việc diễn đạt lại nó, tái tạo nó trong một ngôn ngữ khác (thao tác từ ý tưởng đến ngôn từ - onomasiologique). Cùng với tác giả, dịch giả được xem là đồng tác giả của tác phẩm đã được chuyển ngữ.

Nhưng với tính cách đa thanh và đa nghĩa vốn có, tác phẩm văn học cho phép nhiều cách đọc đa dạng, tùy thuộc vào từng người tiếp nhận, tùy ý thích, mục tiêu, trạng thái, tùy năng lực, trải nghiệm… của họ, tùy cả thời điểm, không gian tiếp nhận. Từ đó, việc tái tạo lại trong chuyển ngữ cũng có thể đa dạng, đa phong cách. Dịch giả Bửu Ý có nhận định tương tự: “Tác phẩm giá trị thường được nhiều người chọn dịch. Mỗi dịch giả có trình độ văn hóa, ngôn ngữ khác nhau, có cách làm việc riêng, nên có khác biệt trong các bản dịch là chuyện thường tình.”

Thử quan sát cách dịch câu đầu tiên của bài thơ Barbara, “Rappelle-toi Barbara”, có thể nêu ra những cách dịch đa dạng sau: vẫn là lời gọi mời, gợi ý trong “Barbara em hãy nhớ” (Nguyễn Đăng Thường, Diễm Châu), “Barbara hỡi, em hãy nhớ” (Thân Trọng Sơn), “Barbara em nhớ cho” (Võ Công Liêm phỏng dịch), hay đã là một câu hỏi gợi như cách chuyển ngữ của Bửu Ý (“Barbara nhớ không em”), chẳng hạn “Barbara nhớ chăng em” (Phạm Nguyên, Phẩm 1998), “Có nhớ không Barbara” (Thụy Vi Paris), “Nhớ không em” (Anne Nguyễn), thậm chí không còn là Barbara nữa mà đã là… Mai: “Em còn nhớ không em Mai” (Nguyễn Văn An)2.

Cũng trong bài thơ đó, hai câu thơ chuyển mạch đầy phẫn uất “Oh Barbara/ Quelle connerie la guerre” được chuyển ngữ sang tiếng Việt với nhiều mức độ căm tức, giận dữ khác nhau, từ nhẹ nhàng đến đỉnh điểm: “Hỡi Barbara/ Cuộc chiến tranh xuẩn ngốc xiết bao” (Thân Trọng Sơn, 2015), “Ôi em Mai/ Chiến tranh thật ngu ngốc” (Nguyễn Văn An), “Hỡi ơi, cuộc binh lửa cuồng điên” (Anne Nguyễn), “Ôi Barbara/ Chiến tranh đáng rủa nguyền” (Phạm Nguyên Phẩm, 1998), “Ôi Barbara/ Chiến tranh thực là đần độn chó má” (Nguyễn Đăng Thường, Diễm Châu), hay gọn ghẽ với một lời rủa: “Ơi Barbara/ Mẹ kiếp chiến tranh” (Bửu Ý).

Nói về công việc dịch thuật của mình, Bửu Ý tâm sự: “Về mặt dịch, tôi cho rằng, chậm là cần thiết bởi nhanh quá sẽ cạn tiếng Việt. Có nhiều từ tiếng Việt thông dụng, sử dụng hàng ngày, nhưng khi dịch nhiều và căng quá tự nhiên quên mất những từ đó, lại chọn từ khác không hay bằng. Tôi quan niệm giỏi ngoại ngữ không thôi thì không thể dịch hay được.” Không chỉ cân nhắc trong chọn từ để dịch, Bửu Ý còn có những sáng tạo bất ngờ và độc sáng trong dụng ngôn, với cả tiếng Pháp, qua những cách dùng mới lạ. Chẳng hạn khi dịch nhan đề ca khúc “Đêm thấy ta là thác đổ”, ông đã chuyển ngữ thành “Je me rêve chute d’eau”, với cấu trúc động từ “rêver” dạng phản thân, lạ và hay.

7

Để đánh giá một bản dịch là hay, là thành công, Eco cho rằng dịch thuật phải là một cuộc thương thảo, bởi nó cũng đồng thời là sự đối thoại giữa nền văn hóa của tác giả và nền văn hóa của người đọc. Dịch hay là tạo được hiệu quả giống như hiệu quả mà văn bản gốc trong ngôn ngữ nguồn muốn tạo ra cho người đọc, là trung thành với ý đồ của tác giả. Dịch không phải là nói điều y hệt, đó là việc bất khả thi, mà là tạo ra hiệu quả y hệt.

Điều đó dường như đã diễn ra thực sự với dịch giả Bửu Ý khi ông chuyển ngữ bài thơ Barbara của Jacques Prévert. Ông không những chuyển được những nét nghĩa tinh tế, mà còn giữ gần như trọn vẹn hồn cốt, cái tình của bài thơ, những đặc trưng về thi pháp, tu từ, cả về nhạc tính, nhịp điệu, khiến tác dụng, hiệu ứng của nó đối với người tiếp nhận gần như y hệt của bài thơ gốc. Cả cái giọng điệu, chất trữ tình, bi thương, thống thiết cũng được chuyển dịch thành công, suôn sẻ, mượt mà. Chẳng hạn ở những đoạn thơ: “Em bước đi/ Rạng rỡ nhởn nhơ lẫm đẫm/ Dưới mưa” - “Ơi Barbara/ Mẹ kiếp chiến tranh/ Em giờ này ra sao/ Dưới cơn mưa sắt thép/ Dưới cơn mưa lửa máu”. Đặc biệt là ở đoạn cuối của bài thơ mà âm vang của ngôn từ, âm thanh, hình ảnh mãi còn đọng lại và ngân mãi trong lòng người đọc không khác gì nguyên bản: “Ơi Barbara/ Trời mưa miên man thành phố Brest/ Mưa như mưa xưa kia/ Nhưng đâu còn như xưa mà vùi dập cả rồi/ Nay là mưa tang tóc hãi hùng tàn tạ/ Thà mưa bão/ mưa sắt mưa thép mưa máu cho cam/ Nay chỉ tuyền những tảng mây/ Chết tan tành như chó chết/ Như lũ chó cuốn theo dòng nước thành phố Brest/ Đi sình thối nơi xa/ Xa thật xa thành phố Brest/ Không còn lưu dấu vết”. Bài thơ đã được khá nhiều người dịch sang tiếng Việt, nhưng dường như chưa có bản dịch nào đạt đến mức có thể nói là tuyệt tác như thế.

Đúng như Bửu Ý nói khi nhắc đến độc giả của các dịch phẩm của mình, đặc biệt là những người trẻ: “Họ thấy xúc động, rung cảm khi đọc những tác phẩm tôi chọn giới thiệu, vậy là thành công.”

Dẫu đã đạt đến một tầm cao hiếm có, dịch giả Bửu Ý luôn ưu tư và cẩn trọng trong chuyển ngữ như đã chia sẻ với nhà báo Hoàng Văn Minh: “Tôi là người luôn ưu tư về vấn đề văn hóa trong nghĩa cao và đẹp nhất. Tôi luôn nghĩ làm sao để nước mình có một nền văn học có văn hóa cao và xã hội luôn có những con người biết quý trọng văn hóa. Mà muốn làm được như vậy thì ngay hình thức của những tác phẩm mình chuyển ngữ, những điều mình viết ra trước hết phải có sự săn sóc về chữ nghĩa sao cho đẹp. Thêm nữa đừng có chủ quan vì người đọc rất tinh tường, nếu mình không cẩn trọng, chữ mình không đẹp thì người ta sẽ coi nhẹ, không thèm đọc mình nữa.”

*

Nhưng Bửu Ý không dừng lại ở chỗ chuyển ngữ trọn vẹn các tác phẩm văn học. Có nhiều khi những dịch phẩm của ông không chỉ là những văn bản dịch thuần túy. Với bài thơ Barbara mà ông đã chuyển ngữ, ông còn nối dài cuộc sống cho nó bằng cách sân khấu hóa bài thơ như ông đã từng làm với một số bài thơ khác cũng của Prévert, hay những bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine. Ấn tượng nhất là màn trình diễn bài thơ Barbara những năm 80 thế kỷ trước tại Đại học Sư phạm Huế, với sự xen kẽ của hai ngôn ngữ Pháp - Việt, hai giọng đọc nam và nữ, nền nhạc valse, điệu vũ thướt tha của hai nhân vật nam nữ ẩn sau tấm màn trắng và từ bên dưới khán giả chỉ nhìn thấy qua hai cái bóng hắt lên tấm màn căng to che trọn sân khấu.

Tôi có cơ duyên là môn đồ của dịch giả Bửu Ý những năm học đại học, với các môn Văn học Pháp và Dịch. Trong phần dịch ngược Việt - Pháp, có một thời thầy trò chúng tôi miệt mài chép và lần lượt dịch từng đoạn, từng trang cái truyện ngắn khá dài của Thượng Văn có nhan đề là Niềm vui thiêng liêng, một câu chuyện kể về trường lớp, cô trò thời chiến tranh. Ngày qua ngày, học trò dịch và thầy phân tích, chỉnh sửa từng chút từng chút… Vài năm sau, một dịp tình cờ, tôi vào nhà sách và bất ngờ thấy một tập truyện ngắn của nhiều tác giả, có tựa chung là Niềm vui thiêng liêng, Nxb. Lao Động 1971 (in lần thứ 2). Và đúng là bên trong có cái truyện ngắn ngày nào, mà nhan đề cũng được chọn làm nhan đề chung cho cuốn sách.

Và như thế, bằng công việc dịch thuật, Bửu Ý có những chuyến du hành chữ nghĩa thú vị giữa ngôn ngữ - văn hóa này và ngôn ngữ - văn hóa khác. Những chuyến du hành không đơn độc, bởi chiếc cầu chuyển ngữ ông đã kiến tạo, góp phần nối liền những bờ Đông Tây đã giúp bao người cùng đồng hành, cùng khám phá, rung cảm. Những chuyến du hành tuyệt đẹp, đúng với tâm nguyện của ông: “… cái đẹp, những giá trị cơ bản nhất của con người viết hoa dù ở đâu, dưới chế độ nào cũng dễ tìm, dễ gặp gỡ với các nền văn hóa khác và đó là điều tôi luôn đi tìm, hướng tới. ”

Tháng năm vừa qua, nước Cộng Hòa Pháp đã trao tặng ông Huân chương Cành cọ Hàn lâm Pháp, vì những đóng góp của ông về văn hóa, văn học nổi bật trong khối Pháp ngữ suốt mấy chục năm qua. Thiết nghĩ sự tưởng thưởng đó không có gì là khó hiểu.

8/2015
P.T.A.N  
(SDB18/09-15)


-----------------
1. Đăng trên Lao Động Cuối Tuần, 18/04/2015. Phần lớn những chia sẻ của dịch giả Bửu Ý được nêu ra ở đây là trích dẫn từ nguồn này.
2. Bài thơ được Nguyễn Văn An dịch với nhan đề Mai, kèm lời chú thích: “Bản dịch trên ráng giữ ý thơ, nhưng giữ tên Pháp, Barbara, Brest, Ouessant, thì rất khó đọc, nên đã xin đổi tên Barbara thành Mai, Brest thành Hà Nội, cuối bài phải đổi đi một chút, vì Hà Nội không có biển, chỉ có hồ) - NVA”.


>> Bài viết cùng chuyên mục:



 

Các bài mới
Các bài đã đăng