Giá sách Sông Hương
Biển đảo quê hương
Từ sông Hương hướng về biển đông
14:30 | 26/06/2014

GIANG ANH  

Những ngày tháng 5, cả nước nóng lên trước những diễn biến căng thẳng trên biển Đông. Từ 2/5/2014, Trung Quốc đơn phương kéo giàn khoan HD-981 xâm nhập trái phép vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền Tổ quốc, làm ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình an ninh khu vực và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Từ sông Hương hướng về biển đông
Văn nghệ sĩ Huế với biểu ngữ phản đối Trung Quốc

90 triệu trái tim con dân Việt đều hướng về biển Đông với tất cả nhiệt huyết của lòng yêu nước, đã có nhiều phương thức khác nhau biểu thị thái độ, tình yêu thiêng liêng đối với Tổ quốc. Từ Nam chí Bắc, hàng ngàn người đã metting, xuống đường phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc, kêu gọi hòa bình và ổn định khu vực.

Trong không khí thiêng liêng đó, chiều 15/5, tại Công viên Tứ Tượng bên bờ sông Hương lộng gió, Tạp chí Sông Hương và Hội Nhà văn tổ chức Chương trình văn nghệ Hướng Về Biển Đông. Anh chị em văn nghệ sỹ trong Liên Hiệp Các Hội VHNT tỉnh và cựu học sinh sinh viên Huế bất chấp tiết trời nắng nực đến 39 độ, đã đến ủng hộ rất nhiệt tình. Phát biểu khai mạc, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc – Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội VHNT, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương thay mặt giới văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế bày tỏ thái độ kiên quyết phản đối hành động Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Nhà văn đồng thời cũng lên tiếng: “Chúng tôi kêu gọi giới văn nghệ sỹ Trung Quốc và trên toàn thế giới có nhận thức đầy đủ về tính chất nghiêm trọng của sự việc, phản đối sự xâm phạm trái phép của Trung Quốc, ủng hộ chủ quyền hợp pháp, chính đáng của nhân dân Việt Nam; hãy để trái tim suy xét bảo vệ lẽ phải, bảo vệ hòa bình, tất cả vì mục đích nhân văn mà bất cứ nền văn học nghệ thuật nào cũng cống hiến bởi tinh thần hướng đến cái đẹp và cái cao cả…”

Những lời réo gọi của tổ quốc chảy trong máu huyết đã tuôn trào thành những dòng thơ, khúc nhạc vừa thiết tha tình yêu quê hương đất nước, vừa phẫn nộ trước sự ngang ngược tham lam của Trung Quốc, vừa tỏ rõ bản lĩnh của một dân tộc vốn có lịch sử hàng ngàn năm chống ngoại xâm kiên cường bất khuất. Các nhà thơ Phạm Nguyên Tường, Ngô Minh, Mai Văn Hoan, Lê Vĩnh Thái, Lê Tấn Quỳnh… đã đọc những vần thơ bốc lửa:

“Bầy ngang ngược đòi dạy ta bài học
Bài học chúng mau quên từ sách sử nghìn năm
Bài học chui ống đồng trốn về ải Bắc
Bài học tan thây trên bãi cọc Bạch Đằng”

(Bài học trên sóng, Phạm Nguyên Tường)

“Nơi biên cương tổ quốc màu xanh
Trường Sa – Hoàng Sa nay hóa Bạch Đằng”

(Con chim Lạc bay về Tổ quốc, Lê Vĩnh Thái)

Và những vần thơ sát cánh cùng với các chiến sĩ cảnh sát biển:

“Các anh ơi
Hoàng Sa của ta, Trường Sa của ta
Một tấc biển tấc trời không để mất
Đối mặt với quân thù ngàn năm truyền kiếp
Các anh có 4000 năm và dân tộc sau lưng”

(Gửi các chiến sĩ cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam, Ngô Minh)

Những ca khúc hừng hực khí thế năm nào sinh viên học sinh Huế xuống đường trong phong trào đô thị được cất lên từ những nữ cựu học sinh Huế: Nối vòng tay lớn (Trịnh Công Sơn), Ôi tổ quốc ta đã nghe (La Hữu Vang), Đồng lúa reo (Tôn Thất Lập), Tự Nguyện (Trương Quốc Khánh)… Các ca sỹ Thiên Ấn, Phong Thủy, Đình Phương… cũng đã góp sức nhiều ca khúc về biển đảo… Em Hồ Ngô Đăng Trình - học sinh lớp 10 trường Quốc Học cũng tham gia với ca khúc Lá Cờ (Tạ Quang Thắng)…

Trong số những nghệ sỹ đến bên bờ sông Hương chiều hôm đó, đặc biệt có nữ tiến sỹ Nammon, người Thái Lan, giáo viên Đại học Mahidol, hiện đang có chương trình nghiên cứu văn hóa ở Huế và Đoàn sinh viên Đại học Chiềng Mai (Thái Lan). Nữ tiến sỹ Nammon đã đoàn sinh viên Thái Lan đã đến ủng hộ nhiệt tình với biểu ngữ trên tay “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông” và nụ cười trên môi. Nammon nói: “Mình đến đây để ủng hộ, chia sẻ lòng yêu nước thiêng liêng của văn nghệ sỹ Huế, ủng hộ tình cảm đối với Việt Nam”. Hành vi phi nghĩa của Trung Quốc đã khiến cho lương tri của thế giới phẫn nộ, và truyền thống yêu nước của Việt Nam đã khiến cho nhiều người trên thế giới kính phục.

Mỗi người dân Việt Nam có một cách yêu nước khác nhau, nhưng tình cảm thiêng liêng dành cho dân tộc, cho tổ quốc chỉ là một. Và trong chiều sông Hương hôm đó, lòng yêu nước đã có dịp tỏ bày trong gió, cùng với mọi miền đất nước, quê hương, cùng với bạn bè quốc tế…

G.A
(SH304/06-14)

>>
Trang thơ "Hướng về biển đông"
“Nước những người chưa bao giờ khuất” - LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Kiên quyết phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc - HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Chờ những tiếng nói nhìn thẳng vào sự thật từ Trung Quốc! - TÔ NHUẬN VỸ
Viết cho người lính biển - PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tình biển (30/09/2013)
Về với biển (26/09/2013)