Tạp chí Sông Hương - Số 308 (T.10-14)
Dao
15:22 | 17/10/2014

MAI SƠN
    Truyện ngắn

Gần đây, thỉnh thoảng cứ vào lúc chạng vạng thường có một người đàn ông đi ngang qua cổng nhà tôi, dừng lại ngập ngừng, rồi hơi ngửa cổ kêu lên: “Mài dao đi!”

Dao
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Giọng dày ấm, nghe tha thiết, rờn rợn, như gần như xa.

Tôi từ trong giấc ngủ mệt nhọc tỉnh dậy thảng thốt.

Khi gọi đến lần thứ hai, “mài dao đi!”, cái hơi không chỉ là mong ngóng một con dao cùn đem ra, mà như gọi thấu vào lòng ai, để mời mọc, thúc giục.

Những lúc ấy tôi thường đứng sau cửa, hé nhìn ra, mong cho trời tối nhanh, để ông ra đi.

Chiều nay cũng vậy, ông ta đang đứng đó, và đã gọi “mài dao đi!” có đến chục lần rồi.

Người đàn ông không rõ mặt rõ tuổi, ra dáng chờ đợi được hồi đáp. Ông mang trên vai một mớ đồ nghề không biết gồm những gì, chỉ thấy lờ mờ một đòn gỗ, một đầu gắn viên đá mài màu bã trầu, đầu kia một cái ca nhựa vuông đựng nước, được buộc chặt bằng sợi dây trông như con rắn kim. Ông hướng cái nhìn sắc như dao (có phải đó là ánh nhìn của những người thợ mài dao?) vào nhà tôi, thậm chí muốn nhìn xoáy vào mắt tôi, như thể ông biết rõ tôi đang lén quan sát ông.

Nhiều năm nay tôi sống một mình. Tôi không tự nấu ăn được, phải ăn uống bên ngoài, cho nên trong nhà không có dụng cụ làm bếp nào. Hay là tôi có một con dao nào đó trong nhà đã lâu không dùng mà tôi không nhớ chăng?

Nếu tôi nhớ không lầm, trước đây bà xã tôi là khách hàng quen thuộc lâu năm của một người thợ mài dao. Một tay thợ duy nhất. Nhưng không chắc là người này, trầm mặc ngoài kia. Tôi trừng mắt nhìn ra để kiểm tra xem người thợ mài dao ngày nào và kẻ đang đứng như một lá cờ trước cổng nhà tôi có phải là một không. Hồi lâu đập vào mắt tôi chỉ là một hình dạng đàn ông với vài đường nét hung dữ bí ẩn in vào nền trời phía sau.

Bà xã tôi yêu quí những con dao bếp! Hay nàng yêu sự bén ngót, mới mẻ?

Theo thường lệ, mỗi tháng hoặc mỗi nửa tháng người thợ mài dao lại đến chăm sóc những con dao vừa chớm cùn lụt của bà xã tôi. Tôi không để ý chuyện này lắm. Một hay hai lần gì đó, tôi có việc về nhà sớm, thì thấy bên hiên nhà người thợ và bà xã tôi châu đầu vào nhau. Họ đang nhìn con dao sáng loáng đang trợt tới trợt lui trên hòn đá mài. Những con dao của nàng đang biến thành một con dao khác, một tác phẩm sắc sảo, đôi bàn tay với những ngón tay thao tác lúc mạnh mẽ lúc dịu nhẹ của người đàn ông, và những vụn thép li ti văng ra cùng với nước bẩn. Để có thể thưởng ngoạn đầy đủ cảnh tượng đó bà xã tôi phải ngồi ngã ra gần như nằm dài trên nền đất. Nghe tiếng tôi, nàng ngước lên nhìn, ánh mắt long lanh như được phản chiếu từ ánh dao.

Hay tôi tưởng tượng ra?

Tôi là người yếu tim, rất sợ máu chảy, nhưng những ngày nàng còn đây tôi lại thích ngắm nhìn dao khi nó nằm và chuyển động khéo léo trong tay một người phụ nữ. Chắc chắn người phụ nữ đó là nàng. Tôi từng viết trong sổ tay của mình: “Những con dao làm bếp! Anh nhìn chúng đăm đăm, đến mức quên mất đó là vật gì. Ngày trước anh vẫn thường nhìn thấy nàng cầm con dao nhỏ thoăn thoắt gọt trái táo, trái su… và anh hồi hộp sợ lưỡi dao phạm phải bàn tay không cầm dao. Anh vẫn thường thấy nàng cầm một con dao khác, lớn hơn, xẻ bụng một con cá, xắt nhỏ những miếng thịt… Bây giờ không còn nàng cầm lên, những con dao kia đã chết, vì chúng chỉ có thể sống được trong mối tương quan với nàng mỗi trưa, mỗi chiều trong bếp; chúng chỉ thức dậy cái- yếu-tính-cắt-xẻ của chúng trong bàn tay nội trợ của nàng.”

Người thợ mài dao này không biết rằng bà xã tôi đã rời bỏ tôi đi xa, mang theo những bận rộn về bếp núc và nỗi ưu tư ngày đêm về độ sắc của dao kéo.

Cái nhìn của người đàn ông như rực lên, như muốn chiếu sáng ngôi nhà nhỏ của tôi. Và có vẻ như ông sắp sửa quay bước.

Mài dao đi!

Ba tiếng kêu như gió luồn hụ hụ vào những khoảng trống trên cánh cửa sổ tôi đang đứng sau, và bàn tay tôi vô thức đưa lên đẩy nhẹ nó, mở nó ra.

Không còn thấy ông ta đâu nữa. Tôi dõi mắt nhìn theo con đường mòn dẫn ra lộ. Tôi chạy ra sân. Vẫn không thấy bóng ông ta. Chỉ còn âm thanh vang vọng lại:

Mài dao đi!

Người đàn ông này nhớ nhung điều gì hay muốn nhắc nhở tôi điều gì?

M.S
(SH308/10-14)
 
>>

TRUYỆN KIỀU, phòng thử nghiệm những cách đọc - ĐỖ LAI THÚY
Đọc ‘Giàn thiêu’ của Võ Thị Hảo - chơi với người chơi lửa - NGUYỄN QUANG HUY
Một con đường của quan niệm sáng tạo (nhìn từ trường hợp Thanh Tâm Tuyền) - ĐOÀN ÁNH DƯƠNG
Nhà văn nổi loạn hay thần tượng văn nghệ: trường hợp Phạm Công Thiện - NGUYỄN MẠNH TIẾN
Lời nguyền - NHẬT CHIÊU
Giấc ngủ - LÊ MINH PHONG
Cái gạt tàn của bố - LÊ VĨNH TÀI
Tầng hai - NGỌC BẢO AN
Cháy - NGUYỄN VĂN THIỆN





 


 

 






 

Các bài mới
Một thoáng Huế (30/10/2014)
Các bài đã đăng