Giá sách Sông Hương
60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Báng súng và cây đàn
18:54 | 07/05/2014

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
                          Bút ký

Tháng ba hoa ban nở khắp núi rừng Tây Bắc, nở riết róng như lan truyền câu chuyện trong gió về những huyền thoại, đi giữa triền đèo, hoa ban thả những cánh trắng muốt ngay trên chiếc mũ tai bèo kẻ hành hương về miền đất thánh Điện Biên, như một cử chỉ đón chào vui vẻ và thân ái.

Báng súng và cây đàn
Minh họa: Nhím

Rồi kẻ hành hương là tôi chợt nhận ra không chỉ hoa ban, các loài hoa khác như hoa trỗi, hoa xoan, hoa phong lan, hoa giấy… cũng nở rộ, vẫy tay từ trên các khóm nhà nằm dọc lưng đèo.

Và cho đến khi lên Đồi A1 oai danh, tôi nhận ra Điện Biên còn một loài cây khác nữa, cũng rất đặc trưng cho lịch sử Điện Biên, cho lịch sử Việt Nam, đó là cây gỗ tếch.

Ở Đồi A1 huyền thoại của Điện Biên Phủ, tếch mọc thành rừng, phủ bóng mát cho khách tham quan từ chân cho đến đỉnh đồi. Thấy tôi ngơ ngẩn trước rừng tếch cây nào cũng cao lớn, thân thẳng như những chàng dũng sĩ, những chiếc lá xòe ra vạm vỡ, cô gái thuyết minh nói nhỏ: “Đây là rừng gỗ tếch đó anh, gỗ của nó được dùng làm báng súng và làm đàn”.

Tếch là loài cây gỗ rụng lá có nguồn gốc ở Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, dần dần được trồng hầu khắp các vùng nhiệt đới, từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sang đến châu Phi, châu Mỹ. Ở Việt Nam, vùng trồng tếch đầu tiên là Đồng Nai, cách đây hơn 100 năm. Sau đó tếch được trồng ở Điện Biên cũng trên 70 năm. Đặt chân vào Việt Nam, tếch được người trồng gọi tên theo âm tiếng Pháp là “teck”. Sau đó, dần dần nó có thêm tên giá tỵ và báng súng do gỗ được dùng làm báng súng…

Lời giới thiệu ấy khiến tôi sững người, bởi chính cây gỗ tếch này, lại đã như cây tre Việt Nam. Thời thiên hạ thái bình, những cây tre, cây nứa được cha ông ta dùng làm sáo, làm đàn bầu, làm đàn tơ rưng, làm khèn; nhưng khi có giặc ngoại xâm, tre nứa là ngọn lao, là cây chông, là chiếc nỏ, là cái bẫy chông găm thẳng vào tim óc tham lam của quân thù. Không chỉ thế, khi kẻ thù đã quy hàng, tre nứa cũng đã lại đan thuyền cho kẻ thất trận trở về nhà, như lời “Cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi: “Muốn đi bộ thì ta cho ngựa, muốn đi thủy thì ta cho thuyền”… Đó chính là minh triết sống đầy nhân nghĩa của nhân dân Việt Nam, mà kẻ thù bao phen vì lòng tham làm mờ mắt đã không thấu hiểu, để rồi gây nên bao cuộc chiến tranh… Ngày xưa, bao nhiêu vị vua sau cuộc hành quân giữ cõi, khi thắng trận trở về, gác kiếm trị bình đều có thơ để nói hộ chí mình, như câu thơ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông sau khi chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288, là một: “Xã tắc đôi phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng”…

Thời chiến, gỗ tếch được đẽo làm báng súng, thời bình, nó được dùng làm đàn, đó như là lẽ tự nhiên của một dân tộc giàu lòng yêu nước, giàu nghĩa nhân, yêu chuộng hòa bình và yêu lời ca tiếng hát như dân tộc Việt. Những vũ khí tự chế của quân ta thời trước, thế nào cũng đã từng dùng đến cây gỗ tếch này, và những cây đàn trên vai chiến sĩ qua muôn nẻo đường Điện Biên năm xưa, chắc hẳn cũng nhiều cây được làm từ gỗ tếch.

Tôi vẫn hy vọng thời khắc xa xưa đó, khi tướng De Castries giơ tay đầu hàng tại Điện Biên Phủ, đã nhớ đến hình ảnh cây gỗ tếch trên Đồi A1, như một biểu trưng khác của minh triết Việt Nam bên cạnh cây tre Việt Nam. Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra, vì cây gỗ tếch chỉ mới trồng ở Đồi A1 sau này. Cũng như lúc đó, tướng De Castries vẫn chưa học hết lịch sử Việt Nam. Nếu vị tướng này cũng như Chính phủ nước Pháp hồi đó nghiên cứu kỹ lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam, cũng như minh triết sống của người dân Việt Nam, hẳn mọi thứ sẽ khác đi. Người Pháp lúc đó sẽ rời Việt Nam trong tư thế của một quốc gia văn minh yêu chuộng hòa bình chứ không phải một kẻ thất trận nhục nhã ở Điện Biên Phủ mà sáu mươi năm sau, và chắc chắn nghìn năm sau nữa, mãi mãi lịch sử vẫn sẽ còn nhắc đến.

*

Trong rừng gỗ tếch trên Đồi A1, tôi gặp Dũng, một giáo viên ở Điện Biên Phủ. Dũng nói ông nội anh là một chiến sĩ Điện Biên. Khi anh còn nhỏ, ông nội đã từng bồng anh để lên giàn xe đạp chở anh đi thăm khắp các địa chỉ lừng danh ở Điện Biên Phủ: A1, Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm Tướng De Castries… Anh nói anh còn nhớ rất rõ khi lên Đồi A1, ông nội anh đã chỉ tay vào rừng gỗ tếch này và nói rằng, từ nay, rừng gỗ này sẽ được làm những cây đàn hơn là làm báng súng. Một ký ức khôi hài là cậu bé Dũng hồi đó, khi nhìn thấy cái hố lớn trên Đồi A1 đã ngạc nhiên, sao người ta lại đào cái ao ở đó? Ông nội cười, không phải là cái ao đào đâu, đó là dấu tích của một trận bộc phá mở màn cho trận đánh Điện Biên Phủ lừng danh.

Có một câu chuyện được ông nội Dũng kể lại, sau này được một số sách báo nhắc đến, đó là chiến công thầm lặng của chiến sĩ tay cụt Hà Văn Nọa. Sở dĩ Hà Văn Nọa có tên như vậy bởi ông đã mất cánh tay phải trong chiến dịch Biên Giới trước đó. 17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân ta nổ súng tấn công trung tâm ổ đề kháng Him Lam. Đáng ra cuộc tấn công ấy đã bắt đầu từ ngày 11 tháng 3. Và nếu cuộc tấn công nổ ra lúc ấy, thì diễn biến chiến trường Điện Biên Phủ đã rất khác, sẽ kéo dài hơn và quân ta nếu có chiến thắng thì thương vong sẽ nhiều hơn. Việc hoãn trận đánh lại có liên quan đến sự phát hiện ra sai sót của quân ta trong quá trình điều nghiên chuẩn bị tấn công. Người phát hiện ra sai sót này là Hà Văn Nọa, Đại đội trưởng Đại đội 243, tiểu đoàn 11, trung đoàn 141. Theo Hà Văn Nọa, nếu đánh theo phương án cũ, tiểu đoàn 11 và tiểu đoàn 428 của ta sẽ dễ bắn nhầm lẫn nhau ngay tại cứ điểm C2 mạnh nhất của địch. Anh đã thuyết phục cấp trên hoãn trận đánh 48 tiếng đồng hồ để trinh sát lại. Quả nhiên, sau khi điều nghiên trở lại, phương án tác chiến mới được đề ra và quân ta đã xé toang trung tâm phòng ngự Him Lam. Về sau, trong đợt 2 của chiến dịch, Đại đội trưởng Hà Văn Nọa đã dũng cảm thọc sâu đánh vào tiểu đoàn dù ngụy số 5 khiến địch bỏ cả trận địa pháo tháo chạy tán loạn, và Hà Văn Nọa đã hy sinh. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc đến gương chiến công thọc sâu của tiểu đoàn 11, dám vào “hang hùm nọc rắn”. Ông có lẽ là người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ được tuyên dương muộn mằn nhất, vào tháng 12/2004. Câu nói cuối cùng ông báo cáo với chỉ huy vào lúc 10h sáng, tiếng còn, tiếng mất qua máy bộ đàm là: "Báo cáo tiểu đoàn, lực lượng chúng tôi còn lại một tiểu đội, đạn hết, xe tăng địch đang đến gần, chúng tôi vẫn kiên quyết...".

Bên cạnh sự gan dạ, đó còn là một bản lĩnh trí tuệ của người lính.

Những con người dũng cảm thầm lặng ấy đã góp phần lớn làm nên vóc dáng đồ sộ của chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

*

Và bao nhiêu tâm hồn khác cũng đã góp phần làm nên một Điện Biên Phủ hùng tráng, bằng một tâm hồn thi ca rất đỗi lạ lùng của dân tộc Việt Nam. Điện Biên Phủ đâu chỉ có báng súng, Điện Biên Phủ còn có những cây đàn với những tâm hồn đồng điệu.

Trong những ngày này, ở nước Pháp đang xuất hiện một cuốn sách với nhiều hình ảnh rất lạ về Điện Biên Phủ. Không phải là những hình ảnh chiến trường đạn bom mà là những hình ảnh sinh hoạt của chiến sĩ Việt Nam ở Điện Biên Phủ rất đời thường. Cuốn sách do Laurent Colin giới thiệu, có đầu đề là: “Mai Văn Hiến, một nghệ sĩ trong kháng chiến”. Theo cuốn sách này, họa sĩ Mai Văn Hiến, cựu sinh viên trường Mỹ thuật Hà Nội thời Pháp, đã cùng Nguyễn Sáng là những họa sĩ có mặt giữa lòng chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong những ký họa của Mai Văn Hiến, một khuôn mặt khác của chiến trường được khắc họa, người nghệ sĩ cùng các chiến sĩ không phải đương đầu với bom đạn giặc thù mà là với đủ loại bệnh tật, sốt rét, vắt rừng... Những phác thảo đó, ghi nhanh trên đủ thứ giấy bằng bút chì, bút mực, sau đó tô thêm màu tự tạo rất lạ lùng: màu xanh lục chiết ra từ lá cây, màu nâu bằng loại đá tìm được ở dòng suối Điện Biên rồi nghiền ra, màu đen là thuốc nhuộm. Họa sĩ dùng cả thuốc men xin được như dùng methylen để có màu xanh, thuốc ký ninh để có màu vàng, và thuốc đỏ sát trùng vết thương để có màu đỏ... Ông vẽ cảnh sinh hoạt của những người chiến sĩ vô danh, nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn ra đi ngay sau khi được ông vừa ký họa. Những bức tranh ấy khá nên thơ bên cạnh cảnh dầu sôi lửa bỏng của chiến trường, lạ thay, cứ lay động mỗi một người xem hôm nay. Tôi đặc biệt chú ý một ký họa trên nền giấy ngả vàng, cảnh một tiểu đội đang hội ý giữa cánh rừng, và đó như là rừng cây gỗ tếch… Lạ lùng chưa?

Nhắc đến họa sĩ Nguyễn Sáng, phải nhắc đến “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, đây là tác phẩm hội họa được đánh giá cao nhất về kỹ thuật sơn mài truyền thống, được công nhận là bảo vật quốc gia. Tranh dựng lại một thời khắc hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên Phủ ngay tại chiến trường. Những nhân vật trong đó, có chiến sĩ trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay, có chiến sĩ đang dìu đồng đội bị thương. Phía xa là một chiến sĩ như đang tiếp tục cuộc hành quân ra trận. Cái bắt tay của những nhân vật chính chứa chan tình đồng chí và cũng chứa đầy vinh quang và trách nhiệm của người đảng viên vừa được kết nạp Đảng tại chiến trường. Đó thật sự là một tác phẩm đẹp và đậm chất sử thi…

Nhiều họa sĩ tài danh của Việt Nam cũng đã đến và hy sinh giữa lòng cuộc chiến. Tôi còn nhớ, năm 1954, họa sĩ Tô Ngọc Vân cũng đã đến Điện Biên Phủ. Ông đã ký họa nhiều hình ảnh bộ đội và dân công, họa sĩ vẫn tin rằng trận quyết chiến ở lòng chảo Mường Thanh là cơ hội để ông hiểu được nhân vật chính của thời đại - những người lính Cụ Hồ, để sau đó, có thể vinh danh người lính bằng tranh. Về sau, trong một trận bom của Pháp, Tô Ngọc Vân hy sinh dưới chân đèo Lũng Lô, để lại cho hậu thế rất nhiều phác thảo tài hoa trong niềm tiếc nuối vô bờ… Hàng trăm bức ký họa đi theo kháng chiến của Tô Ngọc Vân vẫn còn đến hôm nay, ít nhất là trong một cuốn sách có nhan đề “Tô Ngọc Vân - Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906 - 1954”. Những ký họa di cảo có thể cho ta hình dung về một giấc mộng dang dở của danh họa được xây bằng bút sắt, bút chì và cuốn sổ tay...

Có một câu chuyện theo tôi là hết sức lạ lùng trong lịch sử chiến tranh thế giới. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đại đội “bộ binh pháo” 56 của ta đã tham gia 31 ngày đêm đánh, giữ Đồi C1. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, ta và địch giằng co nhau từng tấc đất trên đồi. Kết thúc chiến dịch, quân số của đại đội hy sinh rất nhiều, 6 cán bộ chỉ huy chỉ còn lại 2. Giữa các trận đấu ác liệt đó, là những giây phút vắng lạnh đến ghê người. Nhưng vào những lúc ngơi tiếng súng đó, những người lính của đại đội 56 đã dùng những cây kèn bé nhỏ tấu lên những bản hùng ca cách mạng. Quân địch cách đó chỉ vài chục mét cũng dỏng tai nghe tiếng nhạc thoát lên giữa mịt mù khói lửa.

Sau đó, quân Pháp đã thất thủ Đồi C1, tôi nghĩ chắc chắn những tiếng kèn của người lính Việt Nam đã góp phần vào chiến thắng quan trọng, bởi tiếng nhạc ấy đã thúc giục đội quân chính nghĩa đầy can trường và khát vọng độc lập, tự do của chúng ta tiến lên.

*

Và vị nhạc trưởng của bản anh hùng ca lừng lẫy năm châu: chiến thắng Điện Biên Phủ, chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người được Bác Hồ trao trọng trách: “Tổng tư lệnh ra mặt trận - tướng quân tại ngoại”. Đại tướng cũng chính là một nghệ sĩ lớn trong nghệ thuật quân sự. Thực hiện lời căn dặn của Bác: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Sau một đêm nghĩ suy nghiền ngẫm để đi đến một quyết định khó nhất trong đời chỉ huy của mình, người nghệ sĩ vĩ đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định phương châm “đánh chắc, thắng chắc” thay cho “đánh nhanh, thắng nhanh”. Và ra lệnh, kéo pháo trở ra trên toàn bộ mặt trận.

Đó là giây phút mà tiếng vĩ cầm đã bắt đầu lên cao trào, cho một hùng ca thắng trận trào dâng không lâu sau đó, khiến toàn thế giới phải nghiêng mình…

Một lẽ rất đơn giản, người Đại tướng của nhân dân, cũng là người nghệ sĩ vì nhân dân, Con Người đó đã bao phen nghẹn ngào lau nước mắt khi nghe tin chiến sĩ của mình hy sinh, Con Người đó thừa trí tuệ và bản lĩnh để biết rằng chính những quyết định của mình, mới đem lại số phận cho đất nước, cho dân tộc của mình.

*

Rời khỏi Đồi A1, tôi lặng lẽ nhặt một chiếc lá cây gỗ tếch mang về. Khi về đến nhà, tôi sẽ tặng cho đứa con của tôi chiếc lá ấy, và nói với nó: Ở đất nước Việt Nam của mình, cây tre và cây gỗ tếch đã làm nên và gắn chặt với những huyền thoại, nhưng không chỉ cây tre hay cây gỗ tếch mới khi cần thì hóa thân thành báng súng, để thái bình hóa thành cây đàn muôn điệu. Bởi ngay cả cọng cỏ thôi, cũng biết làm điều đó, khi cần…

Huế, 30/4/2014
H.Đ.T.N
(SH303/05-14)

>>

Chủ Tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch Điện Biên Phủ - PHAN SỸ PHÚC

Giữa mùa hoa ban lên thăm Điện Biên - NGUYỄN QUANG HÀ

Võ Nguyên Giáp - Nelson Mandela: Người kích hoạt nhân tâm - NGÔ MINH

Trên rừng ban mây trắng vĩnh hằng - NHỤY NGUYÊN

Chiến địa xanh - LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

“Còn mãi với mùa thu” - một ca khúc trữ tình về vị tướng già - PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO

Trang thơ Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Ngô Minh - Hồ Thế Hà - Lê Tấn Quỳnh - Nguyễn Hưng Hải

Mường Phăng - Điện Biên - Nhạc và lời: LÊ PHÙNG

Đôi mắt Điện Biên - Nhạc: LÊ ANH/Thơ:  DU AN






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chiến địa hoa (05/05/2014)