Giá sách Sông Hương
40 năm ngày mất NGÔ KHA
Bản lĩnh người thầy
16:07 | 29/01/2013
Bản lĩnh người thầy

LÊ VĂN LÂN

Bản lĩnh người thầy


Trong phong trào đô thị miền Nam, Ngô Kha là một chân dung đặc biệt. Bạn bè, đồng nghiệp quý mến và cảm phục anh. Các thế hệ học sinh ở Huế kính trọng và thương yêu anh. Kẻ thù cũng nể phục anh. Và ngay cả những người không quen biết anh cũng nhìn anh qua hình ảnh một trí thức lớn yêu nước, dấn thân quyết liệt, rạch ròi, không khoan nhượng. Không có chiến thắng nào là không có sự trả giá. Ở Huế, cái giá đó vận vào anh: Mỹ ngụy thất bại nặng nề trên chiến trường, buộc phải ký Hiệp định Paris - và cái giá phải trả: địch bắt và thủ tiêu anh. Mới đó, anh đã xa rời chúng tôi tròn 40 năm.

Một nhân cách lớn

Là lứa sinh viên đầu tiên của Đại học Huế, anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm và cử nhân Luật Đại học Luật khoa Huế. Với vốn liếng tri thức và học vị của mình, tương lai đến với anh là con đường rộng mở, nhiều người cùng thế hệ anh nhìn anh như một niềm mơ ước. Nhưng anh đã không đi trên con đường đó, con đường dành cho những quan chức mẫn cán trung thành với chế độ, con đường của vinh hoa phú quý. Thời của anh là thời của những biến cố quan trọng của đất nước với bối cảnh chính trị phức tạp, hào hùng và đau thương của lịch sử. Với trách nhiệm của kẻ sĩ trước vận mệnh của đất nước với sự lựa chọn nghiệt ngã: kẻ thù muốn trí thức ngủ yên, phục tùng thì anh phản kháng; kẻ thù muốn tuổi trẻ phải cúi đầu, khuất phục thì anh dạy học trò mình lẽ sống. Anh trưởng thành cùng phong trào đô thị Huế và thực sự là một người hành động, dấn thân quyết liệt, không khoan nhượng. Anh dạy học, làm thơ, viết chính luận, làm báo… Càng về sau càng tỏ rõ quan điểm của mình, anh đã cùng học sinh, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam ủng hộ tuyên bố 7 điểm của Chính phủ Cách ma- ng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hội nghị Paris, sự kiện chấn động chính trường miền Nam thời đó.

Có lẽ trong cuộc đời oanh liệt của mình, vị trí chiến đấu và gần như định mệnh đối với anh, đó chính là mặt trận đường phố và bục giảng, tuy hai mà một. Ngô Kha là giáo sư Công dân và Việt văn nổi tiếng ở Huế. Học hành nghiêm chỉnh, có tài hùng biện, khí phách hiên ngang, lý luận sắc sảo; thay vì giảng bài theo giáo án, giờ học của anh là những buổi nghe anh đọc thơ, bình luận thời sự, là những cuộc đối thoại sinh động về ý thức công dân, về sự dấn thân của tuổi trẻ và trí thức qua chính đời sống của anh, của bạn bè đồng chí anh. Từ trên bục giảng, anh truyền lửa vào các thế hệ học sinh thời đó về tình tự dân tộc, về nền dân chủ, về trách nhiệm công dân khi đất nước bị xâm lăng, về trách nhiệm của kẻ sĩ trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan. Bằng sự say sưa và tâm huyết của mình, giờ học của anh bao giờ cũng hấp dẫn học sinh. Anh xử sự với học sinh như bạn bè, đồng chí; ai ai cũng thấy gần gũi anh, xem anh như người anh lớn để tâm sự, giãi bày; khoảng cách thầy trò được thu hẹp. Học sinh tìm đến anh như để hiểu rõ lẽ sống của mình, sống sao cho đáng sống. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi những học trò của anh đối với anh đều vừa kính trọng vừa thương yêu, vừa sợ vừa cảm phục.

Từ những buổi học của anh, từ những tiếp xúc cùng anh, nhiều học sinh, sinh viên thời đó đã đến với phong trào đô thị, tham gia biểu tình tuyệt thực chống Mỹ xâm lược và tay sai, chống văn hóa nô dịch, đòi hòa bình, dân chủ dân sinh… như một điều hết sức tự nhiên, việc cần làm của tuổi trẻ có trách nhiệm. Điều mà sinh viên học sinh thời đó kính trọng anh hơn bởi vì anh không chỉ nói mà còn thể hiện bằng hành động. Là người “đứng mũi chịu sào” trong các cuộc xuống đường, biểu tình anh đi đầu, bị địch bắt anh luôn hiên ngang, không sợ hãi, không lùi bước. Trong tù anh tranh luận hùng hồn với đám ngụy quyền, mật vụ, biến nhà tù thành bục giảng, cổ vũ những người bị địch bắt. Kẻ thù cũng kiêng nể và kính trọng anh.

Ngô Kha dạy nhiều trường: Hàm Nghi, Quốc Học, Nguyễn Du, Hưng Đạo… Nơi nào anh dạy thì ở đó phong trào đấu tranh của học sinh phát triển mạnh mẽ. Cùng với Tổng hội Sinh viên Huế tại 22 Trương Định, các trường anh dạy đều là nơi phát khởi các cuộc đấu tranh ở Huế. Và có thể nói, các cán bộ cốt cán phong trào đô thị Huế những năm 1970 phần lớn đều là học trò anh. Từ bục giảng, cách mạng đã ghi công anh. Anh đã được nhà nước truy tặng liệt sĩ. Từ bục giảng, thành phố đã ghi nhận những cống hiến to lớn của anh: Huế đã có một con đường mang tên Ngô Kha, một trường học mang tên Ngô Kha, một quỹ học bổng mang tên Ngô Kha cho học sinh nghèo thành phố vượt khó. Thành đoàn Huế lấy ngày địch bắt và thủ tiêu anh 25/12 âm lịch làm ngày họp mặt phong trào đô thị Huế để tưởng nhớ anh và những anh em trong phong trào đã mất. Ngôi nhà anh ở Thế Lại Thượng là địa chỉ đỏ của học sinh các trường chung quanh và là nơi anh em phong trào đô thị tổ chức giỗ anh. Và nếu có thiếu chăng là ở Khe Sanh nên có một tượng đài khắc những câu thơ tiên tri của anh: “Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/ Một thị trấn yêu kiều qua ngã Làng Vây”.

Có người tự hỏi nếu bây giờ còn sống anh Ngô Kha sẽ như thế nào? Định mệnh đã gắn cuộc đời anh với bục giảng, ở đâu với anh kể cả trong tù, trong các cuộc tranh luận anh đều biến thành bục giảng, và thái độ của anh là thái độ của một trí thức chân chính.

Chỗ đứng của Ngô Kha

Trong phong trào đô thị Huế, Ngô Kha xuất hiện như một ngọn cờ, nhưng anh đứng ở đâu để dương cao ngọn cờ đó?
Từ việc tham gia nhóm “Quán bạn” đến việc thành lập nhóm trí thức đấu tranh Tự Quyết, thành lập một mặt trận văn hóa dân tôc miền Trung. Có mặt trên các mặt trận đấu tranh của trí thức, sinh viên học sinh Huế, từ đòi hòa bình, dân chủ, chống văn hóa nô dịch… đến công khai ủng hộ lập trường 7 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hội nghị Paris. Thì chỗ đứng mà anh lựa chọn là rõ ràng và dứt khoát.

Tôi còn nhớ thời đó, báo chí Sài Gòn khi phản ánh các cuộc xuống đường ở Huế đều gọi anh là giáo sư “ thiên tả”. Tôi cảm thấy anh rất thú vị khi được gọi như thế. Một lần khác, khi nghe tin trung tá Phạm Văn Đính, trung đoàn trưởng trung đoàn 56 (ngụy) ra hàng ở Quảng Trị, anh bật nói: Tay nầy làm thế là đúng, giai đoạn nầy là giai đoạn “Bỏ ngũ - Phản chiến - Binh biến - Khởi nghĩa”. Sau nầy tôi mới biết: “Bỏ ngũ - Phản chiến - Binh biến - Khởi nghĩa” là khẩu hiệu hành động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Tôi còn nhớ như in mùa hè đỏ lửa 1972 quân ta chiếm Quảng Trị, ở Huế địch mở chiến dịch “Bình minh” truy lùng bắt bớ những người yêu nước. Tôi cùng anh trốn ở nhà bà Huyện (mẹ anh Thái Nguyên Hạnh) ở đường Bạch Đằng. Anh bộc bạch trải lòng cùng tôi: anh muốn gặp tổ chức và lên rừng. Tiếc rằng lúc đó chiến sự nổ ra khắp nơi, địch khủng bố khắp nơi, các đường dây về Huế đều bị tắc. Sau đó anh và tôi cùng rời Huế với hình ảnh thật cảm động: anh mua chịu một tạ gạo nhờ người chở về cho mẹ ở Thế Lại Thượng.

Nhưng chính hoạt động sôi nổi và quyết liệt của anh, tương xứng với danh xưng “giáo sư thiên tả” mà báo chí Sài Gòn phong cho anh, anh em thời đó có người tỏ ra nghi ngờ, anh rất buồn. Và chính kẻ thù cũng khai thác mặt nầy để cô lập và vô hiệu hóa anh. Còn nhớ trong chiến dịch “Bình minh”, sau một thời gian tạm lắng, anh trở về bục giảng và kẻ thù tương kế tựu kế không bắt anh. Từ trong tù ra tôi đến thăm anh. Anh rất mừng. Có lẽ đây là những khoảng thời gian anh đau đớn và dằn vặt nhất.

Nhưng Ngô Kha vẫn là Ngô Kha. Lời anh nói, việc anh làm là rõ ràng, minh bạch. Anh luôn là biểu tượng thách đố với Mỹ ngụy. Sống hết mình và đi đến tận cùng con đường đã chọn, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Anh để lại trong lòng người dân Huế bao cảm phục và kính mến.

L.V.L
(SH287/01-13)






 

Các bài đã đăng