Tạp chí Sông Hương - Số 308 (T.10-14)
Cái gạt tàn của bố
08:58 | 23/10/2014

LÊ VĨNH TÀI

Hình như bố vẫn còn thơ thẩn quanh khu vườn. Và chờ đợi.
Bố lo lắng về việc tôi chuẩn bị đi học xa. “Ký túc xá có thể không có nước nóng, và nhiều thứ không như ở nhà,” bố nói. Có vẻ như bố còn sợ nhiều điều hơn. Như đêm khuya, như bóng tối...

Cái gạt tàn của bố
Minh họa: Nhím

Khi tôi xếp hành lý, mẹ nhắc tôi không được bắt chước bố, không được hút thuốc lá. Mẹ đã làm mọi cách cho bố bỏ thuốc lá, kể cả mang bình chữa lửa xịt vào mặt bố. Nhưng tôi thấy bố vui chứ không có gì sợ hãi. Sau những lúc ấy, bố vào phòng tắm và còn hát khe khẽ.

Mang cái gạt tàn ra khu vườn, mẹ nói: “Đó là quá khứ.” Mẹ nói tiếp: “Thứ quá khứ chúng ta sẽ chôn cất.” Mẹ đánh dấu khu vườn, chỗ mà mẹ dự định sẽ chôn quá khứ vào đó. Hình như nó nằm bên phải bể tự hoại. Bố nghĩ mẹ chọn sai vị trí.

Tôi nhìn người đàn ông mẹ gọi đến để đào huyệt. Ông ta lùn, đầu to và ánh mắt thô lỗ, mồ hôi chảy trên khuôn mặt rám nắng. Không có một dấu hiệu gì chứng tỏ ông có thể đào nhanh hơn bố, nhưng mẹ lại chọn ông vì mẹ bảo: “Đời còn nhiều thứ con chưa hiểu.”

Em gái tôi hét lên: “Ông ta thật xa lạ.” Tôi thấy nó vẫn đang nằm trên giường, tay cầm quyển sách Đại Số lớp 7 mà tôi vừa làm giùm nó mấy bài tập về nhà. Quyển sách suýt rơi ra. Em gái tôi không có thời gian để làm bài tập, vì nó phải giúp mẹ nhiều công việc không tên. Với mẹ, bố không bao giờ có thể giúp, vì mẹ không chịu được mùi thuốc lá. Quá khứ, đó là chiếc gạt tàn mà bây giờ mẹ đang nhờ người chôn nó. Đó là lý do tại sao bố không thể ở đây để lo lắng về việc đào huyệt giúp cho mẹ. Bố chưa bao giờ có thể ngăn được việc mẹ thích làm.

Mẹ. Như bất kỳ người phụ nữ nào đều thích mang một nỗi đau vô lý. Tôi biết mẹ không thực sự ghét chiếc gạt tàn, cũng như em gái tôi không hẳn ghét người đàn ông đang đào huyệt trong vườn. “Mẹ bị bệnh và không thể ngửi mùi khói thuốc,” mẹ nói khi bố ra đi. “Mẹ gần như chết vì bố. Nicotine là chất độc, nhưng bây giờ nó sẽ không thể làm tổn thương chúng ta được nữa.”

Nhưng tôi biết bố không bao giờ gây ra rắc rối. Bố dắt chúng tôi đi học, tung chúng tôi lên trong công viên, dẫn chúng tôi đến hồ câu cá, mua hộp bút màu trong siêu thị... Tôi biết chiếc gạt tàn chẳng có gì đáng sợ, nó đã có từ thời ông nội. Tôi nhìn người đàn ông với chiếc xẻng đang đào bới tan nát trong khu vườn nhà chúng tôi. Em gái tôi cười: “Cái huyệt sâu quá.”

Nó không biết những gì đáng bị chôn vùi ở đó. Chỉ có tôi và bố biết. Tôi thường tự hỏi những gì bố sẽ làm nếu em gái tôi vẫn tiếp tục không hiểu và không thể tự mình làm các bài tập đại số lớp 7? Không lẽ bố phải đến trường lần nữa, xin cô giáo cho nó đủ điểm bài kiểm tra giữa kỳ, sau đó về lặng lẽ ngồi hút thuốc? Và mẹ lấy lý do mùi khói thuốc lá để đến ngủ với ông bác sĩ thân quen của mình?

Tôi nghe giọng nói của bố: “Bố phải đi.” Tôi nói với đứa em gái: “Bố đi săn thỏ đấy,” và nó vẫn hí hoáy vẽ con mèo ba bốn khoanh của nó.

Tôi không thấy bố suốt hai tuần. Bố ở lại nơi làm việc, cách trường tôi học 200 mét. “Bố ơi!”, tiếng kêu đóng băng trong cổ họng tôi. “Con biết cái gạt tàn đã có từ thời ông, bố quý nó lắm. Nhưng tại sao người ta lại đem chôn nó trong khu vườn?”

Bố nhìn tôi. Bố biết tôi không hề lo sợ về bất cứ điều gì. Bố nói: “Đừng nói với ai về điều này.” Tôi chỉ gật đầu.

Tôi nhìn người đàn ông rám nắng và chảy mồ hôi trên mặt khi đang đào huyệt. Tôi đứng đó, trong khi mẹ và ông ta bàn với nhau câu chuyện chôn cất quá khứ mà họ nguyền rủa mà không hề quan tâm đến sự có mặt của tôi. “Anh nhớ nhích sang bên phải bể tự hoại,” mẹ nhắc ông ta thêm lần nữa. Nhưng ông ta đã tự ý phá vỡ luôn cả bể tự hoại. Mọi thứ tràn ra. Cái gạt tàn trồi lên khỏi mặt đất, lênh láng như mắt nhìn của bố.

Tôi im lặng đi xuống nhà bếp. Và quay ra với một con dao.

L.V.T  
(SH308/10-14)

>>

TRUYỆN KIỀU, phòng thử nghiệm những cách đọc - ĐỖ LAI THÚY
Đọc ‘Giàn thiêu’ của Võ Thị Hảo - chơi với người chơi lửa - NGUYỄN QUANG HUY
Một con đường của quan niệm sáng tạo (nhìn từ trường hợp Thanh Tâm Tuyền) - ĐOÀN ÁNH DƯƠNG
Nhà văn nổi loạn hay thần tượng văn nghệ: trường hợp Phạm Công Thiện - NGUYỄN MẠNH TIẾN
Lời nguyền - NHẬT CHIÊU
Giấc ngủ - LÊ MINH PHONG
Tầng hai - NGỌC BẢO AN
Cháy - NGUYỄN VĂN THIỆN
Dao - MAI SƠN





 


 

 






 

Các bài mới
Một thoáng Huế (30/10/2014)
Các bài đã đăng
Tầng hai (22/10/2014)
Cháy (20/10/2014)
Dao (17/10/2014)