Giá sách Sông Hương
Phê bình Nữ quyền
Chuyên đề: Phê bình nữ quyền
14:55 | 30/10/2015
Chuyên đề: Phê bình nữ quyền
"Mẫu tử" - tranh của HS Nguyễn Đăng Sơn

Việc giới thiệu các trào lưu sáng tác cũng như những hệ thống lý thuyết phê bình vào nền văn học Việt Nam là một điều hết sức quan trọng. Vì thế, những năm vừa qua, chúng tôi đã nỗ lực giới thiệu một số trào lưu sáng tác và các hệ thống lý thuyết văn học như: Hình thức luận của Nga (Formalism); Cấu trúc luận (Structur- alism); Phân tâm học (Psychoanalysis); Chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism), v.v. Tiếp nối dòng mạch đó, kỳ này, Sông Hương bước đầu xin giới thiệu đến quý bạn đọc một số bài viết liên quan đến Phê bình nữ quyền luận (Feminism).

Phê bình nữ quyền ra đời và thịnh hành từ thập niên 1960 ở phương Tây. Nó khởi đi từ khi người ta bắt đầu đặt lại vấn đề về những áp chế của văn hóa phụ hệ đã gây ra nhiều tổn thất về vai trò, vị trí của nữ giới trong xã hội, đặc biệt là trong văn học nghệ thuật. Từ lúc ra đời cho tới nay, Phê bình nữ quyền đã có sự tác động to lớn đối với nhận thức của xã hội về vai trò của người phụ nữ. Với tư cách là một hệ thống lý thuyết khoa học, Phê bình nữ quyền đã được nghiên cứu trên một quy mô rộng lớn trong giới học thuật và cả trong hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới.

Khi thực hiện chuyên đề này, chúng tôi đã nhận được rất nhiều bài vở tham gia cộng tác của nhiều nhà nghiên cứu trên cả nước, tuy nhiên, với lượng trang có hạn của một tạp chí, chúng tôi buộc phải chia làm nhiều kỳ. Kỳ này, với tiểu luận
“Người viết nữ, giới tính và trang giấy trắng”, bạn đọc sẽ được đến với những kiến giải của Đoàn Huyền về những rào cản, những giới hạn và những nỗ lực vượt thoát của nhà văn nữ Việt. Với Đoàn Huyền thì “người viết nữ Việt Nam, sự viết phần lớn bị vây khốn trong giới hạn phái tính…”. Bài viết “Lý thuyết và phê bình nữ quyền (từ 1900 đến nay)” của Chris Weedon đem đến cho chúng ta một cái nhìn tổng quan nhưng hết sức cụ thể về sự biến dịch và những khuynh hướng chính của Phê bình nữ quyền qua những giai đoạn khác nhau. “Những khúc quành của văn học nữ Việt Nam đương đại” của Đoàn Ánh Dương lại đưa người đọc đi sâu khám phá thế giới sáng tạo của các nhà văn nữ, những khuynh hướng vận động trong tâm thức nữ giới, những nỗ lực khai phá và vượt thoát khỏi những áp chế của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại…

Để nhìn nhận rõ hơn về tâm thức sáng tạo của người viết nữ và những khám phá của họ trong nghệ thuật văn chương, chúng tôi xin mời bạn đọc đi vào thế giới của hai nhà văn nữ qua hai truyện ngắn:
“Người khâu vụn mình” của Lâm Hạ và “Xưng tội” của Trần Băng Khuê. Đây là hai tác giả nữ đầy năng lượng, có ý thức vượt lên khỏi sự khuôn sáo và tính tiểu nông thường thấy. Truyện ngắn của họ có những tín hiệu cho những nhà văn đi đường xa như: làm chủ lối viết, truyện mạnh về ý tưởng, ngôn ngữ tinh tế, bút pháp vững vàng, khả năng liên tưởng rộng lớn. Về thơ có các tác giả: Đinh Thị Như Thúy, Đông Hà, Bạch Diệp, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Nguyễn Phan Quế Mai, Vi Thùy Linh, Mai Diệp Văn, Chiêu Anh Nguyễn, Du Nguyên, Trần Hồ Thúy Hằng, Hạnh Ngộ là những tiếng nói đa thanh của người viết nữ trong xã hội có nhiều bung vỡ hiện nay.

SÔNG HƯƠNG  




 

Các bài đã đăng
Xưng tội (20/10/2015)