Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.4-16)
Chuyên đề Ký ức Tuồng Huế
09:18 | 07/07/2016

- “Hát bội làm tội người ta/ đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con” (Ca dao).
Đã có một thời gian dài, Hát bội - Tuồng Việt Nam nói chung, Tuồng Huế nói riêng đã vô cùng quyến rũ và “làm tình làm tội” con người ta như thế. Điều đó cũng mang một thông điệp đến với thế hệ sau rằng, Tuồng mang trong nó những giá trị lớn phản ánh tâm hồn và nghệ thuật của dân tộc Việt Nam suốt hàng trăm năm.

Chuyên đề Ký ức Tuồng Huế
Ảnh: internet

Cuộc sống hiện tại cuốn toàn thể nhân loại trải bày trên một thế giới phẳng, nhiều cá thể thuộc thế hệ trẻ từ sớm đã sống trong môi trường đó, chìm ngập trong lượng thông tin xã hội không hề có chọn lọc, để mặc cho các trang mạng xã hội, các kênh truyền thông giải trí chi phối đến cả giấc mơ, không còn đủ thời gian và kiến thức để chiêm ngưỡng các giá trị nghệ thuật truyền thống, trong đó đặc biệt có Tuồng.

Cần nhắc lại ở đây những trăn trở của những người quan tâm đến Tuồng cách đây hơn 15 năm, phát biểu tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị Tuồng cung đình Huế” năm 2000: “Hiện nay, giá trị nghệ thuật cao và đậm đà bản sắc dân tộc của nghệ thuật Tuồng, đặc biệt là tuồng cổ xuất hiện ở cung đình đương gây ấn tượng sâu sắc trong nhận thức của giới trí thức văn hóa và một số cơ quan lãnh đạo văn hóa - nghệ thuật, nhận thức ấy đậm nhạt khác nhau, biểu hiện trên nhiều văn bản. Đáng tiếc là nhận thức quý báu và đúng đắn ấy chưa được biểu hiện trong công tác cụ thể. Ngược lại, thị hiếu của đông đảo người xem, người nghe, đặc biệt là giới trẻ và thị dân bình thường đương bị cuốn hút trong trào lưu ồ ạt của ca nhạc và phim ảnh hiện đại, mà đại bộ phận ít nhiều mang tính nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa. Tuồng bị đẩy ra ngoài vòng thẩm mỹ ấy.” (“Tuồng cung đình ở Cố đô Huế”, nhà nghiên cứu tuồng Hoàng Châu Ký).

- “Nếu sân khấu Huế chưa hoàn thành công cuộc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng cung đình, thì cả ngành tuồng Việt Nam bị thiệt thòi trực tiếp” (Tuồng cung đình - vài ý kiến trao đổi”, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn).

- “Nâng cao trình độ nghệ thuật của Tuồng cung đình bằng sự nghiên cứu phát triển nghiêm túc cùng với sự khổ công tập luyện của diễn viên sẽ tạo dần nhịp cầu hiểu biết giữa khán giả và người diễn. Cảm xúc và niềm say mê của giới thưởng ngoạn trong trường hợp này phải bắt đầu từ sự hiểu biết về nó. Bảo tồn và phát huy giá trị của Tuồng cung đình Huế không chỉ được khẳng định từ các công trình nghiên cứu mà phải từ việc tạo ngày một nhiều hơn khán giả hiểu nó và yêu mến nó cũng như không loại trừ triển vọng về một điểm hút của du lịch cho khách trong lẫn ngoài nước khi những điều kiện trên được thỏa mãn” (“Góp phần định hướng bảo tồn và phát huy giá trị của Tuồng cung đình Huế”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông).

Những trăn trở ấy, tiếc thay, và đáng lo ngại, là vẫn còn đúng trong thời điểm hiện nay. Sự biến mất nhanh chóng của ký ức dân tộc trong đó có Tuồng đã khiến nhiều nhà văn hóa lo âu.

Thực hiện chuyên đề “Ký ức Tuồng Huế”, những người thực hiện không muốn gì hơn, là nhắc lại giá trị của một cái tên: TUỒNG HUẾ. Sự nhắc lại này, mong là không chỉ dừng lại ở nỗi nhớ, một sự nuối tiếc, mà hy vọng sẽ có những khởi động mới trong tương lai gần. Ký ức không chỉ là nhớ lại, ký ức còn là động khởi cho một hồi sinh trong tâm tưởng về những điều tốt đẹp, từ đó thúc giục người ta hành động. Mong lắm thay.

Bởi, như những nhà lãnh đạo của đất nước đã từng nói:

- “Cho đến xã hội Cộng sản chủ nghĩa, vở tuồng Sơn Hậu và câu thơ lục bát vẫn còn nguyên giá trị của nó” (Tổng Bí thư Lê Duẩn).

- Một dân tộc đánh mất truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc, thì dân tộc ấy sẽ mất tất cả” (Thủ tướng Võ Văn Kiệt).

Tuồng Huế, trên dặm dài… - VÕ TRIỀU SƠN
Vấn đề bảo tồn sân khấu Tuồng ở Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế - TRƯƠNG TRỌNG BÌNH
Tuồng Huế và gia đình họ La - TRẦN NGUYỄN QUÂN
Đặc điểm ngữ nghĩa và bản sắc văn hóa Huế trong từ ngữ chỉ nghệ thuật Tuồng Huế - LÊ MAI PHƯƠNG
Tính năng của đàn bầu trong dàn nhạc tuồng ở Huế - HOÀNG TRỌNG CƯƠNG
Vai trò trống chiến trong sân khấu hát bộ truyền thống Huế - TRẦN ĐẠI NHẬT NHẬT
Đôi nét về việc thờ Ông Làng trong các gánh hát tuồng ở Huế - TUỆ MINH
Giới thiệu tuồng “Đông Lộ Địch”, bản Nôm sau cùng của thế kỷ 20, mới phát hiện - NGUYỄN HỮU VINH - NGUYỄN VĂN SÂM
Tuồng Đông Lộ Địch biểu diễn ở châu Âu - TỪ MỘNG QUÂN


BBT  
(SHSDB20/04-2016)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng