Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-15)
Bửu Ý - một tính cách Huế, một tâm hồn Huế
08:35 | 03/11/2015

HẠ NGUYÊN

“Cái gì người ta có thể đùa, nhưng với mình, có một cái không đùa được, đó là viết văn”.
                             (Bửu Ý)

Bửu Ý - một tính cách Huế, một tâm hồn Huế
Nhật ký Anne Frank - Bửu Ý dịch. Sài Gòn: An Tiêm xuất bản, 1971

“Bửu Ý là người sót lại cho Huế những gì sẽ mất. Ở Bửu Ý có sự cẩn mật, sự lễ nghi, sự nhạy cảm của Huế… Anh viết đơn giản từng chữ một mà rất Huế”.
                                                                     (Thái Kim Lan)



Từ lâu, người Huế mặc nhiên xem xứ sở của mình có một dịch giả tên tuổi trên văn đàn Việt Nam, một người Thầy uyên bác trên bục giảng, một nhà nghiên cứu Huế nghiêm cẩn và hết lòng yêu, sống và hành động vì văn hóa Huế: dịch giả, nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu Bửu Ý. Ông đã mang chừng ấy chức phận trong con người trí thức với một tính cách Huế rất đặc biệt, không lẫn vào đâu được, với sự nghiêm xác và rộng mở của một nhà nghiên cứu bên trong một tâm hồn nghệ sĩ…

Ông tên đầy đủ là Nguyễn Phước Bửu Ý, sinh năm 1937 tại Huế. Bạn đọc hẳn còn nhớ ở miền Nam những năm trước 1975, Bửu Ý là cây bút có uy tín được bạn đọc hâm mộ với rất nhiều các bài viết trên các tạp chí Mai, Văn, Diễn Đàn, Phố Văn... Bạn đọc miền Nam thời đó đã rung động với nhiều trang chuyển ngữ của dịch giả Bửu Ý, như cuốn Nhật ký Anne Frank. Năm 1974, Nxb. An Tiêm một trong những nhà xuất bản lớn thời bấy giờ đã ấn hành cuốn Con Lừa và tôi của Juan Ramón Jiménez do Bửu Ý chuyển ngữ. Chuyện của một con lừa tên là La Rô (Platero) và chủ nhân là thi sĩ, mà người ta quen sánh với cuốn Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry, vì hình thức văn chương và nội dung thơ mộng của nó. Câu chuyện được chuyển ngữ hết sức tài hoa, chính xác và tinh tế.

Bửu Ý dịch. Sài Gòn: An Tiêm xuất bản, 1974


Năm 2006, Nxb. Văn Học đã xuất bản cuốn Tác giả thế kỷ 20 của nhà nghiên cứu Bửu Ý. Phần lớn những bài viết trong tập sách này đều đã được đăng tải ở các tạp chí Mai, Văn... trong thời gian 1963 - 1967 ở miền Nam và lập tức, thu hút sự chú ý của công chúng rất lớn.

Cuối tháng 3/2011, đông đảo anh em văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu ở Huế đã hết sức bất ngờ và vui mừng khi đến với buổi giới thiệu sách của nhà giáo, nhà văn, dịch giả Bửu Ý do Tạp chí Sông Hương và Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức; nhân sự kiện bộ ba tác phẩm sang trọng và đầy trí tuệ về Huế, về nghệ thuật và về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Ngày tháng thênh thang, Nước chảy qua cầu, Tâm tình với Trịnh Công Sơn trình làng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói: “Đùng một cái anh đưa ra 3 cuốn sách, chúng tôi mừng cho anh và thở phào nhẹ nhõm”.

Cuốn Ngày tháng thênh thang, là tập hợp các bài viết ngắn đã đăng trên các tạp chí từ 1963 đến 2011, trong đó có nhiều bài viết đã khởi đăng ở các tạp chí Mai, Văn, Diễn đàn, Phố Văn trước 1975 và các báo, tạp chí Sông Hương, Tia sáng, Liễu Quán, Văn hóa Phật Giáo, Tuổi Trẻ, Đại học Huế... sau 1975.

Những ngày tháng viết văn, làm báo ở Sài Gòn, cuộc sống của nhà văn Bửu Ý hết sức chật vật. Ông kể: “Năm 1963 ở Sài Gòn không đủ ăn. Nhiều khi hai, ba ngày không có ăn, không có tiền đi xe buýt, phải đi bộ bốn cây số đến nhà in. Những đồng xu lẻ không đủ ăn 2 bữa/ngày. Sống cơ cực song bù lại đó là thời gian hào hùng của tôi, tôi được thỏa sự mê viết văn, mê viết báo, tôi thấy tôi sinh ra mình trên từng con chữ. Muốn viết được, phải sống thiếu đi một chút. Tôi không viết nhanh. Hồi đó sống thuê căn gác gỗ cùng với người hai con trai chủ nhà ở đầu cầu Trương Minh Giảng, kêu thêm bạn về ở chung để bạn khỏi trả tiền: đó là Sao trên rừng Nguyễn Đức Sơn. Sơn là một người viết rất nhanh. Bù lại, tôi viết rất khổ sở, như rặn đẻ, có khi cả tuần mới được một trang. Không nên viết đùa, đem giá trị ra mà bỡn cợt. Tôi viết không dám đùa bỡn bất cứ ai”...

Ông đã sống đam mê và hết sức ý thức trách nhiệm với việc cầm bút. Đọc Ngày tháng thênh thang với 360 trang in, có thể nhận ra dọc hành trình chiêm nghiệm của tác giả trên tất cả các lĩnh vực đời sống. Những chiêm nghiệm đó có thể từ các sự vật xung quanh như hoa trái, chim muông, cây cỏ, mưa chiều, biển... Những chiêm nghiệm có thể đến từ những muôn mặt đời thường, như một lời xin lỗi, một lời tỏ tình anh yêu em, một đam mê, thói hư tật xấu... Điều đáng nói là những chiêm nghiệm đó không hề đến từ những gì to tát, nó gần gũi, và đặc biệt những chiêm nghiệm không chỉ để mà chiêm nghiệm mà còn để cảnh tỉnh mỗi một con người, và cả xã hội. Ví như một câu trong cuốn sách nhắn nhủ: “Đừng để cả xã hội rủ nhau bơi trong bể tầm thường...”.

Là một nhà nghiên cứu, am hiểu uyên thâm về văn hóa Huế, một lần nữa, với việc ấn hành cuốn Nước chảy qua cầu, nhà văn Bửu Ý đã đem lại cho những người con xứ Huế, cho những ai yêu Huế, những góc nhìn mới về Huế. Cuốn sách, như chủ đích của tác giả, nhằm phác họa chân dung Huế dưới nhiều góc độ khác nhau. Chúng ta gặp ở đây những dấu hỏi muôn thuở được tác giả lý giải một cách sâu sắc, như “Người Huế, anh là ai?”. Chúng ta nhận ra tác giả đi vào lý giải Huế qua những ngọn cỏ thạch xương bồ, những chiếc áo dài, những cánh hoa, những chiêm nghiệm từ sen, từ những ngõ Huế, những nẻo đường Huế, từ di sản, từ lễ hội... Tất cả để nói đến một Huế cao và rộng, sâu và mênh mông những chất ngất trầm tích về văn hóa, về nhân tài, về đất Huế, người Huế; Là những ưu tư sự tồn tại của nó trong biến động khôn cùng của thời cuộc: Huế - đất mẹ của tôi và Người Huế - anh là ai? Chúng ta cũng gặp ở cuốn sách này một phụ lục hết sức ấn tượng. Đó là những tư liệu quý về Đại học Huế thời kỳ đầu tiên, Khoa Pháp Đại Học Sư phạm, Trường Mỹ thuật Huế qua dòng chảy thời gian. Đó là những tư liệu đặc biệt về văn hóa Huế, về thơ Huế... Trong cuốn sách này, có thể nói rằng Bửu Ý viết về Diễm xưa không chỉ viết về Diễm mà viết về Huế.

Giáo sư Thái Kim Lan cho rằng Bửu Ý là người sót lại cho Huế những gì sẽ mất. Ở Bửu Ý có sự cẩn mật, sự lễ nghi, sự nhạy cảm của Huế. Ở Bửu Ý có sự nhạy bén của tư tưởng, song không như Hoàng Phủ Ngọc Tường, không tiêu dao như Trịnh Công Sơn mà là rất giản dị. Đọc sách của Bửu Ý nhận ra giọng văn của kẻ nghiêng trời đổ đất mà lại rất đơn giản. Anh viết đơn giản từng chữ một mà rất Huế. Nhiều khi anh “dạy” chúng ta một chút - nhưng không nhiều lắm.

Nhà văn Bửu Ý trong buổi ra mắt bộ ba tác phẩm của ông


Năm 2003, nhà văn Bửu Ý đã cho xuất bản cuốn “Trịnh Công Sơn - nhạc sĩ thiên tài”. 10 năm sau ngày mất của bạn (2001 - 2011), nhà văn Bửu Ý xuất bản cuốn sách mới, Tâm tình với Trịnh Công Sơn, tập hợp những bài viết ngắn về Trịnh Công Sơn. Chúng ta bắt gặp ở đây những tư liệu rất mới về tình cảm của bạn bè, của anh em văn nghệ sĩ, của chính tác giả sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời: Đó là Điếu văn thương tiếc Trịnh Công Sơn gần như lần đầu được công bố trên sách báo; Là kịch bản đêm nhạc tưởng niệm 2 năm ngày mất Trịnh Công Sơn tháng 3/2003 tại Phòng Trà Cung Trầm, Huế; Là kịch bản chương trình ca nhạc Nối vòng tay lớn 11/2003 tại Huế. Đặc biệt, chúng ta gặp ở đây kịch bản Chân dung Trịnh Công Sơn lần đầu tiên được công bố. Kịch bản này được viết từ năm 2001, nhằm dựng thành phim, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có duyên thực hiện. Trong tập sách này, người đọc đặc biệt chú ý đến bài “Nghĩ về ca khúc Trịnh Công Sơn”. Đây có thể xem là một trong những bài viết hay nhất về ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và chúng ta có thể hỏi tác giả rằng: đây có phải là một trong những bài viết gan ruột của nhà văn Bửu Ý?

Đi qua những cánh rừng bát ngát hương hoa trí tuệ và tình thương mến của nhân loại, nhà văn Bửu Ý đã hái mang theo về những bông hoa minh triết ăm ắp suy tưởng và nỗi tình để hôm nay đưa ra cho công chúng thưởng thức.

Tính cách Huế vẫn thể hiện trong phong cách của nhà văn Bửu Ý. Trong bộ ba tập sách ấy, có bài viết từ 1963, vậy mà đọc thấy cứ như hôm qua, không lỗi thời. “Cái gì người ta có thể đùa, nhưng với mình, có một cái không đùa được, đó là viết văn”. Bởi quan niệm như thế nên dẫu khó nhọc, những cái gì nhà văn Bửu Ý viết đều không lỗi thời, đó cũng là một biểu hiện của trí tuệ và nhân cách.

Trong con người đã đi qua bảy mươi tám mùa xuân trên thế gian, những tưởng thời gian sẽ mọc rễ trong các nếp nghĩ cũ kỹ, nhưng ở Bửu Ý, cái mới luôn được ông trân trọng, đón nhận và cổ súy. Chúng ta chắc hẳn đều còn nhớ về bài nói chuyện hết sức tâm cảm và trí tuệ trong buổi ra mắt sách “Thơ Tân hình thức Việt - tiếp nhận và sáng tạo” do Tạp chí Sông Hương tổ chức tháng 8/2014. Nhà văn đã nói đến các giá trị, và đã cho rằng, những giá trị dù có đỉnh cao, có kinh điển đến độ nào đi nữa, thì rồi cũng sẽ cũ, và cái mới trong văn học nghệ thuật là điều mà sự sáng tạo luôn cần có, là cứu cánh không thể khác. Đó là một góc nhìn từ Huế rất rộng mở của ông.

Đại sứ Jean Noel Poirier trao bằng và Huân chương Cành cọ hàn lâm cho giáo sư, nhà văn, dịch giả Bửu Ý


Mới đây, chiều 4/5/2015, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam đã tổ chức trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục quốc dân Pháp cho giáo sư, nhà văn, dịch giả Bửu Ý. Đại sứ Jean Noel Poirier đã bày tỏ sự cảm phục về những đóng góp của giáo sư, nhà văn, dịch giả Bửu Ý trong các hoạt động giáo dục, văn học, văn hóa và đối với sự phát triển quan hệ hai nước Việt - Pháp nói chung và Huế với nước Pháp nói riêng.

Nhà văn Bửu Ý với vai trò như là nhân chứng của thế hệ vàng văn học nghệ thuật Huế như Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Bửu Chỉ… Với một phong thái hoàng tộc đầy biểu tượng Huế; với những hoạt động cho văn hóa Huế mà thời gian lưu truyền ca Huế là một trong những minh chứng; tất cả những gì nhà văn, nhà giáo Bửu Ý đã hiện diện, đã đóng góp cho văn hóa Huế là rất đáng trân trọng.

H.N
(SDB18/09-15)

>> Bài viết cùng chuyên mục:
 


 

 

Các bài mới
“Đi chuồn” (16/11/2015)
Các bài đã đăng
Thoáng Mỹ… (03/11/2015)
Cái hôn (19/10/2015)
Qua đò Tam Giang (14/10/2015)