Giá sách Sông Hương
Văn chương Việt Nam đương đại
Chuyên đề: Văn học Việt Nam đương đại - giới hạn và khả năng vượt thoát, từ một vài góc nhìn
10:16 | 17/08/2016
Chuyên đề: Văn học Việt Nam đương đại - giới hạn và khả năng vượt thoát, từ một vài góc nhìn
Ảnh: internet

Những thành tựu mà văn học đương đại Việt Nam đã có trong những thập niên qua là rất to lớn. Nhưng bên cạnh những thành tựu đó, nền văn học của chúng ta vẫn đang tồn tại nhiều giới hạn. Những giới hạn đó đến từ tư duy, phương pháp sáng tạo, từ những cản trở của căn tính tộc người, từ những định chế của văn hóa... Nhìn thẳng vào giới hạn chính là một trong những cách thức để vượt qua những giới hạn.

Sông Hương số này, qua một vài góc nhìn sẽ bước đầu giới thiệu đến quý bạn đọc các tiểu luận bàn về những giới hạn mà nền lý luận, phê bình cũng như thực tiễn sáng tác văn học đương đại đang gặp phải. Trong tiểu luận “Nhìn vào những giới hạn” Nguyễn Thanh Tâm đã chỉ ra giới hạn đến từ chủ quan và khách quan của văn học. Không né tránh, nhìn thẳng vào những giới hạn. Tiểu luận “Ý thức đa ngữ trong văn học Việt Nam thời toàn cầu hóa” của Nguyễn Văn Thuấn; “Nhìn lại kiểu tác giả tự ý thức của văn học đổi mới: Trường hợp Nguyễn Huy Thiệp” của Mai Anh Tuấn là những phân tích, nhận định về sự thay đổi của thế giới khách quan tác động vào tâm thế sáng tác của nhà văn đương đại.

Trong tiểu luận “Những giới hạn của phê bình văn học hiện nay”, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy cho rằng: “Nếu làm một nhát cắt đồng đại, thì có thể thấy phê bình văn học hiện nay tồn tại cùng lúc cả ba hệ hình tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại. Sự đồng tồn này chẳng những làm rối loạn các giá trị, mà còn cản trở phát triển của văn học qua sự thay đổi hệ hình.” Xu hướng liên ngành mà Đỗ Lai Thúy gợi mở ở cuối tiểu luận chính là một trong những con đường giúp cho nền phê bình văn học có màu sắc tươi sáng hơn. Tiểu luận: “Lý luận văn học sau 1975 - Những giới hạn và sự hòa/hóa giải giới hạn” của Phan Tuấn Anh đã chỉ ra những giới hạn của nguyên lý phản ánh luận, những giới hạn của trào lưu, phương pháp sáng tác và nguyên lý lý luận văn học, những giới hạn của cộng đồng diễn giải.

Hai truyện ngắn: “Những mùa sương xám lạnh” của Trần Băng Khuê; “Mê cung” của Đinh Phương là những dấu hiệu về sự chuyển biến trong tư duy sáng tác của các nhà văn trẻ. Ít nhất ở đây, nhà văn đã bắt đầu ý thức được sự quan trọng của lối viết, của ngôn ngữ và của cấu trúc tác phẩm. Về thơ là sự góp mặt của các tác giả: Huỳnh Minh Tâm, Ng.h. Dao Trì, Trần Võ Thành Văn, Trần Quốc Toàn, Lê Vi Thủy, Pháp Hoan.

Trân trọng giới thiệu.

SÔNG HƯƠNG  
(TCSH329/07-2016)




 

Các bài đã đăng